Nghị quyết 43/2022/NQ-HĐND về quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật trên địa bàn tỉnh Kiên Giang

Số hiệu 43/2022/NQ-HĐND
Ngày ban hành 29/12/2022
Ngày có hiệu lực 09/01/2023
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Kiên Giang
Người ký Mai Văn Huỳnh
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Tài chính nhà nước

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH KIÊN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 43/2022/NQ-HĐND

Kiên Giang, ngày 29 tháng 12 năm 2022

 

NGHỊ QUYẾT

QUY ĐỊNH LẬP DỰ TOÁN, QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VÀ QUYẾT TOÁN KINH PHÍ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC BẢO ĐẢM CHO CÔNG TÁC XÂY DỰNG VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT VÀ HOÀN THIỆN HỆ THỐNG PHÁP LUẬT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KIÊN GIANG

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH KIÊN GIANG
KHÓA X, KỲ HỌP THỨ MƯỜI BỐN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Thông tư số 338/2016/TT-BTC ngày 28 tháng 12 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật;

Căn cứ Thông tư số 42/2022/TT-BTC ngày 06 tháng 7 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 338/2016/TT-BTC ngày 28 tháng 12 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật;

Xét Tờ trình số 252/TTr-UBND ngày 30 tháng 11 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh dự thảo Nghị quyết quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật trên địa bàn tỉnh Kiên Giang; Báo cáo thẩm tra số 82/BC-BKTNS ngày 24 tháng 12 năm 2022 của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị quyết này quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng Nghị quyết của Hội đồng nhân dân, Quyết định của Ủy ban nhân dân các cấp và hoàn thiện hệ thống pháp luật trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

2. Đối tượng áp dụng

Nghị quyết này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác xây dựng Nghị quyết của Hội đồng nhân dân, Quyết định của Ủy ban nhân dân các cấp và hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Điều 2. Nội dung chi cho các hoạt động xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật

Căn cứ tính chất của từng hoạt động xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật được ngân sách nhà nước bố trí kinh phí cho cơ quan, đơn vị được giao chủ trì nhiệm vụ thực hiện chi theo những nội dung sau:

1. Tổng kết việc thi hành pháp luật hiện hành, đánh giá thực trạng quan hệ xã hội; tập hợp, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

2. Điều tra, khảo sát, đánh giá thực trạng quan hệ xã hội có liên quan phục vụ quá trình nghiên cứu, lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, dự kiến chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

3. Dịch, hiệu đính tài liệu dịch, văn bản tiếng nước ngoài, tiếng dân tộc thiểu số sang tiếng Việt; dịch, hiệu đính tài liệu dịch, văn bản tiếng Việt sang tiếng nước ngoài, tiếng dân tộc thiểu số.

4. Lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

5. Tổ chức soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật.

6. Đánh giá tác động của chính sách trong đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; đánh giá tác động của chính sách trong dự án; dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; xây dựng báo cáo lồng ghép vấn đề bình đẳng giới (nếu có quy định liên quan đến vấn đề bình đẳng giới); xây dựng bản đánh giá thủ tục hành chính (nếu có quy định thủ tục hành chính).

7. Tổ chức Hội đồng tư vấn thẩm định, Hội đồng thẩm định, Hội đồng thẩm tra; lấy ý kiến của các các chuyên gia, nhà khoa học (trong trường hợp cần thiết).

8. Xây dựng báo cáo thẩm định, thẩm tra, báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định; văn bản góp ý.

9. Chỉnh lý, hoàn thiện các loại đề cương, tờ trình, báo cáo, dự thảo văn bản.

[...]