Thứ 4, Ngày 30/10/2024

Quyết định 03/2017/QĐ-UBND Quy định phân loại, sưu tầm, thu thập, bảo quản, khai thác, sử dụng tài liệu quý, hiếm của tỉnh Bình Định

Số hiệu 03/2017/QĐ-UBND
Ngày ban hành 13/01/2017
Ngày có hiệu lực 01/02/2017
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Định
Người ký Hồ Quốc Dũng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 03/2017/QĐ-UBND

Bình Định, ngày 13 tháng 01 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH PHÂN LOẠI, SƯU TẦM, THU THẬP, BẢO QUẢN, KHAI THÁC, SỬ DỤNG TÀI LIỆU QUÝ, HIẾM CỦA TỈNH BÌNH ĐỊNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH ĐỊNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Lưu trữ ngày 11 tháng 11 năm 2011;

Căn cứ Nghị định số 01/2013/NĐ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2013 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lưu trữ;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 129/2014/TTLT-BTC-BNV ngày 05 tháng 9 năm 2014 của Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ quy định việc quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm thực hiện Đề án “Sưu tầm tài liệu lưu trữ quý, hiếm của Việt Nam và về Việt Nam”;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 18/TTr-SNV ngày 09 tháng 01 năm 2017,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định phân loại, sưu tầm, thu thập, bảo quản, khai thác, sử dụng tài liệu quý, hiếm của tỉnh Bình Định.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 02 năm 2017 và thay thế Quyết định số 4762/QĐ-UBND ngày 30 tháng 12 năm 2015 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy chế phân loại, sưu tầm, thu thập, bảo quản, khai thác, sử dụng tài liệu quý, hiếm của tỉnh Bình Định.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH





Hồ Quốc Dũng

 

QUY ĐỊNH

PHÂN LOẠI, SƯU TẦM, THU THẬP, BẢO QUẢN, KHAI THÁC, SỬ DỤNG TÀI LIỆU QUÝ, HIẾM CỦA TỈNH BÌNH ĐỊNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 03/2017/QĐ-UBND ngày 13 tháng 01 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định việc phân loại, sưu tầm, thu thập, bảo quản, khai thác, sử dụng tài liệu quý, hiếm của tỉnh Bình Định; trách nhiệm và quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc phân loại, sưu tầm, thu thập, bảo quản, khai thác, sử dụng và giao nộp tài liệu có giá trị lịch sử theo đúng quy định của pháp luật về lưu trữ.

Đối với những nội dung không được quy định tại Quy định này thì thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy định này áp dụng đối với cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân, gia đình, dòng họ có liên quan đến hoạt động phân loại, sưu tầm, thu thập, bảo quản, khai thác, sử dụng tài liệu quý, hiếm trên địa bàn tỉnh.

Điều 3. Tài liệu lưu trữ lịch sử và tài liệu quý, hiếm của tỉnh

1. Tài liệu lưu trữ lịch sử của tỉnh là tài liệu có giá trị về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, ngoại giao, văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ được hình thành trong các thời kỳ lịch sử phát triển của tỉnh, qua hoạt động của các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân (sau đây gọi chung là cơ quan, tổ chức); của các nhân vật lịch sử tiêu biểu của tỉnh; do các cá nhân, gia đình, dòng họ (sau đây gọi chung là cá nhân) lưu giữ; là bản chính, bản gốc, bản thảo viết tay hoặc có bút tích của các nhân vật tiêu biểu.

2. Tài liệu quý là những tài liệu lịch sử chứa thông tin về các sự kiện, biến cố và hiện tượng đặc biệt của tự nhiên, đời sống xã hội và tư duy, có ý nghĩa nền tảng đối với quản lý nhà nước, kinh tế quốc dân, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, trong quan hệ đối ngoại, nghiên cứu khoa học, lịch sử và không thể bổ khuyết được nếu bị mất hoặc hư hỏng, xét về ý nghĩa pháp lý và bút tích của chúng.

[...]