Nghị quyết 82/NQ-HĐND năm 2023 kết quả giám sát tình hình triển khai công tác đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh Kon Tum

Số hiệu 82/NQ-HĐND
Ngày ban hành 10/12/2023
Ngày có hiệu lực 08/12/2023
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Kon Tum
Người ký Dương Văn Trang
Lĩnh vực Giáo dục

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 82/NQ-HĐND

Kon Tum, ngày 10 tháng 12 năm 2023

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ KẾT QUẢ GIÁM SÁT TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI CÔNG TÁC ĐÀO TẠO NGHỀ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH KON TUM
KHÓA XII KỲ HỌP THỨ 6

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân ngày 20 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 ngày 12 tháng 9 năm 2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Hướng dẫn hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân, tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân;

Căn cứ Nghị quyết số 46/NQ-HĐND ngày 12 tháng 7 năm 2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Chương trình giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh năm 2023; Nghị quyết số 108/NQ-HĐND ngày 12 tháng 12 năm 2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh về thành lập Đoàn giám sát việc triển khai công tác đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh Kon Tum;

Xét Báo cáo số 36/BC-ĐGS ngày 05 tháng 12 năm 2023 của Đoàn giám sát Hội đồng nhân dân tỉnh về kết quả giám sát tình hình triển khai việc triển khai công tác đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh Kon Tum; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Đánh giá kết quả việc triển khai công tác đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh Kon Tum

Hội đồng nhân dân tỉnh cơ bản tán thành nội dung Báo cáo số 36/BC-ĐGS ngày 05 tháng 12 năm 2023 của Đoàn giám sát Hội đồng nhân dân tỉnh về kết quả giám sát tình hình triển khai công tác đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh Kon Tum (có báo cáo kèm theo), với những nội dung chủ yếu sau:

1. Kết quả đạt được:

Hệ thống giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên địa bàn tỉnh hiện nay gồm 01 cơ sở GDNN công lập (Trường Cao đẳng Kon Tum đào tạo từ trình độ cao đẳng trở xuống), 03 cơ sở GDNN ngoài công lập đào tạo trình độ sơ cấp1 và 8 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục Thường xuyên (GDNN-GDTX) công lập cấp huyện có hoạt động GDNN đào tạo trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng2. Các cơ sở GDNN và cơ sở có hoạt động GDNN được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, công trình phụ trợ, trang thiết bị đào tạo nghề, bố trí giáo viên để đảm bảo thực hiện đào tạo nghề theo nhu cầu xã hội và chỉ tiêu giao, phù hợp với năng lực đào tạo của từng đơn vị. Từ năm 2017 đến năm 2023 đào tạo 39.395 chỉ tiêu thuộc các trình độ Cao đẳng, Trung cấp, Sơ cấp và dưới 3 tháng; Tổng kinh phí thực hiện cho công tác đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh từ năm 2017 đến 2023 là 413.153,96 triệu đồng, trong đó: vốn sự nghiệp 364.810,96 triệu đồng, vốn đầu tư 48.343 triệu đồng. Kết quả đào tạo nghề trong các năm qua đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế hộ gia đình, kinh tế hợp tác xã, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, cũng như nâng cao tỷ lệ lao động được đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nói chung của tỉnh, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu lao động qua đào tạo theo Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ XVI.

2. Những hạn chế, bất cập

a) Hạn chế

- Thực hiện định hướng ngành nghề đào tạo ở cấp huyện nhìn chung chưa đảm bảo theo các định hướng chung của tỉnh3, ngành nghề chủ lực của huyện; định hướng học nghề theo thổ nhưỡng, khí hậu, phương thức tập quán sản xuất của người dân tộc thiểu số của từng địa phương chưa được chú trọng, chủ yếu dựa vào danh mục nghề đã có để đào tạo, dẫn đến có tình trạng người lao động học theo kiểu “miễn cưỡng”; hoặc tham gia học nghề để hoàn thành chỉ tiêu được giao.

- Công tác Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông ở cấp THCS chỉ mới làm tốt trong thực hiện chức năng của ngành giáo dục và đào tạo khi học sinh còn đang theo học phổ thông. Sau khi tốt nghiệp4, việc theo dõi, tư vấn, tuyển sinh đào tạo nghề cho đối tượng này tham gia học nghề ở các trình độ chưa được các ngành, địa phương quan tâm phối hợp chặt chẽ.

- Giao chỉ tiêu đào tạo nghề cho các địa phương chủ yếu dựa vào chỉ tiêu của Trung ương giao5, chưa sát với nhu cầu thực tế; phân bổ vốn sự nghiệp từ các chương trình Mục tiêu quốc gia cho công tác đào tạo nghề có sự trùng lắp về nhiệm vụ, đối tượng dẫn đến nguồn kinh phí phân bổ cho các huyện, thành phố để thực hiện công tác đào tạo lớn; hoặc phân bổ vốn cho đơn vị không có nhiệm vụ chi6, phải hoàn trả ngân sách cấp trên.

- Việc chậm ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá đào tạo, mức chi phí hỗ trợ đào tạo các ngành nghề trình độ sơ cấp, dưới 3 tháng đã làm chậm tiến độ mở lớp đào tạo nghề theo chỉ tiêu được giao cho các địa phương.

- Nội dung đào tạo nghề trình độ trung cấp, cao đẳng được quy định tại các tiểu dự án và nội dung thành phần thuộc 03 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 20257 chưa được triển khai. Công tác tuyển sinh, đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng các ngành nghề thuộc lĩnh vực GDNN không đạt chỉ tiêu giao hàng năm.

- Bố trí nhà giáo giáo dục nghề nghiệp ở các trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện chưa có sự tương đồng ngay trong nội tại đơn vị và giữa các trung tâm với nhau về biên chế, chuyên môn nghiệp vụ dẫn đến bị động trong thực hiện các chỉ tiêu đào tạo nghề được giao của địa phương8.

- Công tác liên kết đào tạo với các cơ sở GDNN ngoài tỉnh còn hạn chế; thực hiện liên kết đào tạo nghề trình độ trung cấp khi chưa được cấp giấy phép đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp9. Chưa có sự phối hợp và liên kết chặt chẽ giữa cơ sở GDNN, trung tâm GDNN-GDTX với doanh nghiệp trong quá trình đào tạo, đánh giá, tuyển dụng lao động và trong việc cung cấp đầy đủ thông tin về nhu cầu đào tạo, sử dụng lao động của doanh nghiệp theo ngành, nghề, lao động hàng năm cho cơ quan quản lý nhà nước về GDNN.

- Các Trung tâm GDNN-GDTX được đầu tư cơ cơ vật chất và các hạng mục chức năng, phụ trợ cơ bản đảm bảo nhưng chủ yếu triển khai dạy nghề theo hình thức lưu động nên không phát huy hết công năng, nhiều hạng mục công trình xuống cấp; thiết bị đào tạo nghề hầu hết được đầu tư trang bị từ nhiều năm trước, không được đầu tư nâng cấp, sửa chữa dẫn đến hư hỏng, xuống cấp, lạc hậu, không sử dụng nhưng hiện nay vẫn chưa có phương án xử lý. Trường Cao đẳng Kon Tum thiếu thiết bị về số lượng và loại hình nên khó thu hút người học.

b) Bất cập

- Trên địa bàn tỉnh có 2 đơn vị là huyện Ia H’Drai và thành phố Kon Tum không có cơ sở GDNN, việc thực hiện chỉ tiêu đào tạo nghề hàng năm thông qua đặt hàng với Trường Cao đẳng Kon Tum và các trung tâm có hoạt động GDNN khác, do đó khó khăn trong công tác đào tạo nghề.

- Văn bản của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp10 xác định Trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện không phải là cơ sở GDNN và không được hỗ trợ vốn sự nghiệp giáo dục nghề nghiệp thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 để bảo dưỡng, sửa chữa cơ sở vật chất và mua sắm thiết bị đào tạo nghề, vì vậy các Trung tâm không thể giải ngân nguồn vốn này dù đã được phân bổ.

- Tại điểm a, khoản 4, phần III, Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, quy định đối tượng hỗ trợ bao gồm “người lao động có thu nhập thấp”. Hiện nay, chưa có văn bản hướng dẫn xác định người lao động có thu nhập thấp nên chưa triển khai được công tác đào tạo nghề cho đối tượng này.

- Nội dung giáo dục nghề nghiệp trong các Chương trình mục tiêu quốc gia có đề cập đến đào tạo nghề trình độ trung cấp, cao đẳng nhưng chưa quy định chính sách hỗ trợ cho các đối tượng theo học trình độ tương ứng.

[...]