BỘ
KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
04/2003/QĐ-BKHCN
|
Hà
Nội, ngày 18 tháng 2 năm 2003
|
QUYẾT ĐỊNH
CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ SỐ 04/2003/QĐ-BKHCN
NGÀY 18 THÁNG 02 NĂM 2003 VỀ VIỆC BAN HÀNH "CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG ĐẨY MẠNH
CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN PHÁP LUẬT VỀ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ (GIAI ĐOẠN
2003 - 2007)"
BỘ TRƯỞNG BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
Căn cứ Nghị định số 22/CP
ngày 22 tháng 5 năm 1993 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy
của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ);
Căn cứ Quyết định số 188/2002/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2002 của Thủ tướng
Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện kết
luận của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về khoa học
và công nghệ;
Căn cứ Quyết định số 13/2003/QĐ-TTg ngày 17 tháng 01 năm 2003 của Thủ tướng
Chính phủ phê duyệt Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 2003 đến
năm 2007;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Chánh văn phòng Bộ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Ban hành kèm theo Quyết định này "Chương trình hành
động đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoa học và công nghệ
(giai đoạn 2003 - 2007)".
Điều 2.
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng
Công báo.
Điều 3.
Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Chánh Văn phòng Bộ và Thủ trưởng
các đơn vị trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, các Sở Khoa học, Công nghệ và
Môi trường, các cơ quan quản lý khoa học công nghệ thuộc các Bộ, ngành, các tổ
chức khoa học công nghệ và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm
thi hành Quyết định này.
CHƯƠNG TRÌNH
HÀNH ĐỘNG ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN PHÁP LUẬT
VỀ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ (GIAI ĐOẠN 2003 - 2007)
(Ban hành kèm theo Quyết định số 04/2003 QĐ-BKHCN ngày 18/02/2003 của Bộ trưởng
Bộ Khoa học và Công nghệ)
I. MỤC TIÊU,
YÊU CẦU CỦA CHƯƠNG TRÌNH
1. Mục tiêu:
- Góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu
quả của việc xây dựng, tổ chức thực hiện và hoàn thiện hệ thống pháp luật về
khoa học và công nghệ.
- Nâng cao hiểu biết pháp luật về
khoa học và công nghệ, sở hữu công nghiệp, chuyển giao công nghệ, tiêu chuẩn,
đo lường, chất lượng, an toàn và kiểm soát bức xạ cho cán bộ, công chức làm việc
trong các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức khoa học và công nghệ, các
doanh nghiệp, các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, xã hội
- nghề nghiệp và mọi tầng lớp nhân dân. Từ đó nâng cao ý thức tuân thủ và chấp
hành pháp luật, góp phần tăng cường trật tự, kỷ cương pháp luật, ngăn ngừa có
hiệu quả sự vi phạm pháp luật về khoa học và công nghệ, sở hữu công nghiệp,
chuyển giao công nghệ, chất lượng, an toàn và kiểm soát bức xạ (sau đây gọi tắt
là pháp luật khoa học công nghệ).
- Giúp cho cán bộ, công chức trước
hết cho cán bộ, công chức làm việc trong các cơ quan quản lý nhà nước về
khoa học và công nghệ ở tất cả các cấp, các tổ chức khoa học và công nghệ và
các doanh nghiệp nắm bắt hệ thống và kịp thời cập nhật những thông tin mới về
pháp luật khoa học công nghệ, nâng cao năng lực vận dụng, thi hành pháp luật
trên cương vị công tác và thực thi nhiệm vụ.
- Xây dựng cơ chế phối hợp hoạt
động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoa học công nghệ có hiệu quả, đưa
công tác phổ biến pháp luật khoa học công nghệ vào nề nếp.
2. Yêu cầu:
- Hoạt động tuyên truyền, phổ biến
pháp luật khoa học công nghệ phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, rộng
khắp.
- Lựa chọn và áp dụng các biện
pháp, hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật khoa học công nghệ phải phù hợp
với từng loại đối tượng.
- Hoạt động tuyên truyền, phổ biến
pháp luật bảo đảm tính khoa học, tính chuẩn xác và hiệu quả.
II. NỘI DUNG
PHÁP LUẬT CẦN TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN
Nội dung pháp luật cần tuyên
truyền, phổ biến là nội dung của tất cả các văn bản pháp luật thuộc các lĩnh vực
do Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện quản lý nhà nước, bao gồm:
- Pháp luật về khoa học và công
nghệ,
- Pháp luật về sở hữu công nghệ,
- Pháp luật về chuyển giao công
nghệ,
- Pháp luật về chất lượng,
- Pháp luật về an toàn và kiểm
soát bức xạ.
III. HÌNH THỨC
HOẠT ĐỘNG VÀ PHÂN CÔNG THỰC HIỆN
1. Tổ chức giới thiệu trực tiếp
các văn bản pháp luật
a) Nội dung:
- Tổ chức các buổi giới thiệu,
toạ đàm với từng loại đối tượng về nội dung tất cả các văn bản mới của pháp luật
khoa học và công nghệ;
- Tổ chức đối thoại trực tiếp với
từng loại đối tượng về các chuyên đề pháp lý thuộc các lĩnh vực khoa học và
công nghệ, sở hữu công nghệ, chuyển giao công nghệ, chất lượng, an toàn và kiểm
soát bức xạ;
- Tổ chức họp báo để giới thiệu
nội dung của văn bản mới có nội dung quan trọng.
b) Đơn vị thực hiện:
- Vụ Pháp chế chủ trì phối hợp với
Văn phòng Bộ, các đơn vị có liên quan thuộc Bộ và các Sở Khoa học, Công nghệ và
Môi trường tổ chức thực hiện các hoạt động này đối với các văn bản pháp luật về
khoa học và công nghệ.
- Cục Sở hữu công nghiệp chủ trì
phối hợp với Vụ Pháp chế, Văn phòng Bộ và các Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường
tổ chức thực hiện các hoạt động này đối với các văn bản pháp luật về sở hữu
công nghệ.
- Văn phòng Thẩm định về công
nghệ và môi trường các dự án đầu tư chủ trì phối hợp với Vụ Pháp chế, Văn phòng
Bộ và các Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức thực hiện các hoạt động
này đối với các văn bản pháp luật về chuyển giao công nghệ.
- Tổng cục Tiêu chuẩn, đo lường
và chất lượng chủ trì phối hợp với Vụ Pháp chế, Văn phòng Bộ và các Sở Khoa học,
Công nghệ và Môi trường tổ chức thực hiện các hoạt động này đối với các văn bản
pháp luật về chất lượng.
- Ban An toàn bức xạ và hạt nhân
chủ trì phối hợp với Vụ Pháp chế, Văn phòng Bộ và các Sở Khoa học, Công nghệ và
Môi trường tổ chức thực hiện các hoạt động này đối với các văn bản pháp luật về
an toàn và kiểm soát bức xạ.
- Văn phòng Bộ chủ trì phối hợp
với Vụ Pháp chế và các đơn vị có liên quan tổ chức các cuộc họp báo để lãnh đạo
Bộ giới thiệu nội dung của các văn bản quan trọng.
2. Tổ chức các lớp tập huấn
về pháp luật.
a) Nội dung:
- Kịp thời cập nhật nội dung mới
của pháp luật khoa học công nghệ vào chương trình bồi dưỡng kiến thức quản lý
khoa học và công nghệ cho cán bộ, công chức trong lĩnh vực khoa học và công nghệ,
sở hữu công nghệ, chuyển giao công nghệ, chất lượng, an toàn và kiểm soát bức xạ
theo kế hoạch đã được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt hàng năm, tiến tới tổ
chức các lớp bồi dưỡng kiến thức về pháp luật khoa học công nghệ cho cán bộ,
công chức của các cơ quan quản lý khoa học và công nghệ.
- Hàng năm tổ chức các lớp tập
huấn nghiệp vụ pháp chế, nghiệp vụ thanh tra, nghiệp vụ kế hoạch hóa và tài
chính khoa học và công nghệ, nghiệp vụ công tác sở hữu công nghệ, nghiệp vụ
công tác chuyển giao công nghệ, nghiệp vụ công tác chất lượng, nghiệp vụ công
tác an toàn và kiểm soát bức xạ v.v... nhằm vừa nâng cao trình độ nghiệp
vụ, vừa tăng cường khả năng nắm bắt và vận dụng chính xác các quy định pháp luật
cần thiết cho cán bộ, công chức trong các lĩnh vục khoa học và công nghệ, sở hữu
công nghệ, chuyển giao công nghệ, chất lượng và an toàn và kiểm soát bức xạ.
b) Tổ chức thực hiện:
- Trường Bồi dưỡng nghiệp vụ quản
lý khoa học, công nghệ và môi trường chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên
quan thực hiện việc đưa nội dung cần thiết vào chương trình bồi dưỡng kiến thức
quản lý khoa học và công nghệ.
- Vụ Pháp chế, Thanh tra Bộ, Vụ
Kế hoạch, Cục sở hữu công nghiệp, Văn phòng Thẩm định về công nghệ và môi trường
các dự án đầu tư, Tổng cục Tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng, Ban An toàn bức
xạ và hạt nhân chủ trì phối hợp với Văn phòng Bộ, các đơn vị liên quan thuộc Bộ
và với các Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức thực hiện việc tập huấn
thuộc lĩnh vực nghiệp vụ của mình.
3. Xuất bản và phát hành rộng
rãi các cuốn sách về pháp luật khoa học và công nghệ
a) Nội dung:
- Định kỳ mỗi năm xuất bản 2 cuốn
sách "Các Văn bản pháp luật mới về khoa học và công nghệ" bao gồm tất
cả các văn bản pháp luật mới được ban hành trong năm thuộc lĩnh vực các lĩnh vực
khoa học và công nghệ, sở hữu công nghệ, chuyển giao công nghệ, chất lượng, an
toàn và kiểm soát bức xạ.
- Tổ chức biên soạn và xuất bản
các cuốn cẩm nang pháp luật, sách hỏi đáp về pháp luật khoa học và công nghệ, sở
hữu công nghệ, chuyển giao công nghệ, chất lượng, an toàn và kiểm soát bức xạ.
- Ngoài ra, căn cứ vào tình hình
thực tiễn, tổ chức biên soạn và xuất bản các cuốn sách "Văn bản pháp luật
hiện hành" của từng lĩnh vực chuyên ngành khoa học và công nghệ, sở hữu
công nghệ, chuyển giao công nghệ, chất lượng, an toàn và kiểm soát bức xạ.
b) Đơn vị thực hiện: Vụ Pháp chế
chủ trì phối hợp với Văn phòng Bộ và các đơn vị có liên quan.
4. Đưa các văn bản pháp luật lên
mạng Internet:
a) Nội dung: Xây dựng cơ sở dữ
liệu, thu thập và đưa lên mạng Internet các văn bản pháp luật khoa học và công
nghệ.
b) Đơn vị thực hiện:
Vụ Pháp chế chủ trì phối hợp với
Văn phòng bộ, trung tâm tin học và Trung tâm Thông tin tư liệu khoa học và công
nghệ quốc gia.
5. Phổ biến pháp luật trên các
phương tiện thông tin đại chúng (báo, đài phát thanh, truyền hình).
a) Nội dung:
- Kịp thời giới thiệu, trả lời
phỏng vấn, họp báo về nội dung các văn bản pháp luật khoa học công nghệ, đặc biệt
nội dung của các văn bản mới ban hành trên các báo, tạp chí của Bộ, ngoài Bộ và
trên đài phát thanh, truyền hình ở Trung ương và địa phương.
- Hợp tác chặt chẽ với các đài
phát thanh, truyền hình để thực hiện các chương trình, chuyên mục phát thanh,
truyền hình về pháp luật khoa học và công nghệ.
b) Đơn vị thực hiện:
Vụ Pháp chế cùng Văn phòng bộ chủ
trì phối hợp với các báo, tạp chí và các cơ quan liên quan thuộc Bộ và với các
Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường.
IV. TRÁCH NHIỆM
XÂY DỰNG KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI VÀ KINH PHÍ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH
- Các đơn vị được giao chủ trì
thực hiện các hoạt động nêu tại Mục III của Chương trình này có trách nhiệm đưa
tất cả các hoạt động này vào kế hoạch công tác hàng năm của mình trong cả giai
đoạn từ năm 2003 đến năm 2007.
- Kinh phí cho các hoạt động
tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoa học công nghệ được lấy từ kinh phí sự
nghiệp khoa học.
- Các đơn vị được giao chủ trì
thực hiện có trách nhiệm dự trù kinh phí cho từng hoạt động cụ thể khi xây dựng
kế hoạch hàng năm của mình và trình lãnh đạo Bộ phê duyệt.
Vụ Pháp chế, Văn phòng Bộ thường
xuyên đôn đốc theo dõi việc thực hiện Chương trình này; kịp thời tổng kết, đánh
giá rút kinh nghiệm để có giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình
thực hiện.