Pháp lệnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 1998

Số hiệu 2-L/CTN
Ngày ban hành 26/02/1998
Ngày có hiệu lực 01/05/1998
Loại văn bản Pháp lệnh
Cơ quan ban hành Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
Người ký Nông Đức Mạnh
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 2-L/CTN

Hà Nội, ngày 26 tháng 2 năm 1998

 

PHÁP LỆNH

CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI SỐ 2-L/CTN NGÀY 26 THÁNG 02 NĂM 1998 VỀ VIỆC THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ

Tiết kiệm là quốc sách. Để quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sản xuất và tiêu dùng, nhằm phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước;
Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992;
Căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 2 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 1998;
Pháp lệnh này quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong việc quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước, vốn, tài sản nhà nước và động viên nhân dân tiết kiệm trong sản xuất và tiêu dùng.

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1

Tổ chức, cá nhân quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước, vốn và tài sản nhà nước, đất đai, trụ sở làm việc, nhà công vụ, tài nguyên thiên nhiên, vốn đầu tư xây dựng, vốn và tài sản tại doanh nghiệp nhà nước phải thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo quy định của Pháp lệnh này.

Mọi công dân có nghĩa vụ thực hành tiết kiệm trong sản xuất, tiêu dùng để dành vốn cho đầu tư phát triển, thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Điều 2

Trong Pháp lệnh này, những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau :

1. Tiết kiệm là sử dụng nguồn lực tài chính, lao động và các nguồn lực khác ở mức thấp hơn định mức, tiêu chuẩn, chế độ quy định nhưng vẫn đạt được mục tiêu đã xác định hoặc sử dụng đúng định mức, tiêu chuẩn, chế độ quy định nhưng đạt hiệu quả cao hơn mục tiêu đã xác định.

2. Lãng phí là sử dụng nguồn lực tài chính, lao động và các nguồn lực khác vượt quá định mức, tiêu chuẩn, chế độ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định hoặc sử dụng đúng định mức, tiêu chuẩn, chế độ, nhưng chất lượng đạt thấp hơn hoặc không đúng mục tiêu đã xác định.

3. Kinh phí ngân sách nhà nước là số tiền từ ngân sách nhà nước được sử dụng cho các nhiệm vụ, mục tiêu xác định trong dự toán ngân sách nhà nước do cơ quan nhà nước có thẩm quyền duyệt.

4. Vốn và tài sản nhà nước bao gồm vốn, kinh phí ngân sách nhà nước cấp; vốn có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước; tài sản hình thành từ nguồn vốn của ngân sách nhà nước; vốn tín dụng nhà nước; các khoản viện trợ nước ngoài; nguồn lực đóng góp của nhân dân; đất đai; nhà, các công trình kiến trúc khác thuộc sở hữu nhà nước; tài nguyên thiên nhiên; các khoản tài trợ của tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước.

5. Quỹ trái phép là quỹ được lập không đúng quy định của Nhà nước, nhằm sử dụng vào mục đích riêng của tổ chức hoặc một số cá nhân, trốn tránh sự kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

6. Tổ chức bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức kinh tế khác.

Điều 3

Việc phân bổ, sử dụng vốn và tài sản nhà nước phải được thực hiện theo quy chế xét duyệt, cấp phát và quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành, bảo đảm tiết kiệm, công bằng và công khai theo quy định của pháp luật.

Người đứng đầu tổ chức được giao quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước phải có các biện pháp để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và chịu trách nhiệm về những hành vi gây lãng phí trong phạm vi chức năng quản lý của mình.

Điều 4

Cán bộ, công chức gây lãng phí vốn và tài sản nhà nước thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà phải chịu trách nhiệm vật chất, bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Cá nhân gây lãng phí vốn và tài sản nhà nước thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Điều 5

Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm phát hiện và báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền về những hành vi gây lãng phí trong việc sử dụng vốn và tài sản nhà nước.

Điều 6

1. Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, chính quyền địa phương xây dựng quy chế về tổ chức lễ hội, đám cưới, đám tang và các quy chế khác, bảo đảm giữ gìn thuần phong mỹ tục Việt Nam, tiết kiệm tiền của, thời gian của nhân dân, chống việc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo, phong tục tập quán để thu lợi bất chính.

2. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức, hướng dẫn và vận động nhân dân thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sản xuất và tiêu dùng, trong các hoạt động văn hoá, lễ hội, đám cưới, đám tang và các hoạt động khác.

3. Cơ quan thông tin, báo chí có trách nhiệm tuyên truyền gương người tốt, việc tốt trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đấu tranh, phê phán các hành vi lãng phí trong sản xuất và tiêu dùng theo quy định của pháp luật.

[...]