Nghị quyết 340/NQ-HĐND năm 2020 về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 do tỉnh Hưng Yên ban hành

Số hiệu 340/NQ-HĐND
Ngày ban hành 22/12/2020
Ngày có hiệu lực 22/12/2020
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Hưng Yên
Người ký Trần Quốc Toản
Lĩnh vực Đầu tư,Thương mại

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH HƯNG YÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 340/NQ-HĐND

Hưng Yên, ngày 22 tháng 12 năm 2020

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 5 NĂM 2021-2025

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH HƯNG YÊN
KHÓA XVI, KỲ HỌP THỨ MƯỜI LĂM

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hưng Yên khóa XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 ngày 26 tháng 10 năm 2020;

Xét Báo cáo số 217/BC-UBND ngày 07 tháng 12 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 -2020; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và Báo cáo thẩm tra của các Ban của HĐND tỉnh; ý kiến thảo luận và kết quả biểu quyết của các vị đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh cơ bản tán thành đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh với những nội dung chủ yếu sau:

1. Kết quả chủ yếu

Qua 5 năm triển khai Nghị quyết số 12/2016/NQ-HĐND ngày 07/7/2016 của HĐND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 trong điều kiện còn nhiều khó khăn thách thức, bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp; thiên tai, dịch bệnh diễn biến khó lường, nhất là dịch tả lợn Châu Phi năm 2019 và đại dịch Covid-19 gây ra vào năm cuối nhiệm kỳ. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh cùng sự nỗ lực của các cấp chính quyền địa phương, các ngành và nhân dân trong tỉnh tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian qua đã đạt được những thành tựu toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

Kinh tế phát triển nhanh và toàn diện, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 8,32% (Mục tiêu: tăng từ 7,5-8%/năm). Năm 2020, cơ cấu kinh tế công nghiệp, xây dựng 61,6% - thương mại, dịch vụ 29,11% - nông nghiệp 9,29%; tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 78,83 triệu đồng. Thu ngân sách hàng năm vượt kế hoạch Trung ương giao; từ năm 2017 tỉnh Hưng Yên trở thành tỉnh tự cân đối thu chi và có đóng góp với ngân sách Trung ương. Thu ngân sách nhà nước năm 2020 đạt 15.500 tỷ đồng. Giá trị xuất khẩu đạt 4,5 tỷ USD.

Nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, tốc độ tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, thủy sản bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 2,87%/năm. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực, giá trị thu được trên 01 ha canh tác đạt trên 210 triệu đồng. Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt thành quả nổi bật: năm 2019, toàn tỉnh có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới; đến năm 2020, có 10/10 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, tỉnh đạt nông thôn mới, có 28 xã hoàn thành tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, 5 xã cơ bản hoàn thành tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Công nghiệp tăng trưởng khá, giai đoạn 2016-2020, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng bình quân 10%/năm (Mục tiêu: tăng 9-10%). Đã rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các khu công nghiệp trên địa bàn; thành lập mới thêm 3 khu công nghiệp, đến nay có 7 khu công nghiệp đi vào hoạt động, với 1.779 ha đất khu công nghiệp được triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng; tổng diện tích đất trong các khu công nghiệp đã cho thuê đạt gần 70%. Hạ tầng cụm công nghiệp được quan tâm đầu tư, đến năm 2020 đã có 16 cụm công nghiệp được UBND tỉnh quyết định thành lập với tổng diện tích là 763,19 ha.

Thương mại, dịch vụ phát triển khá: bình quân giai đoạn 2016-2020 giá trị sản xuất thương mại, dịch vụ tăng 7,04%/năm; tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tăng 10,59%/năm, hạ tầng thương mại được quan tâm đầu tư. Kim ngạch xuất khẩu của tỉnh tăng trưởng bình quân 12,3%/năm. Kim ngạch nhập khẩu tăng trưởng bình quân trên 9%/năm. Hoạt động xúc tiến thương mại được đẩy mạnh. Phát triển du lịch được chú trọng, tăng trưởng đạt 12,5%/năm.

Tốc độ tăng thu ngân sách bình quân đạt 14,8%/năm; tổng thu ngân sách trong giai đoạn 2016-2020 đạt 66.258 tỷ đồng (trong đó thu nội địa chiếm trên 74%), tăng trên 2 lần so với tổng thu ngân sách giai đoạn 2011-2015. Cơ cấu thu ngân sách từng bước vững chắc hơn. Chi ngân sách bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả và đúng quy định, bình quân tăng 12,9%/năm. Hoạt động tín dụng, ngân hàng phát triển ổn định, tổng nguồn vốn hoạt động đạt trên 93 nghìn tỷ đồng, tăng 52 nghìn tỷ đồng so với năm 2015, tăng trưởng bình quân đạt 16,5%/năm.

Giai đoạn 2016-2020 tỉnh thu hút được 844 dự án đầu tư mới, nâng tổng số dự án đăng ký đầu tư trên địa bàn tỉnh lên 1.996 dự án với tổng số vốn đăng ký tương đương trên 11,5 tỷ USD. Các hoạt động phát triển doanh nghiệp được triển khai đồng bộ và hiệu quả. Đã có gần 5.700 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng vốn đăng ký gần 61 nghìn tỷ đồng. Đến nay, toàn tỉnh có 12.152 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký đạt 123.380 tỷ đồng.

Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2016-2020 đạt trên 157.000 tỷ đồng. Đến nay, đã hoàn thành đầu tư hơn 1.164 km đường giao thông. Hạ tầng đô thị phát triển về chiều sâu, tỷ lệ đô thị hóa đến hết năm 2020 dự kiến đạt 41%. Hạ tầng thủy lợi được nâng cấp; hạ tầng điện được tập trung đầu tư; hạ tầng công nghệ thông tin phát triển nhanh.

Công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường tiếp tục được tăng cường. Các hoạt động bảo vệ môi trường được triển khai đồng bộ. Khoa học và công nghệ phát triển gắn với thực tiễn, thiết thực, hiệu quả. Công tác giáo dục, y tế, văn hóa đạt nhiều kết quả tích cực: toàn tỉnh hiện có 403 trường đạt chuẩn quốc gia, tăng 138 trường so với năm 2015; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế 90,5%, tỷ lệ xã đạt tiêu chí chuẩn quốc gia về y tế đạt 100%; tỷ lệ làng, khu phố văn hoá 88,7%; tỷ lệ gia đình văn hoá 91,5%. Công tác an sinh, xã hội được quan tâm thực hiện hiệu quả, thiết thực, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,48%, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 65%, trung bình mỗi năm tạo việc làm mới cho trên 23,2 nghìn lao động. Cải cách tư pháp được đẩy mạnh; công tác thanh tra, xử lý sau thanh tra được tăng cường. Hoạt động cải cách hành chính được triển khai quyết liệt, kết quả đã đưa vào hoạt động 525 dịch vụ công mức độ 3 và 369 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Công tác quốc phòng, quân sự địa phương được chỉ đạo và tổ chức thực hiện toàn diện. Công tác bảo đảm an ninh, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội được tập trung chỉ đạo. Tình hình tai nạn giao thông được kiềm chế.

2. Hạn chế, yếu kém

Công nghiệp phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào nông nghiệp, nông thôn còn gặp nhiều khó khăn. Xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân và người lao động còn hạn chế. Thương mại, dịch vụ nhiều mặt còn hạn chế, chưa phát huy được lợi thế để phát triển; công tác giải phóng mặt bằng còn khó khăn, tiến độ thực hiện nhiều dự án còn chậm. Xử lý vi phạm về đất đai, tài nguyên, giao thông, thủy lợi ở một số nơi kết quả còn chưa cao, chưa triệt để, ô nhiễm môi trường còn xảy ra ở nhiều nơi, có thời điểm gây bức xúc. Công tác đào tạo nghề chưa đáp ứng tốt yêu cầu phát triển; thu hút trường đại học về Khu Đại học Phố Hiến rất khó khăn. Khoa học công nghệ chưa thực sự phát huy vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Thành phố Hưng Yên chưa đạt đô thị loại II. Tỷ lệ dân số tự nhiên và tỷ lệ lệ sinh con thứ 3 còn ở mức cao; việc triển khai thực hiện đề án, quy hoạch, kế hoạch về văn hóa, thể thao, du lịch, công tác khôi phục, bảo tồn và phát huy giá trị cổ của Phố Hiến xưa còn hạn chế. Cải cách hành chính có mặt chưa đáp ứng tốt yêu cầu; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cải thiện chậm. An ninh trên một số địa bàn, lĩnh vực còn tiềm ẩn phức tạp; xảy ra một số vụ án hình sự đặc biệt nghiêm trọng. Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí có lúc, có nơi còn hạn chế.

Điều 2. Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021- 2025

1. Mục tiêu tổng quát

Tích cực đổi mới, sáng tạo, đẩy mạnh phát triển toàn diện, nhanh và bền vững. Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương; tập trung thu hút đầu tư phù hợp quy hoạch, ưu tiên dự án quy mô lớn, có nhiều đóng góp cho tăng trưởng và thu ngân sách, phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp có giá trị gia tăng cao, hiện đại; bảo đảm chủ động tự cân đối ngân sách. Đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, thương mại dịch vụ và đô thị, chú trọng hơn ở các khu vực trọng điểm như thành phố Hưng Yên và thị xã Mỹ Hào để thúc đẩy lan tỏa phát triển. Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất tập trung, hiệu quả kinh tế cao. Quan tâm đầu tư phát triển các lĩnh vực văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tiếp tục cải thiện nâng cao đời sống nhân dân; bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng Hưng Yên thành tỉnh công nghiệp hiện đại, nông nghiệp hiệu quả cao, phát triển nhanh và bền vững.

2. Các chỉ tiêu chủ yếu

2.1. Về kinh tế

 (1) Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân 5 năm 7,5-8%. Giá trị sản xuất nông nghiệp, thủy sản tăng 2-2,5%/năm. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9-10%/năm. Giá trị sản xuất thương mại, dịch vụ tăng 7-7,5%/năm.

 (2) GRDP bình quân đầu người đạt 130 triệu đồng/năm vào năm 2025.

 (3) Cơ cấu kinh tế: nông nghiệp, thủy sản 6% - công nghiệp, xây dựng 66% - thương mại, dịch vụ 28%.

[...]