Nghị quyết số 52-HĐBT về cải tiến quản lý các lâm trường quốc doanh do Hội Đồng Bộ Trưởng ban hành

Số hiệu 52-HĐBT
Ngày ban hành 23/02/1985
Ngày có hiệu lực 23/02/1985
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Hội đồng Bộ trưởng
Người ký Tố Hữu
Lĩnh vực Doanh nghiệp

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 52-HĐBT

Hà Nội, ngày 23 tháng 2 năm 1985

 

NGHỊ QUYẾT

CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 52- HĐBT NGÀY 23 THÁNG 2 NĂM 1985 VỀ CẢI TIẾN QUẢN LÝ CÁC LÂM TRƯỜNG QUỐC DOANH.

Để thực hiện Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 6 (khoá V) và Chỉ thị số 50-CT/TƯ của Ban Bí thư Hội đồng Bộ trưởng quyết định một số vấn đề cải tiến quản lý lâm trường quốc doanh.

I. VỀ SẮP XẾP VÀ TỔ CHỨC LẠI SẢN XUẤT

Cần tiến hành tổ chức và sắp xếp lại sản xuất trong các lâm trường quốc doanh theo phương hướng cụ thể sau đây:

1. Quản lý, bảo vệ tốt tài nguyên rừng và đất đai được giao nhằm nhanh chóng xây dựng vốn rừng theo đúng quy hoạch và thiết kế kinh doanh đã được duyệt.

Nâng cao trình độ sản xuất gỗ, lâm sản, đặc sản rừng. Đẩy mạnh công nghiệp chế biến để tận dụng gỗ nhỏ, cành ngọn và sử dụng có hiệu quả cao các nông, lâm sản khác sản xuất trên đất rừng kinh doanh.

Sản xuất các lâm trường quốc doanh phải đi vào sản xuất chuyên canh, thâm canh để có năng suất cao. Đồng thời thực hiện tốt phương thức nông - lâm kết hợp, lợi dụng tổng hợp tài nguyên rừng, vừa nâng cao hiệu quả kinh tế đất rừng, vừa thực hiện phương châm lấy ngắn nuôi dài, thúc đẩy kinh tế lâm nghiệp phát triển.

- Tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật để đẩy nhanh tốc độ phát triển sản xuất, tăng năng suất lao động và nâng cao hiệu quả kinh tế.

- Phát huy vai trò nòng cốt trong sản xuất kinh doanh, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và quản lý. Cùng với việc sắp xếp lại lâm trường, cần hết sức chú trọng thực hiện việc giao đất, giao rừng cho các hợp tác xã và nông dân sản xuất kinh doanh, không để đất trống. Các lâm trường và liên hiệp lâm - nông - công nghiệp có trách nhiệm tổ chức tố việc hợp tác, liên doanh, liên kết kinh tế với các hợp tác xã và gia đình nông dân trên địa bàn và các đơn vị kinh tế khác để phát triển sản xuất, kinh doanh có hiệu quả kinh tế cao.

2. Căn cứ vào quy hoạch phân vùng cụ thể ở các địa phương và huyện làm địa bàn chính để sắp xếp lại hệ thống tổ chức sản xuất kinh doanh, tổ chức lâm trường quốc doanh và tiến hành việc giao đất, giao rừng cho hợp tác xã và nông dân quản lý, kinh doanh. Tuỳ theo điều kiện địa lý, loại rừng, luân kỳ kinh doanh và trình độ quản lý của cán bộ mà xác định quy mô của lâm trường cho thích hợp, nhưng cần bố trí mỗi lâm trường quốc doanh gọn trong địa bàn một huyện.

Bộ Lâm nghiệp, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Uỷ ban nhân dân các tỉnh xúc tiến việc lập và xét duyệt các luận chứng kinh tế kỹ thuật các lâm trường để có căn cứ đầu tư và tổ chức lại sản xuất có hiệu quả. Từ nay, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng chỉ duyệt dự án đầu tư và luận chứng kinh tế kỹ thuật của các liên hiệp lâm - nông - công nghiệp và uỷ nhiệm cho Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp, chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh xét duyệt luận chứng kinh tế kỹ thuật cho các lâm trường quốc doanh trực thuộc, theo các chế độ quản lý xây dựng cơ bản hiện hành.

3. Căn cứ vào quy hoạch vùng và hiệu quả sản xuất cần rà xét và sắp xếp lại các lâm trường quốc doanh hiện có, xác định rõ những lâm trường cần tập trung vốn đầu tư để đẩy mạnh sản xuất, những lâm trường đang có nhiều khó khăn cần chuyển hướng sản xuất, kinh doanh và kiện toàn.

Trước mắt, cần tập trung vốn đầu tư để nâng cao năng lực sản xuất ở các lâm trường quốc doanh trong các vùng lâm nghiệp quan trọng như vùng cung ứng gỗ mỏ Đông Bắc, vùng cung ứng nguyên liệu cho các nhà máy giấy quan trọng, vùng gỗ lớn khu 4 cũ và vùng Tây nguyên, vùng kinh doanh các loại đặc sản xuất khẩu, rừng giống quốc gia và các lâm trường thực nghiệm về khoa học kỹ thuật.

4. Cần chấn chỉnh tổ chức sản xuất trong nội bộ các lâm trường quốc doanh theo hướng:

- Các tổ, đội sản xuất lân sinh bố trí gắn với tiểu khu rừng để vừa làm nhiệm vụ sản xuất, vừa bảo vệ được rừng.

- Các đơn vị sản xuất chuyên môn hoá theo ngành nghề, theo công đoạn sản xuất như khai thác, vận xuất, chế biến, xây dựng cơ bản, sửa chữa cơ khí...

5. Ở những khu vực có rừng tập trung với quy mô lớn, có mục tiêu kinh tế thống nhất và có nhiều quan hệ chặt chẽ về kinh tế - kỹ thuật với công nghiệp và nông nghiệp có thể tổ chức hình thức liên hiệp lâm - nông- công nghiệp. Liên hiệp lâm - nông - công nghiệp có thể bao gồm một hoặc một số lâm trường, xí nghiệp có quan hệ chặt chẽ về kinh tế, kỹ thuật trong cùng một khu kinh tế lâm nghiệp. Song cần tiến hành phân công sản xuất chuyên môn hoá, phân cấp quản lý đúng đắn, tổ chức tốt sự hợp tác giữa các xí nghiệp, lâm trường trong liên hiệp.

Bộ Lâm nghiệp cần chú trọng kiện toàn các liên hiệp lâm - nông - công nghiệp hiện có. Chuẩn bị đề án thành lập những liên hiệp nông - lâm - công nghiệp mới ở một số vùng kinh tế lâm nghiệp lớn và điều lệ tổ chức quản lý của liên hiệp trình Hội đồng Bộ trưởng quyết định.

6. Phân công, phân cấp quản lý lâm trường quốc doanh và liên hiệp lâm - nông - công trường.

Trung ương trực tiếp quản lý các lâm trường quốc doanh và liên hiệp lâm - nông - công nghiệp ở những vùng rừng có tầm quan trọng lớn về cung cấp lâm sản, sản phẩm sản xuất có nhiệm vụ cung ứng cho các vùng khác, cho các nhu cầu trọng điểm của cả nước, đòi hỏi vốn đầu tư lớn, trình độ kỹ thuật và yêu cầu quản lý phức tạp, các cơ sở sản xuất giống quốc gia, các khu rừng có giá trị về nghiên cứu khoa học, bảo vệ thiên nhiên. Trước mắt, Bộ Lâm nghiệp trực tiếp quản lý các đơn vị sau đây:

- Các liên hiệp lâm - nông - công nghiệp Bắc Yên (Hà Tuyên), Sông Hiếu (Nghệ Tĩnh), Long Đại (Bình Trị Thiên), Kon Hà Nừng (Gia Lai - Kon Tum), Easúp và Gia Nghĩa (Đắc Lắc).

- Lâm trường quốc doanh La Ngà (Đồng Nai) và Hương Sơn (Nghệ Tĩnh).

- Các lâm trường giống quốc gia, lâm trường gỗ mỏ và các vườn rừng quốc gia.

- Các lâm trường quốc doanh và liên hiệp lâm - nông - công nghiệp khác giao cho địa phương quản lý, trong đó, cấp tỉnh trực tiếp quản lý các lâm trường quốc doanh có vị trí kinh tế lớn, các liên hiệp lâm - nông - công nghiệp. Cấp huyện quản lý các lâm trường quốc doanh có quy mô nhỏ, có quan hệ chạt chẽ với phong trào trồng cây, gây rừng và đời sống của nhân dân trong huyện, trình độ kỹ thuật và yêu cầu quản lý tương đối đơn giản.

II. VỀ CẢI TIẾN CƠ CHẾ QUẢN LÝ CÁC LÂM TRƯỜNG QUỐC DOANH

A. VỀ KẾ HOẠCH HOÁ.

1. Các lâm trường quốc doanh phải lập kế hoạch sản xuất lâm nghiệp theo hướng kinh doanh toàn diện, lợi dụng tổng hợp rừng và đất đai được giao để sản xuất các loại lâm sản, đặc sản rừng, nông sản, thuỷ sản, nhất là các mặt hàng có giá trị xuất khẩu. Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước và Bộ Lâm nghiệp cần xác định rõ danh mục các loại lâm sản, đặc sản, nông sản trong hệ thống chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước và những loại sản phẩm cần khuyến khích công nhân lâm trường và nông dân phát triển.

[...]