Nghị quyết số 51-HĐBT về cải tiến quản lý nông trường quốc doanh do Hội Đồng Bộ Trưởng ban hành

Số hiệu 51-HĐBT
Ngày ban hành 22/02/1985
Ngày có hiệu lực 22/02/1985
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Hội đồng Bộ trưởng
Người ký Tố Hữu
Lĩnh vực Doanh nghiệp

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 51-HĐBT

Hà Nội, ngày 22 tháng 2 năm 1985

 

NGHỊ QUYẾT

CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 51-HĐBT NGÀY 22 THÁNG 2 NĂM 1985VỀ CẢI TIẾN QUẢN LÝ NÔNG TRƯỜNG QUỐC DOANH

Để thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trương ương Đảng (khoá V) và Chỉ thị số 50-CT/TƯ của Ban Bí thư, Hội đồng Bộ trưởng quyết định việc cải tiến công tác tổ chức sản xuất và quản lý nông trường quốc doanh như sau:

I. VỀ SẮP XẾP VÀ TỔ CHỨC LẠI SẢN XUẤT NÔNG TRƯỜNG QUỐC DOANH

1. Về sắp xếp lại hệ thống các nông trường quốc doanh.

Việc sắp xếp và tổ chức lại sản xuất trong nông trường quốc doanh trước hết phải bảo đảm phát triển sản xuất theo quy hoạch và kế hoạch Nhà nước nhằm phát huy tốt thế mạnh kinh tế của các ngành, các vùng, các địa phương; kết hợp chặt chẽ kinh tế quốc doanh với tập thể và gia đình và phát huy vai trò chủ đạo của thành phần quốc doanh trong nông nghiệp xã hội chủ nghĩa. Phải đảm bảo cho sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả kinh tế cao, chất lượng sản phẩm tốt, ứng dụng đồng bộ các tiến bộ về khoa học kỹ thuật; bảo đảm thực hiện nhiệm vụ sản xuất, cung cấp giống cây, giống con cho sản xuất nông nghiệp, nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, nông sản cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước theo chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước.

Năm 1985, Bộ Nông nghiệp, Bộ Công nghiệp thực phẩm, Tổng cục Cao su, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương cùng với Uỷ ban Kê hoạch Nhà nước rà xét lại quy hoạch, phương hướng sản xuất, quy mô, hiệu quả của các nông trường hiện có để cải tiến tổ chức sản xuất và quản lý cho đúng.

Cần tập trung vốn đầu tư và cung ứng vật tư, thiết bị, đầu tư chiều sâu vào những nông trường đã có phương hướng sản xuất ổn định, quy mô thích hợp và kinh doanh có hiệu quả nhằm khai thác triệt để tiềm năng về đất đai, lao động và các cơ sở vật chất kỹ thuật phát triển sản xuất.

Đối với nông trường mà sản xuất chưa ổn định, hiệu quả sản xuất, kinh doanh quá thấp hoặc bị lỗ vốn, quy mô quá lớn, thì phải xác định lại phương hướng sản xuất, quy mô nông trường và hệ thống tổ chức lao động, quản lý cho thích hợp với yêu cầu của Nhà nước, các điều kiện sản xuất và khả năng quản lý của cán bộ để thực hiện có hiệu quả việc kết hợp lao động với đất đai, phát huy khả năng máy móc, thiết bị, không bỏ đất hoang hoá và sản xuất, kinh doanh có hiệu quả.

Việc xây dựng mới các nông trường ở những vùng có vị trí kinh tế, quốc phòng trọng yếu, có yêu cầu tập trung chuyên canh thâm canh sản phẩm xuất khẩu, hay làm nguyên liệu cho công nghiệp và hợp tác với nước ngoài, phải có luận chứng kinh tế - kỹ thuật và có kế hoạch kết hợp chặt chẽ với công nghiệp chế biến, dịch vụ kỹ thuật ngay từ khi xây dựng nông trường và từng bước hình thành các tổ hợp nông - công nghiệp một cách hợp lý theo ngành kinh tế - kỹ thuật.

2. Tổ chức sản xuất trong các nông trường.

Phương hướng sản xuất của nông trường phải thể hiện rõ nguyên tắc chuyên môn hoá đồng thời kinh doanh tổng hợp để phát huy tốt các tiềm năng kinh tế của của đất đai và năng lực hiện có của lao động, máy móc, thiết bị của từng nông trường. Cần chú trọng xây dựng cơ cấu kinh tế hợp lý ngay trong từng nông trường, trên từng địa bàn vùng, kết hợp chặt chẽ nông nghiệp với lâm nghiệp, ngư nghiệp và công nghiệp chế biến, trồng trọt với chăn nuôi. Phải thực hiện nghiêm ngặt chế độ thâm canh tăng năng suất ngay từ đầu, tăng vụ để nâng cao hệ số sử dụng đất đai, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế.

Cần phát triển và mở rộng các hình thức hợp tác, liên kết, liên doanh giữa các nông trường với nhau, với công nghiệp chế biến, dịch vụ, nông trường quốc doanh với hợp tác xã và kinh tế gia đình, sản xuất với khoa học để mở rộng sản xuất, xâydựngcơ sở vật chất - kỹ thuật, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, tổ chức các dịch vụ sản xuất, xây dựng các công trình phúc lợi xã hội, v.v... theo nguyên tắc bình đẳng và cùng có lợi nhằm tận dụng những năng lực hiện có của từng nông trường, nâng cao trình độ chuyên môn hoá sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Cùng với việc phát triển kinh tế nông trường, cần coi trọng việc phát triển kinh tế gia đình của cán bộ, công nhân theo tinh thần Chỉ thị số 35-CT/TƯ ngày 18-1-1984 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Quyết định số 95-HĐBT ngày 21-9-1981 của Hội đồng Bộ trưởng. Tuỳ theo điều kiện cụ thể ở từng nơi và ở từng nông trường, cần có quy hoạch dành một số diện tích đất đai và giúp đỡ hướng dẫn về các mặt cần thiết để phát triển sản xuất rau màu, trồng cây ăn quả, cây công nghiệp, chăn nuôi, làm nhà ở. Tuy nhiên cần có sự chỉ đạo chặt chẽ việc phát triển kinh tế gia đình cho đúng hướng, đúng mức, có tác dụng bổ sung cho kinh tế nông trường và không gây ảnh hưởng xấu đến việc phát triển kinh tế nông trường.

Các sản phẩm sản xuất từ khu vực kinh tế gia đình, ngoài phần tiêu dùng trực tiếp của cán bộ, công nhân nông trường, các sản phẩm hàng hoá , nhất là các sản phẩm phù hợp với phương hướng sản xuất của nông trường (cây công nghiệp, cây ăn quả, chăn nuôi...), các nông trường cần tổ chức thu mua, chế biến và tiêu thụ.

Trên cơ sở phương hướng, nhiệm vụ và quy mô đã được rà xét lại, cần cải tiến công tác tổ chức lao động trong nông trường cho phù hợp để nâng cao năng suất lao động và sản xuất có hiệu quả cao. Trước hết cần chú trọng chấn chỉnh các đội sản xuất cơ bản, củng cố các đội chuyên khâu (chế biến, sửa chữa cơ khí, các đội máy kéo) các tổ chức dịch vụ, cung ứng vật tư... và xây dựng quy chế cụ thể về quan hệ hợp đồng và trách nhiệm vật chất, nhằm gắn chặt toàn bộ hoạt động cuả các đơn vị này với kết quả sản xuất cuối cùng.

Đồng thời, khẩn trương tiến hành việc tinh giản bộ máy quản lý nông trường, kiên quyết bỏ khâu trung gian không cần thiết. Thực hiện việc khoán quỹ lương đối với bộ máy quản lý trên cơ sở định mức và tiêu chuẩn công việc được xác định cụ thể. Kết hợp chặt chẽ việc tinh giản bộ máy quản lý nông trường với yêu cầu tăng cường cán bộ có năng lực cho các đơn vị trực tiếp sản xuất.

3.Về tổ chức ngành kinh tế - kỹ thuật

Để tăng cường hơn nữa trình độ chuyên môn hoá sản xuất và phát triển chế độ hợp tác, cần tiến hành việc sắp xếp các nông trường theo các ngành kinh tế - kỹ thuật. Trong điều kiện nước ta hiện nay, cần tổ chức các xí nghiệp liên hợp (xí nghiệp nông-công nghiệp) hoặc các xí nghiệp liên doanh, các liên hiệp xí nghiệp, liên hiệp khoa học - sản xuất trên từng vùng lãnh thổ hoặc trên phạm vi cả nước như cao su, cà phê, chè, mía, đường, dầu thực vật, rau quả, sữa, gia cầm, vv..., thực hiện nhiệm vụ liên kết các khâu trong quá trình từ sản xuất nguyên liệu đến chế biến ra sản phẩm hoàn chỉnh và tiêu thụ sản phẩm.

Các Bộ quản lý nông trường quốc doanh cùng với Bộ Công nghiệp thực phẩm căn cứ vào quyết định của Hội đồng Bộ trưởng về tổ chức các hoạt động liên kết trong kinh tế, tiến hành củng cố các liên hiệp xí nghiệp hiện có, chuyển các công ty chuyên doanh sang hình thức liên hiệp xí nghiệp, tổ chức các liên hiệp xí nghiệp mới đối với một số ngành sản xuất có nhiệm vụ phát triển lớn; xây dựng quy chế cụ thể của liên hiệp các xí nghiệp để củng cố việc hiệp tác, liên kết chặt chẽ, quán triệt đầy đủ các nguyên tắc chỉ đạo về kinh tế, trên cơ sở đó, phát huy hiệu quả kinh tế cao.

Đối với các tỉnh, thành phố có nhiều nông trường, căn cứ vào điều kiện cụ thể của địa phương, nếu thấy cần thiết cũng có thể sắp xếp các nông trường vào một số chuyên ngành kinh tế - kỹ thuật (liên hiệp xí nghiệp) để thống nhất quản lý và chỉ đạo sản xuất - kinh doanh, nhưng tránh hình thức, không xuất phát từ hiệu quả kinh tế thiết thực.

4. Về phân cấp quản lý nông trường.

Trên cơ sở tổ chức lại sản xuất theo ngành kinh tế - kỹ thuật, cần tiến hành ngay việc phân cấp quản lý các nông trường .

Tiêu chuẩn cơ bản trong việc phân cấp quản lý nông trường là sản xuất phát triển có hiệu quả kinh tế cao, sản phẩm giao nộp cho Nhà nước và thu ngân sách tăng. Vì vậy phải căn cứ vào phương hướng sản xuất, nhiệm vụ kinh tế của nông trường, điều kiện kỹ thuật, năng lực quản lý của các cấp mà tổ chức phân giao, phân cấp cho các địa phương tránh máy móc, không có hiệu quả thiết thực, thậm chí có hại.

Những nông trường sau đây do Trung ương trực tiếp quản lý:

- Các nông trường sản xuất giống cây trồng và giống gia súc nguyên chủng, một phần giống cấp I, có yêu cầu kỹ thuật cao, để cung cấp cho cả nước hoặc vùng kinh tế lớn.

- Các nông trường sản xuất nông sản xuất khẩu hợp tác kinh tế với nước ngoài.

Những nông trường khác phân cấp cho tỉnh và từng bước phân cấp cho huyện quản lý, trên cơ sở cấp huyện được tăng cường về các mặt có đủ sức quản lý có hiệu quả.

[...]