Pháp lệnh Bảo hộ lao động năm 1991 do Hội đồng Nhà nước ban hành

Số hiệu 61-LCT/HĐNN8
Ngày ban hành 19/09/1991
Ngày có hiệu lực 01/01/1992
Loại văn bản Pháp lệnh
Cơ quan ban hành Hội đồng Nhà nước
Người ký Võ Chí Công
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

HỘI ĐỒNG NHÀ NƯỚC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 61-LCT/HĐNN8

Hà Nội, ngày 19 tháng 9 năm 1991

 

PHÁP LỆNH 

 BẢO HỘ LAO ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG NHÀ NƯỚC SỐ 61-LCT/HĐNN8 NGÀY 19/09/1991

Để bảo đảm cho người lao động có quyền làm việc trong điều kiện an toàn, vệ sinh; nâng cao trách nhiệm của người sử dụng lao động và người lao động, tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước về bảo hộ lao động nhằm phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và từng bước cải thiện điều kiện lao động;
Căn cứ vào Điều 58 và Điều 100 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Pháp lệnh này quy định về bảo hộ lao động.

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1

Mọi tổ chức, cá nhân sử dụng lao động, gọi chung là người sử dụng lao động và mọi người lao động, kể cả tổ chức, cá nhân nước ngoài sử dụng lao động hoặc lao động trên lãnh thổ Việt Nam, đều phải thực hiện việc bảo hộ lao động theo quy định của Pháp lệnh này.

Điều 2

Nhà nước chăm lo việc bảo đảm cho người lao động được làm việc trong điều kiện an toàn, vệ sinh phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.

Các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội có trách nhiệm phối hợp chăm lo, bảo vệ quyền của người lao động làm việc trong điều kiện an toàn, vệ sinh.

Điều 3

Mọi người lao động có quyền được bảo đảm điều kiện làm việc an toàn, vệ sinh và có nghĩa vụ thực hiện những quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động.

Điều 4

Người sử dụng lao động có nghĩa vụ bảo đảm điều kiện làm việc an toàn, vệ sinh và không ngừng cải thiện điều kiện lao động của người lao động.

Điều 5

Mọi người lao động, người sử dụng lao động phải có hiểu biết về bảo hộ lao động, về các tiêu chuẩn an toàn lao động, vệ sinh lao động liên quan đến công việc, nhiệm vụ của mình.

Điều 6

Tiêu chuẩn an toàn lao động, vệ sinh lao động là tiêu chuẩn bắt buộc áp dụng.

Tiêu chuẩn an toàn lao động, vệ sinh lao động áp dụng cho nhiều ngành trong phạm vi cả nước do Hội đồng bộ trưởng hoặc cơ quan được Hội đồng bộ trưởng uỷ quyền ban hành.

Tiêu chuẩn an toàn lao động, vệ sinh lao động áp dụng riêng trong một ngành do cơ quan Nhà nước quản lý ngành đó ban hành phù hợp với những tiêu chuẩn về an toàn lao động, vệ sinh lao động do Hội đồng bộ trưởng ban hành.

Điều 7

Việc nghiên cứu khoa học - kỹ thuật bảo hộ lao động, việc sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu các loại dụng cụ thiết bị, phương tiện bảo vệ người lao động được Nhà nước khuyến khích bằng các chính sách, biện pháp thích hợp.

Chương 2:

AN TOÀN LAO ĐỘNG, VỆ SINH LAO ĐỘNG

Điều 8

Việc xây dựng mới hoặc mở rộng, cải tạo cơ sở để sản xuất, sử dụng, bảo quản, lưu giữ các loại máy, thiết bị, vật tư và các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh, phải có luận chứng về các biện pháp bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động đối với nơi làm việc của người lao động và môi trường xung quanh.

Luận chứng này phải được các cơ quan thanh tra Nhà nước về an toàn lao động, vệ sinh lao động chấp thuận.

Danh mục các loại máy, thiết bị, vật tư, các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Bộ Y tế quy định theo thẩm quyền quản lý của mình.

[...]