Nghị quyết 535/NQ-HĐND năm 2021 về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Kiên Giang 5 năm giai đoạn 2021-2025
Số hiệu | 535/NQ-HĐND |
Ngày ban hành | 14/01/2021 |
Ngày có hiệu lực | 14/01/2021 |
Loại văn bản | Nghị quyết |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Kiên Giang |
Người ký | Mai Văn Huỳnh |
Lĩnh vực | Đầu tư,Thương mại |
HỘI ĐỒNG NHÂN
DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 535/NQ-HĐND |
Kiên Giang, ngày 14 tháng 01 năm 2021 |
VỀ NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI TỈNH KIÊN GIANG 5 NĂM GIAI ĐOẠN 2021 - 2025
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH KIÊN GIANG
KHÓA IX, KỲ HỌP THỨ HAI MƯƠI SÁU
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Xét Tờ trình số 278/TTr-UBND ngày 22 tháng 12 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về dự thảo Nghị quyết nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Kiên Giang 5 năm giai đoạn 2021-2025; Báo cáo số 475/BC-UBND ngày 24/12/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2021-2025 tỉnh Kiên Giang; Báo cáo thẩm tra của các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thống nhất nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Kiên Giang 5 năm giai đoạn 2021 - 2025
Phát huy sức mạnh toàn dân, huy động tối đa mọi nguồn lực, khai thác tốt các tiềm năng thế mạnh, nhất là kinh tế biển, du lịch và công nghiệp; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng dịch vụ và công nghiệp; tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế; đáp ứng với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế; xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước đồng bộ. Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân. Tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh, đảm bảo ổn định chính trị - xã hội, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, biển đảo.
2. Chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội chủ yếu
a) Về kinh tế: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân 5 năm đạt 7,24% trở lên; tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đạt 35-40%; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 3.485 USD. Cơ cấu kinh tế (theo giá hiện hành): Nông - lâm - thủy sản chiếm 25,2%; Công nghiệp - xây dựng chiếm 19,8%; Dịch vụ chiếm 49,37%. Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 5,63%; giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản tăng bình quân 1,76%; giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 8%/năm; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng bình quân 10%/năm; thu ngân sách giai đoạn 2021-2025 đạt 73.645 tỷ đồng; huy động vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021-2025 khoảng 267.128 tỷ đồng; tỷ lệ đô thị hóa khoảng 41,45%.
b) Về văn hóa - xã hội: Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 60% trở lên; hàng năm huy động học sinh từ 6-14 tuổi đến trường đạt trên 97%; trên 95% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế; có 10,31 bác sĩ/vạn dân; có 33,49 giường bệnh/vạn dân; hàng năm giải quyết việc làm từ 35.000 lượt lao động trở lên; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75%, trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 52,5%; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều còn dưới 2% (thực hiện theo tiêu chí giảm nghèo của Trung ương); 100% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới, trong đó có ít nhất 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có ít nhất 9 huyện, thành phố đạt chuẩn nông thôn mới/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; huyện Tân Hiệp đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt từ 90% trở lên (thực hiện theo tiêu chí của Chính phủ).
c) Về môi trường: Tỷ lệ dân cư thành thị sử dụng nước sạch 90%; tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước sạch 65%; tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải nguy hại đạt 90%, chất thải y tế đạt 100%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 11%.
3. Nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu
a) Tập trung thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững và có chiều sâu
- Nâng cao chất lượng, hiệu quả, phát triển toàn diện sản xuất nông nghiệp.
Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị. Chuyển đổi cơ cấu giống, cây trồng, vật nuôi đáp ứng yêu cầu sản xuất và thích ứng với biến đổi khí hậu, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh phù hợp với lợi thế địa phương và nhu cầu thị trường. Thực hiện cơ cấu lại ngành thủy sản theo hướng đảm bảo cơ cấu phù hợp ổn định giữa khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản; phát triển bền vững các vùng sản xuất nông thủy sản quy mô tập trung sản xuất theo chuỗi giá trị, tiêu chuẩn hóa hệ thống nuôi trồng gắn với truy xuất nguồn gốc, từng bước đưa sản phẩm nông nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; tiếp tục đẩy mạnh chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu. Thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ và phát triển rừng nhằm gia tăng giá trị của rừng theo hướng bền vững, phát huy hiệu quả kinh tế.
- Tập trung phát triển các ngành công nghiệp theo hướng bền vững
Phát triển ổn định công nghiệp vật liệu xây dựng; thúc đẩy phát triển mạnh công nghiệp chế biến nông thủy sản, công nghiệp cơ khí phục vụ nông nghiệp, nông thôn; chú trọng phát triển công nghiệp phụ trợ, công nghiệp cơ khí đóng, sửa chữa tàu, chế biến thực phẩm, vật liệu mới, công nghiệp sử dụng nhiều lao động như may mặc, giày da, điện tử; ưu tiên phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao, thân thiện môi trường. Tập trung xây dựng hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng và thu hút đầu tư các khu, cụm công nghiệp ở Châu Thành, Hà Tiên, An Biên, Gò Quao, Phú Quốc và Rạch Giá. Tiếp tục khai thác tiềm năng điện mặt trời đi đôi với phát triển đồng bộ hạ tầng lưới điện.
- Phát triển và nâng cao hiệu quả các hoạt động thương mại; nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của các ngành dịch vụ có tiềm năng lợi thế; phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh
Tiếp tục chú trọng, nâng cấp, mở rộng, xây mới hệ thống hoạt động thương mại nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển trên địa bàn tỉnh; đầu tư phát triển kinh tế cửa khẩu, hoàn thiện kết cấu hạ tầng của Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa qua biên giới. Tập trung phát triển toàn diện du lịch của tỉnh cả về phạm vi, quy mô và chất lượng dịch vụ, đảm bảo tính bền vững; phấn đấu du lịch đóng góp chính vào nền kinh tế của tỉnh. Tăng cường liên kết du lịch của tỉnh với các địa phương trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, cả nước và quốc tế. Phát triển thêm nhiều sản phẩm du lịch cấp vùng; khuyến khích phát triển, nâng cấp các cơ sở dịch vụ du lịch, chất lượng phục vụ khách và tăng cường công tác bảo vệ môi trường; quản lý, khai thác, tổ chức tốt các hoạt động du lịch lịch sử - văn hóa.
Thực hiện nghiêm Luật Ngân sách nhà nước, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong chấp hành pháp luật ngân sách nhà nước ở các cấp, các ngành. Quản lý chặt chẽ các khoản chi, đảm bảo triệt để, tiết kiệm, chống lãng phí. Tiếp tục cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước theo hướng tăng tỷ trọng chi đầu tư, giảm tỷ trọng chi thường xuyên. Tăng cường quản lý, đẩy nhanh tiến độ giải ngân và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công. Thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, bảo đảm hệ thống ngân hàng hoạt động an toàn hiệu quả.
- Tăng cường huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; tập trung đầu tư xây dựng đồng bộ, từng bước hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển đô thị
Tập trung đầu tư xây dựng đồng bộ, từng bước hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển đô thị. Tích cực thực hiện tái cơ cấu đầu tư công; huy động tối đa nguồn vốn ngân sách cho đầu tư phát triển theo Luật Đầu tư công; có cơ chế chính sách hỗ trợ để khuyến khích, thu hút, khai thác nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư vào các công trình thiết yếu. Quản lý chặt chẽ việc phê duyệt dự án, tránh đầu tư tràn lan, không hiệu quả, tránh hiện tượng "quy hoạch treo", "dự án treo" gây lãng phí tài nguyên... Đẩy mạnh thực hiện các quy hoạch, kế hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng đồng bộ, hiện đại, phát triển đô thị thông minh, đô thị xanh thích ứng với biến đổi khí hậu. Huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, du lịch, cảng biển, hạ tầng khu cụm công nghiệp, điện nước, thủy lợi... tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hoàn thành chương trình phát triển đô thị cho từng huyện, thành phố; xây dựng kế hoạch thực hiện khu vực phát triển đô thị, làm cơ sở pháp lý cho các dự án đầu tư khu đô thị mới.
- Tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; phát triển các thành phần kinh tế, đẩy mạnh liên kết vùng và hội nhập quốc tế
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp; triển khai xây dựng các hệ thống nền tảng Chính quyền điện tử gắn với xây dựng đô thị thông minh tuân thủ kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Kiên Giang; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến; phát huy hiệu quả hoạt động Trung tâm Phục vụ hành chính công. Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp có vốn nhà nước chi phối, tạo điều kiện thuận lợi phát triển mạnh mẽ các thành phần kinh tế tư nhân, kinh tế tập thể.
- Tăng cường công tác quy hoạch và phát triển vùng, liên kết vùng; kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia và an ninh trật tự, an toàn xã hội