Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Quyết định 104-CT năm 1991 về giai đoạn I thanh toán công nợ do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành

Số hiệu 104-CT
Ngày ban hành 10/04/1991
Ngày có hiệu lực 10/04/1991
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng
Người ký Võ Văn Kiệt
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 104-CT

Hà Nội, ngày 10 tháng 4 năm 1991

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ GIAI ĐOẠN I THANH TOÁN CÔNG NỢ 

CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG 

Xét đề nghị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Tiếp theo quyết định số 88-CT ngày 30 tháng 3 năm 1991,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Bản đề án giai đoạn I thanh toán công nợ giữa các đơn vị tổ chức kinh tế.

Điều 2. Ban chỉ đạo tổng thanh toán nợ Trung ương vạch kế hoạch tiến hành, chỉ đạo và hướng dẫn thực hiện chi tiết nội dung bản đề án.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Các Bộ, uỷ ban Nhà nước, cơ quan thuộc Hội đồng bộ trưởng và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Võ Văn Kiệt

(Đã ký)

 

ĐỀ ÁN

GIAI ĐOẠN I THANH TOÁN CÔNG NỢ GIỮA CÁC ĐƠN VỊ, TỔ CHỨC KINH TẾ
(Ban hành kèm theo quyết định số 104-CT ngày 10 tháng 4 năm 1991của Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng)

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Vấn đề cấp bách hiện nay là tình hình nợ nần dây dưa, chiếm dụng vốn lẫn nhau diễn ra phổ biến và nghiêm trọng dẫn đến tình trạng mất khả năng chi trả, có nguy cơ đổ vỡ dây chuyền các cơ sở kinh tế, gây tác động nghiêm trọng đến hệ thống ngân hàng, làm tê liệt các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Nguyên nhân chủ yếu của tình hình trên là:

1. Việc quyết định thành lập, cấp giấy phép hoạt động các xí nghiệp, tổ chức kinh tế không chấp hành đúng các thủ tục quy định; nhiều đơn vị không có hoặc không đủ vốn hoạt động, cán bộ quản lý không có năng lực, làm ăn thua lỗ, không bảo toàn được vốn (nhất là trong lĩnh vực xuất - nhập khẩu, các xí nghiệp đời sống, các quỹ tín dụng...).

2. Ngân hàng chưa chuyển kịp sang cơ chế mới, chưa làm được chức năng trung tâm thanh toán, tổ chức thanh toán ngân hàng hầu như bị tê liệt.

3. Việc mua chịu, bán chịu vật tư, hàng hoá và việc vay mượn tiền giữa các đơn vị tuỳ tiện, vô nguyên tắc. Nhiều đơn vị lạm dụng quyền tự chủ tài chính, lợi dụng hợp đồng kinh tế để ký kết sai trái, không lành mạnh. Việc chấp hành kỷ luật thanh toán không nghiêm.

4. Hậu quả do cơ chế kinh tế cũ để lại còn nặng nề, cơ chế mới chưa được xác lập đầy đủ, luật pháp của Nhà nước còn thiếu và không được chấp hành nghiêm, thiếu các văn bản pháp quy và cơ chế điều chỉnh các hoạt động sản xuất kinh doanh phù hợp với kinh tế thị trường: Luật thương mại, Luật phá sản, cơ chế tài chính xí nghiệp, cơ chế thanh toán, tín dụng, tiền mặt ...

Cùng với việc thanh toán nợ trong giai đoạn này, các cơ quan chức năng của Nhà nước phải gấp rút ban hành một số văn bản pháp quy nhằm điều chỉnh, hoàn thiện cơ chế đối với các xí nghiệp và tổ chức kinh tế, ngăn chặn tình trạng tiếp tục phát sinh nợ nần dây dưa, chiếm dụng vốn lẫn nhau, lành mạnh hoá tình hình tài chính của các đơn vị sản xuất, kinh doanh, lập lại trật tự, kỷ cương trong hoạt động kinh tế.

Do tình hình công nợ giữa các tổ chức kinh tế rất phức tạp, diễn ra trên diện rộng, nhiều thành phần cho nên tổ chức việc thanh toán phải chia nhiều giai đoạn. Lấy kết quả giai đoạn trước làm điều kiện và tiền đề giải quyết giai đoạn sau.

Vì vậy, đề án này tập trung trong giai đoạn một những vấn đề sau đây:

II. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU

1. Xác định đúng tình hình nợ nần lòng vòng, chiếm dụng vốn lẫn nhau, cả bằng đồng Việt Nam và bằng ngoại tệ (sau đây gọi tắt là công nợ); xác định trách nhiệm cá nhân và làm sáng tỏ các nội dung dưới đây:

- Công nợ với Ngân sách Nhà nước.

- Công nợ với Ngân hàng.

- Công nợ với các tổ chức tín dụng ngoài quốc doanh.

[...]