Thông tư 63/2009/TT-BTC về công tác lập dự toán, tổ chức thực hiện dự toán và quyết toán ngân sách huyện, quận, phường nơi không tổ chức Hội đồng nhân dân do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 63/2009/TT-BTC
Ngày ban hành 27/03/2009
Ngày có hiệu lực 01/04/2009
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Nguyễn Công Nghiệp
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Tài chính nhà nước

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 63/2009/TT-BTC

Hà Nội, ngày 27 tháng 3 năm 2009

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ CÔNG TÁC LẬP DỰ TOÁN, TỔ CHỨC THỰC HIỆN DỰ TOÁN VÀ QUYẾT TOÁN NGÂN SÁCH HUYỆN, QUẬN, PHƯỜNG NƠI KHÔNG TỔ CHỨC HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

Căn cứ Nghị quyết số 26/2008/QH12 ngày 15/11/2008 của Quốc hội khoá XII, kỳ họp thứ 4 về thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường;
Căn cứ Nghị quyết số 725/2009/UBTVQH12 ngày 16/01/2009 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và quy định nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Uỷ ban nhân dân huyện, quận, phường nơi không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường;
Căn cứ Nghị quyết số 724/2009/UBTVQH12 ngày 16/01/2009 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về danh sách huyện, quận, phường của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường;
Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Thực hiện Quyết định số 241/QĐ-TTg ngày 23/02/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 26/2008/QH12 ngày 15/11/2008 của Quốc hội khóa XII về thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường;

Bộ Tài chính quy định về công tác lập dự toán, tổ chức thực hiện dự toán và quyết toán ngân sách huyện, quận, phường nơi không tổ chức Hội đồng nhân dân như sau:

I. QUY ĐỊNH CHUNG:

1. Phạm vi áp dụng: Thông tư này quy định về công tác lập dự toán, tổ chức thực hiện dự toán và quyết toán ngân sách đối với huyện (quận), phường nơi không tổ chức Hội đồng nhân dân.

2. Các huyện (quận), phường của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân vẫn tiếp tục được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi phù hợp với phân cấp quản lý kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của Nhà nước và trình độ quản lý của từng cấp trên địa bàn theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn Luật Ngân sách nhà nước. Ngoài các quy định tại Thông tư này, các huyện (quận), phường của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân vẫn tiếp tục thực hiện các quy định về công tác lập dự toán, tổ chức thực hiện dự toán, quyết toán và công khai ngân sách theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn Luật Ngân sách nhà nước.

II. QUY ĐỊNH CỤ THỂ:

1. Lập, quyết định, phân bổ và giao dự toán ngân sách:

a) Đối với ngân sách huyện (quận): Phòng Tài chính – Kế hoạch huyện (quận) phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; dự toán thu, chi ngân sách huyện (quận) báo cáo Uỷ ban nhân dân huyện (quận), gửi Sở Tài chính xem xét, tổng hợp trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định. Chậm nhất sau 5 ngày, kể từ ngày Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm giao dự toán thu, chi ngân sách cho các huyện (quận).

Sau khi nhận được quyết định giao nhiệm vụ thu, chi ngân sách của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, chậm nhất là 10 ngày kể từ ngày Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định dự toán và phân bổ ngân sách, Ủy ban nhân dân huyện (quận) quyết định cụ thể dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; dự toán thu, chi ngân sách địa phương; phân bổ ngân sách cấp huyện (quận); giao dự toán thu, chi ngân sách cho các cơ quan đơn vị cùng cấp và dự toán thu, chi ngân sách cho cấp dưới.

b) Đối với ngân sách phường thuộc quận: Cán bộ phụ trách công tác tài chính phường xây dựng dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; dự toán thu, chi ngân sách phường báo cáo Uỷ ban nhân dân phường, gửi Phòng Tài chính – Kế hoạch quận xem xét, tổng hợp trình Ủy ban nhân dân quận quyết định. Sau khi nhận được quyết định giao nhiệm vụ thu, chi ngân sách của Ủy ban nhân dân quận, Ủy ban nhân dân phường phân bổ dự toán ngân sách cấp mình chậm nhất là 10 ngày kể từ ngày Ủy ban nhân dân quận quyết định dự toán thu, chi ngân sách.

c) Đối với ngân sách phường thuộc thị xã, thành phố thuộc tỉnh: Cán bộ phụ trách công tác tài chính phường xây dựng dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; dự toán thu, chi ngân sách phường báo cáo Ủy ban nhân dân phường gửi Phòng Tài chính – Kế hoạch thị xã (thành phố thuộc tỉnh) xem xét, tổng hợp trình Ủy ban nhân dân thị xã (thành phố thuộc tỉnh) để trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định. Chậm nhất sau 5 ngày, kể từ ngày Hội đồng nhân dân thị xã (thành phố thuộc tỉnh) quyết định, Ủy ban nhân dân thị xã (thành phố thuộc tỉnh) có trách nhiệm giao dự toán thu, chi ngân sách cho các phường. Sau khi nhận được quyết định giao dự toán thu, chi ngân sách của Ủy ban nhân dân thị xã (thành phố thuộc tỉnh), Ủy ban nhân dân phường quyết định phân bổ ngân sách phường chậm nhất là 10 ngày kể từ ngày Hội đồng nhân dân thị xã (thành phố thuộc tỉnh) quyết định dự toán thu, chi ngân sách.

d) Uỷ ban nhân dân huyện (quận), phường có trách nhiệm báo cáo Uỷ ban nhân dân và cơ quan tài chính cấp trên trực tiếp kết quả phân bổ và giao dự toán ngân sách địa phương chậm nhất 5 ngày sau khi dự toán thu, chi ngân sách và phương án phân bổ ngân sách được cơ quan có thẩm quyền quyết định.

đ) Trường hợp dự toán ngân sách của huyện (quận), phường chưa phù hợp với dự toán thu, chi ngân sách được cấp có thẩm quyền quyết định, cơ quan tài chính cấp trên báo cáo Ủy ban nhân dân cùng cấp yêu cầu Ủy ban nhân dân cấp dưới điều chỉnh lại dự toán thu, chi ngân sách cho phù hợp.

e) Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh hướng dẫn cụ thể nội dung, yêu cầu và thời gian xây dựng dự toán ngân sách huyện (quận), phường nơi không tổ chức Hội đồng nhân dân đảm bảo phù hợp với yêu cầu, nội dung và thời gian lập dự toán ngân sách của địa phương.

2. Tổ chức thực hiện dự toán ngân sách:

Uỷ ban nhân dân huyện (quận), phường chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện dự toán ngân sách được giao. Trong quá trình tổ chức thực hiện dự toán ngân sách, nếu có sự thay đổi về thu, chi:

a) Trường hợp có biến động về ngân sách huyện (quận), phường cần phải điều chỉnh, cán bộ phụ trách công tác tài chính phường báo cáo Ủy ban nhân dân phường, Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện (quận) báo cáo Uỷ ban nhân dân cùng cấp quyết định điều chỉnh dự toán ngân sách huyện (quận), phường; đồng thời báo cáo cơ quan tài chính cấp trên để báo cáo cấp có thẩm quyền đã quyết định dự toán ngân sách đầu năm;

b) Số tăng thu và tiết kiệm chi so với dự toán được giao sau khi bố trí nguồn cải cách tiền lương theo quy định được sử dụng để tăng chi đầu tư phát triển, tăng dự phòng ngân sách. Cán bộ phụ trách công tác tài chính phường báo cáo Uỷ ban nhân dân phường, Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện (quận) báo cáo Uỷ ban nhân dân cùng cấp quyết định phương án sử dụng số tăng thu, tiết kiệm chi đối với từng nhiệm vụ chi của địa phương;

c) Trường hợp số thu không đạt dự toán được cấp có thẩm quyền quyết định, cán bộ phụ trách công tác tài chính phường báo cáo Uỷ ban nhân dân phường, Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện (quận) báo cáo Uỷ ban nhân dân cùng cấp điều chỉnh giảm một số khoản chi tương ứng, đồng thời báo cáo cơ quan tài chính cấp trên để báo cáo cấp có thẩm quyền đã quyết định dự toán ngân sách đầu năm.

3. Quyết toán ngân sách:

a) Đối với ngân sách phường: Cán bộ phụ trách công tác tài chính phường lập quyết toán thu, chi ngân sách phường báo cáo Uỷ ban nhân dân phường phê duyệt, gửi Phòng Tài chính - Kế hoạch quận thẩm định và tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân quận phê duyệt; đối với phường thuộc thị xã (thành phố thuộc tỉnh), gửi Phòng Tài chính - Kế hoạch thị xã (thành phố thuộc tỉnh) thẩm định và tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân thị xã (thành phố thuộc tỉnh) trình Hội đồng nhân dân cùng cấp phê chuẩn.

b) Đối với ngân sách huyện (quận): Phòng Tài chính – Kế hoạch huyện (quận) lập báo cáo quyết toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện (quận) và quyết toán thu, chi ngân sách huyện (quận) báo cáo Uỷ ban nhân dân huyện (quận) phê duyệt, gửi Sở Tài chính thẩm định và tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp phê chuẩn.

c) Căn cứ quyết định phê duyệt quyết toán ngân sách của Uỷ ban nhân dân huyện (quận), phường; trường hợp có kết dư ngân sách, Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện (quận), Uỷ ban nhân dân phường có văn bản gửi Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch làm thủ tục hạch toán chuyển vào thu ngân sách năm sau theo chế độ quy định.

d) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể thời gian gửi báo cáo quyết toán đối với các đơn vị dự toán thuộc ngân sách địa phương và ngân sách các cấp ở địa phương để bảo đảm thời hạn gửi báo cáo quyết toán của ngân sách địa phương theo quy định.

4. Tài liệu trình dự toán, quyết toán ngân sách, chỉ tiêu giao dự toán ngân sách cho huyện (quận), phường nơi không tổ chức Hội đồng nhân dân thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn Luật Ngân sách nhà nước.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

[...]
8
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ