Quyết định 07/2006/QĐ-BTS ban hành Chương trình hành động của Bộ Thủy sản thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí do Bộ trưởng Bộ thủy sản ban hành

Số hiệu 07/2006/QĐ-BTS
Ngày ban hành 19/04/2006
Ngày có hiệu lực 02/06/2006
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Thuỷ sản
Người ký Tạ Quang Ngọc
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ THUỶ SẢN
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 07/2006/QĐ-BTS

Hà Nội, ngày 19 tháng 4 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA BỘ THỦY SẢN THỰC HIỆN LUẬT PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG; LUẬT THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ

BỘ TRƯỞNG BỘ THỦY SẢN

Căn cứ Nghị định số 43/2003/NĐ-CP ngày 02 tháng 5 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thủy sản;
Căn cứ Quyết định số 25/2006/QĐ-TTg ngày 26 tháng 01 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí;
Căn cứ Quyết định số 30/2006/QĐ-TTg ngày 06 tháng 02 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng;
Theo đề nghị của Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính và Vụ trưởng Vụ Pháp chế,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình hành động của Bộ Thủy sản thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.
Điều 3. Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Thủ trưởng các Vụ, Cục, các đơn vị, các Tổng công ty, doanh nghiệp thuộc Bộ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

BỘ TRƯỞNG




Tạ Quang Ngọc

 

CHƯƠNG TRÌNH

HÀNH ĐỘNG CỦA BỘ THỦY SẢN THỰC HIỆN LUẬT PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG; LUẬT THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 07/2006/QĐ-BTS ngày 19 tháng 4 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Thủy sản)

Thực hiện các Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Bộ Thủy sản xây dựng Chương trình hành động thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí như sau:

I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU

1. Mục tiêu

- Quán triệt Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; trong công chức, viên chức, người lao động trong Bộ Thuỷ sản, các Tổng công ty và các đơn vị trực thuộc.

- Nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong việc phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí;

- Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp của ngành Thủy sản phải xây dựng được kế hoạch cụ thể về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cho đơn vị mình;

- Qua công tác thanh tra, kiểm tra, rà soát những quy định về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực của Ngành không còn phù hợp với Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để sửa đổi, bổ sung nhằm thực hành tiết kiệm, ngăn ngừa lãng phí, chống tham nhũng thiết thực và hiệu quả trong phạm vi trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ.

2. Yêu cầu

- Xây dựng và ban hành theo thẩm quyền các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí;

- Rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn chỉnh các thể chế, chính sách của ngành Thủy sản phù hợp với Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí;

- Thực hiện ngay và có biện pháp cụ thể, tạo chuyển biển tích cực trong nhận thức và hành động của Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, các Tổng công ty, các doanh nghiệp trực thuộc Bộ trong công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí;

- Qua Chương trình hành động của Bộ Thủy sản thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí xác định những cơ quan, đơn vị, những nơi, những khâu có nguy cơ phát sinh tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, từ đó có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục kịp thời.

II. NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH

1. Xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết để hướng dẫn, triển khai thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí:

1.1. Các Vụ, Cục, Thanh tra, Văn phòng, các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ, khẩn trương rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực do cơ quan, đơn vị mình thực hiện trình bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung những nội dung, quy định không còn phù hợp với chính sách, pháp luật của nhà nước, gây chồng chéo, quan liêu, tạo điều kiện nhũng nhiễu, gây phiền hà, gây lãng phí tiền bạc và thời gian của nhân dân, của doanh nghiệp; không được tuỳ tiện đề ra các thủ tục hành chính ngoài các quy định đã được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố. Các văn bản mới ban hành phải phù hợp với Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Sớm tiến hành xây dựng, trình Bộ ban hành văn bản để hướng dẫn, triển khai thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (Phụ lục chi tiết kèm theo). Vụ Pháp chế chủ trì theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra và báo cáo Bộ trưởng kết quả thực hiện.

1.2. Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ (đặc biệt là Vụ Pháp chế, Văn phòng Bộ, Vụ Kế hoạch tài chính, Cục Quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh và Thú y thủy sản, Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản) phải có chương trình cụ thể và nghiêm chỉnh thực hiện chương trình cải cách thủ tục hành chính. Vụ Tổ chức cán bộ, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Bộ theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra và báo cáo Bộ trưởng kết quả thực hiện.

Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ, Chủ tịch hội đồng quản trị, Tổng giám đốc các Tổng công ty, Giám đốc các doanh nghiệp thuộc Bộ, căn cứ vào Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí quy định cụ thể việc công khai, minh bạch trong các lĩnh vực hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình; chủ động phối hợp xây dựng quy chế về quan hệ công tác, phối hợp hoạt động đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong nội bộ và các cơ quan liên quan; ban hành các quy tắc chuẩn mực ứng xử, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức trong thi hành nhiệm vụ, công vụ và trong quan hệ xã hội, quan hệ giữa cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp và người dân, bao gồm những việc phải làm hoặc không được làm, phù hợp với đặc thù của từng nhóm cán bộ, công chức, viên chức và lĩnh vực hoạt động công vụ, nhằm đảm bảo sự liêm chính và trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức.

[...]