Thứ 6, Ngày 15/11/2024

Nghị định 288-HĐBT năm 1985 thi hành pháp lệnh bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử, văn hoá và danh lam thắng cảnh do Hội đồng Bộ trưởng ban hành

Số hiệu 288-HĐBT
Ngày ban hành 31/12/1985
Ngày có hiệu lực 15/01/1986
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Hội đồng Bộ trưởng
Người ký Đỗ Mười
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 288-HĐBT

Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 1985

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 288-HĐBT NGÀY 31 THÁNG 12 NĂM 1985 QUY ĐỊNH VIỆC THI HÀNH PHÁP LỆNH BẢO VỆ VÀ SỬ DỤNG DI TÍCH LỊCH SỬ, VĂN HOÁ VÀ DANH LAM THẮNG CẢNH

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Căn cứ vào Luật tổ chức Hội đồng Bộ trưởng ngày 4-7-1981;
Căn cứ Pháp lệnh bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử, văn hoá và danh lam thắng cảnh đã được công bố theo Lệnh của Chủ tịch Hội đồng Nhà nước số 14-LCT/HĐNN7 ngày 31 tháng 3 năm 1984;
Để việc bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử, văn hoá và danh lam thắng cảnh đạt được mục đích giáo dục truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc; giáo dục tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội và lòng tự hào dân tộc; phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, phổ biến khoa học, nghệ thuật và tham quan du lịch, đáp ứng nhu cầu văn hoá của nhân dân; làm giàu đẹp kho tàng văn hoá dân tộc và góp phần làm phong phú văn hoá thế giới;
Xét đề nghị của Bộ Văn hoá,

NGHỊ ĐỊNH :

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1.- Di tích lịch sử văn hoá và danh lam thắng cảnh là tài sản vô giá trong kho tàng di sản lâu đời của dân tộc Việt Nam. Các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và mọi công dân có trách nhiệm bảo vệ và sử dụng có hiệu quả các di tích lịch sử, văn hoá và danh lam thắng cảnh; các cơ quan có trách nhiệm phải tạo điều kiện để nhân dân thực hiện quyền làm chủ tập thể của mình trong việc bảo vệ và sử dụng các di tích lịch sử và danh lam, thắng cảnh.

Điều 2.-

 Di tích lịch sử, văn hoá là những công trình xây dựng, địa điểm, đồ vật, tài liệu và tác phẩm có giá trị lịch sử, khoa học, nghệ thuật và giá trị văn hoá khác hoặc có liên quan đến những sự kiện lịch sự, quá trình phát triển văn hoá, xã hội.

Danh lam thắng cảnh là những khu vực thiên nhiên có cảnh đẹp hoặc có công trình xây dựng đẹp nổi tiếng.

Cụ thể là những đối tượng sau đây:

1- Những di tích và di chỉ có liên quan đến sự phát triển lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, sự phát triển văn hoá và xã hội Việt Nam.

2- Những di tích và di chỉ phản ánh nguồn gốc loại người và các tộc người ở Việt Nam, phản ánh nền văn minh vật chất và tinh thần của thời cổ đại.

3- Những di tích có liên quan đến cuộc đời hoạt động và sáng tạo của các anh hùng dân tộc, các nhà hoạt động chính trị, các nhà hoạt động khoa học, văn học, nghệ thuật lỗi lạc.

4- Những công trình kiến trúc điêu khắc, các tác phẩm nghệ thuật, các tài liệu lưu trữ và thư viện, các tiêu bản và mẫu vật, những bộ sưu tập... có liên quan đến sự phát triển lịch sử và văn hoá dân tộc.

5- Những cảnh đẹp thiên nhiên như hang động, núi rừng, biển hồ, những thắng cảnh trên mọi miền đất nước, những công trình xây dựng cổ, đẹp nổi tiếng.

6- Các đối tượng khác có giá trị là di tích lịch sử, văn hoá.

Bộ Văn hoá quy định chi tiết danh mục và tiêu chuẩn các đối tượng được coi là di tích lịch sử, văn hoá và danh lam thắng cảnh.

Điều 3.-

Các di tích lịch sử, văn hoá thuộc quyền sở hữu của Nhà nước, hoặc thuộc quyền sở hữu của tập thể, cá nhân. Các danh lam, thắng cảnh thuộc quyền sở hữu toàn dân.

Di tích lịch sử, văn hoá thuộc sở hữu tập thể hoặc cá nhân được Nhà nước bảo hộ, được hướng dẫn và giúp đỡ trong việc bảo quản và sử dụng, được khuyến khích việc ký gửi hoặc tặng cho Nhà nước.

Khi chuyển quyền sở hữu di tích lịch sử, văn hoá thuộc sở hữu tập thể hoặc cá nhân, người chủ phải báo trước cho Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn biết, Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn phải báo kịp thời với Sở Văn hoá tỉnh, thành phố.

Trong trường hợp người chủ muốn bán di tích lịch sự, văn hoá thuộc sở hữu của mình thì các cơ quan bảo tồn bảo tàng được quyền mua ưu tiên theo giá thoả thuận.

Điều 4.-

Nghiêm cấm việc làm hư hại, tiêu huỷ, chiếm giữ trái phép di tích lịch sử, văn hoá hoặc danh lam, thắng cảnh.

Nghiêm cấm việc trao đổi, mua bán trái phép di tích lịch sử, văn hoá. Cấm mang di tích lịch sử, văn hoá ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, trừ trường hợp đặc biệt được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng cho phép.

II. THỂ THỨC ĐĂNG KÝ, CÔNG NHẬN DI TÍCH LỊCH SỬ, VĂN HOÁ VÀ DANH LAM THẮNG CẢNH

Điều 5.- Tất cả những di tích lịch sử, văn hoá và danh lam thắng cảnh không kể thuộc quyền sở hữu của ai đều phải được đăng ký, kiểm kê, công nhận để đặt dưới quyền quản lý thống nhất của Nhà nước.

[...]