Quyết định 243-QĐ/TW năm 2014 về Quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính Trung ương với Uỷ ban Kiểm tra Trung ương trong công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng do Ban Chấp hành Trung ương ban hành

Số hiệu 243-QĐ/TW
Ngày ban hành 04/06/2014
Ngày có hiệu lực 04/06/2014
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Ban Chấp hành Trung ương
Người ký Lê Hồng Anh
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Văn hóa - Xã hội

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
--------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------

Số: 243-QĐ/TW

Hà Nội, ngày 04 tháng 6 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ QUY CHẾ PHỐI HỢP GIỮA BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG VỚI UỶ BAN KIỂM TRA TRUNG ƯƠNG TRONG CÔNG TÁC NỘI CHÍNH, PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG VÀ CÔNG TÁC KIỂM TRA, GIÁM SÁT, THI HÀNH KỶ LUẬT ĐẢNG

- Căn cứ Điều lệ Đảng;

- Căn cứ Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khoá XI và Quy chế làm việc của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương khoá XI;

- Căn cứ Quyết định số 162-QĐ/TW và Quy định số 163-QĐ/TW, ngày 01-02-2013 của Bộ Chính trị về thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng;

- Căn cứ Quyết định số 158-QĐ/TW và Quyết định số 159-QĐ/TW, ngày 28-12-2012 của Bộ Chính trị về thành lập Ban Nội chính Trung ương và chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Ban Nội chính Trung ương;

- Xét đề nghị của Ban Nội chính Trung ương và Uỷ ban Kiểm tra Trung ương,

BAN BÍ THƯ QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính Trung ương với Uỷ ban Kiểm tra Trung ương trong công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng.

Điều 2. Ban Nội chính Trung ương chủ trì, phối hợp với Uỷ ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn ban thường vụ tỉnh uỷ, thành uỷ trực thuộc Trung ương chỉ đạo ban nội chính tỉnh uỷ, thành uỷ phối hợp với uỷ ban kiểm tra cùng cấp tham mưu, giúp ban thường vụ tỉnh uỷ, thành uỷ xây dựng, ban hành quy chế phối hợp công tác giữa ban nội chính tỉnh uỷ, thành uỷ với uỷ ban kiểm tra cùng cấp trong công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng.

Điều 3. Ban Nội chính Trung ương, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, các ban thường vụ tỉnh uỷ, thành uỷ và đảng uỷ trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

 

 

T/M BAN BÍ THƯ




Lê Hồng Anh

 

QUY CHẾ PHỐI HỢP

GIỮA BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG VỚI UỶ BAN KIỂM TRA TRUNG ƯƠNG TRONG CÔNG TÁC NỘI CHÍNH, PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG VÀ CÔNG TÁC KIỂM TRA, GIÁM SÁT, THI HÀNH KỶ LUẬT ĐẢNG
(Kèm theo Quyết định số 243-QĐ/TW, ngày 04-6-2014 của Ban Bí thư)

Điều 1. Phạm vi phối hợp

Ban Nội chính Trung ương và Uỷ ban Kiểm tra Trung ương (gọi tắt là hai cơ quan) phối hợp thực hiện công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và thực hiện nhiệm vụ do Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng giao thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của hai cơ quan.

Điều 2. Nguyên tắc phối hợp

1- Phối hợp công tác trên cơ sở đường lối, chủ trương, chính sách, quy định của Đảng; thực hiện đúng nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, phù hợp với Hiến pháp và pháp luật; bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

2- Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan; tích cực, chủ động hợp tác, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ nhau hoàn thành nhiệm vụ.

3- Thực hiện đúng chế độ bảo mật thông tin, tài liệu theo quy định của Đảng và Nhà nước.

Điều 3. Nội dung phối hợp

1- Thông báo, cung cấp, trao đổi thông tin giữa hai cơ quan về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật trong Đảng thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan. Phát hiện tổ chức đảng, đảng viên có dấu hiệu vi phạm quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực nội chính và phòng, chống tham nhũng để xem xét, xử lý kỷ luật về đảng và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý kỷ luật về đảng, chính quyền, đoàn thể theo phân cấp quản lý cán bộ hoặc xử lý theo quy định của pháp luật.

2- Kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên theo phân cấp khi có dấu hiệu vi phạm và giải quyết tố cáo, giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng liên quan đến công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng. Đôn đốc, theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các thông báo, kết luận, quyết định của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng về kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng đối với tổ chức đảng, đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý liên quan đến công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng.

3- Nghiên cứu tham mưu với Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng những nội dung có liên quan đến công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng.

4- Tham mưu, giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư kiểm tra, giám sát việc thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước ở các cơ quan nội chính Trung ương, Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam; việc thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng ở các cấp uỷ, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương.

[...]