Thông tư 108/2008/TT-BTC hướng dẫn xử lý ngân sách cuối năm và lập, báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 108/2008/TT-BTC
Ngày ban hành 18/11/2008
Ngày có hiệu lực 20/12/2008
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Nguyễn Công Nghiệp
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 108/2008/TT-BTC

Hà Nội, ngày 18 tháng 11 năm 2008

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN XỬ LÝ NGÂN SÁCH CUỐI NĂM VÀ LẬP, BÁO CÁO QUYẾT TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC HÀNG NĂM

Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 6/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 77/2003/NĐ-CP ngày 1/7/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Bộ Tài chính đã ban hành các văn bản hướng dẫn công tác khóa sổ kế toán ngân sách nhà nước cuối năm và lập, báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm: Thông tư số 59/2003/TT-BTC ngày 23/6/2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật ngân sách nhà nước, Thông tư số 53/2005/TT-BTC ngày 23/6/2005 của Bộ Tài chính hướng dẫn lập, thẩm định quyết toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước theo niên độ ngân sách hàng năm, Quyết định số 24/2006/QĐ-BTC ngày 06/4/2006 và Quyết định số 14/2007/QĐ-BTC ngày 15/3/2007 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về chế độ kế toán ngân sách nhà nước và hoạt động nghiệp vụ kho bạc nhà nước, Thông tư số 01/2007/TT-BTC ngày 02/01/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn xét duyệt, thẩm định và thông báo quyết toán năm đối với các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp và ngân sách các cấp, Thông tư số 27/2007/TT-BTC ngày 03/4/2007 hướng dẫn về quản lý, thanh toán vốn đầu tư và vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước, Thông tư số 130/2007/TT-BTC ngày 2/11/2007 sửa đổi, bổ sung một số điểm của thông tư số 27/2007/TT-BTC và Thông tư số 28/2007/TT-BTC ngày 03/4/2007 hướng dẫn việc quản lý, cấp phát, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư từ nguồn trái phiếu Chính phủ, Thông tư số 133/2007/TT-BTC ngày 14/11/2007 sửa đổi, bổ sung một số điểm của thông tư số 28/2007/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Để công tác xử lý ngân sách cuối năm và quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm được thống nhất, Bộ Tài chính hướng dẫn một số điểm về xử lý ngân sách nhà nước cuối năm và lập, báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm như sau:

I. CÔNG TÁC XỬ LÝ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC CUỐI NĂM:

1. Thời hạn chi, tạm ứng ngân sách:

Thời hạn chi, tạm ứng ngân sách (kể cả tạm ứng vốn đầu tư xây dựng cơ bản) đối với các nhiệm vụ được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm được thực hiện chậm nhất đến hết ngày 31 tháng 12.

Thời hạn đơn vị sử dụng ngân sách (gồm cả chủ đầu tư) gửi hồ sơ, chứng từ rút dự toán chi ngân sách, tạm ứng ngân sách đến Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch chậm nhất đến hết ngày 30 tháng 12.

Trường hợp đã có khối lượng, công việc thực hiện đến hết ngày 31 tháng 12, thì thời hạn chi ngân sách được thực hiện đến hết ngày 31 tháng 01 năm sau; thời hạn đơn vị sử dụng ngân sách (gồm cả chủ đầu tư) gửi hồ sơ, chứng từ chi ngân sách (kể cả thanh toán các khoản tạm ứng) theo chế độ quy định đến Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch chậm nhất đến hết ngày 25 tháng 01 năm sau.

2. Xử lý số dư tài khoản tiền gửi:

Số dư tài khoản tiền gửi kinh phí ngân sách đến hết ngày 31 tháng 12 được xử lý như sau:

a) Số dư tài khoản tiền gửi của các cơ quan Đảng cộng sản Việt Nam; các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; các đơn vị khác được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật, được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31 tháng 01 năm sau và quyết toán vào ngân sách năm trước.

Trường hợp hết ngày 31 tháng 01 năm sau, các tài khoản tiền gửi của các cơ quan, đơn vị nêu trên còn dư và cần sử dụng tiếp cho năm sau, thì chậm nhất đến hết ngày 10 tháng 02 năm sau, đơn vị sử dụng ngân sách phải đối chiếu số dư tài khoản tiền gửi với Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch và chi tiết theo Loại, Khoản, Mục, Tiểu mục số tiền còn dư theo Biểu số 01/ĐVDT ban hành kèm theo Thông tư này để làm căn cứ hạch toán chuyển số dư sang năm sau. Căn cứ kết quả đối chiếu số dư tài khoản tiền gửi, Kho bạc Nhà nước thực hiện hạch toán giảm chi (nếu đã hạch toán chi) hoặc hạch toán giảm tạm ứng (nếu đã hạch toán tạm ứng) ngân sách năm trước, tăng số đã cấp ngân sách năm sau; đồng thời thực hiện chuyển số dư dự toán ngân sách năm trước (tương ứng với số dư tài khoản tiền gửi được chuyển sang ngân sách năm sau) sang dự toán ngân sách năm sau.

Kho bạc Nhà nước lập báo cáo chi tiết theo đơn vị dự toán cấp I gửi cơ quan tài chính cùng cấp để theo dõi. Khi sử dụng, hạch toán, quyết toán vào ngân sách năm sau theo chế độ quy định.

b) Số dư tài khoản tiền gửi quy định tại Tiết a Điểm này không cần sử dụng tiếp và số dư tài khoản tiền gửi của các cơ quan, đơn vị khác (nếu có) phải nộp lại ngân sách nhà nước. Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch yêu cầu đơn vị sử dụng ngân sách báo cáo chi tiết số dư theo Mục lục ngân sách nhà nước để Kho bạc thực hiện nộp lại ngân sách và hạch toán giảm chi hoặc giảm tạm ứng ngân sách.

c) Số dư tài khoản tiền gửi của ngân sách cấp xã (nếu có) được chuyển sang ngân sách năm sau sử dụng theo chế độ quy định.

3. Xử lý số dư dự toán ngân sách:

a) Hết ngày 31 tháng 01 năm sau, dự toán ngân sách giao cho đơn vị, dự án, công trình chưa sử dụng hoặc sử dụng chưa hết (gọi là số dư dự toán) không được chi tiếp và bị hủy bỏ; trừ các trường hợp quy định tại Tiết b Điểm 3, Mục I Thông tư này và các trường hợp được Bộ trưởng Bộ Tài chính (đối với ngân sách Trung ương), Chủ tịch Ủy ban nhân dân hoặc thủ trưởng cơ quan tài chính được ủy quyền (đối với ngân sách địa phương) quyết định cho chi tiếp. Các trường hợp thuộc diện được xem xét, quyết định cho chi tiết vào năm sau gồm:

- Các nhiệm vụ chi được bổ sung vào quý IV.

- Các nhiệm vụ chi khắc phục dịch bệnh, hỏa hoạn, thiên tai (đê, kè, cống, các công trình thủy lợi vượt lũ, thoát lũ, khu trú bão cho tàu thuyền đánh cá, các dự án đảm bảo an toàn giao thông, trường học, bệnh viện, …).

- Vốn đối ứng các dự án ODA, viện trợ không hoàn lại.

- Vốn đầu tư của các dự án đầu tư xây dựng cơ bản khác có các điều kiện sau:

+ Các dự án được bố trí để mua sắm thiết bị nhập khẩu, đã đấu thầu, ký hợp đồng, mở L/C, đặt cọc hoặc thanh toán một phần tiền theo hợp đồng nhưng hàng không về kịp để thanh toán đúng thời gian quy định.

+ Các dự án được bố trí đủ vốn theo quyết định đầu tư đã phê duyệt để hoàn thành đưa vào sử dụng (dự toán năm tiếp theo không bố trí vốn).

+ Các dự án bố trí vốn đền bù, giải phóng mặt bằng mà phương án và dự toán đền bù, giải phóng mặt bằng đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

+ Các dự án đầu tư cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã đủ thủ tục đầu tư.

- Các trường hợp cần thiết khác.

Việc xét chuyển số dư dự toán thực hiện như sau:

Các đơn vị sử dụng ngân sách (gồm cả chủ đầu tư) có văn bản đề nghị, kèm theo tài liệu liên quan (đối với chi thường xuyên còn kèm theo xác nhận của Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch – bản chính, theo Biểu số 02/ĐVDT ban hành kèm theo Thông tư này) gửi đơn vị dự toán cấp trên trực tiếp; đơn vị dự toán cấp I tổng hợp gửi cơ quan tài chính cùng cấp để xét chuyển (kèm theo tài liệu liên quan, bảng tổng hợp số dư dự toán của từng đơn vị sử dụng ngân sách và bản xác nhận của Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch – bản chính).

[...]
7
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ