ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TIỀN GIANG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
01/2024/QĐ-UBND
|
Tiền Giang, ngày
09 tháng 01 năm 2024
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ DẠY THÊM, HỌC THÊM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TIỀN
GIANG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TIỀN GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức
chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số
điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22
tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Giáo dục
ngày 14 tháng 6 năm 2019;
Căn cứ Luật Ban hành
văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một
số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2020;
Căn cứ Thông tư số
17/2012/TT-BGDĐT ngày 16 tháng 5 năm 2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
Quy định về dạy thêm, học thêm;
Căn cứ Nghị quyết số
01/2022/NQ-HĐND ngày 08 tháng 7 năm 2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định
các khoản thu và mức thu, cơ chế quản lý thu chi các dịch vụ hỗ trợ hoạt động
giáo dục, đào tạo đối với các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập trên địa
bàn tỉnh Tiền Giang; Nghị quyết số 06/2023/NQ-HĐND ngày 13 tháng 7 năm 2023 của
Hội đồng nhân dán tỉnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số
01/2022/NQ-HĐND ngày 08/07/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh;
Căn cứ Quyết định số
2499/QĐ-BGDĐT ngày 26 tháng 8 năm 2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc công
bố hết hiệu lực các điều: 6, 8, 9,. 10, 11, 12, 13 và 14 Thông tư số
17/2012/TT-BGDĐT ngày 16 tháng 5 năm 2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
Quy định về dạy thêm, học thêm;
Theo đề nghị của Giám
đốc Sở Giáo dục và Đào tạo.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều
1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định
về dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.
Điều
2. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 20
tháng 01 năm 2024; thay thế Quyết định số 48/2016/QĐ-UBND ngày 06 tháng 10 năm
2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy định về dạy thêm, học thêm trên địa
bàn tỉnh Tiền Giang và Quyết định số 04/2020/QĐ-UBND ngày 10 tháng 3 năm 2020 của
Ủy ban nhân dân tỉnh sửa đổi, bãi bỏ một số điều của Quy định về dạy thêm, học
thêm trên địa bàn tỉnh Tiền Giang ban hành kèm theo Quyết định số
48/2016/QĐ-UBND ngày 06 tháng 10 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh.
Điều
3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh,
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo; thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch Ủy
ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Mỹ Tho và các tổ chức, cá nhân liên
quan có trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Giáo dục và Đào tạo;
- Bộ Tư pháp (Cục KTVB);
- TT. TU; TT. HĐND tỉnh;
- UB MTTQ tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Ban Tuyên giáo TU;
- VPUB: CVP và các PCVP, các phòng nghiên cứu; TT TH&CB;
- Lưu: VT. P.KGVX (Việt).
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Thành Diệu
|
QUY ĐỊNH
VỀ DẠY THÊM, HỌC THÊM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TIỀN GIANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 01/2024/QĐ-UBND ngày 09/01/2024 của Ủy ban
nhân dân tỉnh Tiền Giang)
Chương
I
QUY ĐỊNH
CHUNG
Điều
1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh:
Quy định này quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.
2. Đối tượng áp dụng: Quy
định này áp dụng đối với người dạy thêm, người học thêm, nhà trường, cơ sở giáo
dục và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động dạy thêm, học thêm
trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.
3. Các quy định khác liên
quan đến dạy thêm, học thêm không thể hiện trong Quy định này thì áp dụng theo
Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16 tháng 5 năm 2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo
ban hành Quy định về dạy thêm, học thêm (sau đây gọi tắt là Thông tư số
17/2012/TT-BGDĐT) và Quyết định số 2499/QĐ-BGDĐT ngày 26 tháng 8 năm 2019 của Bộ
Giáo dục và Đào tạo về công bố hết hiệu lực các điều: 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13
và 14 Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT.
Điều
2. Nguyên tắc dạy thêm, học thêm
Thực hiện theo quy định tại
Điều 3, Quy định về dạy thêm, học thêm ban hành kèm theo Thông tư số
17/2012/TT-BGDĐT.
Điều
3. Các trường hợp không được dạy thêm
Thực hiện theo quy định tại
Điều 4, Quy định về dạy thêm, học thêm ban hành kèm theo Thông tư số
17/2012/TT-BGDĐT.
Chương
II
VIỆC THU, SỬ
DỤNG, QUẢN LÝ TIỀN DẠY THÊM, HỌC THÊM; TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ VỀ DẠY THÊM, HỌC
THÊM
Điều
4. Thu, sử dụng và quản lý tiền dạy thêm, học thêm trong nhà trường
1. Mức thu tiền dịch vụ dạy
thêm, học thêm:
Mức thu tiền dịch vụ dạy
thêm, học thêm thực hiện theo Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐND ngày 08 tháng 7 năm
2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định các khoản thu và mức thu, cơ chế quản lý
thu chi các dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục, đào tạo đối với các cơ sở giáo dục
mầm non, phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh Tiền Giang (được sửa đổi, bổ sung
theo Nghị quyết số 06/2023/NQ-HĐND ngày 13/7/2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh).
Khi thu tiền dịch vụ dạy thêm, học thêm, nhà trường sử dụng hóa đơn theo quy định
của pháp luật về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.
2. Sử dụng tiền dạy thêm,
học thêm:
Chi nộp các khoản thuế
theo quy định trên tổng số thu dạy thêm, học thêm. Số còn lại được chi:
a) Chi thù lao cho giáo
viên trực tiếp dạy thêm.
b) Chi tiền điện, nước phục
vụ dạy thêm, học thêm.
c) Trích khấu hao tài sản
theo quy định.
d) Chi cho công tác quản
lý dạy thêm, học thêm trong nhà trường.
3. Quản lý và sử dụng tiền
học thêm:
a) Nhà trường xây dựng mức
chi cụ thể cho các nội dung chi và đưa vào quy định trong Quy chế chi tiêu nội
bộ của nhà trường.
b) Nhà trường mở đầy đủ
các loại hồ sơ, sổ sách theo dõi việc thu, sử dụng nguồn thu từ dạy thêm, học
thêm; thực hiện công khai, minh bạch, dân chủ việc thu và sử dụng tiền học
thêm. Nghiêm cấm mọi trường hợp để ngoài sổ sách các khoản thu, chi từ nguồn
thu dạy thêm, học thêm. Nhà trường tổ chức thu, chi và công khai thanh toán,
quyết toán tiền dịch vụ dạy thêm, học thêm qua bộ phận tài vụ nhà trường; giáo
viên dạy thêm không trực tiếp thu tiền học thêm.
Điều
5. Trách nhiệm của Sở Giáo dục và Đào tạo
1. Là cơ quan chủ trì, phối
hợp với các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị liên quan triển khai, đôn đốc,
kiểm tra việc dạy thêm, học thêm theo quy định của Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT
và Quy định này; chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh về quản lý hoạt động
dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh.
2. Chỉ đạo các trường học,
các Phòng Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục thực hiện các biện pháp quản
lý chặt chẽ về nề nếp chuyên môn trong nhà trường; tích cực đổi mới, kiểm tra,
đánh giá, thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy học; đẩy mạnh Cuộc vận động “Mỗi thầy
cô giáo là tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo”; kiên quyết ngăn chặn và xử
lý các hành vi tiêu cực trong dạy thêm, học thêm.
3. Tổ chức hoặc phối hợp
với các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị liên quan tổ chức phổ biến, thanh
tra, kiểm tra về dạy thêm, học thêm; phòng ngừa và xử lý vi phạm theo thẩm quyền
hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm theo quy định.
4. Thông báo công khai
nơi tiếp công dân tại trụ sở cơ quan, điện thoại và địa chỉ email của bộ phận
tiếp dân, tiếp nhận ý kiến phản ánh của nhân dân về những vấn đề tiêu cực trong
dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh để kịp thời xử lý.
5. Thực hiện chế độ báo
cáo định kỳ hoặc đột xuất với Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ủy ban nhân dân tỉnh về
quản lý dạy thêm, học thêm trên địa bàn.
Điều
6. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện
1. Quản lý hoạt động dạy
thêm, học thêm trên địa bàn theo quy định.
2. Chỉ đạo việc thanh
tra, kiểm tra hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn; kịp thời xử lý hoặc kiến
nghị với cơ quan có thẩm quyền xử lý các vi phạm về dạy thêm, học thêm.
3. Thực hiện chế độ báo
cáo định kỳ hoặc đột xuất về Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo về
tình hình dạy thêm, học thêm trên địa bàn.
Điều
7. Trách nhiệm của Phòng Giáo dục và Đào tạo
1. Thực hiện nhiệm vụ quản
lý dạy thêm, học thêm trong nhà trường và ngoài nhà trường của tổ chức, cá
nhân. Chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân cấp huyện về quản lý dạy thêm, học
thêm trên địa bàn.
2. Phổ biến, chỉ đạo các
trường, các tổ chức và cá nhân liên quan thực hiện các quy định về dạy thêm, học
thêm.
3. Tổ chức hoặc phối hợp
với các ban, ngành liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra về dạy thêm, học thêm,
xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm.
4. Tổng hợp, báo cáo kết
quả công tác quản lý nhà nước về dạy thêm, học thêm về Ủy ban nhân dân cấp huyện,
Sở Giáo dục và Đào tạo khi kết thúc năm học hoặc báo cáo đột xuất theo yêu cầu.
Điều
8. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã
Phối hợp kiểm tra hoạt động
dạy thêm, học thêm trên địa bàn xã, phường, thị trấn để phát hiện các sai phạm,
kịp thời xử lý hoặc kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xử lý.
Điều
9. Trách nhiệm của thủ trưởng các cơ sở giáo dục
1. Tổ chức và quản lý hoạt
động dạy thêm, học thêm trong nhà trường theo chương trình giáo dục phổ thông;
bảo đảm quyền, lợi ích của người học; kiểm tra hoạt động dạy thêm, học thêm
trong nhà trường và quản lý việc dạy thêm ngoài nhà trường của giáo viên do nhà
trường quản lý theo quy định.
2. Quản lý, tổ chức việc
dạy và học chính khóa, đảm bảo các nguyên tắc dạy thêm, học thêm nêu tại Điều
2, Quy định này.
3. Kịp thời xử lý theo thẩm
quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm về dạy thêm, học thêm;
định kỳ tổng kết theo năm học và báo cáo tình hình dạy thêm, học thêm theo yêu
cầu của cơ quan quản lý.
4. Chịu trách nhiệm về chất
lượng dạy thêm, học thêm; quản lý cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, kinh phí dạy
thêm, học thêm trong nhà trường.
5. Chịu hình thức xử lý kỷ
luật hoặc liên đới chịu trách nhiệm khi buông lỏng quản lý giáo viên và học
sinh để xảy ra hoạt động dạy thêm, học thêm không đúng quy định.
Điều
10. Trách nhiệm của các Sở, ban, ngành có liên quan
1. Sở Tài chính: Phối hợp
với Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện
các quy định quản lý tài chính về dạy thêm, học thêm trong nhà trường.
2. Sở Thông tin và Truyền
thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, đề nghị Báo Ấp Bắc: Chủ động, thường
xuyên phản ánh việc chấp hành quy định về dạy thêm, học thêm. Phối hợp với các
cơ quan có liên quan xây dựng kế hoạch tuyên truyền các quy định về dạy thêm, học
thêm để nhân dân và phụ huynh học sinh hiểu rõ.
3. Đề nghị Ủy ban Mặt trận
Tổ quốc, các đoàn thể tỉnh: Tăng cường công tác tuyên truyền vận động hội viên,
đoàn viên, phụ huynh học sinh biết và thực hiện đúng quy định về dạy thêm, học
thêm trên địa bàn tỉnh.
Chương
III
TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
Điều
11. Điều khoản thi hành
1. Giám đốc Sở Giáo dục
và Đào tạo có trách nhiệm triển khai, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, tổng hợp và
báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thực hiện Quy định này.
2. Trong quá trình thực hiện,
nếu có khó khăn, các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương kịp thời phản ánh về Sở
Giáo dục và Đào tạo để tổng hợp, tham mưu, đề xuất trình Ủy ban nhân dân tỉnh
xem xét, giải quyết./.