Quyết định 09/2019/QĐ-UBND sửa đổi quy định về quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh kèm Quyết định 11/2017/QĐ-UBND

Số hiệu 09/2019/QĐ-UBND
Ngày ban hành 03/04/2019
Ngày có hiệu lực 15/04/2019
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Nguyễn Thành Phong
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ H CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 09/2019/QĐ-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 03 tháng 4 năm 2019

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA QUY ĐỊNH VỀ QUY TRÌNH XÂY DỰNG VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH BAN HÀNH KÈM QUYẾT ĐỊNH SỐ 11/2017/QĐ-UBND NGÀY 08 THÁNG 3 NĂM 2017

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính;

Căn cứ Nghị định số 48/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính;

Căn cứ Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật;

Căn cứ Nghị định số 92/2017/NĐ-CP ngày 07 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính;

Theo ý kiến của Giám đốc Sở Tư pháp tại Tờ trình số 1172/TTr-STP-VB ngày 05 tháng 3 năm 2019 và đề nghị của Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh ban hành kèm Quyết định số 11/2017/QĐ-UBND ngày 08 tháng 3 năm 2017 của Ủy ban nhân dân thành phố như sau:

1. Sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 13 như sau:

“1. Cơ quan lập đề nghị xây dựng nghị quyết có trách nhiệm:

a) Lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của các chính sách trong đề nghị và các cơ quan, tổ chức có liên quan; nêu những vấn đề cần xin ý kiến phù hợp với từng đối tượng lấy ý kiến và xác định cụ thể địa chỉ tiếp nhận ý kiến.

Trường hợp đề nghị xây dựng nghị quyết có quy định thủ tục hành chính, cơ quan lập đề nghị xây dựng nghị quyết có trách nhiệm lấy ý kiến của Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố (Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính). Trường hợp đề nghị xây dựng nghị quyết có nội dung chính sách về giới, cơ quan lập đề nghị xây dựng nghị quyết có trách nhiệm lấy ý kiến của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

Hồ sơ gửi lấy ý kiến đối với quy định về thủ tục hành chính được thực hiện theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ (đã được sửa đổi, bổ sung tại nghị định số 48/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2013 và Nghị định số 92/2017/NĐ-CP ngày 07 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ).

b) Đăng tải toàn văn hồ sơ đề nghị xây dựng nghị quyết trên cổng thông tin điện tử của thành phố trong thời hạn ít nhất là 30 ngày để các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia ý kiến.

Ngoài đăng tải để lấy ý kiến theo quy định tại Điểm này, việc lấy ý kiến có thể bằng hình thức lấy ý kiến trực tiếp, gửi dự thảo đề nghị góp ý kiến, tổ chức hội thảo hoặc thông qua phương tiện thông tin đại chúng để các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia ý kiến.

c) Gửi hồ sơ đề nghị xây dựng nghị quyết đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh; hồ sơ đề nghị xây dựng nghị quyết liên quan đến quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp đến Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh) để lấy ý kiến”.

2. Sửa đổi, bổ sung Điều 14 như sau:

“Điều 14. Hồ sơ đề nghị xây dựng nghị quyết

1. Tờ trình đề nghị xây dựng nghị quyết (theo mẫu số 02, Phụ lục V, ban hành kèm theo Nghị định số 34/2016/NĐ-CP), trong đó phải nêu rõ sự cần thiết ban hành nghị quyết; mục đích, quan điểm xây dựng nghị quyết; đối tượng, phạm vi điều chỉnh của nghị quyết; mục tiêu, nội dung chính sách trong dự thảo nghị quyết và các giải pháp để thực hiện chính sách đã được lựa chọn; thời gian dự kiến đề nghị Hội đồng nhân dân xem xét, thông qua; dự kiến nguồn lực, điều kiện bảo đảm cho việc thi hành nghị quyết.

2. Nội dung đánh giá tác động của từng chính sách trong đề nghị xây dựng nghị quyết, trong đó phải nêu rõ vấn đề cần giải quyết; mục tiêu ban hành chính sách; các giải pháp để thực hiện chính sách; các tác động tích cực, tiêu cực của chính sách; chi phí, lợi ích của các giải pháp; so sánh chi phí, lợi ích của các giải pháp; lựa chọn giải pháp của cơ quan, tổ chức và lý do lựa chọn; xác định vấn đề giới và tác động giới của chính sách.

3. Báo cáo tổng kết việc thi hành pháp luật hoặc đánh giá thực trạng các vấn đề liên quan đến chính sách.

4. Bản tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và đối tượng chịu sự tác động trực tiếp; bản chụp ý kiến góp ý.

5. Đề cương dự thảo nghị quyết.

6. Văn bản cho ý kiến về thủ tục hành chính của Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố (Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính) (nếu có). Văn bản cho ý kiến đối với chính sách về giới của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (nếu có).

[...]