Quyết định 1055/QĐ-TTg năm 2002 phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp tàu thủy Việt Nam đến năm 2010 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 1055/QĐ-TTg
Ngày ban hành 11/11/2002
Ngày có hiệu lực 26/11/2002
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1055/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 11 tháng 11 năm 2002

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN NGÀNH CÔNG NGHIỆP TÀU THỦY VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2010

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Xét đề án quy hoạch tổng thể phát triển mạng lưới công nghiệp tàu thủy Việt Nam đến năm 2010 (kèm theo tờ trình số 3595/GTVT-KHĐT ngày 01 tháng 10 năm 2002 của Bộ Giao thông vận tải);

Căn cứ ý kiến của các Bộ, ngành tại cuộc họp ngày 04 tháng 10 năm 2002,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp tàu thủy Việt Nam đến năm 2010 với các nội dung chủ yếu sau:

1. Mục tiêu phát triển quy hoạch:

a) Xây dựng, phát triển ngành công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam (bao gồm mạng lưới các nhà máy đóng, sửa chữa tàu thủy và công nghiệp phụ trợ) đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội đất nước, củng cố an ninh, quốc phòng; đồng thời đáp ứng được yêu cầu phát triển, đổi mới cơ cấu đội tàu quốc gia và có sản phẩm tàu thủy xuất khẩu ra nước ngoài. Phấn đấu đến năm 2010 đưa Việt Nam trở thành một quốc gia có nền công nghiệp tàu thủy phát triển vào loại trung bình tiên tiến trong khu vực.

b) Từng bước nâng cao chất lượng đóng mới và sửa chữa tàu biển, đồng thời chú trọng sản xuất các loại vật tư, thiết bị tàu thủy để tới năm 2010 đạt tỷ lệ nội địa hóa tới 60% đối với các sản phẩm tàu biển đóng mới.

c) Nâng cao năng lực đóng mới, trong đó tập trung xây dựng mới một số nhà máy trọng điểm đóng và sửa chữa tàu lớn từ 30.000 đến 100.000 DWT, có sức cạnh tranh trên thị trường khu vực.

d) Tập trung phát triển và hoàn thiện cơ sở vật chất, đổi mới quá trình đào tạo - nghiên cứu thiết kế, phấn đấu đến năm 2010 ngành công nghiệp tàu thủy Việt Nam chủ động được về mặt kỹ thuật từ khâu thiết kế, đăng kiểm đến đóng mới đối với loại tàu chở hàng có trọng tải đến 50.000 DWT.

2. Quan điểm phát triển quy hoạch:

a) Phát huy nội lực là chính, huy động mọi nguồn vốn để phát triển đồng bộ ngành công nghiệp tàu thủy Việt Nam.

b) Ưu tiên cải tạo, nâng cấp, mở rộng và đầu tư chiều sâu các cơ sở hiện có để đảm bảo khai thác có hiệu quả cao.

c) Nhanh chóng đổi mới công nghệ, thiết bị hiện có; nâng cao khả năng ứng dụng và tiếp nhận công nghệ tiên tiến, đại đặc biệt đối với các nhà máy trọng điểm được xây dựng mới. Trong đầu tư phải đảm bảo tính chuyên môn hóa cao, vừa phải chú trọng tính linh hoạt và yêu cầu phối hợp hoạt động giữa các nhà máy để phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn ngành.

d) Quá trình phát triển ngành công nghiệp tàu thủy Việt Nam phải phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển giao thông vận tải và của các ngành, các địa phương liên quan; đồng thời phải gắn với nhu cầu và xu thế phát triển của thị trường đóng tàu khu vực.

đ) Phát triển ngành công nghiệp tàu thủy phải gắn mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội với việc tăng cường đảm bảo an ninh - quốc phòng.

3. Nội dung quy hoạch:

a) Mạng lưới các cơ sở đóng và sửa chữa tàu thủy:

Đến năm 2010 mạng lưới công nghiệp tàu thủy Việt Nam có 36 nhà máy đóng và sửa chữa tàu, 6 cơ sở công nghiệp phục vụ và 8 nhà máy đóng, sửa chữa tàu quân đội, bảo đảm việc đóng tàu và sửa chữa tàu thủy toàn quốc, trong đó các nhà máy thuộc Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam giữ vai trò chủ lực, nòng cốt trong quy hoạch; các nhà máy đóng, sửa chữa tàu thuộc các ngành khác và địa phương quản lý có chức năng chủ yếu là sửa chữa, đóng mới các tàu thủy sản, tàu khách, tàu công trình, các phương tiện-thủy nội địa và tàu vận tải đến 3.500 DWT; mạng lưới các nhà máy đóng tàu quân đội chủ yếu được cải tạo, nâng cấp trên cơ sở hiện có với chức năng chính là đóng mới, sửa chữa các tàu quân sự và kết hợp tham gia đóng tàu vận tải có trọng tải đến 10.000DWT.

Mạng lưới các nhà máy đóng và sửa chữa tàu thủy được phân bố như sau:

Khu vực phía Bắc có 20 nhà máy, trong đó Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam quản lý 10 nhà máy, các ngành khác và địa phương quản lý 6 nhà máy và các đơn vị thuộc Bộ Quốc Phòng quản lý 4 nhà máy.

Khu vực miền Trung có 9 nhà máy, trong đó Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam quản lý 6 nhà máy, các ngành khác và địa phương quản lý 1 nhà máy và các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng quản lý 2 nhà máy. Khu vực miền Trung sẽ triển khai xây dựng mới Nhà máy liên hợp công nghiệp tàu thủy Dung Quất để đóng tàu chở dầu thô tới 100.000 tấn.

Khu vực miền Nam có 15 nhà máy, trong đó Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam quản lý 6 nhà máy, các ngành khác và địa phương quản lý 7 nhà máy và các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng quản lý 2 nhà máy. Khu vực miền Nam có 2 nhà máy được xây dựng mới (Đồng Nai, Cà Mau).

Danh mục các cơ sở đóng và sửa chữa tàu trong mạng lưới được nêu tại phụ lục kèm theo Quyết định này.

b) Mạng lưới các nhà máy công nghiệp phục vụ đóng tàu:

[...]