Kế hoạch 1910/KH-TTCP năm 2021 về rà soát các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài tại các cơ quan Trung ương do Thanh tra Chính phủ ban hành
Số hiệu | 1910/KH-TTCP |
Ngày ban hành | 29/10/2021 |
Ngày có hiệu lực | 29/10/2021 |
Loại văn bản | Kế hoạch |
Cơ quan ban hành | Thanh tra Chính phủ |
Người ký | Trần Ngọc Liêm |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính |
THANH TRA CHÍNH
PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1910/KH-TTCP |
Hà Nội, ngày 29 tháng 10 năm 2021 |
RÀ SOÁT CÁC VỤ VIỆC KHIẾU NẠI, TỐ CÁO ĐÔNG NGƯỜI, PHỨC TẠP, KÉO DÀI TẠI CÁC CƠ QUAN TRUNG ƯƠNG
Để giải quyết tình trạng khiếu kiện đông người, phức tạp, kéo dài theo ý kiến chỉ đạo của đồng chí Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Tiểu ban Tổ chức phục vụ Đại hội lần thứ XIII của Đảng tại Thông báo số 07-TB/TBTCPV ngày 28/11/2020 và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản 3581/VPCP-V.I ngày 28/12/2020 của Văn phòng Chính phủ.
Thanh tra Chính phủ ban hành Kế hoạch rà soát các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài tại các cơ quan Trung ương như sau:
1. Tiến hành kiểm tra, rà soát, đánh giá khách quan, toàn diện của quá trình giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài tại các cơ quan Trung ương và có ý kiến kết luận về biện pháp giải quyết của cơ quan, người có thẩm quyền đối với 74 vụ việc trong Danh sách do Trụ sở Tiếp công dân Trung ương tổng hợp.
2. Việc giải quyết phải trên cơ sở chính sách, pháp luật, đảm bảo trình tự, thủ tục, điều kiện lịch sử, thực tiễn của địa phương, khả thi và giải quyết dứt điểm được vụ việc khiếu nại, tố cáo.
3. Tăng cường sự phối hợp các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị nhằm tạo được sự đồng thuận trong xác định phương án giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo, đông người, phức tạp, kéo dài tại các cơ quan Trung ương.
II. NỘI DUNG, TRÌNH TỰ THỰC HIỆN RÀ SOÁT
- Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Ban Nội chính Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Công an, các bộ, ngành có liên quan và Lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các địa phương để rà soát các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài gây mất an ninh trật tự tại trụ sở các cơ quan Trung ương và nhà riêng các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
- Tập trung rà soát cụ thể từng vụ việc, đánh giá khách quan, toàn diện về quá trình giải quyết vụ việc như: trình tự, thủ tục pháp lý, điều kiện lịch sử, thực tiễn của địa phương, chính sách, pháp luật đã áp dụng, tính khả thi của các biện pháp đã giải quyết, khả năng chấm dứt vụ việc.
Sau khi có kết quả rà soát, Thanh tra Chính phủ trao đổi, thống nhất với các cơ quan phối hợp, địa phương và kết luận về biện pháp giải quyết của cơ quan, người có thẩm quyền đối với vụ việc được rà soát.
- Nếu kết luận cơ quan, người có thẩm quyền đã giải quyết hết nội dung vụ việc, đúng quy định của pháp luật, có lý, có tình, đã vận dụng chính sách, pháp luật hỗ trợ, có lợi cho người dân, Thanh tra Chính phủ thông báo kết luận về giải quyết vụ việc, yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền tuyên truyền, vận động, thuyết phục công dân chấp hành biện pháp giải quyết của cơ quan có thẩm quyền, chấm dứt khiếu nại, tố cáo. Trường hợp công dân vẫn cố tình khiếu nại, tố cáo kéo dài, tụ tập đông người gây mất an ninh, trật tự, vi phạm pháp luật thì thông báo, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, có biện pháp xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
- Nếu kết luận cơ quan, người có thẩm quyền chưa giải quyết hết các nội dung vụ việc, Thanh tra Chính phủ yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền xem xét, giải quyết đầy đủ các nội dung khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật, thông báo kết quả giải quyết cho người khiếu nại, tố cáo theo quy định.
- Nếu kết luận cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa đúng chính sách, pháp luật; giải quyết chưa đúng, chưa kịp thời theo ý kiến kết luận, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền của Trung ương, Thanh tra Chính phủ có văn bản yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết lại vụ việc theo đúng quy định, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân; tổ chức thực hiện nghiêm túc ý kiến kết luận, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền của Trung ương để giải quyết dứt điểm vụ việc.
- Thực hiện thanh tra, kiểm tra, kiến nghị xử lý nghiêm người có trách nhiệm trong việc không thực hiện đúng, đủ, kịp thời kết luận, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền của Trung ương để công dân tập trung khiếu nại, tố cáo đông người, kéo dài gây mất an ninh, trật tự.
- Tích cực, chủ động phối hợp với Thanh tra Chính phủ và bộ, ngành liên quan rà soát các vụ việc khiếu kiện đông người, phức tạp, kéo dài gây mất an ninh, trật tự tại trụ sở các cơ quan Trung ương và nhà riêng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
- Đối với các vụ việc sau rà soát khẳng định địa phương giải quyết hết nội dung, đúng quy định, thấu tình, đạt lý và Thanh tra Chính phủ có ý kiến đồng ý với nội dung giải quyết của địa phương, nhưng công dân vẫn cố tình đi khiếu kiện đông người thì Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp Trụ sở Tiếp công dân Trung ương đối thoại với công dân đồng thời chỉ đạo sở, ngành và địa phương tăng cường giải thích, vận động, thuyết phục người dân đồng tình, nghiêm túc chấp hành quyết định giải quyết của cơ quan có thẩm quyền.
- Đối với các vụ việc còn nội dung hoặc phát sinh nội dung mới, chưa được giải quyết thì chỉ đạo giải quyết dứt điểm, yêu cầu thực hiện đối thoại với công dân trước khi ra quyết định giải quyết.
- Trường hợp qua rà soát phát hiện có sai phạm, thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm phải giải quyết lại bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân; đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm cán bộ vi phạm.
- Trên cơ sở danh sách 74 vụ việc khiếu nại, tố cáo, phức tạp, kéo dài, giao các Cục Thanh tra, Giải quyết khiếu nại, tố cáo chủ trì, phối hợp với Ban Tiếp công dân Trung ương và các cơ quan có liên quan trên cơ sở hồ sơ, chứng cứ, tài liệu tập trung rà soát, giải quyết dứt điểm từng vụ việc.
Sau khi có kết quả rà soát, các Cục tham mưu, báo cáo kết quả tới Tổng Thanh tra Chính phủ để Thanh tra Chính phủ thống nhất với các cơ quan phối hợp và Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, sau đó Thanh tra Chính phủ sẽ có ý kiến kết luận về biện pháp giải quyết của cơ quan, người có thẩm quyền theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản 3581/VPCP-V.I.
- Đối với các vụ việc đã được Tổ công tác theo Quyết định 1849/TTg của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra và có ý kiến kết luận, thì tiến hành kiểm tra, rà soát việc thực hiện Thông báo ý kiến kết luận của Tổ trưởng Tổ công tác 1849/QĐ-TTg. Đối với các vụ việc còn lại, ưu tiên rà soát các vụ việc công dân tập trung khiếu nại, tố cáo đông người tại các cơ quan Trung ương.
- Các địa phương có vụ việc được Thanh tra Chính phủ đưa vào diện rà soát có trách nhiệm tích cực, chủ động phối hợp với Thanh tra Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan để rà soát vụ việc; chuẩn bị báo cáo, hồ sơ tài liệu theo đề cương hướng dẫn, phân công lãnh đạo, cán bộ có trách nhiệm làm việc theo yêu cầu của Kế hoạch.
- Trên cơ sở kết quả rà soát các vụ việc theo Kế hoạch, Thanh tra chính phủ sẽ tổng hợp và báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ trước kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV năm 2022.