Chỉ thị 13/1998/CT-TTg về tăng cường chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác bảo hộ lao động trong tình hình mới do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 13/1998/CT-TTg
Ngày ban hành 26/03/1998
Ngày có hiệu lực 10/04/1998
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Phạm Gia Khiêm
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 13/1998/CT-TTg

Hà Nội, ngày 26 tháng 3 năm 1998

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CHỈ ĐẠO VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN CÔNG TÁC BẢO HỘ LAO ĐỘNG TRONG TÌNH HÌNH MỚI

Trong những năm qua, với việc thực hiện Bộ Luật lao động, Pháp lệnh quy định việc quản lý của Nhà nước đối với công tác phòng cháy và chữa cháy, công tác bảo hộ lao động, phòng chống cháy nổ đã có những chuyển biến tích cực và đã đạt được những kết quả nhất định, điều kiện làm việc không ngừng được cải thiện, góp phần bảo vệ sức khoẻ của người lao động, bảo đảm quyền của người lao động được làm việc trong điều kiện an toàn và vệ sinh, hạn chế được tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các vụ cháy nổ.

Tuy nhiên, việc thực hiện pháp luật về bảo hộ lao động ở các cấp, các ngành, của người sử dụng lao động và của người lao động còn chưa nghiêm. Tình trạng vi phạm các quy phạm, tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ còn khá phổ biến, còn để xảy ra các vụ việc nghiêm trọng. Việc đầu tư để cải thiện điều kiện làm việc và thực hiện các biện pháp phòng chống tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và cháy nổ trong nhiều doanh nghiệp chưa thực sự được quan tâm và coi trọng đúng mức, đặc biệt là trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh của tư nhân.

Để tăng cường và nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước, vai trò, trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ; duy trì và cải thiện điều kiện làm việc, bảo đảm sức khoẻ và an toàn cho người lao động, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan có liên quan, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo, khẩn trương làm tốt các công tác sau đây:

1. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Y tế:

- Tiếp tục soát xét, hoàn thiện và bổ sung các văn bản hướng dẫn thực hiện pháp luật về bảo hộ lao động, đặc biệt là các quy phạm về an toàn, vệ sinh lao động; đồng thời từng bước củng cố và nâng cao hiệu lực của hệ thống thanh tra an toàn lao động, vệ sinh lao động cả về tổ chức, biên chế và chuyên môn nghiệp vụ bảo đảm chất lượng của công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh trong việc chấp hành pháp luật về bảo hộ lao động;

- Phối hợp với Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường trong việc tổ chức thẩm định luận chứng về các biện pháp bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động và báo cáo tác động môi trường của các dự án đầu tư;

- Phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu xây dựng chương trình quốc gia về bảo hộ lao động, an toàn lao động và vệ sinh lao động theo quy định tại Điều 95 Bộ Luật Lao động; trước mặt, xây dựng và trình Chính phủ phê duyệt các mục tiêu về bảo hộ lao động và kế hoạch thực hiện đến năm 2000;

- Hàng năm tổ chức tổng kết, đánh giá thực hiện công tác bảo hộ lao động, hướng dẫn và tổ chức khen thưởng về công tác này.

2. Bộ Y tế chủ trì nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các tiêu chuẩn vệ sinh lao động; xây dựng tiêu chuẩn sức khoẻ và khám tuyển đối với người lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; chỉ đạo các phòng y tế và cơ sở điều dưỡng phục hồi chức năng chăm sóc, khám sức khoẻ định kỳ, điều trị, điều dưỡng những người làm công việc nặng nhọc, độc hại dễ mắc bệnh nghề nghiệp; đồng thời tổ chức và nâng cao hiệu quả việc cấp cứu khi xảy ra tai nạn lao động.

3. Bộ Nội vụ tiếp tục tổ chức thực hiện Chỉ thị số 237/TTg ngày 19 tháng 4 năm 1996 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy; chỉ đạo, kiểm tra các đơn vị làm công tác phòng, chống cháy nổ, đặc biệt cần tập trung vào những địa bàn dễ xảy ra cháy, nổ; có kế hoạch đổi mới các trang bị phương tiện phòng chống cháy, nổ để nâng cao khả năng và hiệu quả chữa cháy; giải quyết nhanh, kịp thời khi sự cố xảy ra.

4. Bộ Tài chính xem xét và cân đối ngân sách hàng năm cho công tác bảo hộ lao động của các Bộ, ngành có liên quan; đồng thời kiểm tra, đánh giá hiệu quả sử dụng kinh phí đúng mục đích để thực hiện tốt các nhiệm vụ nêu tại Chỉ thị này.

Bộ Tài chính nghiên cứu chính sách miễn giảm thuế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu chính sách tín dụng ưu đãi giúp các doanh nghiệp sản xuất trong nước, thay thế nhập khẩu các trang thiết bị, phương tiện bảo vệ cá nhân và giúp các doanh nghiệp đầu tư có hiệu quả cho công tác bảo hộ lao động, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động.

5. Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường cần tăng cường đầu tư cho công tác nghiên cứu khoa học về an toàn, vệ sinh lao động; chỉ đạo và tổ chức rà soát lại các tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn, vệ sinh lao động hiện hành để sửa đổi, bổ sung và xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp với trình độ công nghệ mới; thực hiện giao các đề tài khoa học trên cơ sở đặt hàng của các cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực bảo hộ lao động; tổ chức chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học về bảo hộ lao động cho các cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực này nghiên cứu ứng dụng.

6. Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế nghiên cứu tổ chức bộ máy và quy định biên chế cán bộ làm công tác bảo hộ lao động ở các Bộ, ngành và các địa phương để đáp ứng nhiệm vụ công tác bảo hộ lao động trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá; trước mắt cần tập trung giải quyết biên chế cho cơ quan thanh tra lao động phù hợp với số lượng các doanh nghiệp ở địa phương để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra an toàn lao động, vệ sinh lao động.

7. Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sớm chỉ đạo việc xây dựng chương trình, giáo trình và tài liệu khoa học về an toàn lao động, vệ sinh lao động để giảng dạy trong các trường đại học, cao đẳng trung học chuyên nghiệp và dạy nghề; tiêu chuẩn hoá giáo viên giảng dạy về an toàn, vệ sinh lao động trong các cấp học; phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chỉ đạo việc nâng cao chất lượng đào tạo kỹ sư bảo hộ lao động.

8. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan thanh tra an toàn lao động, vệ sinh lao động, cảnh sát phòng cháy chữa cháy tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện an toàn lao động, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ tại địa phương, cần tập trung vào các ngành khai thác mỏ, xây dựng cơ bản, giao thông vận tải, khu vực kinh tế tư nhân; xử lý nghiêm minh các đơn vị và cá nhân vi phạm pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ.

9. Các cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương xây dựng và tăng cường các chuyên mục hàng tuần về an toàn lao động, vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ để phổ biến pháp luât, các quy phạm, tiêu chuẩn, các kinh nghiệm phòng chống tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cháy nổ, giúp người lao động, người sử dụng lao động có ý thức tự giác và chủ động thực hiện các quy định của pháp luật về bảo hộ lao động.

10. Giám đốc doanh nghiệp, chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải tổ chức thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về bảo hộ lao động, hàng năm phải xây dựng kế hoạch bảo hộ lao động, bố trí cán bộ làm công tác bảo hộ lao động; phối hợp với tổ chức công đoàn cơ sở tuyên truyền, giáo dục, vận động người lao động thực hiện nghiêm chỉnh quy định về an toàn, vệ sinh lao động, phòng, chống cháy nổ; tổ chức mạng lưới an toàn viên, vệ sinh viên, các đội phòng chống tai nạn, sự cố xảy ra; cải thiện điều kiện làm việc, chăm sóc sức khoẻ cho người lao động và hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và những thiệt hại do điều kiện lao động xấu gây ra.

11. Bộ Tư pháp phối hợp với Viện Kiểm sát nhận dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao chỉ đạo Toà án nhân dân địa phương kịp thời xét xử các vụ việc dân sự, hình sự trong lĩnh vực an toàn lao động, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị cơ sở trong phạm vi trách nhiệm của mình phối hợp chặt chẽ với tổ chức công đoàn cùng cấp khẩn trương tổ chức thực hiện Chỉ thị này, tổ chức phong trào quần chúng rộng rãi bảo đảm an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ trong sản xuất và đời sống.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này và định kỳ 6 tháng một lần báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

 

 

Phạm Gia Khiêm

(Đã ký)

 

3
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ