Nghị quyết 155/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 năm 2021

Số hiệu 155/NQ-CP
Ngày ban hành 08/12/2021
Ngày có hiệu lực 08/12/2021
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Phạm Minh Chính
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 155/NQ-CP

Hà Nội, ngày 08 tháng 12 năm 2021

 

NGHỊ QUYẾT

PHIÊN HỌP CHÍNH PHỦ THƯỜNG KỲ THÁNG 11 NĂM 2021

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị định số 138/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 10 năm 2016 của Chính phủ ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ;

Trên cơ sở thảo luận của các Thành viên Chính phủ, ý kiến các đại biểu dự họp và kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 năm 2021, tổ chức vào ngày 02 tháng 12 năm 2021,

QUYẾT NGHỊ:

I. Về tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2021

Chính phủ thống nhất đánh giá: Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong tháng 11, các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục tập trung thực hiện thống nhất, quyết liệt Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11 tháng 10 năm 2021 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Kết quả đạt được cho thấy việc ban hành, triển khai Nghị quyết số 128/NQ-CP là kịp thời, đúng hướng, hiệu quả và được sự đồng tình, tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp trong phòng, chống dịch COVID-19, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tình hình dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc, tốc độ tiêm vắc-xin được đẩy nhanh hơn; tạo điều kiện cho kinh tế - xã hội tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực và có nhiều khởi sắc.

Kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. Tính chung 11 tháng, chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng 1,84%, thu ngân sách nhà nước đạt 103,4% dự toán, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2020; vốn FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm tăng 11% so với cùng kỳ năm 2020. Kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 11 tháng đạt khoảng 602 tỷ USD, tăng trên 22% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, xuất khẩu hàng hóa 11 tháng tăng 18,3%, xuất siêu đạt 1,46 tỷ USD. Số doanh nghiệp thành lập mới tăng 44,6%, vốn đăng ký tăng 38%, lao động tăng 30,2% so với tháng trước. Thương mại, dịch vụ phục hồi tích cực, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 6,2%, vận tải hành khách tăng 24,1% so với tháng trước. Chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất dần được nối lại theo hướng bình thường mới. Sản xuất công nghiệp phục hồi nhanh ở hầu hết các địa phương, nhất là khu vực phía Nam; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 5,5% so với tháng trước, 11 tháng tăng 3,6%. Sản xuất nông nghiệp cơ bản ổn định, năng suất, sản lượng tăng khá; xuất khẩu nông sản 11 tháng đạt trên 43 tỷ USD, tăng trên 14% so với cùng kỳ. Sau gần 01 tháng triển khai thí điểm mở cửa lại du lịch quốc tế, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng 42,4% so với tháng trước.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu được quan tâm, tăng cường. Tiếp tục triển khai nhiều chính sách, giải pháp về an sinh xã hội, chăm lo, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, khắc phục hậu quả thiên tai. Nhiều hoạt động thiết thực được tổ chức để tri ân, tôn vinh các nhà giáo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11. Đã phối hợp tổ chức thành công Hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm; an ninh, quốc phòng được giữ vững. Các hoạt động ngoại giao, đối ngoại được đẩy mạnh, đặc biệt là kết quả thành công trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Chính phủ và những hoạt động tích cực của Việt Nam trong thúc đẩy hợp tác song phương và tại các diễn đàn đa phương, thể hiện quyết tâm và sự nỗ lực, chủ động đóng góp thiết thực, tích cực thực thi các cam kết quốc tế, hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng của ta.

Bên cạnh những kết quả đạt được, nước ta vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là việc xuất hiện biến chủng mới Omicron có khả năng lây nhiễm cao hơn tại một số nước; số ca nhiễm mới trong cộng đồng có xu hướng tăng ở nhiều địa phương; một số cơ quan, địa phương có biểu hiện lơ là, chủ quan trong phòng, chống dịch. Giá nguyên, nhiên, vật liệu, cước vận tải, chi phí logistics... tăng cao làm tăng chi phí sản xuất và gia tăng áp lực lạm phát, gây tiềm ẩn rủi ro đối với ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn. Giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn chậm. Hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn. Rủi ro tăng nóng thị trường bất động sản, chứng khoán còn hiện hữu; nguy cơ nợ xấu tăng. Một số sản phẩm chăn nuôi gặp khó khăn; dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp tại một số địa phương có thể ảnh hưởng đến nguồn cung phục vụ dịp tiêu dùng cao điểm cuối năm và Tết Nguyên đán sắp tới. Thiên tai, mưa lũ gây thiệt hại tại nhiều địa phương, nhất là khu vực miền Trung và Tây Nguyên...

Chính phủ thấu hiểu, chia sẻ với những khó khăn, mất mát của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các địa phương bị ảnh hưởng, thiệt hại do mưa lũ gây ra; yêu cầu các bộ, ngành, địa phương liên quan thực hiện nghiêm các nhiệm vụ tại Công điện số 1659/CĐ-TTg ngày 30 tháng 11 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ, bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản của Nhân dân và Nhà nước.

Trong thời gian còn lại của năm 2021, để tiếp tục phát huy kết quả công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, duy trì đã phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra của năm 2021, đồng thời tạo nền tảng, động lực cho phát triển của năm 2022, Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương nghiêm túc thực hiện đồng bộ, thống nhất, kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, trong đó có các Nghị quyết số 88/NQ-CP, số 128/NQ-CP năm 2021 của Chính phủ và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; trong đó chú trọng một số nội dung trọng tâm sau đây:

1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao:

a) Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là tại cơ sở; phát huy trách nhiệm người đứng đầu; tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác nhưng không lo sợ, hốt hoảng, mất bình tĩnh, thiếu kiên trì, kiên định trong phòng, chống dịch. Thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch COVID-19, đặc biệt là yêu cầu 5K đối với cá nhân và an toàn COVID-19 đối với cơ quan, tổ chức.

b) Chỉ đạo hệ thống y tế và chính quyền cơ sở bố trí nhân lực, phương tiện để ghi nhận, tiếp nhận thông tin, kịp thời hỗ trợ và quản lý người nhiễm COVID-19; không để xảy ra tình trạng người nhiễm có yêu cầu nhưng không nhận được hỗ trợ của chính quyền địa phương hoặc cơ sở y tế, khi vượt quá khả năng phải báo cáo ngay Ban Chỉ đạo, Bộ Y tế để có phương án hỗ trợ, không để chuyển nặng, tử vong vì không được cấp cứu, điều trị kịp thời, không để quá tải hệ thống y tế vì yếu tố chủ quan.

c) Rà soát, triển khai và thần tốc hơn nữa trong việc tiêm vắc-xin, bảo đảm tiêm hết cho các đối tượng có chỉ định tiêm chủng nhưng chưa tiêm, nhất là người cao tuổi, người có bệnh lý nền..., chậm nhất phải hoàn thành trong tháng 12 năm 2021; trường hợp khó khăn, vướng mắc, khẩn trương báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết; rà soát, kiểm tra toàn bộ việc bảo quản, tiêm vắc-xin theo đúng quy định, không để xảy ra các sự cố đáng tiếc do nguyên nhân chủ quan; tiếp tục chuẩn hóa, đồng bộ, liên thông dữ liệu dân cư với thông tin tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19, xét nghiệm của người dân.

d) Cấp phát ngay thuốc kháng vi-rút nhanh nhất, sớm nhất cho người nhiễm COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Tiếp tục triển khai nghiêm túc, thí điểm điều trị có kiểm soát các trường hợp nhiễm COVID-19 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ tại nhà và cộng đồng, kịp thời đánh giá, điều chỉnh cho phù hợp yêu cầu thực tế.

đ) Tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo các Nghị quyết số 68/NQ-CP, số 105/NQ-CP, số 116/NQ-CP, số 126/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; có giải pháp, chính sách phù hợp chăm sóc, bảo vệ, nuôi dưỡng trẻ em bị mồ côi, không nơi nương tựa do đại dịch COVID-19. Triển khai hiệu quả các giải pháp thu hút người lao động quay trở lại làm việc, nhanh chóng phục hồi thị trường lao động.

e) Rà soát, bãi bỏ ngay các biện pháp phòng, chống dịch áp dụng tại các địa phương trái với chủ trương, quy định, chỉ đạo của Trung ương, không để ách tắc lưu thông hàng hóa, cản trở việc đi lại của Nhân dân và quá trình khôi phục, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh.

g) Tập trung các nguồn lực tổ chức lập quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 theo đúng tiến độ được giao tại Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 27 tháng 9 năm 2021 của Chính phủ.

h) Tiếp tục theo dõi chặt chẽ, dự báo chính xác, chỉ đạo triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả với diễn biến bất thường của thiên tai, nhất là mưa lũ, sạt lở đất, rét đậm, rét hại, bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe của Nhân dân, bảo vệ an toàn sản xuất, kinh doanh; khẩn trương khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ tại các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên, kịp thời hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho các hộ dân có nguy cơ thiếu đói, không để người dân bị đói, rét, tập trung khôi phục sản xuất ngay sau lũ để sớm ổn định đời sống.

2. Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương:

a) Khẩn trương hoàn chỉnh, trình cấp có thẩm quyền ban hành Chương trình tổng thể phòng, chống dịch COVID-19 đồng bộ với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch tại các địa phương; kịp thời phát hiện, chỉ đạo bãi bỏ hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền bãi bỏ ngay những biện pháp phòng, chống dịch của địa phương trái với với chủ trương, chỉ đạo của Trung ương, gây cản trở quá trình khôi phục, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh.

b) Tổng hợp, xác định rõ nhu cầu, thời hạn, thời gian cụ thể cho từng loại vắc-xin, thuốc điều trị COVID-19 đối với từng địa phương và cả nước. Chỉ đạo, hướng dẫn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai tiêm vắc-xin mũi 3 cho các đối tượng, bảo đảm khoa học, hợp lý, an toàn, hiệu quả.

c) Phối hợp chặt chẽ với các bộ, địa phương để có phương án, kịch bản ứng phó phòng, chống dịch, trong đó có phương án phối hợp, chi viện, hỗ trợ, điều phối chỉ huy phòng, chống dịch trong trường hợp cần thiết, nhất là đối với các địa phương có diễn biến dịch bùng phát phức tạp. Chủ động giám sát, kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn các biện pháp cần thiết, hiệu quả để hạn chế nguy cơ của sự xuất hiện biến chủng mới Omicron.

d) Quyết liệt tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất bằng được vắc-xin, thuốc điều trị trong nước theo nguyên tắc nội dung, phạm vi thuộc thẩm quyền của cấp nào thì đề xuất cấp đó tháo gỡ. Chủ động tìm kiếm các nguồn cung ứng trong và ngoài nước về vắc-xin, thuốc, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế. Rút gọn tối đa các thủ tục hành chính trong phê duyệt, cấp phép nghiên cứu, sản xuất trong nước đối với thuốc điều trị, vắc-xin phòng COVID-19, bảo đảm tính khoa học, an toàn, hiệu quả.

[...]
5
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ