Nghị quyết 58/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 năm 2021

Số hiệu 58/NQ-CP
Ngày ban hành 08/06/2021
Ngày có hiệu lực 08/06/2021
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Phạm Minh Chính
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 58/NQ-CP

Hà Nội, ngày 08 tháng 6 năm 2021

 

NGHỊ QUYẾT

PHIÊN HỌP CHÍNH PHỦ THƯỜNG KỲ THÁNG 5 NĂM 2021

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị định số 138/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 10 năm 2016 của Chính phủ ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ;

Trên cơ sở thảo luận của các Thành viên Chính phủ và kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 năm 2021, tổ chức vào ngày 03 tháng 6 năm 2021,

QUYẾT NGHỊ:

1. Về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong tháng 5 năm 2021

Trong tháng 5, Chính phủ, Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 đã tập trung chỉ đạo, trực tiếp kiểm tra, xử lý, tổ chức thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt, cần thiết, phù hợp để tăng cường phòng, chống, khoanh vùng, cách ly, dập dịch và tích cực điều trị. Các Phó Thủ tướng được phân công chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo tại các điểm nóng xảy ra dịch, không để ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn. Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, về tổng thể chúng ta cơ bản kiểm soát được tình hình và đã bước đầu khống chế, đẩy lùi dịch bệnh tại các địa bàn trọng điểm, nhất là Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Chính phủ biểu dương và đánh giá cao các lực lượng tuyến đầu: y tế, quân đội, công an và các cấp, các ngành, đặc biệt là các địa phương có dịch bùng phát đã quyết liệt, tích cực với tinh thần trách nhiệm cao, nỗ lực tập trung phòng chống, kiểm soát dịch bệnh và ổn định đời sống nhân dân; Chính phủ cũng hoan nghênh và cảm ơn đồng bào ta ở trong và ngoài nước đã chung tay, chung sức, đồng lòng cùng Đảng, Nhà nước chống dịch Covid-19.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, đặc biệt là các lực lượng tuyến đầu chống dịch, các địa phương nêu cao tinh thần “chống dịch như chống giặc”; kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng ngừa và tấn công, tấn công là chủ động, là đột phá; phòng ngừa là cơ bản, chiến lược, thường xuyên, lâu dài, quyết định; tổng tiến công toàn diện, toàn lực, thần tốc, mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa ở những nơi có ổ dịch với quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn, lấy mục tiêu bảo vệ sức khỏe, tính mạng, cuộc sống của người dân là chủ thể, là trung tâm và sự ổn định phát triển của doanh nghiệp lúc này là quan trọng. Thực hiện nghiêm phương châm “vắc-xin + 5K” và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ toàn diện, rộng rãi, trong đó vắc-xin là yếu tố quyết định, do đó cần khẩn trương triển khai nhanh, hiệu quả chiến lược vắc-xin.

Yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thường trực Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, nhanh chóng ngăn chặn, đẩy lùi và dập dịch triệt để; thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân.

Chính phủ thống nhất:

- Đồng ý áp dụng phụ cấp đặc thù với mức 7.500 đồng/liều tiêm (tối đa không quá 150.000 đồng/người/ngày) đối với cán bộ y tế trực tiếp tiêm vắc xin phòng Covid-19 trong Chương trình tiêm chủng miễn phí tại các cơ sở y tế công lập.

- Đồng ý áp dụng chế độ trong thời gian tình nguyện tham gia phòng, chống dịch Covid-19 đối với học viên, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, học sinh các trường đào tạo hệ trung cấp khối ngành sức khỏe, người có chuyên môn y tế không hưởng lương ngân sách, như sau:

+ Về chế độ bồi dưỡng chống dịch: Được hưởng 300.000 đồng/người/ngày khi thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 08 tháng 02 năm 2021; được hưởng 200.000 đồng/người/ngày khi thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 16/NQ-CP.

+ Về chế độ hỗ trợ tiền ăn và chi phí phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong thời gian phải ở lại nơi tình nguyện: Được hưởng 120.000 đồng/người/ngày, gồm tiền ăn là 80.000 đồng (theo mức quy định tại khoản 5 Điều 2 Nghị quyết số 16/NQ-CP) và 40.000 đồng chi phí phục vụ nhu cầu sinh hoạt (theo mức quy định tại điểm b Khoản 5 Điều 1 Nghị quyết số 16/NQ-CP).

+ Về số ngày hưởng: tính theo số ngày thực tế tham gia chống dịch theo phân công của cấp có thẩm quyền, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ, Tết.

+ Về thời điểm áp dụng: Từ ngày 01 tháng 01 năm 2021

+ Về nguồn kinh phí: từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương.

- Căn cứ yêu cầu phòng chống dịch, Bộ Y tế rà soát, quyết định bổ sung các đối tượng khác được ưu tiên tiêm vắc-xin theo quy định tại điểm i Khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26 tháng 02 năm 2021 của Chính phủ về mua và sử dụng vắc-xin phòng Covid-19.

- Những người phải chi trả chi phí xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 tại cơ sở cách ly y tế tập trung theo quy định tại Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 08 tháng 02 năm 2021 và Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2021 của Chính phủ, tiếp tục theo dõi sức khỏe tại nhà hoặc tại nơi lưu trú sau khi hoàn thành thời gian cách ly tập trung thì phải chi trả chi phí xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 theo yêu cầu phòng, chống dịch.

- Giá dịch vụ tiêm vắc-xin phòng Covid-19 tự nguyện cho các đối tượng có nhu cầu thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26 tháng 02 năm 2021 của Chính phủ về mua và sử dụng vắc-xin phòng Covid-19 và Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ về hoạt động tiêm chủng.

Chính phủ kêu gọi các tổ chức, cơ quan, đơn vị, cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể nhân dân tích cực tham gia đóng góp cho Quỹ vắc-xin phòng chống Covid-19; cùng chung sức, đồng lòng huy động tổng hợp mọi nguồn lực để thực hiện thắng lợi chiến lược vắc-xin, góp phần sớm chiến thắng đại dịch Covid-19.

2. Về tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2021; tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới

a) Chính phủ thống nhất đánh giá: Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại, diễn biến phức tạp tại một số địa phương nhưng nhờ sự nỗ lực vượt bậc của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2021 tiếp tục đạt kết quả tích cực. Kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 5 tháng tăng 1,29% so với cùng kỳ năm trước. Các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm. Thị trường tiền tệ, tín dụng, tỉ giá, lãi suất ổn định; tăng trưởng tín dụng đạt 4,67%. Thu ngân sách nhà nước đạt gần 50% dự toán năm, tăng 15,2% so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) 5 tháng ước tăng 9,9%, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 12,6%. Sản xuất nông nghiệp thuận lợi, phát triển ổn định, tích cực. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 5 tháng ước đạt trên 262 tỷ USD, tăng 33,5%. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt 14 tỷ USD. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới 5 tháng đạt 55,8 nghìn doanh nghiệp, cao nhất trong 5 năm qua. Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới được cả 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế uy tín đồng loạt nâng triển vọng lên tích cực.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường tiếp tục được quan tâm; an sinh xã hội được bảo đảm. Quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và sản xuất, cấp Căn cước công dân được triển khai nhanh, đạt những kết quả và ý nghĩa quan trọng về nhiều mặt. Công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế tiếp tục được đẩy mạnh.

Đặc biệt, cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã thành công rất tốt đẹp, bảo đảm an ninh, an toàn và yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19; khối đại đoàn kết dân tộc được củng cố, tăng cường gắn kết ý Đảng, lòng dân.

Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân và sản xuất, kinh doanh, nhất là đối với các ngành dịch vụ, du lịch, các chuỗi cung ứng, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Giải ngân vốn đầu tư công chậm, chưa đạt yêu cầu. Tình trạng nhập siêu xuất hiện trở lại do nhu cầu nhập khẩu phục vụ sản xuất trong nước tăng mạnh trong khi đầu ra cho sản phẩm đang bị tác động bởi dịch Covid-19. Một số mặt hàng nông sản vào vụ thu hoạch ùn ứ cục bộ, tiêu thụ khó khăn, nhất là ở những địa bàn có dịch bùng phát. Giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào tăng mạnh, nhất là vật liệu xây dựng, tác động đến đầu vào của các ngành sản xuất khác và ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài phục hồi chậm, góp vốn mua cổ phần giảm trên 50%, cho thấy tín hiệu về sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài có dấu hiệu giảm. Sản xuất kinh doanh của khu vực doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực gặp khó khăn; số doanh nghiệp rút khỏi thị trường ở mức cao. Các thị trường chứng khoán, bất động sản tiềm ẩn rủi ro. Số lao động bị mất việc, ngừng việc, nghỉ giãn việc gia tăng. Đời sống một bộ phận nhân dân gặp khó khăn, nhất là người lao động tại các khu công nghiệp, hộ kinh doanh, buôn bán cá thể tại các địa phương bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19...

[...]
8
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ