Quyết định 39/2007/QĐ-TTg về việc quản lý giá cước dịch vụ bưu chính, viễn thông do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 39/2007/QĐ-TTg
Ngày ban hành 21/03/2007
Ngày có hiệu lực 25/04/2007
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Công nghệ thông tin

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 39/2007/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 21 tháng 03 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ QUẢN LÝ GIÁ CƯỚC DỊCH VỤ BƯU CHÍNH, VIỄN THÔNG

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông ngày 25 tháng 5 năm 2002;
Căn cứ Pháp lệnh Giá ngày 26 tháng 4 năm 2002;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Bưu chính, Viễn thông,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng

1. Quyết định này quy định về quản lý giá cước dịch vụ bưu chính, viễn thông và hoạt động về giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và sử dụng dịch vụ bưu chính, viễn thông.

2. Quyết định này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân cung cấp và sử dụng dịch vụ bưu chính, viễn thông tại Việt Nam.

3. Trường hợp Điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác với Quyết định này thì áp dụng quy định của Điều ước quốc tế đó.

Điều 2. Nguyên tắc quản lý giá cước dịch vụ bưu chính, viễn thông

1. Thực hiện theo cơ chế thị trường, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, phát huy quyền tự chủ của doanh nghiệp.

2. Thực hiện bình đẳng, không phân biệt giữa các đối tượng sử dụng dịch vụ; khuyến khích các doanh nghiệp mới tham gia thị trường; bảo đảm hoạt động bưu chính, viễn thông công ích.

3. Đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng dịch vụ, của doanh nghiệp bưu chính, viễn thông; bảo đảm lợi ích của Nhà nước và chủ quyền quốc gia.

Điều 3. Nội dung quản lý nhà nước về giá cước bưu chính, viễn thông

1. Ban hành cơ chế, chính sách và chỉ đạo tổ chức thực hiện thống nhất trên toàn quốc về giá cước dịch vụ bưu chính, viễn thông phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ.

2. Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về giá cước dịch vụ bưu chính, viễn thông.

3. Quy định giá cước dịch vụ bưu chính, viễn thông quan trọng, độc quyền.

4. Giám sát, thanh tra, kiểm tra và xử lý theo quy định của pháp luật về quản lý giá cước và các hoạt động về giá cước dịch vụ bưu chính, viễn thông.

5. Tổ chức và quản lý các hoạt động thông tin, dự báo giá thị trường bưu chính, viễn thông trong nước và thế giới.

Điều 4. Căn cứ xác định giá cước bưu chính, viễn thông

1. Mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia và mục tiêu, nhiệm vụ phát triển ngành bưu chính, viễn thông trong từng thời kỳ.

2. Cam kết quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia.

3. Chi phí sản xuất, quan hệ cung cầu thị trường.

4. Mức giá cước cùng loại trên thị trường khu vực và thế giới.

Điều 5. Thẩm quyền quản lý nhà nước về giá cước dịch vụ bưu chính, viễn thông

1. Thủ tướng Chính phủ

a) Ban hành cơ chế, chính sách quản lý giá cước dịch vụ bưu chính, viễn thông;

b) Phê duyệt phương án giá cước dịch vụ đối với thư thường trong nước có khối lượng đến 20 gram và điện thoại nội hạt.

[...]