ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH LONG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1004/QĐ-UBND
|
Vĩnh Long, ngày
05 tháng 5 năm 2021
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH CỦNG CỐ, PHÁT TRIỂN
VÀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG DỊCH VỤ KẾ HOẠCH HÓA GIA ĐÌNH ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN
TỈNH VĨNH LONG
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức Chính
quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ
chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;
Căn cứ Quyết định số
1848/QĐ-TTg ngày 19/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương
trình Củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình
đến năm 2030;
Theo đề nghị tại Tờ trình số
1137/TTr-SYT ngày 22/4/2021 của Giám đốc Sở Y tế.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chương trình củng cố,
phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình đến năm 2030
trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long (Kèm theo Kế hoạch số 1131/KH-SYT ngày 21/4/2021
của Giám đốc Sở Y tế).
Điều 2.
Giao Giám đốc Sở Y tế triển khai thực hiện Kế hoạch
theo đúng quy định của pháp luật.
Điều 3.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Y tế,
Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố
và các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
Quyết định có hiệu lực thi hành
kể từ ngày ký./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- TTTU, HĐND tỉnh;
- CT, PCT.UBND tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh và các đoàn thể;
- PVP UBND tỉnh;
- Phòng VX;
- Lưu: VT, 3.10.05.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Thị Quyên Thanh
|
UBND TỈNH VĨNH
LONG
SỞ Y TẾ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1131/KH-SYT
|
Vĩnh Long, ngày
21 tháng 04 năm 2021
|
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH CỦNG CỐ, PHÁT TRIỂN VÀ NÂNG CAO CHẤT
LƯỢNG DỊCH VỤ KẾ HOẠCH HÓA GIA ĐÌNH ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH LONG
I. SỰ CẦN
THIẾT
Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp
hành Trung ương khóa VII đã Ban hành Nghị quyết số 04-NQ/HNTW ngày 14/01/1993,
với nhiệm vụ trọng tâm là giảm mức sinh, kế hoạch hóa gia đình.
Tỉnh Vĩnh Long sau nhiều năm thực
hiện Nghị quyết 04-NQ/HNTW với sự vào cuộc, chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy Đảng,
chính quyền từ tỉnh đến cơ sở và sự nỗ lực của cả hệ thống làm công tác dân số
- kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ). Phong trào sinh đẻ có kế hoạch được tỉnh
Vĩnh Long cũng như cả nước thực hiện sôi nổi “Mỗi cặp vợ chồng chỉ có một hoặc
hai con” có hiệu quả đã giải quyết được vấn đề quy mô dân số (đưa mức sinh từ
23,96 năm 1993 xuống còn 11,8‰ năm 2017). Tốc độ tăng dân số bình quân hàng năm
của giai đoạn 2009 - 2019 là giảm 0,03% thấp hơn giai đoạn 1999 - 2009 tăng
0,14%. Tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng biện pháp tránh
thai (BPTT) hiện luôn ở mức cao (trung bình từ 65 - 68%).
Thành công của công tác dân số
trong thời gian qua đã làm cho tỷ lệ “nhóm phụ thuộc từ 0 - 14 tuổi” giảm mạnh.
Điều này dẫn đến tỷ lệ nhóm dân số trong độ tuổi lao động tăng nhanh từ 56,8%
năm 1996 tăng lên 66,5% năm 2019 góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế -
xã hội của tỉnh, nhất là công cuộc xóa đói giảm nghèo, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe,
nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đời sống nhân dân được cải thiện. Qua đó,
cho thấy khả năng tự chi trả các dịch vụ xã hội trong đó có phương tiện tránh
thai (PTTT) của người dân ngày càng được nâng lên, kiến thức hiểu biết về KHHGĐ
được người dân được tiếp cận từ nhiều nguồn, như: mạng xã hội, internet,...
Tuy nhiên, công tác dân số
trong thời gian tới phải đối mặt với những khó khăn và thách thức, cụ thể: mức
sinh có xu hướng giảm thấp (Theo Quyết định số 588/QĐ-TTg, ngày 28/4/2020 của
Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình Điều chỉnh mức sinh phù hợp
các vùng, đối tượng đến năm 2030, thì Vĩnh Long thuộc nhóm tỉnh có mức sinh thấp
(theo số liệu thống kê), số con bình quân của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ
1,81con/phụ nữ năm 2019 dưới mức sinh thay thế là 2,1con/phụ nữ), tỷ số giới
tính khi sinh chưa được kiểm soát ổn định; tốc độ già hóa dân số đang diễn ra
nhanh; tình trạng nạo phá thai, vô sinh có xu hướng tăng; nhu cầu tránh thai
chưa đáp ứng vẫn kịp thời nhất là nhóm vị thành niên, thanh niên (VTN,TN), việc
tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người lao động tại các khu công nghiệp vẫn
còn một số hạn chế nhất định.
Mặc dù, trong thời gian qua Đảng
và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích, phát triển xã hội hóa
cung cấp phương tiện tránh thai (PTTT), nhưng thị trường phương tiện tránh thai
(PTTT) trên địa bàn tỉnh chậm phát triển, chủ yếu là cung cấp viên uống tránh
thai và bao cao su, chưa đáp ứng được nhu cầu theo phân đoạn thị trường ngày
càng đa dạng của từng nhóm đối tượng.
Để thực hiện thành công Chương
trình hành động số 25-CTr/TU ngày 02/01/2018 của Tỉnh ủy Vĩnh Long về việc thực
hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng
khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới; Quyết định số 1476/QĐ-UBND,
ngày 12/6/2020 của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Long về việc phê duyệt Kế
hoạch hành động giai đoạn 2020 - 2025 của tỉnh Vĩnh Long thực hiện Chiến lược
Dân số Việt Nam đến năm 2030.
Trong thời gian tới việc củng cố,
phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ KHHGĐ là một việc làm thiết thực, nhằm
đáp ứng đầy đủ, kịp thời, an toàn, thuận tiện các dịch vụ KHHGĐ có chất lượng
ngày càng cao cho các nhóm đối tượng có nhu cầu sử dụng, góp phần ổn định mức
sinh, hỗ trợ sinh sản, dự phòng vô sinh tại cộng đồng, giảm mang thai ngoài ý
muốn đối tượng vị thành niên, thanh niên (VTN,TN).
Vì vậy, việc xây dựng Kế hoạch
thực hiện Chương trình củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch
hóa gia đình đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, là hết sức cần thiết.
II. CƠ SỞ
PHÁP LÝ
Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày
25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về
công tác dân số trong tình hình mới.
Nghị quyết số 137/NQ-CP ngày
31/12/2017 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện
Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành
Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới.
Quyết định số 1619/QĐ - BYT
ngày 06/3/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế, Ban hành kế hoạch của Bộ Y tế thực hiện
Nghị quyết số 137/NQ - CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ ban hành chương trình
hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội
nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác
dân số trong tình hình mới.
Quyết định số 1679/QĐ-TTg ngày
22/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược Dân số Việt Nam
đến năm 2030.
Công văn số 7424/BYT-TCDS ngày
18/12/2019 của Bộ Y tế về việc triển khai thực hiện Chiến lược dân số Việt Nam
đến năm 2030.
Quyết định số 1848/QĐ-TTg ngày
19/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình Củng cố, phát
triển và nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình đến năm 2030.
Quyết định số 1347/QĐ-BYT ngày
22/2/2021 của Bộ Y tế về việc Ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chương
trình Củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình
đến năm 2030.
Chương trình hành động số
25-CTr/TU ngày 02/01/2018 của Tỉnh ủy Vĩnh Long về việc thực hiện Nghị quyết số
21-NQ/TW của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về công tác
dân số trong tình hình mới.
Kế hoạch số 41/KH - UBND ngày
13/9/2018 của UBND tỉnh Vĩnh Long, Thực hiện Chương trình hành động số 25 -
CTr/TU ngày 02/01/2018 của Tỉnh ủy và Nghị quyết số 137/NQ - CP ngày 31/12/2017
của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp
hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác dân số trong tình hình mới.
Kế hoạch số 2171/KH-SYT ngày
10/10/2018 của Sở Y tế, Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 21- NQ/TW
ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII
về tăng cường công tác dân số trong tình hình mới và Nghị quyết số 137/NQ-CP
ngày 31/12/2017 của Chính phủ.
Quyết định số 1476/QĐ-UBND ngày
12/6/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long về việc phê duyệt Kế hoạch hành động
giai đoạn 2020 - 2025 của tỉnh Vĩnh Long thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam đến
năm 2030.
III. PHẠM
VI, ĐỐI TƯỢNG
1. Phạm vi: Chương trình
triển khai trên địa bàn toàn tỉnh.
2. Đối tượng
2.1. Đối tượng thụ hưởng: nam,
nữ trong độ tuổi sinh đẻ, chú trọng VTN,TN, người lao động tại các khu công
nghiệp.
2.2. Đối tượng tác động: người
dân trong toàn xã hội; các Ban, ngành, đoàn thể; cán bộ y tế, dân số; tổ chức,
cá nhân tham gia thực hiện Chương trình.
IV. THỰC TRẠNG
DỊCH VỤ KHHGĐ Ở TỈNH VĨNH LONG
1. Kết quả đạt được
1.1. Ổn định quy mô dân số
góp phần tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng dân số.
Chương trình DS-KHHGĐ thời gian
qua đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, về cơ bản đã kiểm soát được mức sinh, từng
bước nâng cao chất lượng dân số; quy mô gia đình nhỏ ngày càng được chấp nhận rộng
rãi; tốc độ gia tăng dân số đã giảm nhiều; tỷ lệ sử dụng BPTT hiện đại ngày
càng người dân chấp nhận; tỷ lệ người dân được hưởng lợi từ các dịch vụ KHHGĐ
ngày càng tăng cao, đặc biệt là người nghèo vùng khó khăn của tỉnh; sức khỏe phụ
nữ và trẻ em từng bước được nâng lên rõ rệt; tỷ lệ tử vong liên quan đến thai sản
và trẻ sơ sinh giảm đáng kể và tương đối qua các năm; tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ
em dưới 5 tuổi (thể cân nặng) giảm từ 18,8% năm 2010 xuống còn 12,7% năm 2019;
tuổi thọ trung bình từ 74,4 tuổi năm 2010 tăng lên 75,5 tuổi năm 2019. Mức sống
của người dân trong tỉnh từng bước được nâng cao về mọi mặt, thu nhập bình quân
đầu người liên tục tăng qua các năm.
1.2. Nhu cầu về dịch vụ
KHHGĐ của người dân cơ bản được đáp ứng, các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo và
các đối tượng chính sách được quan tâm, ưu tiên hỗ trợ.
Nhu cầu về dịch vụ KHHGĐ của
người dân được đáp ứng đầy đủ, kịp thời, an toàn và thuận tiện; đặc biệt các đối
tượng ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa khó tiếp cận, hộ nghèo, cận nghèo và
các đối tượng chính sách được ưu tiên quan tâm, hỗ trợ nhằm đảm bảo tính công bằng
trong tiếp cận dịch vụ KHHGĐ, góp phần duy trì tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ
tuổi sinh đẻ sử dụng BPTT hàng năm trên 65%.
1.3 Mạng lưới cung cấp dịch
vụ KHHGĐ ngày càng được củng cố và phát triển.
Mạng lưới cung cấp dịch vụ
KHHGĐ ngày càng được củng cố và phát triển theo 3 kênh cung ứng: (1) kênh dịch
vụ kỹ thuật KHHGĐ qua các cơ sở y tế, (2) kênh phân phối dựa vào cộng đồng
thông qua mạng lưới cộng tác viên (CTV) DS-KHHGĐ và (3) kênh thị trường; trong
đó kênh dịch vụ kỹ thuật KHHGĐ qua các cơ sở y tế là kênh chính để đảm bảo cung
cấp BPTT lâm sàng cho người dân trên địa bàn tỉnh, cụ thể:
- Tuyến tỉnh: có 02 cơ sở y tế
công lập có chuyên khoa sản (Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Vĩnh Long và Trung tâm Kiểm
soát bệnh tật).
- Tuyến huyện: có 09 cơ sở y tế
có khoa sản, trong đó: 08 Trung tâm Y tế và BVĐK khu vực Hòa Phú.
- Tuyến xã: có 107 Trạm Y tế và
1629 CTV.DS-KHHGĐ thường xuyên cung cấp thông tin về KHHGĐ và cung ứng các PTTT
phi lâm sàng (viên uống tránh thai và bao cao su) đến tận hộ gia đình; Ngoài
ra, còn có 34 cơ sở khám sản phụ khoa ngoài công lập đủ tiêu chuẩn, điều kiện
đáp ứng nhu cầu cung cấp dịch vụ KHHGĐ và PTTT an toàn thuận tiện với chất lượng
ngày càng tốt hơn cho các đối tượng.
1.4. Năng lực hệ thống cung ứng
dịch vụ KHHGĐ cơ bản đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của chương trình
Mạng lưới cung cấp dịch vụ
KHHGĐ công được mở rộng và phát triển từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn; trong
đó 100% Trạm Y tế đạt chuẩn quốc gia về y tế (có bác sĩ, nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản
nhi); 100% khóm - ấp có nhân viên y tế khóm ấp và 1.629 CTV.DS-KHHGĐ. Hầu hết nữ
hộ sinh, y sĩ sản nhi, nhân viên y tế cơ sở được đào tạo và có kỹ năng cơ bản về
Chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) KHHGĐ theo chuẩn quốc gia; cán bộ chuyên
trách dân số xã và CTV.DS-KHHGĐ được tập huấn về kiến thức, kỹ năng và thực hiện
cung cấp các dịch vụ tư vấn, BPTT phi lâm sàng tại cộng đồng.
1.5. Xã hội hóa cung ứng
PTTT và dịch vụ KHHGĐ từng bước được đẩy mạnh
Trong thời gian qua, xã hội hóa
PTTT và dịch vụ KHHGĐ đã góp phần duy trì được tỉ lệ sử dụng các BPTT. Mạng lưới
phân phối dựa vào cộng đồng thông qua CTV.DS-KHHGĐ ngày càng phát triển và góp
phần quan trọng cho việc tiếp cận nhu cầu KHHGĐ của các đối tượng được thuận tiện,
đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Hoạt động tiếp thị xã hội (TTXH)
đã tạo ra sự chuyển biến căn bản với sự đa dạng về chủng loại sản phẩm TTXH đã
làm tăng tính sẵn có và tạo cho khách hàng có thêm cơ hội lựa chọn các BPTT phù
hợp, làm thay đổi cơ cấu sử dụng các BPTT (tỷ lệ sử dụng các BPTT phi lâm sàng
như: thuốc viên, bao cao su ngày càng được lựa chọn nhiều hơn).
2. Một số hạn chế, tồn tại
2.1. Nhiều vấn đề về SKSS/KHHGĐ
chưa được giải quyết tốt. Chất lượng một số dịch vụ chăm sóc SKSS, đặc biệt là
dịch vụ phá thai tại các cơ sở y tế tư nhân còn yếu, nhà nước chưa quản lý chặt
chẽ, việc điều phối PTTT chưa linh hoạt, chưa chủ động được nguồn cung cấp, dẫn
đến thiếu hoặc thừa cục bộ.
2.2. Việc đáp ứng nhu cầu thông
tin, kiến thức dịch vụ về KHHGĐ/SKSS cho các nhóm VTN,TN, nam giới, người di
cư, người khuyết tật, người có HIV, dự phòng và điều trị các bệnh viêm nhiễm đường
sinh sản, bệnh lây truyền qua đường tình dục, vô sinh đã được đề cập trong Kế
hoạch hành động nhưng việc can thiệp còn hạn chế.
2.3. Tại tuyến xã: cơ sở vật chất,
trang thiết bị, dụng cụ y tế sử dụng để cung cấp phương tiện dịch vụ KHHGĐ, đặc
biệt là việc trang bị dụng cụ đặt, tháo dụng cụ tử cung tại các Trạm Y tế còn hạn
chế.
2.4. Công tác đào tạo, tập huấn
cập nhật kiến thức cho người thực hiện dịch vụ KHHGĐ chưa được thường xuyên; đặc
biệt trong 5 năm gần đây, hầu như chưa được đào tạo mới và đào tạo lại cho người
cung cấp dịch vụ về đặt tháo dụng cụ tử cung. CTV DS-KHHGĐ cũng chưa được
đào tạo mới, cập nhật kiến thức, kỹ năng tư vấn và chăm sóc khách hàng nên chưa
đáp ứng được yêu cầu và nhiệm vụ công tác.
2.5. Việc quản lý, theo dõi, tư
vấn đối tượng sau khi thực hiện BPTT lâm sàng chưa kịp thời. Công tác dự báo
nhu cầu và lập kế hoạch của hệ thống dân số cơ sở còn yếu, đặc biệt là nhu cầu
sử dụng BPTT của nhóm ngoài hôn nhân.
2.6. Hoạt động đẩy mạnh công
tác TTXH và xã hội hóa cung cấp PTTT chưa phát huy hiệu quả; thời gian qua, việc
phân phối PTTT qua TTXH bị gián đoạn và rất ít về chủng loại, số lượng; sản phẩm
xã hội hóa chỉ có bao cao su và viên uống tránh thai với số lượng rất ít sẽ
không đáp ứng được nhu cầu rất lớn của người sử dụng.
2.7. Chế độ đãi ngộ đối với CTV
DS-KHHGĐ còn hạn chế, vì vậy đội ngũ CTV DS-KHHGĐ của huyện, thị xã, thành phố
thường xuyên biến động.
2.8. Truyền thông thay đổi hành
vi về KHHGĐ chưa phù hợp về nội dung và phương thức, nhất là đối với đồng bào
dân tộc thiểu số, người lao động ở các khu công nghiệp, VTN,TN.
3. Bài học kinh nghiệm
3.1. Sự quyết tâm vào cuộc của
cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo cấp ủy Đảng, là yếu tố quyết định thành
công của Chương trình.
3.2. Có tổ chức bộ máy đủ mạnh,
đặc biệt là đội ngũ cán bộ dân số, CTV.DS-KHHGĐ đầy nhiệt tình, có trách nhiệm,
có uy tín trong cộng đồng, được bố trí đến tận khóm ấp và được đào tạo tập huấn,
cập nhật về chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng dân vận, kỹ năng tư vấn và chăm sóc
khách hàng.
3.3. Thực hiện đồng bộ các hoạt
động truyền thông bao gồm truyền thông trực tiếp, gián tiếp trên các phương tiện
thông tin đại chúng, giáo dục, mở rộng tư vấn và các mô hình truyền thông có hiệu
quả, phù hợp với văn hóa tâm lý của các nhóm đối tượng.
3.4. Chủ trương chính sách phải
gắn liền với điều kiện, nguồn lực, trang thiết bị y tế đảm bảo đáp ứng đầy đủ,
thuận tiện, an toàn và có chất lượng các dịch vụ SKSS/KHHGĐ đến mọi đối tượng
có nhu cầu sử dụng.
3.5. Thường xuyên kiểm tra,
thanh tra, giám sát và sơ kết, tổng kết đánh giá tình hình thực hiện tại các cấp
quản lý.
V. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
Bảo đảm đầy đủ, đa dạng, kịp thời,
an toàn, thuận tiện, có chất lượng các dịch vụ KHHGĐ, đáp ứng nhu cầu ngày càng
cao của người dân, góp phần thực hiện thành công Kế hoạch hành động của tỉnh Vĩnh
Long thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam giai đoạn 2020 - 2025 tầm nhìn đến
năm 2030.
2. Mục tiêu cụ thể
2.1. 100% phụ nữ trong độ tuổi
sinh đẻ được tiếp cận thuận tiện với các BPTT hiện đại, hỗ trợ sinh sản, dự
phòng vô sinh tại cộng đồng; duy trì tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng
BPTT hiện đại 65% đến năm 2030 và giảm 2/3 số VTN,TN có thai ngoài ý muốn;
2.2. 75% cơ sở cung cấp dịch vụ
KHHGĐ đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định, bao gồm cả khu vực ngoài công lập
vào năm 2025, đạt 90% năm 2030;
2.3. Duy trì 100% cấp xã tiếp tục
triển khai cung ứng các BPTT phi lâm sàng thông qua đội ngũ CTV DS-KHHGĐ, nhân
viên y tế khóm ấp đến năm 2030;
2.4. Duy trì 100% cấp huyện có
cơ sở y tế cung cấp dịch vụ KHHGĐ, thực hiện các BPTT lâm sàng; hỗ trợ kỹ thuật
cho tuyến dưới đến năm 2030;
2.5. Trên 95% cấp xã thường
xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động người dân thực hiện KHHGĐ, sử dụng BPTT; hệ
lụy của phá thai, nhất là đối với VTN,TN vào năm 2025 và duy trì đến năm 2030.
VI. NHIỆM VỤ,
GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
1. Tham mưu tổ chức triển
khai thực hiện cơ chế chính sách về cung cấp PTTT, dịch vụ KHHGĐ của Trung Ương
chỉ đạo thực hiện
1.1. Tham mưu triển khai thực
hiện các chính sách, quyết định, kế hoạch, văn bản chỉ đạo thực hiện Chương
trình của Trung Ương , giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị nhằm đẩy mạnh
xã hội hóa cung ứng PTTT, dịch vụ KHHGĐ; đồng thời có biện pháp điều chỉnh kịp
thời, phù hợp với điều kiện thực tiễn trong từng giai đoạn.
1.2. Tham gia thử nghiệm, phổ
biến các kỹ thuật mới, hiện đại nâng cao chất lượng dịch vụ KHHGĐ theo các văn
bản hướng dẫn của Tổng cục Dân số KHHGĐ và các văn bản pháp luật quy định.
2. Tuyên truyền, vận động
thay đổi hành vi
2.1. Định kỳ cung cấp thông
tin, vận động cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và hỗ trợ
nguồn lực; vận động các tổ chức, cá nhân tham gia xã hội hóa cung ứng PTTT, dịch
vụ KHHGĐ.
2.2. Đa dạng hóa các loại hình
truyền thông, chú trọng kênh thông tin đại chúng; các sản phẩm truyền thông phù
hợp với từng vùng miền, địa phương. Tăng cường áp dụng công nghệ hiện đại như:
internet, mạng xã hội,... trong công tác tuyên truyền, vận động về KHHGĐ; lồng
ghép với các hoạt động truyền thông của các Chương trình, Kế hoạch khác;
2.3. Đổi mới nội dung, phương
pháp giáo dục dân số, SKSS, sức khỏe tình dục, giới và giới tính trong nhà trường
phù hợp với từng cấp học, lứa tuổi;
2.4. Tăng cường tư vấn trước,
trong và sau khi sử dụng dịch vụ tại các cơ sở cung cấp dịch vụ KHHGĐ. Tư vấn tại
cộng đồng về tình dục an toàn, hệ lụy của phá thai, hỗ trợ sinh sản, dự phòng
vô sinh.
3. Phát huy mạng lưới dịch vụ
KHHGĐ
3.1. Củng cố mạng lưới cung cấp
dịch vụ KHHGĐ ở các cấp; đầu tư, bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các
cơ sở cung cấp dịch vụ KHHGĐ; ưu tiên đầu tư cho những địa bàn vùng sâu, vùng
xa.
3.2. Đào tạo, đào tạo liên tục
cho người cung cấp dịch vụ KHHGĐ, thực hiện BPTT; tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng
tư vấn, theo dõi, quản lý đối tượng và cung cấp BPTT phi lâm sàng tại cộng đồng;
3.3. Mở rộng các hình thức cung
cấp PTTT, dịch vụ KHHGĐ tại các cơ sở y tế trong và ngoài công lập; ứng dụng
công nghệ thông tin trong cung cấp dịch vụ KHHGĐ; thí điểm mô hình cung cấp dịch
vụ phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng địa bàn;
3.4. Thí điểm mô hình hỗ trợ
sinh sản, dự phòng, tầm soát vô sinh cho nhóm dân số trẻ; can thiệp, điều trị sớm
một số nguyên nhân dẫn đến vô sinh;
3.5. Hoàn thiện, nâng cao chất
lượng hệ thông tin quản lý hậu cần phương tiện tránh thai và cung cấp dịch vụ
KHHGĐ (LMIS);
3.6. Kiểm tra, giám sát thực hiện
các quy định về công tác KHHGĐ; cơ sở cung cấp dịch vụ KHHGĐ.
4. Đẩy mạnh xã hội hóa dịch
vụ KHHGĐ, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia chương
trình; huy động toàn bộ hệ thống y tế, dân số tham gia thực hiện chương trình
theo chức năng, nhiệm vụ được giao; ưu tiên bảo đảm hoạt động ở tuyến cơ sở.
5. Nghiên cứu khoa học
và hợp tác quốc tế
Chủ động, tích cực hội nhập,
tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực KHHGĐ để tạo sự đồng thuận, ủng hộ và
tranh thủ hỗ trợ kỹ thuật của các tổ chức quốc tế; đẩy mạnh hợp tác kỹ thuật,
đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, hợp tác liên doanh, liên kết
trong nước và nước ngoài.
VII. KINH
PHÍ THỰC HIỆN
1. Kinh phí thực hiện được
huy động từ các nguồn:
- Ngân sách Trung ương (nếu
có).
- Ngân sách địa phương bảo đảm
theo khả năng cân đối ngân sách và theo phân cấp ngân sách hiện hành hành, được
bố trí trong dự toán chi thường xuyên của đơn vị, cơ quan được giao nhiệm vụ thực
hiện Chương mục tiêu Y tế - Dân số, lồng ghép trong các Chương trình, Dự án
theo quy định luật Ngân sách nhà nước và các văn bản quy định pháp luật hiện
hành.
- Huy động sự tham gia, đóng
góp hỗ trợ của các tổ chức trong và ngoài nước.
- Các nguồn kinh phí hợp pháp
khác (nếu có).
2. Dự toán kinh phí và nguồn
kinh phí: 5.444 triệu đồng
Trong đó:
- Ngân sách địa phương: 4.734
triệu đồng
- Nguồn huy động khác: 710
triệu đồng
(Đính
kèm Kế hoạch hoạt động và Dự toán Ngân sách Nhà nước).
VIII. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Sở Y tế
1.1. Chủ trì xây dựng kế hoạch
và triển khai các nội dung của Kế hoạch; phối hợp với các Sở, ban, ngành, đoàn
thể trong việc triển khai Kế hoạch cũng như lồng ghép với các Chương trình dự
án liên quan trên địa bàn.
1.2. Hướng dẫn UBND các huyện,
thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch trên phạm vi cả tỉnh.
1.3. Hướng dẫn chỉ đạo các Bệnh
viện, TTYT huyện/thị/ thành phố, Chi cục Dân số và các đơn vị liên quan triển
khai thực hiện các hoạt động theo Kế hoạch; tổ chức triển khai các phòng tư vấn,
cung cấp dịch vụ KHHGĐ và nâng cao chất lượng dịch vụ KHHGĐ, khám sức khỏe trước
khi kết hôn, sau sinh, phát hiện sớm nguy cơ, phòng ngừa, điều trị sớm các bệnh,
tật là nguyên nhân dẫn đến vô sinh ở nhóm dân số trẻ, hiếm muộn... tại các bệnh
viện, cơ sở điều trị, Trung tâm Y tế huyện/thị/ thành phố, Trạm Y tế có đủ điều
kiện thực hiện cung cấp dịch vụ KHHGĐ theo quy định của của Bộ Y tế.
1.4. Chỉ đạo Chi cục Dân số và
KHHGĐ đơn vị đầu mối tham mưu cho Sở Y tế hướng dẫn, đôn đốc, giám sát, kiểm
tra, tổng hợp tình hình thực hiện Kế hoạch và định kỳ báo cáo Bộ Y tế (Tổng cục
DS-KHHGĐ) và UBND tỉnh theo quy định; tổ chức sơ kết, tổng kết tình hình thực
hiện Kế hoạch.
1.5. Chỉ đạo Phòng Kế hoạch Tài
chính Sở Y tế tham mưu tổng hợp các Kế hoạch, Đề án, Dự án của ngành y tế giai
đoạn 2021-2025 và giai đoạn 2030 để xác định cụ thể tổng nguồn vốn thực hiện của
từng năm và từng giai đoạn, từ đó phối hợp với Sở Tài Chính đề xuất tham mưu
UBND tỉnh bố trí kinh phí theo khả năng cân đối ngân sách, chỉ đạo đơn vị bố
trí, sắp xếp các dự án ưu tiên, bức xúc để phân bổ nguồn thực hiện cho phù hợp.
2. Sở Tài chính
Phối hợp với Sở Y tế tham mưu
UBND tỉnh bố trí kinh phí thực hiện nhiệm vụ theo phân cấp phù hợp với khả năng
cân đối ngân sách hàng năm để thực hiện kế hoạch.
Về nguồn kinh phí thực hiện
hàng năm: Sở Tài chính sẽ phối hợp với Sở Y tế bố trí kinh phí thực hiện kế hoạch
trên cơ sở chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi do cơ quan có thẩm quyền quy định.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Phối hợp Sở Y tế, các sở,
ngành, cơ quan liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí nguồn vốn đầu tư
phát triển thực hiện Kế hoạch Chương trình củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng dịch
vụ kế hoạch hóa gia đình đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long
4.
Sở Giáo dục và Đào tạo
Chủ
trì, phối hợp với Sở Y tế và các Sở, ngành liên quan đổi mới nội dung, phương
pháp giáo dục dân số, Sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, giới và giới tính
trong nhà trường phù hợp với từng cấp học, lứa tuổi theo định hướng của Kế hoạch.
5.
Sở Thông tin và Truyền thông
- Chỉ
đạo hướng dẫn các cơ quan truyền thông, báo chí của tỉnh và hệ thống thông tin
cơ sở tăng cường công tác tuyên truyền nhằm cung cấp và đáp ứng các loại dịch vụ
KHHGĐ đến các tầng lớp nhân dân địa phương.
- Phối
hợp với Sở Y tế thực hiện và huy động các cơ quan truyền thông đại chúng tham
gia các hoạt động cung cấp thông tin tuyên truyền về giới, bình đẳng giới,
SKSS/KHHGĐ, hệ lụy của phá thai nhất là đối với VTN,TN.
6.
Sở Nội vụ, Ban Dân tộc tỉnh
Chủ
trì, phối hợp với Sở Y tế và các Sở, ngành liên quan triển khai các chương
trình, đề án, dự án, Kế hoạch về củng cố, nâng cao chất lượng dịch vụ KHHGĐ đối
với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và trong cộng đồng tôn giáo.
7. Các Sở, ban, ngành liên quan khác: Tham gia thực
hiện Kế hoạch trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ đã được giao.
8.
UBND huyện, thị xã, thành phố
Căn cứ
Kế hoạch của tỉnh chỉ đạo xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện Kế hoạch của huyện,
thị xã, thành phố.
Rà
soát, bố trí bổ sung kinh phí và huy động các nguồn lực của địa phương để thực
hiện nâng cao chất lượng dịch vụ KHHGĐ, đẩy mạnh công tác xã hội hóa các loại
hình cung cấp dịch vụ KHHGĐ phù hợp với điều kiện của địa phương.
Tăng
cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai cho các ban, ngành, đoàn thể của địa
phương theo chức năng nhiệm vụ tổ chức triển khai thực hiện các mục tiêu, nâng
cao chất lượng dịch vụ KHHGĐ; tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực
hiện Chương trình củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch
hóa gia đình đến năm 2030 của huyện, thị, thành phố phù hợp với giai đoạn của địa
phương.
8.
UBMT Tổ quốc Việt Nam tỉnh Vĩnh Long và các tổ chức đoàn thể
Đề
nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Vĩnh Long, Liên đoàn Lao động tỉnh,
Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Nông dân tỉnh,
Hội người cao tuổi và các tổ chức thành viên khác của Mặt trận, các tổ chức xã
hội trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, tham gia phối hợp tổ chức triển
khai giám sát việc thực hiện Kế hoạch, chỉ đạo tổ chức tuyên truyền, vận động
các đoàn viên, hội viên và nhân dân cùng tham gia thực hiện.
Trên
đây là Kế hoạch thực hiện Chương trình Củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng
dịch vụ kế hoạch hóa gia đình đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.
Trong
quá trình thực hiện Kế hoạch này, Sở Y tế đề nghị các Sở, ban ngành, UBND các
huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của
mình đôn đốc, theo dõi chỉ đạo, tổ chức thực hiện và báo cáo về Sở Y tế (đầu mối
tham mưu Chi Cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình) tổng hợp để báo cáo Tổng cục Dân
số - Kế hoạch hóa gia đình và UBND tỉnh./.
Nơi nhận:
- Tổng cục Dân số - Kế hoạch
hóa gia đình (báo cáo);
- Thường trực Tỉnh ủy (báo cáo);
- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy (báo cáo);
- Thường trực HĐND tỉnh (báo cáo);
- Thường trực UBND tỉnh (báo cáo);
- UBMTTQVN tỉnh Vĩnh Long (phối hợp chỉ đạo);
- Các Sở, ban, ngành, đoàn thể (phối hợp chỉ đạo);
- Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Long (phối hợp chỉ đạo);
- UBND huyện, thị, thành phố (phối hợp chỉ đạo);
- Ban Giám đốc Sở Y tế (chỉ đạo thực hiện)
- Phòng ban chức năng tham mưu Sở (thực hiện);
- Các đơn vị trực thuộc Sở (thực hiện);
- Lưu NV, VP;14.6.
|
KT. GIÁM ĐỐC
PHÓ GIÁM ĐỐC
Hồ Thị Thu Hằng
|