BẢO HIỂM XÃ HỘI
VIỆT NAM
HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ
VIỆT NAM
--------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------
|
Số: 4048/QC-BHXH-HLHPNVN
|
Hà Nội, ngày 19 tháng 10 năm 2015
|
QUY CHẾ
PHỐI
HỢP CÔNG TÁC GIỮA BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM VÀ HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ VIỆT NAM
GIAI ĐOẠN 2015-2020
Căn cứ Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự
lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012
- 2020.
Căn cứ Luật Bảo hiểm xã hội số
58/2014/QH13; Luật Bảo hiểm y tế số 25/2008/QH12 và Luật số 46/2014/QH13 sửa đổi,
bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế số 25/2008/QH12;
Căn cứ Nghị định số 05/2014/NĐ-CP
ngày 17 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn,
cơ cấu tổ chức của Bảo hiểm xã hội Việt Nam;
Căn cứ Điều lệ Hội Liên hiệp Phụ nữ
Việt Nam được thông qua tại Đại hội Đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XI (nhiệm
kỳ 2012-2017);
Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam và Hội
Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thống nhất ban hành quy chế phối hợp công tác giai đoạn
2015 - 2020 với những nội dung sau:
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Mục tiêu
Quy chế phối hợp công tác giữa Bảo hiểm
xã hội Việt Nam và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam giai đoạn 2015 - 2020 (sau đây
gọi tắt là Quy chế) nhằm tăng cường trách nhiệm và sự phối hợp giữa hai ngành
trong chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm
xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), hướng tới mục tiêu chung là thực hiện có
hiệu quả chính sách BHXH, BHYT đảm bảo quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người
tham gia, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.
Điều 2. Đối tượng, phạm vi áp dụng
1. Quy chế này quy định về trách nhiệm
và nội dung phối hợp để triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bảo hiểm xã
hội Việt Nam và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
2. Quy chế này áp dụng đối với các
đơn vị trực thuộc cơ quan BHXH Việt Nam, BHXH các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương (BHXH tỉnh), BHXH quận,
huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (BHXH huyện) và các cấp
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam từ Trung ương đến địa phương.
Điều 3. Nguyên tắc
phối hợp
1. Mọi hoạt động phối hợp được thực
hiện trên cơ sở quy định của pháp luật, theo đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
của mỗi bên và sự thống nhất của hai cơ quan.
2. Các bên cần chủ động, tích cực
trong việc phối hợp thực hiện chế độ, chính sách BHXH,
BHYT nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của tổ chức,
cá nhân tham gia BHXH, BHYT. Trong quá trình phối hợp cần
đảm bảo vai trò, trách nhiệm và tính độc lập của từng cơ quan; việc phối hợp phải
kịp thời, đồng bộ, chặt chẽ, thống nhất, thường xuyên cung cấp, trao đổi thông tin về các hoạt động liên quan đến việc thực hiện
chính sách BHXH, BHYT; đảm bảo thiết thực, hiệu quả.
3. Các quy định trong Quy chế này không thay thế cho các quy định về chức năng, nhiệm vụ,
quyền hạn, trách nhiệm của mỗi cơ
quan, đơn vị liên quan đã được quy định tại các văn bản pháp luật khác và không
tách rời sự chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền.
Chương II
NỘI DUNG PHỐI HỢP
GIỮA BHXH VIỆT NAM VÀ HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ VIỆT NAM
Điều 4. Phối hợp
trong công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chế độ, chính sách, pháp luật
về BHXH, BHYT
1. BHXH Việt Nam chủ trì phối hợp với
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong xây dựng kế hoạch, thống nhất nội dung,
hình thức thông tin, tuyên truyền, biên soạn, xây dựng tài liệu tuyên truyền
chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT phù hợp với từng đối tượng do Hội Liên Hiệp
phụ nữ Việt Nam quản lý.
2. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chủ
động triển khai các hoạt động thông tin, tuyên truyền chính sách, pháp luật về
BHXH, BHYT theo kế hoạch, nội dung và hình thức đã được thống nhất, giúp cán bộ,
hội viên Hội Phụ nữ các cấp thấy rõ vai trò, ý nghĩa của chính sách BHXH, BHYT
và trách nhiệm, quyền lợi của người dân nói chung, của cán
bộ, hội viên nữ nói riêng theo quy định của pháp luật về BHXH, BHYT để tự nguyện,
tự giác tham gia; vận động hội viên Hội phụ nữ tích cực tham gia BHXH, BHYT.
3. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và
BHXH Việt Nam chỉ đạo các báo, tạp chí và đơn vị truyền thông trực thuộc đăng tải tin, bài tuyên truyền về chế độ, chính sách BHXH, BHYT; thực hiện
các hoạt động tuyên truyền đã được hai bên thống nhất; biểu dương các tổ chức,
cá nhân thực hiện tốt chính sách, pháp luật BHXH, BHYT; đồng thời thông tin
danh sách các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật BHXH, BHYT nhất là các đơn vị
nợ đọng, trốn đóng BHXH, BHYT.
Điều 5. Phối hợp trong chỉ đạo,
tổ chức thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT, bảo vệ quyền và lợi ích của
người tham gia BHXH, BHYT
1. BHXH Việt Nam có trách nhiệm quản
lý, chỉ đạo BHXH tỉnh tổ chức thực hiện chế độ, chính sách BHXH bắt buộc, BHXH
tự nguyện, BHYT; quản lý và sử dụng các quỹ: BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện, bảo
hiểm thất nghiệp, BHYT theo quy định của pháp luật, đảm bảo
quyền và lợi ích chính đáng của tổ chức, cá nhân tham gia BHXH, BHYT trong đó
có phụ nữ.
2. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam có
trách nhiệm chỉ đạo các cấp Hội theo dõi việc thực hiện Luật BHXH, Luật BHYT và kiến nghị giải quyết các chế độ, chính sách liên quan
đến việc tham gia BHXH, BHYT đảm bảo quyền và lợi ích cho người tham gia, trong
đó có các đối tượng là phụ nữ.
3. BHXH Việt Nam và Hội Liên hiệp Phụ
nữ Việt Nam có trách nhiệm phối hợp trong việc nghiên cứu phương thức tổ chức thực hiện; không ngừng đổi mới, cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, thuận tiện trong thực hiện
chế độ, chính sách BHXH, BHYT, tạo thuận lợi cho người tham gia.
Điều 6. Phối hợp
trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của
pháp luật về BHXH, BHYT
1. Hàng năm, BHXH Việt Nam xây dựng kế
hoạch thanh tra, kiểm tra giám sát liên ngành về việc chấp hành pháp luật BHXH,
BHYT và việc thực hiện các chế độ, chính sách BHXH, BHYT đối với người dân,
trong đó có phụ nữ, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam là thành viên tham gia đoàn
thanh tra, kiểm tra, giám sát.
2. Trưởng đoàn
thanh tra, kiểm tra có trách nhiệm xây dựng báo cáo kết
quả thanh tra, kiểm tra. Bên chủ trì đoàn thanh tra, kiểm tra là
cơ quan ký ban hành văn bản và gửi cho bên tham gia để theo dõi, tổng hợp và xử
lý (trừ những vấn đề không được công bố theo quy định của
pháp luật về thanh tra). Căn cứ vào mục tiêu và kết quả thanh tra, kiểm tra,
báo cáo có thể gửi Ban Bí thư Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các cơ
quan có liên quan.
3. Theo yêu cầu và tính chất vụ việc,
hai bên sẽ cử cán bộ tham gia đoàn thanh tra, kiểm tra của mỗi bên.
Điều 7. Phối hợp trong giải quyết
khiếu nại, tố cáo và giải quyết đơn, thư về BHXH, BHYT
1. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo,
đơn thư về chế độ, chính sách BHXH, BHYT được thực hiện
theo quy định của Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật BHXH, Luật BHYT.
2. Trường hợp cần tham khảo ý kiến,
các bên có văn bản xin ý kiến hoặc gửi dự thảo văn bản để
lấy ý kiến góp ý trực tiếp và thống nhất trước khi trả lời chính thức.
Điều 8. Phối hợp
trong nghiên cứu đề xuất, kiến nghị xây dựng, sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp
luật về BHXH, BHYT
1. BHXH Việt Nam có trách nhiệm chủ động
nghiên cứu, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc trong quá
trình thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT nói chung và chính sách
pháp luật về BHXH, BHYT liên quan đến phụ nữ, gia đình và trẻ em nói riêng để phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam kiến nghị
cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn.
2. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam có
trách nhiệm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tổng hợp các kiến nghị, phản ánh của
phụ nữ về chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, về những khó khăn, vướng mắc trong
quá trình triển khai thực hiện Luật BHXH, Luật BHYT để kịp thời kiến nghị với
cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Điều 9. Phối hợp
trong báo cáo, trao đổi thông tin
1. Hai bên có trách nhiệm cung cấp,
trao đổi thông tin liên quan đến chỉ đạo, tổ chức thực hiện chế độ, chính sách
BHXH, BHYT trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình.
2. Trường hợp yêu cầu báo cáo đột xuất,
hai bên sẽ có văn bản yêu cầu cụ thể về nội dung, số liệu
và thời gian để thực hiện. Trường hợp cần thiết, hai bên có thể yêu cầu và báo
cáo nhanh qua hình thức điện thoại hay gửi fax, e-mail trước khi gửi qua đường
công văn.
3. Gửi văn bản giữa các bên:
a) BHXH Việt Nam gửi Hội Liên hiệp Phụ
nữ Việt Nam các văn bản về:
- Chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện BHXH,
BHYT của BHXH Việt Nam;
- Báo cáo tổng kết hàng năm;
- Danh sách các đơn vị nợ đọng, trốn
đóng BHXH, BHYT.
- Báo cáo hàng năm kết quả kiểm tra, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về
BHXH, BHYT.
b) Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam gửi
BHXH Việt Nam các văn bản:
- Văn bản chỉ đạo của Hội liên quan đến
công tác BHXH, BHYT.
- Báo cáo tổng kết hàng năm.
- Báo cáo kiểm tra việc thực hiện Luật
BHXH, BHYT; kết quả giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp
luật về BHXH, BHYT (nếu có).
4. Trong quá trình thực hiện nếu có
khó khăn, vướng mắc hai bên phối hợp giải quyết. Trường hợp cần thiết, mỗi bên
có thể yêu cầu họp bất thường. Căn cứ nội dung, tính chất cuộc họp, hai bên thống nhất mời thêm đại diện các bộ ngành, các cơ quan có liên quan tham dự
cuộc họp.
Điều 10. Phối hợp
trong xây dựng kế hoạch hoạt động hàng năm và sơ kết, tổng kết hoạt động
1. Hàng năm, BHXH Việt Nam xây dựng kế
hoạch hoạt động và thống nhất với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt nam
trước khi ban hành.
2. Đối với hoạt
động cụ thể do BHXH Việt Nam và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp tổ chức,
sau khi lãnh đạo hai bên thống nhất chủ trương, ban/đơn vị tham mưu thực hiện của hai cơ quan phối hợp xây dựng kế hoạch chi tiết và báo
cáo lãnh đạo hai bên xem xét, phê duyệt để triển khai thực hiện.
3. Định kỳ hàng năm, lãnh đạo 2 cơ
quan luân phiên tổ chức tổng kết đánh giá các hoạt động phối hợp, rút kinh nghiệm
và giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh.
Căn cứ nội dung, tính chất cuộc họp,
hai bên thống nhất mời thêm đại diện các Bộ ngành, các cơ quan có liên quan
tham dự cuộc họp.
Giao đơn vị đầu
mối nơi tổ chức họp chuẩn bị nội dung họp và ký thông báo kết luận của lãnh đạo
hai cơ quan sau cuộc họp gửi các cơ quan liên quan đồng thời theo dõi việc tổ
chức thực hiện.
Điều 11. Phối hợp trong công
tác bồi dưỡng nghiệp vụ và nghiên cứu khoa học về BHXH, BHYT
1. Hội LHPN Việt Nam có trách nhiệm
chỉ đạo Học viện Phụ nữ Việt Nam lồng ghép nội dung bồi dưỡng về BHXH, BHYT vào
các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội, báo cáo viên do BHXH Việt Nam cung cấp.
2. Trong nghiên cứu khoa học, căn cứ
nhu cầu của đơn vị nghiên cứu, BHXH Việt Nam hoặc Hội Liên
hiệp Phụ nữ Việt Nam có văn bản đề nghị các đơn vị trực thuộc phối hợp thực hiện
và cung cấp số liệu, thông tin cần thiết.
Điều 12. Phối hợp trong hợp
tác quốc tế về lĩnh vực BHXH, BHYT
1. Hai bên có trách nhiệm phối hợp, xin ý kiến góp ý khi xây dựng và tổ chức thực hiện các dự án liên quan đến chế độ, chính sách BHXH, BHYT.
2. Trường hợp hoạt động của dự án cần
sự tham gia của BHXH tỉnh hay các cấp Hội Phụ nữ, BHXH Việt Nam và Hội Liên hiệp
Phụ nữ Việt Nam có hướng dẫn chung để thống nhất thực hiện.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 13. Trách
nhiệm của BHXH Việt Nam và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam
1. BHXH Việt Nam có trách nhiệm phổ
biến, triển khai Quy chế tới các đơn vị trực thuộc cơ quan BHXH Việt Nam, BHXH
tỉnh, BHXH huyện để thống nhất thực hiện.
2. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam có
trách nhiệm phổ biến Quy chế tới các ban, đơn vị trong cơ
quan Trung ương Hội và Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp tỉnh, cấp
huyện để thống nhất thực hiện.
3. Căn cứ Quy chế này, BHXH tỉnh chủ
trì, phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh xây dựng quy
chế phối hợp phù hợp với tình hình của địa phương, đơn vị
để thực hiện và chỉ đạo, hướng dẫn nội dung, hình thức phối hợp giữa BHXH cấp
huyện và Hội Phụ nữ cấp huyện, cấp cơ sở.
4. BHXH Việt Nam và Hội Liên hiệp Phụ
nữ Việt Nam giao trách nhiệm cho các ban, đơn vị theo chức
năng, nhiệm vụ tổ chức các hoạt động phối hợp đảm bảo hiệu quả; BHXH Việt Nam
giao Văn phòng BHXH Việt Nam; Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam giao Ban Tổ chức
làm đầu mối để theo dõi, tổng kết, đánh giá việc thực hiện Quy chế này.
Điều 14. Hiệu lực
thi hành
Quy chế này có hiệu lực từ ngày hai
bên ký kết. Trong quá trình tổ chức thực hiện có vướng mắc, các đơn vị phản ánh
về BHXH Việt Nam và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam để phối hợp sửa đổi, bổ sung
cho phù hợp./.
KT.
TỔNG GIÁM ĐỐC
PHÓ TỔNG GIÁM ĐỐC
BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM
Nguyễn Đình Khương
|
TM.
BAN CHẤP HÀNH
PHÓ CHỦ TỊCH
HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ VIỆT NAM
Trần Thị Hương
|
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- HĐQL BHXH Việt Nam;
- Các Bộ, ngành: VPCP, LĐ-TB&XH, Y tế, Tài chính;
- TGĐ, các PTGĐ BHXH Việt Nam;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Hội LHPNVN;
- Các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam;
- BHXH các tỉnh, thành phố;
- Hội LHPNVN 63 tỉnh, thành;
- Lưu: VT BHXHVN, Hội LHPNVN.
|
|