Quyết định 1021/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Quy hoạch vùng sản xuất thủy sản ứng dụng công nghệ cao tỉnh An Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030

Số hiệu 1021/QĐ-UBND
Ngày ban hành 02/07/2014
Ngày có hiệu lực 02/07/2014
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh An Giang
Người ký Lê Văn Nưng
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1021/QĐ-UBND

An Giang, ngày 02 tháng 7 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH VÙNG SẢN XUẤT THỦY SẢN ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO TỈNH AN GIANG ĐẾN NĂM 2020 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP;

Căn cứ Quyết định số 2163/QĐ-UBND ngày 29/11/2012 của UBND tỉnh An Giang về Ban hành Kế hoạch phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh An Giang giai đoạn 2012-2020 và tầm nhìn đến năm 2030;

Xét đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 281/TTr-SKHĐT ngày 16/6/2014 về việc xin phê duyệt Quy hoạch vùng sản xuất thủy sản ứng dụng công nghệ cao tỉnh An Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030,

QUYẾT ĐỊNH :

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch vùng sản xuất thủy sản ứng dụng công nghệ cao tỉnh An Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 với nội dung như sau:

I. Quan điểm quy hoạch:

1. Quy hoạch vùng sản xuất thủy sản ứng dụng công nghệ cao phải phù hợp với: Quy hoạch phát triển kinh tế xã hội chung của tỉnh; Quy hoạch tổng thể phát triển ngành thủy sản Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch phát triển sản xuất và tiêu thụ cá tra vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020; Quy hoạch tổng thể ngành nông nghiệp; Quy hoạch vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và đặc biệt tăng giá trị, tăng khả năng cạnh tranh, tiếp tục đưa lĩnh vực thủy sản của tỉnh thành một ngành sản xuất hàng hóa quy mô lớn, hiệu quả và bền vững.

2. Quy hoạch vùng sản xuất thủy sản ứng dụng công nghệ cao trên cơ sở khai thác, sử dụng hiệu quả lợi thế tiềm năng; gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ trong nước thông qua chuỗi giá trị sản xuất. Đối với các sản phẩm xuất khẩu gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất nguyên liệu với công nghiệp bảo quản, chế biến và thị trường xuất khẩu gắn liền với các vùng sản xuất tập trung.

3. Quy hoạch vùng sản xuất thủy sản ứng dụng công nghệ cao góp phần nâng cao mức sống, điều kiện sống của cộng đồng ngư dân, cùng với quá trình điều chỉnh, sắp xếp lại dân cư; Đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu sản xuất với trình độ kỹ thuật ngày càng tiên tiến.

4. Quy hoạch vùng sản xuất thủy sản ứng dụng công nghệ cao trong mối quan hệ kết hợp hài hòa lợi ích với các ngành kinh tế khác, thích ứng với biến đổi khí hậu, chú trọng bảo vệ môi trường, nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế.

5. Quy hoạch vùng sản xuất thủy sản ứng dụng công nghệ cao trên cơ sở tăng cường năng lực quản lý nhà nước tiếp tục đổi mới tư duy, tiếp cận thị trường, không ngừng cải cách thủ tục hành chính. Phát triển các hình thức kinh tế hợp tác, kinh tế tập thể, tăng cường vai trò quản lý cộng đồng, vai trò của các Hội, Hiệp hội ngành nghề trong sản xuất thủy sản.

6. Làm cơ sở để triển khai chi tiết Quy hoạch vùng sản xuất thủy sản ứng dụng công nghệ cao tỉnh An Giang đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 theo xu hướng được phép bổ sung, điều chỉnh theo định kỳ hàng năm nếu có phát sinh.

II. Mục tiêu và một số chỉ tiêu chủ yếu:

1. Mục tiêu: Phát triển các vùng sản xuất thủy sản theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao chất lượng, giá trị, đạt hiệu quả cao. Phát triển mạnh khoa học và công nghệ, đặc biệt ứng dụng, chuyển giao, hợp tác nghiên cứu các công nghệ cao trong sản xuất giống, nuôi thương phẩm, trở thành ngành sản xuất chủ lực cung cấp nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu và tiêu dùng trong nước; Đồng thời, góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho nông, ngư dân, tăng trưởng kinh tế và an sinh xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo ở các địa phương.

2. Một số chỉ tiêu chủ yếu:

- Tổng diện tích đất nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020 là 930 ha, trong đó:

+ Cá tra khoảng 300 ha tương ứng với sản lượng đạt khoảng 135.000 tấn

+ Tôm càng xanh khoảng 300 ha tương ứng với sản lượng 750 tấn

+ Cá lóc khoảng 150 ha tương ứng với sản lượng 30.000 tấn

+ Cá sặc rằn khoảng 30 ha tương ứng với sản lượng 900 tấn

+ Cá điêu hồng, lươn, cá hô, cá thác lát khoảng 50 ha tương ứng với sản lượng 20.000 tấn

+ Sản xuất giống: 100 ha

- Tổng diện tích đất nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao đến năm 2030 là 1.500 ha, trong đó:

+ Cá tra khoảng 500 ha tương ứng với sản lượng đạt khoảng 225.000 tấn

[...]