Kế hoạch 403/KH-UBND năm 2021 thực hiện công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021-2025

Số hiệu 403/KH-UBND
Ngày ban hành 17/09/2021
Ngày có hiệu lực 17/09/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hà Tĩnh
Người ký Lê Ngọc Châu
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 403/KH-UBND

Hà Tĩnh, ngày 17 tháng 9 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CÔNG TÁC ĐÀO TẠO NGHỀ, GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ TĨNH GIAI ĐOẠN 2021-2025

Thực hiện Nghị quyết số 24/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Nghị quyết số 25/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 (số 01-NQ/ĐH ngày 16/10/2020); Chỉ thị số 10-CT/TU ngày 15/6/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh; Nghị quyết số 262/2020/NQ-HĐND ngày 08/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh về tiếp tục thực hiện và sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 56/2017/NQ-HĐND ngày 15/7/2017 về đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng, giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết số 150/2019/NQ-HĐND 17/07/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành một số chính sách giải quyết việc làm, hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2019-2025; Nghị quyết số 249/NQ-HĐND ngày 08/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; Nghị quyết số 12/NQ-HĐND ngày 17/7/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đoạn 2021-2025 (gọi tắt là Kế hoạch) như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

- Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm; nâng cao năng lực quản lý nhà nước; phát huy vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể và các tầng lớp nhân dân trong thực hiện chính sách việc làm; xác định đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động là trách nhiệm chung của các cấp, các ngành và bản thân người lao động.

- Phát triển thị trường lao động, nâng cao chất lượng dịch vụ việc làm; ứng dụng công nghệ thông tin trong kết nối thông tin cung cầu lao động; đảm bảo người lao động có khả năng làm việc, có nhu cầu tìm kiếm việc làm được tiếp cận thông tin thị trường lao động và được tư vấn giới thiệu việc làm phù hợp với khả năng, nguyện vọng.

- Chú trọng nâng cao năng lực của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN), nâng cao chất lượng đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; triển khai thực hiện tốt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025”.

- Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm nhằm nâng cao chất lượng nguồn lao động đáp ứng yêu cầu các doanh nghiệp hoạt động trong các khu, cụm công nghiệp; bảo tồn và phát huy ngành nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống, du nhập nghề mới và phát triển ngành nghề nông thôn gắn với xây dựng làng nghề, làng có nghề trên cơ sở xây dựng đơn vị kinh tế doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và xây dựng nông thôn mới.

- Khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động qua đào tạo nghề nghiệp và các cơ sở GDNN có sự gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp; đẩy mạnh xã hội hóa về đào tạo nghề; huy động mọi nguồn lực tăng quy mô và chất lượng đào tạo nghề.

2. Mục tiêu cụ thể

2.1. Đào tạo nghề

Phát triển mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở linh hoạt; tăng tính tự chủ, ưu tiên phát triển cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục, phấn đấu đến năm 2025 có 30% trường cao đẳng, trung cấp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên (tự chủ thuộc nhóm 2); 70% trường tự bảo đảm một phần chi thường xuyên (tự chủ thuộc nhóm 3)[1], (Chi tiết tại Phụ lục 1).

Đến năm 2025 có 2 trường cao đẳng đạt các tiêu chí, tiêu chuẩn trường chất lượng cao; 100% nghề trọng điểm quốc tế, 80% các nghề trọng điểm Khu vực ASEAN, 70% các nghề quốc gia và nghề đào tạo nhân lực phục vụ dự án trọng điểm của tỉnh đạt chuẩn về cơ sở vật chất, thiết bị; 100% các ngành nghề đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đạt chuẩn tối thiểu về cơ sở vật chất và thiết bị đào tạo theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

100% nhà giáo, cán bộ quản lý tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đạt chuẩn trình độ đào tạo; 100% nhà giáo giảng dạy tại các ngành nghề chuyển giao từ chương trình đào tạo quốc tế đạt chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nghề, ngoại ngữ theo quy định; 70% nhà giáo giảng dạy các mô đun/ môn học chuyên môn nghề thuộc chương trình đào tạo cao đẳng, trung cấp có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia hoặc tương đương.

100% chương trình đào tạo nghề trình độ cao đẳng, trung cấp xây dựng, nâng cấp theo chuẩn kỹ năng quốc gia; phấn đấu mục tiêu trên 30% các cơ sở giáo dục nghề nghiệp triển khai chương trình ngoại ngữ theo chuẩn đầu ra và ngành nghề đào tạo vào năm 2023.

100% cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoàn thành xây dựng quy trình đảm bảo chất lượng; 3 trường cao đẳng đạt kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp; 04 chương trình đào tạo nghề trọng điểm cấp độ quốc tế đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng; 100% các trường cao đẳng, 70% trường trung cấp hoàn thành cơ sở dữ liệu về giáo dục nghề nghiệp theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Đào tạo nghề cho trên 87.900 người trong đó cao đẳng 7.150 người, trung cấp 23.400 người, sơ cấp 57.350 người; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 70% năm 2020 lên 80% năm 2025; tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên đang học các chương trình đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng và đại học đạt 85%; tỷ lệ người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo qua đào tạo đạt 60%; tỷ lệ lao động là người khuyết tật còn khả năng lao động được học nghề phù hợp đạt 35%; tỷ lệ lao động có bằng cấp cao đẳng, trung cấp trở lên có các kỹ năng công nghệ thông tin đạt 80%, (Chi tiết tại Phụ lục 02).

Ưu tiên đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao kỹ năng lao động, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực, giảm tỷ lệ lao động trong nông nghiệp, tăng tỷ lệ lao động trong công nghiệp - xây dựng, thương mại và dịch vụ; đặc biệt ưu tiên đào tạo nghề cho lao động người Hà Tĩnh hồi hương bị mất việc làm do thiên tai, dịch bệnh có nguyện vọng làm việc trên địa bàn tỉnh và lao động làm công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, giá trị di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

2.2. Giải quyết việc làm

Phấn đấu giai đoạn 2021 - 2025 giải quyết việc làm mới cho 100.000 người, bình quân 20.000 người/năm, giảm tỷ lệ thất nghiệp, ổn định việc làm tại các địa phương, doanh nghiệp. Tập trung ưu tiên tạo việc làm mới cho đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực nông nghiệp và nông thôn, người tốt nghiệp các nhóm nghề nghệ thuật nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, di sản văn hóa; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, triển khai thực hiện thành công Chỉ thị 10-CT/TU trên địa bàn tỉnh nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX. Chỉ tiêu giải quyết việc làm mới theo các chương trình cụ thể như sau:

a) Giải quyết việc làm cho 40.000 người thông qua các chương trình, dự án phát triển kinh tế xã hội của địa phương nhằm ổn định việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống dưới 3%; ưu tiên giải quyết việc làm cho lao động người Hà Tĩnh hồi hương có nguyện vọng làm việc trên địa bàn tỉnh.

b) Phát huy hiệu quả nguồn vốn cho vay Quỹ quốc gia về việc làm và nguồn ngân sách tỉnh ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác là 7.500 người.

c) Tư vấn, giới thiệu việc làm thông qua các Trung tâm Dịch vụ việc làm, các doanh nghiệp dịch vụ việc làm và các phiên giao dịch việc làm hàng năm tại các địa phương là 52.500 người. Trong đó: Xuất khẩu lao động 37.500 người; đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm 10.000 người; đi làm việc ngoại tỉnh 5.000 người.

(Chi tiết tại Phụ lục 3, Phụ lục 4)

Ưu tiên giải quyết việc làm cho lao động hồi hương có nhu cầu làm việc trên địa bàn tỉnh; cung ứng nguồn lực cho các doanh nghiệp, dự án, khu công nghiệp trọng điểm của tỉnh đảm bảo đủ nhân lực theo yêu cầu của nhà đầu tư; thực hiện đầy đủ các chính sách cho công nhân như: Chính sách về nhà ở, tiền lương, chế độ và điều kiện làm việc, điều kiên vui chơi, học tập cho con em người lao động... và các chính sách an sinh xã hội đảm bảo người lao động an tâm làm việc trên địa bàn tỉnh.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Phát triển giáo dục nghề nghiệp

[...]