Quy định 01-QĐi/TW năm 2018 về trách nhiệm và thẩm quyền của Ủy ban kiểm tra trong công tác phòng, chống tham nhũng do Ban Chấp hành Trung ương ban hành

Số hiệu 01-QĐi/TW
Ngày ban hành 10/05/2018
Ngày có hiệu lực 10/05/2018
Loại văn bản Quy định
Cơ quan ban hành Ban Chấp hành Trung ương
Người ký Trần Quốc Vượng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Tài chính nhà nước

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
-----------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------

Số: 01-QĐi/TW

Hà Nội, ngày 10 tháng 5 năm 2018

 

QUY ĐỊNH

TRÁCH NHIỆM VÀ THẨM QUYỀN CỦA ỦY BAN KIỂM TRA TRONG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG

- Căn cứ Điều lệ Đảng;

- Căn cứ Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XII;

- Căn cứ Quy định số 30-QĐ/TW, ngày 26/7/2016 của Ban Chấp hành Trung ương thi hành Chương VII và Chương VIII Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng,

Bộ Chính trị quy định về trách nhiệm và thẩm quyền của Ủy ban kiểm tra trong công tác phòng, chống tham nhũng như sau:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định trách nhiệm và thẩm quyền của Ủy ban kiểm tra từ cấp huyện và tương đương trở lên trong công tác phòng, chống tham nhũng.

Điều 2. Nguyên tắc thực hiện

1. Ủy ban kiểm tra phải chủ động thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền theo quy định của Điều lệ Đảng.

2. Coi trọng công tác phòng ngừa, khi phát hiện đảng viên có hành vi tham nhũng phải kiểm tra, xem xét và xử lý nghiêm minh, chính xác, kịp thời.

3. Đảng viên ở bất cứ cương vị công tác nào, có dấu hiệu tham nhũng đều phải được xem xét làm rõ và xử lý nghiêm theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, không có "vùng cấm".

4. Xử lý nghiêm tổ chức đảng, đảng viên có hành vi dung túng, bao che tham nhũng hoặc cản trở, can thiệp trái quy định vào việc xử lý các vụ việc tham nhũng.

Chương II

TRÁCH NHIỆM VÀ THẨM QUYỀN CỦA ỦY BAN KIỂM TRA TRONG PHÒNG NGỪA VÀ PHÁT HIỆN THAM NHŨNG

Điều 3. Phòng ngừa tham nhũng

1. Tham mưu, giúp cấp ủy quyết định các chủ trương, định hướng và ban hành các quy định về công tác kiểm tra, giám sát và các quy tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức đphòng ngừa tham nhũng.

2. Định hướng và thực hiện tuyên truyền, phổ biến các quy định của Đảng về công tác kiểm tra, giám sát để giáo dục đạo đức, nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị của đảng viên.

3. Trực tiếp kiểm tra, giám sát tổ chức đảng cấp dưới trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện nghị quyết, chỉ thị, các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước trong phòng ngừa tham nhũng khi được cấp ủy giao.

4. Giám sát tổ chức đảng, đảng viên trong việc triển khai và thực hiện kê khai, công khai tài sản theo quy định.

Giám sát đảng viên trong việc thực hiện trách nhiệm nêu gương, giữ gìn đạo đức, lối sống; đảng viên có dư luận bất minh về tài sản và sinh hoạt, trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; giám sát đảng viên có trách nhiệm trực tiếp đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

5. Công khai và tham mưu giúp cấp ủy công khai kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định các kết quả kiểm tra, giám sát và xử lý kỷ luật đảng viên, tổ chức đảng vi phạm.

6. Đề nghị cấp ủy cùng cấp; cấp ủy, tổ chức đảng cấp dưới và các cơ quan nhà nước sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc hủy bỏ các văn bản không còn phù hợp, sơ hở có nguy cơ làm phát sinh tham nhũng.

Điều 4. Phát hiện vi phạm về tham nhũng

1. Phân công thành viên Ủy ban kiểm tra và cán bộ theo dõi lĩnh vực, địa bàn thực hiện giám sát thường xuyên, nắm tình hình, thu thập thông tin, tài liệu phục vụ việc phát hiện vi phạm về tham nhũng.

2. Tiếp nhận và xử lý hoặc chuyển cho các cơ quan chức năng xử lý kịp thời các thông tin, phản ánh, kiến nghị qua báo chí và dư luận xã hội phục vụ cho việc phát hiện tham nhũng.

[...]