Nghị quyết 623/NQ-UBTVQH15 năm 2022 tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành

Số hiệu 623/NQ-UBTVQH15
Ngày ban hành 07/10/2022
Ngày có hiệu lực 07/10/2022
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
Người ký Vương Đình Huệ
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN THƯỜNG VỤ
QUỐC HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 623/NQ-UBTVQH15

Hà Nội, ngày 07 tháng 10 năm 2022

 

NGHỊ QUYẾT

TIẾP TỤC TĂNG CƯỜNG HIỆU LỰC, HIỆU QUẢ THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ TIẾP CÔNG DÂN VÀ GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO

ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Căn cứ Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân số 87/2015/QH13;

Căn cứ Nghị quyết số 266/2021/UBTVQH15 ngày 05 tháng 8 năm 2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chương trình giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022 và Nghị quyết số 289/NQ-UBTVQH15 ngày 06 tháng 9 năm 2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021”;

Trên cơ sở xem xét Báo cáo số 334/BC-ĐGS ngày 07 tháng 10 năm 2022 của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021”.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Đánh giá kết quả thực hiện

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành nội dung Báo cáo số 334/BC-ĐGS ngày 07 tháng 10 năm 2022 của Đoàn giám sát về kết quả giám sát “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021”, với những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân chủ yếu sau đây:

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; công tác dân nguyện nhất là công tác tiếp công dân, tiếp nhận xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan dân cử, đại biểu dân cử luôn được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm và từng bước có nhiều đổi mới, chất lượng, hiệu quả ngày càng được nâng lên; các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội luôn phát huy trách nhiệm, chủ động, linh hoạt trong hoạt động tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo qua đó đã góp phần thúc đẩy, nâng cao trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền từ Trung ương đến địa phương trong việc thực hiện tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, giữ vững ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Qua giám sát cho thấy pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và pháp luật có liên quan ngày càng được hoàn thiện, tạo cơ sở pháp lý chặt chẽ, thống nhất, bảo đảm để thực hiện quyền khiếu nại, quyền tố cáo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Đồng thời, giúp các cơ quan nhà nước, người có trách nhiệm tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo thực hiện đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định; đảm bảo gắn công tác tiếp công dân với giải quyết khiếu nại, tố cáo và công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đã giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài được dư luận, cử tri và Nhân dân quan tâm và đồng tình, ủng hộ.

Bên cạnh những mặt tích cực đã đạt được, qua giám sát cho thấy việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo vẫn còn một số tồn tại hạn chế, bất cập. Một số quy định, nội dung hướng dẫn chưa đảm bảo tính thống nhất với pháp luật có liên quan; tính khả thi trong thực tiễn còn hạn chế; có nội dung chưa có quy định hoặc hướng dẫn ban hành còn chậm, chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung khi không còn phù hợp với văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn. Việc tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu ở một số Bộ, ngành, địa phương chưa được quan tâm, thực hiện đầy đủ theo quy định của luật. Phân loại đơn thư còn nhầm lẫn giữa đơn khiếu nại, tố cáo với đơn kiến nghị, phản ánh. Chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là giải quyết lần đầu ở cấp huyện chưa tốt, còn sai sót; một số cán bộ, công chức thiếu ý thức trách nhiệm, không thực hiện đúng quy định của pháp luật về thời hạn, trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo; chưa quan tâm đúng mức đến việc tiếp, đối thoại, lắng nghe ý kiến của công dân; trách nhiệm phối hợp trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa đầy đủ; một số người khiếu nại, tố cáo không chấp hành nghiêm chỉnh quyết định, kết luận giải quyết đúng và đã có hiệu lực pháp luật, thậm chí lợi dụng việc khiếu nại, tố cáo để gây phức tạp thêm tình hình. Nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo, nhất là những vụ việc liên quan đến bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi thu hồi đất thực hiện các dự án và đề nghị xem xét lại các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm chưa được quan tâm giải quyết dứt điểm, để kéo dài, gây bức xúc, tiềm ẩn nguy cơ thành “điểm nóng” về an ninh trật tự; hiệu quả kiểm tra, rà soát lại việc giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài còn hạn chế. Công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo hiệu quả chưa cao; kết luận thanh tra, kiểm tra còn chung chung, xử lý cán bộ, công chức vi phạm chưa nghiêm, chưa tương xứng với tính chất, mức độ vi phạm. Thực hiện chức năng kiểm sát đối với việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực tư pháp, kiểm sát đối với án dân sự, án hành chính còn hạn chế. Đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân và tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa được quan tâm đúng mức; một số công chức năng lực trình độ vẫn còn hạn chế. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn hình thức, kém hiệu quả. Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc cập nhật dữ liệu, quản lý đơn thư khiếu nại, tố cáo hiệu quả chưa cao.

Những tồn tại, hạn chế nêu trên do nhiều nguyên nhân, bên cạnh nguyên nhân do quy định pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo một số nội dung còn bất cập thì nguyên nhân chủ quan chủ yếu là việc tổ chức, thực hiện tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo ở một số ngành, địa phương còn nhiều hạn chế, chưa sâu sát, thiếu quyết liệt, phối hợp chưa chặt chẽ, chưa làm hết nhiệm vụ được giao; người đứng đầu một số cơ quan đơn vị chưa quan tâm đúng mức đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là trong việc chỉ đạo, đôn đốc, phối hợp giải quyết dứt điểm các vụ việc tiềm ẩn yếu tố phức tạp ngay từ khi mới phát sinh ở cấp cơ sở.

Điều 2. Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu

1. Đối với các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp

a) Tiếp tục đổi mới, tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát đối với một số ngành, lĩnh vực, địa phương, trong đó chú trọng việc giám sát trực tiếp tại các bộ, ngành, địa phương phát sinh nhiều vụ việc phức tạp, nổi cộm, bức xúc trong Nhân dân; tăng cường công tác giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực phụ trách; phối hợp chặt chẽ với bộ, ngành hữu quan trong quá trình nghiên cứu, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, nhất là văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đất đai, nhà ở, xây dựng, môi trường và một số lĩnh vực khác thường phát sinh nhiều khiếu nại, tố cáo.

b) Giao Ban Dân nguyện chủ trì, phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

- Theo dõi, đôn đốc, giám sát việc giải quyết 24 vụ việc cụ thể đã được kiến nghị trong Báo cáo giám sát, 35 vụ việc thuộc danh sách rà soát theo Quyết định số 1849/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ, 58 vụ việc được rà soát theo Kế hoạch 1910/KH-TTCP ngày 29/10/2021 của Thanh tra Chính phủ và định kỳ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp hằng tháng;

- Tham gia, phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương trong việc xem xét, rà soát lại việc giải quyết đối với 937 vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài tại 63 UBND các tỉnh, thành phố theo Kế hoạch 363/KH-TTCP ngày 20/3/2019 và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp tháng 10/2023.

c) Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố tiếp tục đổi mới, linh hoạt, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo. Chủ động theo dõi, đôn đốc, giám sát và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp kéo dài, các vụ việc có dấu hiệu phức tạp về an ninh trật tự trên địa bàn và định kỳ hằng tháng báo cáo kết quả thực hiện đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

2. Đối với Chính phủ

Để thực hiện tốt chính sách, pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, đề nghị Chính phủ có giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra trong Báo cáo của Đoàn giám sát và tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau đây:

2.1. Chỉ đạo Thanh tra Chính phủ

a) Tham mưu Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt Chỉ thị số 35/CT-TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Khẩn trương có kế hoạch thực hiện Nghị quyết này và các kiến nghị trong Báo cáo của Đoàn giám sát đảm bảo hiệu lực, hiệu quả.

b) Trong năm 2023, tổ chức rà soát về vướng mắc, khó khăn trong việc tổ chức, thực hiện Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo để hướng dẫn các bộ ngành và địa phương thực hiện bảo đảm tính đồng bộ, khắc phục mâu thuẫn, chồng chéo, thực hiện có hiệu quả cao; trong đó, tập trung đánh giá các quy định về việc tổ chức tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu, mô hình tiếp công dân của Ban tiếp công dân cấp huyện, việc tiếp công dân trực tuyến và một số nội dung khác đã được nêu trong báo cáo.

c) Nghiên cứu để đề xuất, trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định về giải quyết đơn kiến nghị, phản ánh của công dân; ban hành Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo; quy định về việc xem xét lại quyết định giải quyết khiếu nại về hành chính đã có hiệu lực pháp luật phát hiện có vi phạm.

d) Thực hiện định kỳ sơ kết, tổng kết đánh giá việc thực hiện rà soát lại việc giải quyết đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài để cập nhật, phân loại kết quả đã rà soát, bổ sung vào danh sách những vụ việc thuộc tiêu chí cần rà soát và có lộ trình giải quyết dứt điểm từng vụ việc; theo dõi, phối hợp với cơ quan có thẩm quyền giải quyết dứt điểm đối với các vụ việc thuộc lĩnh vực hành chính Đoàn giám sát đã có kiến nghị; chủ trì, phối hợp và chỉ đạo các địa phương giải quyết dứt điểm 1.030 vụ việc đã được các cơ quan có thẩm quyền lập danh sách rà soát và báo cáo kết quả thực hiện với Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp tháng 10/2023.

đ) Tăng cường hoạt động thanh tra công vụ về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý nghiêm đối với cán bộ, công chức có sai phạm.

[...]
7
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ