Nghị quyết 512/NQ-HĐND năm 2024 về Nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 do tỉnh Hưng Yên ban hành

Số hiệu 512/NQ-HĐND
Ngày ban hành 11/12/2024
Ngày có hiệu lực 11/12/2024
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Hưng Yên
Người ký Trần Quốc Toản
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH HƯNG YÊN

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 512/NQ-HĐND

Hưng Yên, ngày 11 tháng 12 năm 2024

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2025

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH HƯNG YÊN
KHÓA XVII KỲ HỌP THỨ HAI MƯƠI BA

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 22 tháng 5 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025;

Căn cứ Quyết định số 1500/QĐ-TTg ngày 30 tháng 11 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2025;

Thực hiện Kết luận số 821-KL/TU ngày 05 tháng 12 năm 2024 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư công, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ dự toán ngân sách địa phương năm 2025;

Xét Báo cáo số 196/BC-UBND ngày 09 tháng 12 năm 2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2025; Báo cáo thẩm tra của các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận ngày 10 tháng 12 năm 2024 và kết quả biểu quyết của các vị đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh cơ bản tán thành nội dung đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh và các cơ quan hữu quan; đồng thời nhấn mạnh một số nội dung sau đây:

1. Kết quả chủ yếu

Năm 2024, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức do tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp; nền kinh tế trong nước chịu nhiều áp lực và thiên tai, lũ lụt. Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh, các cấp, các ngành cùng toàn thể nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp đã nỗ lực vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất, thúc đẩy kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân. Nhờ đó, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục đạt được kết quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực.

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 7,7%, Tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 121,3 triệu đồng. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 75.630 tỷ đồng, vượt kế hoạch đề ra. Cơ cấu kinh tế: Công nghiệp, xây dựng 62,65%; Thương mại, dịch vụ 24,85%; Nông nghiệp, thủy sản 6,72%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 5,78%. Giá trị sản xuất công nghiệp và xây dựng tăng 10,33%, trong đó xây dựng tăng 17,94%; Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 10,25%. Đã giải phóng mặt bằng được khoảng 40 ha KCN, xây dựng hạ tầng đạt 450 ha (180% kế hoạch). Có 6 CCN đã xây dựng xong hạ tầng kỹ thuật, nâng tổng số CCN có hạ tầng kỹ thuật lên 10 cụm với diện tích khoảng 310,47 ha. Tổng diện tích đất đền bù, giải phóng mặt bằng CCN đạt 696,47ha. Giá trị sản xuất thương mại, dịch vụ tăng 4,2%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 131.984 tỷ đồng, vượt 36,84% kế hoạch; kim ngạch xuất khẩu đạt 7.200 triệu USD, tăng 16,03%. Giá trị sản xuất nông nghiệp và thủy sản giảm 1,62%, giá trị thu nhập bình quân trên 01 ha đất canh tác đạt 245 triệu đồng. Có thêm 37 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, có thêm 10-15 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; huyện Văn Giang đạt huyện nông thôn mới nâng cao. Thu hút được 138 dự án đầu tư mới với tổng vốn đăng ký đạt 19.619 tỷ đồng và 1.279 triệu USD; rà soát, thu hồi 8 dự án trong nước và 12 dự án nước ngoài. Tổng thu ngân sách ước đạt 40.114 tỷ đồng, đạt 122,2% so với dự toán, tăng 23,6% so với cùng kỳ. Trong đó thu nội địa đạt 35.814 tỷ đồng, đạt 122,9% dự toán, thu xuất nhập khẩu đạt 4.300 tỷ đồng, đạt 116,2% dự toán. Tổng chi ngân sách ước 26.624,627 tỷ đồng, trong đó: Chi đầu tư phát triển đạt 16.997,024 tỷ đồng, đạt 82,4% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 95% kế hoạch vốn đã giao chi tiết cho các công trình, dự án; Chi thường xuyên 9.498,2 tỷ đồng bằng 105% dự toán. Công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường tiếp tục được tăng cường. Hạ tầng giao thông vận tải được quan tâm đầu tư, các công trình giao thông trọng điểm được tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Tình hình tai nạn giao thông đang diễn biến phức tạp, tăng cả ba tiêu chí.

Công tác giáo dục y tế, văn hóa đạt nhiều kết quả tích cực: tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 98,48%. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 80,83%. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 94,2%. Tỷ lệ xã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế đạt 50% theo chuẩn mới; có 9,3 bác sỹ và 32,9 giường bệnh/1 vạn dân. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, lễ hội, tổ chức sự kiện quan trọng được đảm bảo an toàn. Công tác quản lý di sản văn hóa được tăng cường. Công tác an sinh, xã hội được quan tâm thực hiện hiệu quả, thiết thực, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,44%, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 70%; tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt khoảng 34%, tạo việc làm mới cho 34.439 lao động. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được tăng cường. Quốc phòng quân sự địa phương được đảm bảo, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, đời sống Nhân dân được nâng lên.

2. Tồn tại, hạn chế

Khu vực thương mại, dịch vụ tăng trưởng thấp, không đạt kế hoạch đề ra. Khu vực nông nghiệp và thủy sản gặp nhiều khó khăn, giá trị sản xuất giảm. Điều kiện chăn nuôi một số cơ sở chưa đảm bảo an toàn sinh học. Ô nhiễm môi trường trong sinh hoạt, công nghiệp, chăn nuôi, thủy sản vẫn diễn biến phức tạp. Giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp so với kế hoạch giao; tiến độ công tác chuẩn bị đầu tư và thi công một số dự án đầu tư công còn chậm, nhất là một số dự án hạ tầng giao thông lớn, trọng điểm, làm ảnh hưởng đến kết quả giải ngân chung của toàn tỉnh. Vi phạm hành lang an toàn đường bộ còn diễn ra khá phổ biến; công tác xử lý, ngăn chặn các vi phạm hiệu quả thấp, nhất là việc ngăn chặn tái lấn chiếm có hiệu quả không cao. Việc xử lý tài sản hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ KH&CN đã được đánh giá, nghiệm thu còn gặp nhiều khó khăn. Hoạt động của sàn giao dịch thiết bị và công nghệ chưa đạt hiệu quả. Công tác cai nghiện ma tuý tại gia đình, cộng đồng; dạy nghề, hỗ trợ việc làm cho người nghiện ma túy còn gặp nhiều khó khăn. Chất lượng đào tạo, công tác giải quyết việc làm sau đào tạo tại một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu thị trường lao động. Một số mô hình, dịch vụ công thiết yếu thuộc Đề án 06 còn lúng túng trong triển khai thực hiện do chưa được các bộ, ngành hướng dẫn. Các sản phẩm du lịch văn hóa lịch sử, làng nghề rất hạn chế; chưa phát huy được các giá trị văn hóa, thiết chế văn hóa, các di tích lịch sử và phát triển du lịch. Việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch trên địa bàn tỉnh còn chậm.

Điều 2. Mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp năm 2025

1. Mục tiêu tổng quát

Tích cực đổi mới, sáng tạo, đẩy mạnh phát triển toàn diện, nhanh và bền vững; bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân và giảm nghèo; bảo vệ môi trường sinh thái. Tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh thu hút đầu tư phù hợp với quy hoạch. Đẩy mạnh đổi mới, tập trung tháo gỡ các nút thắt, khó khăn, vướng mắc và ban hành các cơ chế, chính sách tạo thuận lợi thu hút đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài cùng với tăng cường vai trò dẫn dắt của đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất lao động. Tiếp tục sắp xếp, hoàn thiện bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Phát triển đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học công nghệ. Quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên và các nguồn lực. Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Bảo đảm quốc phòng, quân sự địa phương và giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

2. Các chỉ tiêu chủ yếu

2.1. Về kinh tế

(1) Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh theo giá so sánh (GRDP) tăng 8%;

(2) Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 10%. Giá trị sản xuất: Công nghiệp và xây dựng tăng 11% (trong đó công nghiệp tăng 10%; xây dựng tăng: 15,1%); thương mại, dịch vụ tăng 3%; nông nghiệp, thuỷ sản tăng 5,5%).

(3) Cơ cấu kinh tế: Công nghiệp, xây dựng 63,5% - dịch vụ 24,4% - thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 6,1% - nông nghiệp, thủy sản 6,0%.

(4) GRDP bình quân đầu người 131,4 triệu đồng.

(5) Tổng mức doanh thu bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 115.000 tỷ đồng; Kim ngạch xuất khẩu 8.500 triệu USD.

(6) Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 78.855 tỷ đồng.

[...]
1
Quản lý: Công ty TNHH THƯ VIỆN NHÀ ĐẤT Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số ..., do ... cấp ngày ... (dự kiến) Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ