QUYẾT ĐỊNH
BAN
HÀNH QUY ĐỊNH VỀ LẬP DỰ TOÁN VÀ QUYẾT TOÁN NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG - TỈNH LÀO CAI
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH LÀO CAI
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và
UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước
ngày 16/12/2002;
Căn cứ Nghị quyết số 26/2008/NQ-QH12
ngày 15/11/2008 của Quốc hội về việc thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng
nhân dân huyện, quận, phường;
Căn cứ Nghị quyết số 724/2009/NQ-UBTVQH12
ngày 16/01/2009 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về danh sách huyện, quận, phường
của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện thí điểm không tổ chức
Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường;
Căn cứ Nghị quyết số 725/2009/NQ-UBTVQH12
ngày 16/01/2009 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn
của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và
quy định nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Uỷ ban nhân dân huyện, quận,
phường nơi không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường;
Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP
ngày 06/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân
sách nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 73/2003/NĐ-CP
ngày 23/6/2003 của Chính phủ ban hành Quy chế xem xét, quyết định dự toán và
phân bổ ngân sách địa phương, phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương;
Căn cứ Thông tư số 59/2003/TT-BTC
ngày 23/6/2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 60/2003/NĐ-CP
ngày 06/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân
sách nhà nước;
Căn cứ Thông tư số 108/2008/TT-BTC
ngày 18/11/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn xử lý ngân sách cuối năm và lập, báo
cáo quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm;
Căn cứ Thông tư số 63/2009/TT-BTC
ngày 27/3/2009 của Bộ Tài chính quy định về công tác lập dự toán, tổ chức thực
hiện dự toán và quyết toán ngân sách huyện, quận, phường nơi không tổ chức Hội
đồng nhân dân;
Căn cứ Nghị quyết số 29/2006/NQ-HĐND
ngày 16/12/2006 của Hội đồng nhân dân tỉnh phê chuẩn định mức dự toán chi
thường xuyên; phân cấp nguồn thu - nhiệm vụ chi, tỷ lệ phần trăm (%) phân chia
nguồn thu ngân sách giữa các cấp chính quyền địa phương; thời kỳ ổn định ngân
sách địa phương; thời gian quyết định dự toán, phê chuẩn quyết toán ngân sách
địa phương;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài
chính tại Tờ trình số 49/TTr-STC ngày 03/4/2009,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về lập dự toán và quyết toán ngân
sách địa phương tỉnh Lào Cai.
Điều 2. Giao cho Giám đốc Sở Tài chính hướng dẫn thi hành Quyết định này.
Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh; thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn
thể; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố căn cứ Quyết định thi hành.
Quyết định này có hiệu lực thi hành
sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành và thay thế Quyết định số 497/2003/QĐ.UB
ngày 10/10/2003 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Lào Cai ban hành quy định về dự toán
và quyết toán ngân sách địa phương tỉnh Lào Cai./.
QUY ĐỊNH
VỀ LẬP
DỰ TOÁN VÀ QUYẾT TOÁN NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG TỈNH LÀO CAI
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 08/2009/QĐ-UBND ngày 15/5/2009 của Uỷ ban nhân
dân tỉnh Lào Cai)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này quy định cụ thể về
thẩm quyền, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị trong việc lập dự toán và quyết
toán ngân sách địa phương tỉnh Lào Cai.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Uỷ ban nhân dân các huyện, thành
phố.
2. Các đơn vị dự toán ngân sách tỉnh.
3. Các cơ quan quản lý thu, chi
ngân sách.
4. Các tổ chức, cá nhân khác có
liên quan đến việc lập dự toán và quyết toán ngân sách địa phương.
Điều 3. Nguyên tắc lập dự toán và quyết toán ngân sách địa phương
1. Phù hợp với quy định của Luật
Ngân sách nhà nước, Luật Kế toán và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
2. Dự toán, quyết toán ngân sách địa
phương phải phản ánh đầy đủ, kịp thời, đúng chế độ các khoản thu, chi ngân sách
theo quy định của pháp luật.
3. Dự toán, quyết toán ngân sách địa
phương phải công bố công khai theo quy định của Chính phủ.
Chương II
THẨM QUYỀN, NHIỆM VỤ CỦA CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ TRONG VIỆC
LẬP DỰ TOÁN VÀ QUYẾT TOÁN NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG
Điều 4. Nhiệm vụ của các đơn vị dự toán cấp I thuộc ngân sách tỉnh
1. Lập dự toán ngân sách:
a) Đơn
vị dự toán cấp I lập dự toán thu, chi ngân sách thuộc phạm vi trực tiếp quản
lý, xem xét dự toán do các đơn vị trực thuộc lập, sau đó:
- Tổng hợp và lập dự toán thu, chi
ngân sách thuộc phạm vi quản lý (bao gồm cả dự toán của các đơn vị trực thuộc) gửi
Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư. Đồng thời, tách riêng dự toán chi sự nghiệp
giáo dục gửi Sở Giáo dục và Đào tạo, dự toán chi sự nghiệp khoa học công nghệ
gửi Sở Khoa học và Công nghệ.
- Tổng hợp và lập dự toán chi các Chương
trình mục tiêu quốc gia gửi cơ quan quản lý Chương trình mục tiêu
quốc gia (cơ quan cấp tỉnh), Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư.
b) Về thời gian gửi dự toán: trước
ngày 20 tháng 6 năm trước. Căn cứ vào thời hạn trên, đơn vị dự toán cấp I quy định
cụ thể thời gian gửi dự toán áp dụng đối với đơn vị dự toán cấp II và cấp III.
2. Quyết toán ngân sách năm: Đơn
vị dự toán cấp I xét duyệt quyết toán của các đơn vị dự toán trực thuộc; tổng
hợp, lập báo cáo quyết toán gửi Sở Tài chính trước
ngày 28 tháng 2 năm sau. Thời gian gửi quyết
toán năm của đơn vị dự toán cấp II và cấp III do đơn vị dự toán cấp I quy định
nhưng phải bảo đảm thời gian để đơn vị dự toán cấp I xét duyệt, tổng hợp, lập,
gửi Sở Tài chính.
Điều 5. Nhiệm vụ của Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố
1. Lập dự toán ngân sách:
Phòng Tài chính - Kế hoạch xem xét
dự toán ngân sách của các đơn vị dự toán ngân sách huyện (thành phố); dự toán
thu do Chi cục Thuế và Chi cục Hải quan (nếu có) lập; dự toán ngân sách của các
xã, phường, thị trấn để tổng hợp và lập dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa
bàn, dự toán thu - chi ngân sách địa phương, đồng thời lập dự toán chi Chương
trình mục tiêu quốc gia, dự toán chi các khoản kinh phí ủy quyền báo cáo Ủy ban
nhân dân huyện (thành phố) gửi Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thuế
(phần dự toán thu nội địa), Cục Hải quan (phần dự toán thu từ hoạt động xuất
nhập khẩu), các cơ quan quản lý Chương trình mục tiêu quốc gia (phần dự toán
chi Chương trình mục tiêu quốc gia), Sở Giáo dục và Đào tạo (phần dự toán chi
sự nghiệp giáo dục), Sở Khoa học và Công nghệ (phần dự toán chi sự nghiệp khoa
học công nghệ) chậm nhất vào ngày 20 tháng 6 năm trước. Riêng đối với thành phố
Lào Cai phải xin ý kiến của Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố trước khi
gửi dự toán.
2. Quyết toán ngân sách:
- Phòng Tài chính - Kế hoạch có
trách nhiệm thẩm định quyết toán thu, chi ngân sách cấp xã; xét duyệt quyết
toán của các đơn vị dự toán cấp I; lập quyết toán thu, chi ngân sách cấp huyện;
sau đó tổng hợp, lập báo cáo thu ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện, thành
phố và quyết toán thu, chi ngân sách địa phương trình Uỷ ban nhân dân huyện phê
duyệt, gửi Sở Tài chính trước ngày 30 tháng 4 năm sau.
- Riêng đối với thành phố Lào Cai:
đồng thời với gửi báo cáo quyết toán ngân sách cho Sở Tài chính, Ủy ban nhân
dân thành phố trình Hội đồng nhân dân thành phố xem xét, phê chuẩn. Trường hợp
báo cáo quyết toán ngân sách được Hội đồng nhân dân thành phố phê chuẩn có thay
đổi so với báo cáo quyết toán đã gửi Sở Tài chính thì Uỷ ban nhân dân thành phố
lập báo cáo bổ sung, gửi Sở Tài chính chậm nhất sau 5 ngày kể từ ngày Hội đồng
nhân dân thành phố thông qua nghị quyết phê chuẩn quyết toán.
Điều 6. Nhiệm vụ của các cơ quan quản lý Chương trình mục
tiêu quốc gia
Cơ quan quản lý Chương trình mục tiêu quốc gia có trách nhiệm lập, tổng hợp dự toán và
phương án phân bổ dự toán chi Chương trình mục tiêu quốc gia cho các đơn vị, huyện,
thành phố gửi Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 30 tháng 6 năm
trước.
Điều 7. Nhiệm vụ của Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Khoa học và Công nghệ
1. Sở Giáo dục và Đào tạo lập, tổng
hợp dự toán thu, chi ngân sách cho sự nghiệp giáo dục trên địa bàn toàn tỉnh
gửi Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 30 tháng 6 năm trước.
2. Sở Khoa học và Công nghệ lập,
tổng hợp dự toán thu, chi ngân sách cho sự nghiệp khoa học công nghệ trên địa
bàn toàn tỉnh gửi Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 30 tháng 6 năm
trước.
Điều 8. Nhiệm vụ của Sở Kế hoạch và Đầu tư
1. Chủ trì, phối hợp với các cơ
quan có liên quan tổng hợp dự toán và xây dựng phương án phân bổ dự toán chi
đầu tư xây dựng cơ bản, dự toán chi các Chương trình mục tiêu quốc gia, dự toán
thu - chi sự nghiệp đào tạo trên địa bàn toàn tỉnh gửi Sở Tài chính trước ngày
10 tháng 7 năm trước để tham gia ý kiến và tổng hợp, lập dự toán ngân sách địa
phương và phương án phân bổ ngân sách tỉnh báo cáo UBND tỉnh và Bộ Tài chính.
2. Phối hợp với Sở Tài chính trong
việc tổng hợp, lập dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; dự toán thu, chi
ngân sách địa phương và phương án phân bổ dự toán ngân sách tỉnh.
Điều 9. Nhiệm vụ của Cục Hải quan
1. Lập dự toán thu thuế xuất khẩu,
thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt hàng nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng hàng
nhập khẩu, các khoản thu khác liên quan đến hoạt động xuất, nhập khẩu thuộc
phạm vi quản lý gửi Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 30 tháng 6
năm trước.
2. Hướng dẫn các Chi cục Hải quan lập
dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn gửi Ủy ban nhân dân huyện (thành
phố), Phòng Tài chính - Kế hoạch và Cục Hải quan bảo đảm yêu cầu, nội dung và
thời gian lập dự toán ngân sách của địa phương.
Điều 10. Nhiệm vụ của Cục Thuế
1. Lập
dự toán thu NSNN trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý và số thuế giá trị gia tăng
phải hoàn theo chế độ trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý gửi Sở Tài chính, Sở
Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 30 tháng 6 năm trước.
2. Hướng dẫn Chi cục Thuế các huyện,
thành phố lập dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn gửi Ủy ban nhân dân
huyện (thành phố), Phòng Tài chính - Kế hoạch và Cục Thuế bảo đảm yêu cầu, nội
dung và thời gian lập dự toán ngân sách của địa phương.
Điều 11. Nhiệm vụ của Kho bạc Nhà nước tỉnh, huyện, thành phố
1. Lập
báo cáo quyết toán ngân sách gửi cơ quan tài chính cùng cấp đảm bảo yêu cầu,
nội dung, thời gian và biểu mẫu theo quy định của Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà
nước.
2. Xác nhận số liệu báo cáo quyết
toán ngân sách của cơ quan Tài chính, Thuế, Hải quan và đơn vị dự toán nơi giao
dịch theo quy định.
Điều 12. Nhiệm vụ của Sở Tài chính
1. Dự toán ngân sách:
- Đối với năm đầu của thời kỳ ổn định
ngân sách, Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thuế,
Cục Hải quan tổ chức làm việc với Uỷ ban nhân dân cấp huyện, các cơ quan, đơn
vị cùng cấp về dự toán ngân sách; có quyền yêu cầu rà soát, bổ sung, bố trí lại
những khoản thu, chi trong dự toán chưa tính đầy đủ, đúng chính sách, chế độ,
tiêu chuẩn, định mức, chưa đảm bảo tính hợp lý và tiết kiệm hoặc chưa phù hợp
với khả năng ngân sách và những mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã
hội của địa phương. Đối với các năm tiếp theo của thời kỳ ổn định, chỉ làm việc
khi Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố hoặc đơn vị dự toán ngân sách tỉnh có đề
nghị (trường hợp có những biến động về kinh tế - xã hội và thay đổi về cơ chế,
chính sách làm ảnh hưởng đến dự toán ngân sách).
Trong quá trình làm việc về lập dự
toán ngân sách và xây dựng phương án phân bổ ngân sách, nếu còn có ý kiến khác
nhau giữa Sở Tài chính với các cơ quan, đơn vị cùng cấp, với Uỷ ban nhân dân
huyện (thành phố), Sở Tài chính tổng hợp báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét,
quyết định.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ
quan, đơn vị có liên quan trong việc tổng hợp, lập dự toán thu ngân sách nhà
nước trên địa bàn; dự toán thu, chi ngân sách địa phương và phương án phân bổ
dự toán ngân sách tỉnh.
- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu
tư trong việc lập dự toán và xây dựng phương án phân bổ dự toán chi đầu tư xây
dựng cơ bản, dự toán chi các Chương trình mục tiêu quốc gia.
- Đề xuất các phương án cân đối
ngân sách và các biện pháp nhằm thực hiện chính sách tăng thu, tiết kiệm chi
ngân sách.
- Chuẩn bị các tài liệu của Uỷ ban
nhân dân tỉnh về lập, quyết định, phân bổ, giao dự toán ngân sách đảm bảo nội
dung, biểu mẫu, thời gian theo quy định của Chính phủ, Bộ Tài chính và Hội đồng
nhân dân tỉnh.
2. Quyết toán ngân sách: Sở Tài
chính có trách nhiệm thẩm định báo cáo quyết toán ngân sách của các huyện,
thành phố; xét duyệt báo cáo quyết toán của các đơn vị dự toán ngân sách tỉnh;
lập quyết toán thu, chi ngân sách tỉnh; tổng hợp báo cáo quyết toán thu ngân
sách nhà nước trên địa bàn tỉnh và báo cáo quyết toán thu, chi ngân sách địa
phương trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh xem xét gửi Bộ Tài chính trước ngày 01
tháng 10 năm sau, đồng thời trình Hội đồng nhân dân tỉnh phê chuẩn tại kỳ họp
cuối năm.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 13. Giao cho Sở Tài chính hướng dẫn Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, các
đơn vị dự toán ngân sách tỉnh và các cơ quan có liên quan về biểu mẫu lập dự
toán và quyết toán ngân sách.
Điều 14. Giao cho Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố quy định cụ thể nội dung,
thời gian lập, thẩm định, quyết định, phân bổ, giao dự toán và quyết toán ngân
sách đối với các cơ quan, đơn vị cấp mình quản lý và chính quyền cấp dưới đảm
bảo phù hợp với Luật Ngân sách nhà nước, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật
của Chính phủ, Bộ Tài chính và những quy định nêu trên.
Điều 15. Trong quá trình lập, phân bổ dự toán ngân sách, thủ trưởng các cơ quan,
đơn vị trên địa bàn có trách nhiệm cung cấp các tài liệu có liên quan đến việc lập,
phân bổ dự toán ngân sách theo đề nghị của Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư.
Điều 16. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố; thủ trưởng các đơn vị dự
toán ngân sách tỉnh, các cơ quan quản lý thu, chi ngân sách và các tổ chức, cá
nhân có liên quan đến việc lập dự toán và quyết toán ngân sách địa phương chịu
trách nhiệm tổ chức thực hiện Quyết định này. Trong quá trình thực hiện nếu có
khó khăn vướng mắc, đề nghị phản ánh về Sở Tài chính để tổng hợp, trình Uỷ ban
nhân dân tỉnh xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.