Quyết định 02/2008/QĐ-BCT phê duyệt quy hoạch phát triển công nghiệp sản xuất máy động lực và máy nông nghiệp giai đoạn 2006-2015, có xét đến năm 2020 do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành

Số hiệu 02/2008/QĐ-BCT
Ngày ban hành 21/01/2008
Ngày có hiệu lực 21/02/2008
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Công thương
Người ký Vũ Huy Hoàng
Lĩnh vực Đầu tư

BỘ CÔNG THƯƠNG
-----

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------

Số: 02/2008/QĐ-BCT

Hà Nội, ngày 21 tháng 01 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP SẢN XUẤT MÁY ĐỘNG LỰC VÀ MÁY NÔNG NGHIỆP GIAI ĐOẠN 2006-2015, CÓ XÉT ĐẾN NĂM 2020

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG

Căn cứ Nghị định số 189/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;
Thực hiện công văn số 3174/VPCP-CN ngày 11 tháng 6 năm 2007 của Văn phòng Chính phủ về việc Thủ tướng Chính phủ uỷ quyền Bộ trưởng Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp sản xuất máy động lực và máy nông nghiệp giai đoạn 2006-2015, có xét đến năm 2020;
Xét Tờ trình số 16/TTr-NC ngày 09 tháng 01 năm 2008 của Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, chính sách công nghiệp;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp sản xuất máy động lực và máy nông nghiệp giai đoạn 2006-2015, có xét đến năm 2020 với các nội dung chủ yếu sau:

1. Quan điểm phát triển

- Sản xuất máy động lực và máy nông nghiệp là lĩnh vực quan trọng phục vụ công nghiệp hoá - hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn được Nhà nước ưu tiên khuyến khích phát triển.

- Phát triển sản xuất máy động lực và máy nông nghiệp trên cơ sở phù hợp với Chiến lược phát triển ngành Cơ khí Việt Nam, phát huy nội lực là chính, gắn với cơ khí và công nghiệp cả nước, gắn với chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp và công nghiệp quốc phòng.

- Chủ động hội nhập khu vực và quốc tế, tranh thủ tiếp thu công nghệ kỹ thuật tiên tiến cho các sản phẩm mũi nhọn có lợi thế cạnh tranh cao, ưu tiên cho một số sản phẩm chủ yếu đáp ứng yêu cầu cấp bách của sản xuất nông nghiệp và chế biến nông lâm sản sau thu hoạch.

- Phát triển bền vững, khuyến khích các sản phẩm tiết kiệm nguyên, nhiên liệu.

2. Mục tiêu phát triển

a) Mục tiêu tổng quát

Đến năm 2020 đưa sản xuất máy động lực, máy nông nghiệp thành ngành sản xuất mạnh của Việt Nam và trong khu vực, góp phần đảm bảo thắng lợi của sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

b) Mục tiêu cụ thể

- Mục tiêu về giá trị sản xuất (giá cố định 1994): Năm 2010 đạt 1.990 tỷ đồng, năm 2015 đạt 3.280 tỷ đồng, năm 2020 đạt 5.400 tỷ đồng.

- Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất giai đoạn từ nay đến năm 2010 đạt 12%/năm, giai đoạn 2011-2015 và giai đoạn 2016-2020 là 10,5%/năm.

3. Định hướng phát triển

a) Định hướng chung

- Đầu tư nâng cao chất lượng, đa dạng hoá sản phẩm, chủ động hợp tác với nước ngoài trong lĩnh vực chế tạo máy động lực, máy nông nghiệp có hàm lượng công nghệ cao.

- Cơ bản hình thành mạng lưới sản xuất lắp ráp và công nghiệp hỗ trợ cho ngành trên cả 3 miền. Tập trung giải quyết những khâu cơ bản là đúc, rèn phôi, nhiệt luyện, kiểm tra chất lượng sản phẩm. Đầu tư đúng mức cho công nghiệp sạch.

- Đẩy mạnh, gắn kết hoạt động nghiên cứu phát triển sản phẩm mới với sản xuất thử nghiệm và rút kinh nghiệm từ thực tế, tập trung cho lĩnh vực thu hoạch, chế biến san thu hoạch.

- Tổ chức lại ngành, chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước. Hình thành doanh nghiệp chủ đạo đi đầu thực hiện nhiệm vụ chính trị - xã hội là đảm bảo thắng lợi của quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn trong điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Tiến tới thành lập tập đoàn sản xuất - kinh doanh máy động lực, máy nông nghiệp đa ngành nghề.

- Cùng với công nghiệp quốc phòng, xây dựng các chương trình dự án sản phẩm có tính lưỡng dụng cao để phát huy năng lực tổ chức sản xuất và nâng cao khả năng sẵn sàng đáp ứng nhu cầu an ninh quốc gia khi cần thiết.

b) Định hướng theo sản phẩm

- Máy động lực

+ Đầu tư hiện đại hóa thiết bị và công nghệ, nâng cao năng lực chế tạo, cải tiến mẫu mã, tính năng sản phẩm. Phấn đấu giành lại phần lớn thị phần trong nước về các loại động cơ diesel cỡ trung và cỡ nhỏ, động cơ xăng công suất nhỏ, đáp ứng yêu cầu của sản xuất nông nghiệp.

+ Tập trung vào khâu trọng điểm là các chi tiết 5C của động cơ (thân máy, quy lát, trục khuỷu, trục cam, thanh truyền). Do công nghệ phức tạp, quy mô sản xuất kinh tế yêu cầu số lượng lớn nên cần hợp tác với nước ngoài để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, vươn ra thị trường ngoài nước.

[...]