Chỉ thị 248-CT về một số biện pháp cấp bách nhằm tăng cường chỉ đạo thực hiện công tác tổng thanh toán nợ do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành

Số hiệu 248-CT
Ngày ban hành 08/08/1991
Ngày có hiệu lực 23/08/1991
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng
Người ký Võ Văn Kiệt
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 248-CT

Hà Nội, ngày 08 tháng 8 năm 1991

 

CHỈ THỊ

VỀ MỘT SỐ BIỆN PHÁP CẤP BÁCH NHẰM TĂNG CƯỜNG CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN CÔNG TÁC TỔNG THANH TOÁN NỢ 

Việc kê khai xác minh nợ để làm cơ sở cho việc thanh toán đang được tiến hành trong cả nước, đến nay một số địa phương đã thu được những kết quả bước đầu: Long An, Hà Nam Ninh, Vĩnh Phú, Hải Phòng, Quảng Bình, Khánh Hoà, Phú Yên,... Nhưng có một số Bộ, ngành, địa phương chưa quan tâm chỉ đạo đúng mức, nên việc kê khai, xác minh nợ chậm, đạt tỷ lệ thấp, đã ảnh hưởng đến tiến độ chung: Bộ Quốc phòng, Bộ Nội Vụ, Bộ Giao thông vận tải và Bưu điện, thành phố Hà Nội, thành phố Hồ chí Minh, tỉnh Đắc Lắc, Hậu Giang...

Để bảo đảm tiến độ thực hiện tổng thanh toán nợ trong cả nước đạt kết quả, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng yêu cầu các ngành, các cấp khẩn trương chỉ đạo thực hiện tiếp một số việc sau đây:

1. Bổ sung một số thành viên sau đây vào Ban chỉ đạo tổng thanh toán nợ Trung ương được thành lập theo Quyết định số 88-CT ngày 30 tháng 3 năm 1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng; một Thứ trưởng Bộ Nội Vụ, một Phó Tổng thanh tra Nhà nước và mời một Phó Viện trưởng Viện kiểm soát nhân dân tối cao, một Phó Chánh án Toà án nhân dân tối cao tham gia Ban chỉ đạo (danh sách cụ thể sẽ do các cơ quan trên cử). Các Ban thanh toán nợ của địa phương cũng được bổ sung các thành viên của những ngành tương ứng.

2. Các Bộ, ngành, các địa phương cần chỉ đạo khẩn trương các tổ chức kinh tế trực thuộc chấp hành nghiêm chỉnh các quyết định của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về thanh toán công nợ rà soát lại các văn bản hướng dẫn của mình, nếu trái với hướng dẫn của Ban chỉ đạo tổng thanh toán nợ Trung ương thì phải bãi bỏ kịp thời.

3. Các tổ chức kinh tế phải kê khai xác nhận đầy đủ các khoản phải thu và phải trả, nếu kê khai không đầy đủ hoặc không chịu xác nhận các khoản phải trả cho chủ nợ theo đúng quy định thì Thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm trước pháp luật và tổ chức kinh tế đó phải chịu phạt tiền theo quyết định của Ban chỉ đạo thanh toán nợ Trung ương.

4. Bộ Giao thông vận tải và Bưu điện chỉ đạo Tổng Công ty Bưu chính viễn thông chỉ được thu bưu phí đối với các công văn về thanh toán công nợ do Ban thanh toán nợ các cấp gửi bảo đảm qua bưu điện bằng mức bưu phí thu bảo đảm hiện hành và phải bảo đảm yêu cầu về thời gian cho công tác thanh toán nợ.

5. Bộ trưởng Bộ Tài chính và Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan chỉ đạo hệ thống Tài chính và Hải quan các cấp phát thẻ đòi các khoản nợ quá hạn cho ngân sách Nhà nước.

6. Ban thanh toán nợ các cấp, các ngành cần khẩn trương chỉ đạo hoàn thành các nhiệm vụ tổng thanh toán nợ bước II của giai đoạn I, chậm nhất trước ngày 30 tháng 8 năm 1991.

7. Để bảo đảm đủ mọi chi phí cho công tác tổng thanh toán nợ, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đồng ý cho nâng mức trích từ 0,1% (Quyết định số 104-CT ngày 10 tháng 4 năm 1991) lên 0,5% (nửa phần trăm) số nợ thu được và do đơn vị thanh toán nợ chịu. Ban chỉ đạo tổng thanh toán nợ Trung ương hướng dẫn việc chi tiêu và quản lý kinh phí này đúng chế độ tài chính hiện hành.

Trong quá trình thực hiện Chỉ thị này, nếu gặp khó khăn hoặc phát sinh vấn đề mới thì các ngành, các địa phương cần báo cáo gấp về Ban chỉ đạo tổng Thanh toán nợ Trung ương để trình Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng xem xét và quyết định.

 

 

Võ Văn Kiệt

(Đã ký)