Chỉ thị 03/2003/CT-BKHCN về tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoa học và công nghệ do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành

Số hiệu 03/2003/CT-BKHCN
Ngày ban hành 18/02/2003
Ngày có hiệu lực 18/04/2003
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Bộ Khoa học và Công nghệ
Người ký Hoàng Văn Huây
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 03/2003/CT-BKHCN

Hà Nội, ngày 18 tháng 2 năm 2003

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN PHÁP LUẬT VỀ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nói chung và pháp luật về khoa học và công nghệ nói riêng có vị trí và vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao hiệu lực và hiệu quả của công tác quản lý nhà nước, đặc biệt trong công cuộc đổi mới của nước ta hiện nay.

Ngày 07 tháng 01 năm 1998, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 02/1998/CT-TTg về việc tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và Quyết định số 03/1998/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư hướng dẫn thi hành các văn bản này.

Thực hiện Chỉ thị và Quyết định nêu trên của Thủ tướng Chính phủ, trong những năm qua các Bộ, ngành và địa phương đã có nhiều cố gắng trong việc tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật và đã đạt được những kết quả tốt, đáp ứng một phần yêu cầu tăng cường quản lý nhà nước, quản lý xã hội bằng pháp luật. Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã triển khai một số hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về các lĩnh vực do Bộ thực hiện quản lý nhà nước như khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ, sở hữu công nghiệp, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, an toàn và kiểm soát bức xạ (sau đây gọi chung là pháp luật về khoa học và công nghệ).

Tuy nhiên hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoa học và công nghệ do Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện trong những năm qua chưa ngang tầm với yêu cầu tăng cường quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với các lĩnh vực này, chưa được tiến hành thường xuyên, liên tục, đồng bộ, rộng khắp, chưa có trọng tâm, trọng điểm; còn thiếu cơ chế, kế hoạch phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các đơn vị thuộc Bộ, giữa Bộ với các Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trương, các tổ chức khoa học và công nghệ và các cơ quan thông tin đại chúng, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn ngành và của toàn xã hội cho mục đích tăng cường hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoa học và công nghệ. Vì những hạn chế đó, nhu cầu thông tin pháp luật về khoa học và công nghệ của cán bộ quản lý khoa học và công nghệ, của các tổ chức, cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ và nhân dân trong thời gian qua chưa được đáp ứng đầy đủ.

Để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoa học và công nghệ, nhằm nâng cao hiểu biết và ý thức tôn trọng pháp luật, bảo đảm hiệu quả thực thi pháp luật về khoa học và công nghệ, góp phần đẩy mạnh hoạt động khoa học và công nghệ theo tinh thần Kết luận của Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 6 (Khoá IX) về khoa học và công nghệ, đồng thời cũng là để thực hiện Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 2003 đến năm 2007 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 13/2003/QĐ-TTg ngày 17 tháng 01 năm 2003, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ thị:

1. Mỗi cán bộ, công chức thuộc các cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ ở Trung ương, địa phương cũng như các tổ chức, cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ phải xác định rõ việc học tập, nghiên cứu để hiểu biết pháp luật về khoa học và công nghệ, thi hành nghiêm chỉnh pháp luật về khoa học và công nghệ là trách nhiệm của mình; gương mẫu trong việc thực hiện, chấp hành pháp luật và có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoa học và công nghệ trong nhân dân.

2. Thủ trưởng các cơ quan thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, Giám đốc các Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Thủ trưởng cơ quan quản lý khoa học và công nghệ thuộc các Bộ, ngành, người đứng đầu các tổ chức khoa học và công nghệ có trách nhiệm chỉ đạo và thường xuyên kiểm tra việc thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoa học và công nghệ trong phạm vi hoạt động của đơn vị mình.

Trước mắt các cơ quan thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, các Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường, các cơ quan quản lý khoa học và công nghệ thuộc các Bộ, ngành phải làm tốt các việc sau đây:

a) Bố trí một cán bộ lãnh đạo đơn vị theo dõi, tổ chức việc thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoa học và công nghệ.

b) Đưa công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoa học và công nghệ đến từng loại đối tượng, đặc biệt phổ biến, triển khai thực hiện các văn bản pháp luật mới ban hành vào chương trình, kế hoạch công tác hàng năm của đơn vị.

c) Căn cứ vào Chương trình hành động đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoa học và công nghệ giai đoạn 2003 - 2007 của Bộ Khoa học và Công nghệ để xây dựng kế hoạch hàng năm, lựa chọn hình thức, biện pháp thích hợp và tích cực nhất cho việc đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoa học và công nghệ của đơn vị mình.

d) Bố trí nguồn kinh phí hợp lý trong kế hoạch hàng năm để triển khai thực hiện các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoa học và công nghệ.

3. Vụ Pháp chế có trách nhiệm:

a) Làm đầu mối phối hợp với các cơ quan thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn các Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường, các cơ quan quản lý khoa học và công nghệ thuộc các Bộ, ngành, các tổ chức khoa học và công nghệ các cấp xây dựng kế hoạch hàng năm về tuyên truyền, phổ biến pháp luật khoa học và công nghệ cho từng đối tượng và đưa công tác này vào nề nếp.

b) Xây dựng chương trình hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoa học và công nghệ hàng năm và dài hạn của Bộ trình Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt.

c) Biên soạn tài liệu, xây dựng đề cương, hướng dẫn nội dung phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về khoa học và công nghệ cho từng loại đối tượng, tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ cho lực lượng cán bộ tuyên truyền về pháp luật khoa học và công nghệ.

4. Các cơ quan báo chí của Bộ và Sở Khoa học, công nghệ và Môi trường dành số trang thông tin thích đáng cho việc phổ biến, giáo dục pháp luật bằng các chuyên trang, chuyên mục về pháp luật với các hình thức thích hợp. Tăng cường đội ngũ phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên viết về pháp luật để cung cấp cho các báo, đài Trung ương và địa phương nhằm đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu tìm hiểu pháp luật về khoa học và công nghệ của nhân dân.

5. Văn phòng Bộ chủ trì phối hợp với Vụ Pháp chế xây dựng kế hoạch hàng năm và biện pháp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoa học và công nghệ trên các phương tiện thông tin đại chúng ngoài Bộ với các hình thức thích hợp.

6. Vụ Tổ chức và cán bộ khoa học phối hợp với Trường Bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý khoa học, công nghệ và môi trường và các đơn vị có liên quan xây dựng trình lãnh đạo Bộ phê duyệt kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo cán bộ, công chức quản lý nhà nước về pháp luật khoa học và công nghệ; chủ trì việc trao đổi với các Bộ, ngành liên quan để đưa nội dung pháp luật khoa học và công nghệ vào thi tuyển, thi nâng bậc, chuyển ngạch cho cán bộ, công chức khoa học và công nghệ phù hợp với từng loại đối tượng.

7. Trường Bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý khoa học, công nghệ và môi trường chủ trì phối hợp với Vụ Pháp chế và các đơn vị có liên quan tổ chức triển khai kế hoạch đã được lãnh đạo Bộ phê duyệt về bồi dưỡng, đào tạo về pháp luật khoa học và công nghệ cho cán bộ, công chức quản lý khoa học và công nghệ các cấp và cho các viên chức nghiên cứu khoa học và công nghệ. Chú trọng tập huấn, bồi dưỡng chuyên đề về pháp luật thường xuyên cho cán bộ, công chức thuộc các cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ ở Trung ương và địa phương.

8. Tổng cục Tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng chủ trì phối hợp với Vụ Pháp chế xây dựng nội dung, lựa chọn và triển khai các hình thức và biện pháp tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho cán bộ, công chức trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, đặc biệt chú trọng tổ chức các lớp tập huấn, phổ biến, bồi dưỡng kiến thức về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng cho các doanh nghiệp và các đối tượng khác có liên quan.

9. Cục Sở hữu công nghiệp có trách nhiệm chủ trì phối hợp với Vụ Pháp chế xây dựng nội dung, lựa chọn và triển khai các hình thức và biện pháp tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho cán bộ, công chức trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, cho cả các doanh nghiệp và mọi tầng lớp nhân dân; đặc biệt chú trọng việc sớm phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức về pháp luật sở hữu công nghiệp tại Trường Bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý khoa học, công nghệ và môi trường, Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh.

10. Văn phòng Thẩm định về công nghệ và môi trường các dự án đầu tư chủ trì phối hợp với Vụ Pháp chế xây dựng nội dung, lựa chọn và triển khai các hình thức và biện pháp tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho cán bộ, công chức trong lĩnh vực chuyển giao công nghệ, đặc biệt chú trọng tổ chức các lớp tập huấn, phổ biến, hướng dẫn thực hiện pháp luật và nghiệp vụ quản lý công tác chuyển giao công nghệ cho các cơ quan quản lý khoa học và công nghệ ở địa phương, các doanh nghiệp và các đối tượng khác có liên quan.

11. Ban An toàn bức xạ và hạt nhân chủ trì phối hợp với Vụ Pháp chế xây dựng nội dung, lựa chọn và triển khai các hình thức và biện pháp tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho cán bộ, công chức trong lĩnh vực an toàn và kiểm soát bức xạ, đặc biệt chú trọng tổ chức các lớp tập huấn, phổ biến, bồi dưỡng kiến thức về an toàn và kiểm soát bức xạ cho các đối tượng có liên quan đến hoạt động an toàn và kiểm soát bức xạ.

12. Các Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường và các cơ quan quản lý khoa học và công nghệ thuộc các Bộ, ngành ở Trung ương xây dựng kế hoạch hàng năm, trong đó xác định rõ nội dung, hình thức, biện pháp triển khai và kinh phí hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoa học và công nghệ trình cơ quan chủ quản của mình phê duyệt và gửi Bộ Khoa học và Công nghệ trước ngày 15 tháng 11 hàng năm để tổng hợp thành kế hoạch thống nhất của toàn ngành trong năm tiếp theo về tuyên truyền, phổ biến pháp luật khoa học và công nghệ.

13. Vụ Pháp chế có trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này và định kỳ báo cáo kết quả với Bộ trưởng. Việc khen thưởng đối với tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoa học và công nghệ được thực hiện hàng năm theo quy định hiện hành của Nhà nước.

[...]