BỘ
Y TẾ
******
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
1428/2006/QĐ-BYT
|
Hà
Nội, ngày 26 tháng 04 năm 2006
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA BỘ Y TẾ THỰC HIỆN LUẬT PHÒNG,CHỐNG
THAM NHŨNG VÀ LUẬT THỰC HÀNH TIẾT KIỆM CHỐNG LÃNG PHÍ
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
Căn cứ Luật Phòng, chống tham nhũng ngày 29
tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Luật Phòng, chống tham
nhũng và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí;
Theo đề nghị của Chánh Thanh tra Bộ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình hành động của
Bộ Y tế thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Thực hành tiết kiệm, chống
lãng phí.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Các Vụ trưởng, Cục trưởng, Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra,
Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Y tế, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành
phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
|
BỘ
TRƯỞNG
Trần Thị Trung Chiến
|
CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG
CỦA BỘ Y TẾ THỰC HIỆN LUẬT PHÒNG,CHỐNG THAM NHŨNG VÀ
LUẬT THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1428/QĐ-BYT ngày 26 tháng 4 năm 2006
của Bộ trưởng Bộ Y tế)
A. MỤC TIÊU VÀ YÊU CẦU CỦA
CHƯƠNG TRÌNH
1. Mục tiêu
- Thực hiện Quyết định của Thủ
tướng Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Luật Phòng, chống tham
nhũng và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí;
- Nâng cao ý thức trách nhiệm của
các cơ quan, tổ chức, đơn vị, các cán bộ, công chức, viên chức trong ngành Y tế
về công tác phòng, chống tham nhũng, và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí,
xây dựng ngành y tế trong sạch, vững mạnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc và
bảo vệ sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới.
- Định hướng cho các cấp, các cơ
quan, tổ chức, đơn vị xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện Luật Phòng chống
tham nhũng và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đưa công tác phòng, chống
tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thành nhiệm vụ trọng tâm, thường
xuyên của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong ngành Y tế;
2. Yêu cầu
- Thủ trưởng các đơn vị tổ chức
triển khai quán triệt nghiêm túc nội dung của Luật Phòng, chống tham nhũng và
Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đến toàn thể cán bộ, công chức, viên
chức trong đơn vị;
- Xây dựng hệ thống văn bản quy
phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Thực
hành tiết kiệm, chống lãng phí trong ngành y tế;
- Cụ thể hoá các nhiệm vụ, biện
pháp phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được quy định
trong Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí;
- Thực hiện ngay và có kết quả một
số biện pháp cụ thể, tạo chuyển biến tích cực và thống nhất trong nhận thức và
hành động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác phòng chống, tham
nhũng và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí;
B. NỘI DUNG KẾ HOẠCH
I. BAN HÀNH
CÁC VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT ĐỂ HƯỚNG DẪN, TRIỂN KHAI THỰC HIỆN LUẬT, PHÒNG
CHỐNG THAM NHŨNG VÀ LUẬT THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ
1. Các văn bản do Bộ ban
hành:
Căn cứ Luật Phòng, chống tham
nhũng và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Bộ Y tế sẽ ban hành các văn
bản quy định cụ thể việc công khai, minh bạch trong các lĩnh vực hoạt động của
cơ quan, tổ chức, đơn vị;
- Xây dựng Quy chế làm việc và
quan hệ công tác, phối hợp hoạt động đấu tranh phòng, chống tham nhũng và thực
hành tiết kiệm, chống lãng phí trong nội bộ Bộ Y tế và với các cơ quan liên
quan;
- Xây dựng Nghị định Thanh tra Y
tế và các Thông tư hướng dẫn Nghị định.
- Xây dựng và ban hành các quy tắc,
chuẩn mực ứng xử, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức ngành Y
tế trong thi hành nhiệm vụ, công vụ và trong quan hệ xã hội;
- Xây dựng Quy chế quan hệ giữa
công chức ngành Y tế với doanh nghiệp và người dân, bao gồm những việc phải làm
hoặc không được làm, phù hợp với đặc thù công việc của từng nhóm cán bộ, công
chức, viên chức và lĩnh vực hoạt động công vụ, nhằm bảo đảm sự liêm chính và
trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong ngành Y tế.
- Xây dựng và ban hành Quy định
thiết lập cơ sở dữ liệu chung về phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm,
chống lãng phí trong ngành Y tế.
- Xây dựng và ban hành Quy chế
chi tiêu nội bộ, quản lý và sử dụng tài sản công của Bộ Y tế.
2. Các cơ quan, tổ chức,
đơn vị sự nghiệp có sử dụng ngân sách Nhà nước phối hợp với cơ quan Nhà nước có
thẩm quyền xây dựng, ban hành và công khai chế độ, định mức, tiêu chuẩn áp dụng
trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình.
II. RÀ
SOÁT, SỬA ĐỔI, BỔ SUNG, HOÀN CHỈNH CÁC THỂ CHẾ, CHÍNH SÁCH
1. Thủ trưởng các cơ
quan, tổ chức, đơn vị khẩn trương rà soát các văn bản thuộc về lĩnh vực cơ quan,
đơn vị mình quản lý; loại bỏ ngay những nội dung, quy định không phù hợp với
chính sách, pháp luật của Nhà nước, chồng chéo, quan liêu, tạo điều kiện nhũng
nhiễu, gây khó khăn, mất thời gian của nhân dân và doanh nghiệp.
Hệ thống hoá những quy định về thủ
tục, giấy tờ cần thiết và thời hạn giải quyết đối với từng loại công việc, công
bố công khai, minh bạch trên các phương tiện thông tin đại chúng và nơi công cộng
để làm căn cứcho nhân dân thực hiện và giám sát việc thực hiện.
Các cơ quan, đơn vị không được
tùy tiện đề ra các thủ tục hành chính ngoài những quy định đã được cơ quan Nhà
nước có thẩm quyền công bố.
2. Các cơ quan, tổ chức,
đơn vị rà soát lại toàn bộ quy trình làm việc, quy trình công tác của cơ quan,
tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách nhằm sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh để
phù hợp với quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Thực hành tiết kiệm,
chống lãng phí.
3. Thủ trưởng các cơ
quan, tổ chức, đơn vị phải xác định kế hoạch cụ thể và trực tiếp tổ chức thực
hiện chương trình cải cách hành chính. Trước hết, tập trung vào các lĩnh vực: Đầu
tư xây dựng; đăng ký hành nghề; xét duyệt dự án; cấp vốn ngân sách; mua sắm
trang thiết bị; quản lý tài chính; khám chữa bệnh...
III. TUYÊN
TRUYỀN, PHỔ BIẾN LUẬT PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG VÀ LUẬT THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG
LÃNG PHÍ
1. Vụ Pháp chế chủ trì,
phối hợp với Thanh tra Bộ, Văn phòng Bộ xây dựng kế hoạch, phối hợp tổ chức
Công đoàn Y tế Việt Nam tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến toàn thể
đoàn viên công đoàn, công chức, viên chức về các quy định của Luật Phòng, chống
tham nhũng và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
2. Thủ trưởng các cơ
quan, đơn vị tổ chức quán triệt các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng
và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cho cán bộ, công chức, viên chức đồng
thời xây dựng chương trình, kế hoạch phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết
kiệm, chống lãng phí trong cơ quan, đơn vị mình.
3. Thanh tra Bộ chuẩn bị
tài liệu về Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Thực hành tiết kiệm, chống
lãng phí gửi đến các đơn vị trong ngành.
IV. PHÁT
HUY VAI TRÒ LÀM CHỦ CỦA QUẦN CHÚNG; PHỐI HỢP CHẶT CHẼ VỚI CÁC CƠ QUAN BÁO CHÍ
TRONG VIỆC THỰC THI LUẬT PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG VÀ LUẬT THỰC HÀNH TIẾT KIỆM,
CHỐNG LÃNG PHÍ:
1. Các cơ quan, tổ chức,
đơn vị có trách nhiệm phối hợp với tổ chức Công đoàn và các tổ chức quần chúng
cùng cấp trong quá trình xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện
Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
2. Tập trung thực hiện tốt
Quy chế dân chủ ở cơ sở và Quy chế giám sát cộng đồng; xây dựng quy định cụ thể
về việc phát huy vai trò của quần chúng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng
và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; có cơ chế bảo vệ, khen thưởng đối với
người có công. Duy trì hòm thư góp ý, đường dây điện thoại “nóng”. Lãnh đạo đơn
vị cần thường xuyên quan tâm kịp thời chấn chỉnh những tiêu cực phát sinh. Giải
quyết dứt điểm đơn thư khiếu nại, tố cáo theo đúng quy định của pháp luật…
3. Các cơ quan, tổ chức,
cá nhân có thẩm quyền có trách nhiệm làm rõ, trả lời cơ quan báo chí khi nội
dung đăng, phát tin về tham nhũng, lãng phí liên quan đến trách nhiệm quản lý của
mình; có trách nhiệm trả lời các yêu cầu, đề nghị của các cơ quan báo chí về nội
dung liên quan đến tham nhũng, lãng phí trong cơ quan, đơn vị, tổ chức do mình
quản lý, phụ trách.
V. TĂNG CƯỜNG
HOẠT ĐỘNG THANH TRA, KIỂM TRA VÀ XỬ LÝ CÁC VỤ VIỆC TIÊU CỰC:
Thanh tra Bộ, Thanh tra các Sở Y
tế tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương trong quý II năm 2006 tập trung kiện toàn,
bố trí những cán bộ có phẩm chất năng lực chuyên trách theo dõi chống tham
nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
- Công tác thanh tra, kiểm tra cần
tập trung các lĩnh vực:
+ Đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm
phương tiện, xây dựng trụ sở và quản lý tài sản công.
+ Việc quản lý thu chi ngân sách
(trong đó có thu chi viện phí và quỹ BHYT đối với các bệnh viện), đấu thầu thuốc
vào bệnh viện, khám chữa bệnh cho trẻ em dưới 6 tuổi, khám chữa bệnh cho người
nghèo.
+ Việc cấp, đổi, thu hồi chứng
chỉ hành nghề, giấy phép nhập khẩu, cấp giấy chứng sinh,...
+ Công tác quản lý các dự án,
chương trình, mục tiêu quốc gia...
+ Thanh tra, kiểm tra nhằm phát
hiện các hiện tượng tiêu cực ở các cơ sở khám chữa bệnh như: lợi dụng chức quyền
và vị trí công tác gây khó dễ, nhũng nhiễu người bệnh để nhận quà, phong bì, biếu
xén, thái độ phục vụ người bệnh...
- Thanh tra Bộ chủ trì phối hợp
với Vụ Tổ chức - Cán bộ, Vụ Pháp chế, Vụ Kế hoạch tài chính, tổ chức thanh tra
việc thực thi công vụ ở một số lĩnh vực: Quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm
phương tiện và xây dựng trụ sở, quản lý tài sản công, đấu thầu thuốc vào bệnh
viện, việc cấp đổi, thu hồi chứng chỉ hành nghề, giấy phép nhập khẩu, cấp giấy
chứng sinh, công tác quản lý các dự án, chương trình, mục tiêu quốc gia, khám
chữa bệnh...và một số vụ việc cụ thể được nhân dân, công luận phản ánh.
- Vụ Pháp chế chủ trì phối hợp với
Thanh tra Bộ và các Vụ, Cục liên quan tổ chức kiểm tra việc thực hiện các văn bản
pháp quy đã ban hành.
- Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tổ
chức thực hiện nghiêm túc các kết luận sau thanh tra, kiểm tra, công khai kết
luận thanh tra, kiểm tra và kết quả xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
C. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Căn cứ vào chương trình công tác
năm 2006 của Bộ Y tế, Chương trình hành động của Bộ Y tế. Giám đốc Sở Y tế tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chỉ đạo xây dựng
kế hoạch hành động của cơ quan, đơn vị mình. Kế hoạch phải cụ thể thời hạn và
phân công người chịu trách nhiệm từng phần việc, hàng quý báo cáo kiểm điểm
tình hình thực hiện về Bộ Y tế.
Thanh tra Bộ, Thanh tra Sở Y tế
tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là bộ phận thường trực giúp việc cho Ban
chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng và Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Bộ Y
tế, Sở Y tế tỉnh, thành phố có trách nhiệm tổng hợp kết quả thực hiện, mức độ
hoàn thành của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Yêu cầu thủ trưởng các cơ quan,
đơn vị củng cố, hoàn thiện và nâng cao năng lực đội ngũ thanh tra của Thủ trưởng,
phối hợp chặt chẽ với Ban Thanh tra Nhân dân và Ủy ban kiểm tra Đảng cùng cấp,
tăng cường theo dõi, giám sát việc triển khai thực hiện Luật Phòng, chống tham
nhũng và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong cơ quan, đơn vị, tổ chức
do mình quản lý, phụ trách.
Lãnh đạo Bộ Y tế, Sở Y tế tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra các cơ quan, đơn vị
về việc thực hiện kế hoạch này./.