Nghị quyết 52/2006/NQ-HĐND về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao giai đoạn 2006 - 2010 do tỉnh Quảng Bình ban hành

Số hiệu 52/2006/NQ-HĐND
Ngày ban hành 21/07/2006
Ngày có hiệu lực 31/07/2006
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Bình
Người ký Lương Ngọc Bính
Lĩnh vực Giáo dục,Thể thao - Y tế,Văn hóa - Xã hội

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 52/2006/NQ-HĐND

Đồng Hới, ngày 21 tháng 07 năm 2006

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ ĐẨY MẠNH XÃ HỘI HÓA CÁC HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO, Y TẾ, VĂN HÓA VÀ THỂ DỤC THỂ THAO TỈNH QUẢNG BÌNH GIAI ĐOẠN 2006-2010

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH
KHÓA XV KỲ HỌP THỨ 8

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2005 của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Trên cơ sở xem xét Đề án, Tờ trình của Ủy ban nhân dân tỉnh về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa và thể dục thể thao tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2006-2010; sau khi nghe Báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh tán thành đánh giá tình hình thực hiện xã hội hóa giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa và thể dục thể thao giai đoạn 1997-2005; định hướng phát triển năm 2006-2010, với các quan điểm, mục tiêu, giải pháp được nêu trong Đề án của Ủy ban nhân dân tỉnh và Báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh, đồng thời nhấn mạnh một số vấn đề sau:

I. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN XÃ HỘI HÓA CÁC HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO, Y TẾ, VĂN HÓA VÀ THỂ DỤC THỂ THAO GIAI ĐOẠN 1997-2005

Qua 8 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 90/CP và 6 năm thực hiện Nghị định số 73/1999/NĐ-CP, công tác xã hội hóa các hoạt động giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa và thể dục thể thao đã thu được một số kết quả quan trọng: Tiềm năng và nguồn lực của xã hội được huy động cho lĩnh vực xã hội hóa khá, khu vực ngoài công lập được hình thành và có bước phát triển với một số loại hình, phương thức hoạt động mới.

Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, các cấp, các tổ chức đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền, vận động thực hiện công tác xã hội hóa; xây dựng và ban hành Chương trình Phát triển văn hóa - xã hội của tỉnh giai đoạn 2003-2005; thành lập, kiện toàn các ban chỉ đạo thực hiện các chương trình thuộc các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao.

Công tác xã hội hóa đã góp phần đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của xã hội trong việc học hành, chữa bệnh, vui chơi, giải trí của nhân dân.

Song, nhìn chung tốc độ xã hội hóa còn chậm; mức độ phát triển xã hội hóa trên địa bàn tỉnh không đồng đều giữa các vùng, miền, giữa các lĩnh vực; công tác quản lý còn bất cập cả trong quy hoạch, định hướng phát triển và chỉ đạo thực hiện cụ thể trên các lĩnh vực. Cơ chế, chính sách ban hành chậm, thiếu đồng bộ, chưa phù hợp với tình hình thực tế của địa phương trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Việc triển khai thực hiện của một số sở, ngành còn chậm và lúng túng, chưa tổ chức và phối hợp tốt để các tầng lớp nhân dân chủ động, tích cực tham gia vào quá trình xã hội hóa.

Trong tất cả các lĩnh vực, cơ sở công lập vẫn còn chiếm tỷ trọng lớn, cơ chế quản lý còn nặng hành chính bao cấp, chưa phát huy được tính năng động, tự chủ và trách nhiệm. Các cơ sở ngoài công lập còn quá ít (lĩnh vực giáo dục 4 cơ sở tư thục mầm non; lĩnh vực văn hóa có 01 đoàn nghệ thuật tư nhân, lĩnh vực thể dục thể thao có 01 cơ sở tư nhân). Lĩnh vực y tế có chuyển biến khá hơn, song quy mô nhỏ, thiếu bền vững, chưa đáp ứng yêu cầu xã hội.

Những hạn chế, yếu kém trên, một mặt do tỉnh ta có điểm xuất phát về kinh tế thấp, ngân sách khó khăn, nguồn lực trong nhân dân còn hạn hẹp chưa đủ điều kiện bảo đảm yêu cầu của sự phát triển, mặt khác, do nhận thức về chủ trương xã hội hóa chưa đầy đủ, chậm chuyển biến, xem xã hội hóa chỉ là biện pháp huy động sự đóng góp của nhân dân. Công tác quản lý còn bất cập, do chưa có quy hoạch, kế hoạch về định hướng phát triển xã hội hóa trên địa bàn tỉnh và chưa xác định bước đi cụ thể, phù hợp cho từng vùng, từng lĩnh vực, từng giai đoạn.

II. QUAN ĐIỂM, ĐỊNH HƯỚNG, MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN XÃ HỘI HÓA CÁC LĨNH VỰC GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO, Y TẾ, VĂN HÓA VÀ THỂ DỤC THỂ THAO GIAI ĐOẠN 2006-2010

1. Quan điểm định hướng

a) Huy động mọi tiềm năng, trí tuệ và vật chất của toàn xã hội chăm lo đến hoạt động giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa và thể dục thể thao, đồng thời tạo điều kiện để toàn xã hội, đặc biệt là các đối tượng chính sách, người nghèo, đồng bào dân tộc hưởng thụ thành quả giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa và thể dục thể thao ở mức độ ngày càng cao. Tổ chức sử dụng có hiệu quả các công trình đã được Nhà nước đầu tư trong lĩnh vực này.

b) Đổi mới cơ chế quản lý, tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách của tỉnh; tăng cường nguồn lực đầu tư, tập trung cho các mục tiêu ưu tiên, các chương trình quốc gia về phát triển giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa và thể dục thể thao; hỗ trợ cho các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người, vùng đồng bào tôn giáo, vùng nhiều khó khăn; ưu đãi đối với các đối tượng chính sách, trợ giúp người nghèo, đối tượng xã hội gặp nhiều khó khăn.

c) Chuyển dần các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các ngành giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa và thể dục thể thao sang cơ chế tự chủ cung ứng dịch vụ công (gọi tắt là cơ chế cung ứng dịch vụ): có đầy đủ quyền tự chủ về tổ chức và quản lý; thực hiện đúng chức năng và nhiệm vụ; hạch toán đầy đủ chi phí, cân đối thu chi; thường xuyên nâng cao hiệu quả, chất lượng dịch vụ, sản phẩm; bảo đảm quyền lợi và cơ hội tiếp cận bình đẳng của người thụ hưởng.

Khuyến khích các đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi sang hoạt động theo loại hình doanh nghiệp, loại hình ngoài công lập để tổ chức hoặc cá nhân quản lý và hoàn trả lại vốn cho Nhà nước.

d) Khuyến khích phát triển mạnh các cơ sở ngoài công lập với 2 loại hình dân lập và tư nhân. Tạo môi trường bình đẳng giữa các cơ sở công lập và ngoài công lập, quyền sở hữu của các cơ sở ngoài công lập được xác định theo Bộ Luật Dân sự; có cơ chế ưu đãi khi các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào các hoạt động giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa và thể dục thể thao trên địa bàn tỉnh, hoặc thành lập các cơ sở ngoài công lập hoạt động theo cơ chế phi lợi nhuận.

e) Khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước bằng nhiều hình thức phù hợp với quy hoạch phát triển, yêu cầu và đặc điểm của từng lĩnh vực. Các nhà đầu tư được đảm bảo lợi ích hợp pháp về vật chất và tinh thần theo quy định của pháp luật.

g) Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, đẩy mạnh việc thanh tra, kiểm tra các hoạt động giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa và thể dục thể thao trên địa bàn tỉnh, đảm bảo đúng quy định của pháp luật; phát huy vai trò của đoàn thể, tổ chức quần chúng, các hội nghề nghiệp trong việc giám sát các hoạt động dịch vụ.

h) Quá trình thực hiện xã hội hóa cần có bước đi thích hợp cho từng lĩnh vực, từng loại hình và phù hợp với địa bàn từng huyện và thành phố; chú trọng đẩy mạnh xã hội hóa ở các thị trấn và các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển; tập trung ưu tiên đầu tư ngân sách cho các vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa và vùng khó khăn.

2. Mục tiêu xã hội hóa đến năm 2010

a) Về giáo dục - đào tạo

[...]