Nghị quyết 34/NQ-HĐND năm 2021 thông qua Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Số hiệu 34/NQ-HĐND
Ngày ban hành 08/10/2021
Ngày có hiệu lực 08/10/2021
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Bắc Giang
Người ký Lê Thị Thu Hồng
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH BẮC GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 34/NQ-HĐND

Bắc Giang, ngày 08 tháng 10 năm 2021

 

NGHỊ QUYẾT

THÔNG QUA QUY HOẠCH TỈNH BẮC GIANG THỜI KỲ 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BẮC GIANG
KHÓA XIX, KỲ HỌP THỨ 3

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Quy hoạch ngày 24 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 Luật có liên quan đến quy hoạch ngày 15 tháng 6 năm 2018;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch ngày 20 tháng 11 năm 2018;

Căn cứ Pháp lệnh số 01/2018/QH14 ngày 22 tháng 12 năm 2018 sửa đổi một số điều của 04 Pháp lệnh có liên quan đến quy hoạch;

Căn cứ Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14 ngày 16 tháng 8 năm 2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giải thích một số điều của Luật Quy hoạch;

Căn cứ Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07/5/2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch;

Căn cứ Nghị định số 148/2020/NĐ-CP ngày 18/12/2020 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai;

Căn cứ Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 05 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ về triển khai thi hành Luật Quy hoạch;

Căn cứ Quyết định số 139/QĐ-TTg ngày 20 tháng 01 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Báo cáo số 2875/BC-HĐTĐ ngày 17 tháng 5 năm 2021 của Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 thẩm định Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Xét Tờ trình số 479/TTr-UBND ngày 01/10/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc đề nghị phê duyệt quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Báo cáo thẩm tra của Ban kinh tế - ngân sách; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1: Thông qua Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050 với những nội dung chủ yếu sau:

I. Phạm vi, ranh giới quy hoạch

Phạm vi, ranh giới lập quy hoạch tỉnh Bắc Giang bao gồm toàn tỉnh Bắc Giang với diện tích tự nhiên 3.895,48 km2 tại tọa độ địa lý từ 21°07’ đến 21°37’ vĩ độ bắc; từ 105°53’ đến 107°02’ kinh độ đông, thuộc vùng Trung du và Miền núi phía Bắc; 10 đơn vị hành chính cấp huyện gồm: Thành phố Bắc Giang và 9 huyện. Phía Bắc giáp với tỉnh Lạng Sơn và một phần tỉnh Thái Nguyên, phía Nam giáp với tỉnh Hải Dương và Quảng Ninh, phía Tây giáp với tỉnh Thái Nguyên, thủ đô Hà Nội, phía Đông giáp với tỉnh Lạng Sơn và tỉnh Quảng Ninh.

II. Quan điểm, mục tiêu phát triển và các đột phá phát triển tỉnh

1. Quan điểm phát triển

(1) Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 phải phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; các quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng, quy hoạch xây dựng vùng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành quốc gia, vùng.

(2) Phát triển nhanh và bền vững là yêu cầu xuyên suốt, dựa chủ yếu vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đưa khoa học, công nghệ, kinh tế tri thức và chuyển đổi số toàn diện được phát huy, trở thành nhân tố đóng góp chủ yếu cho nâng cao chất lượng tăng trưởng. Phải đổi mới tư duy và hành động, chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với quá trình hội nhập quốc tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu.

(3) Tổ chức, bố trí không gian phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh trong thời kỳ quy hoạch hợp lý để khai thác có hiệu quả lợi thế vị trí chuyển tiếp giữa vùng Trung du và miền núi phía Bắc với vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, gắn kết chặt chẽ với vùng Thủ đô.

(4) Lấy việc thực thi pháp luật hiệu lực, hiệu quả là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy phát triển. Nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách của địa phương, tạo động lực, huy động nguồn lực thực hiện các mục tiêu phát triển đặt ra. Phát triển đồng bộ các loại thị trường, thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực sản xuất, nhất là đất đai. Các quy định của pháp luật, cơ chế, chính sách phải thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới. Phải coi trọng hơn quản lý phát triển xã hội; mở rộng dân chủ phải gắn với giữ vững kỷ luật, kỷ cương.

(5) Phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, nguồn lực của tỉnh, huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực bên ngoài để phát triển. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác, thu hút và quản lý dự án đầu tư nước ngoài trên địa bàn, lựa chọn thu hút đầu tư, đầu tư công có trọng tâm, trọng điểm gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, tập trung tăng trưởng theo chiều sâu, tạo động lực mới cho phát triển. Kết hợp hài hòa giữa phát triển vùng động lực kinh tế với các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, các vùng đảm bảo môi trường, thiên nhiên cho sự phát triển bền vững, không đánh đổi phát triển kinh tế gây hủy hoại môi trường. Tăng cường liên kết trong phát triển với các địa phương trong vùng và khu vực lân cận, chủ động hội nhập quốc tế.

Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, làm chủ khoa học và công nghệ, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển. Phát triển nhanh, hài hoà các loại hình doanh nghiệp, hỗ trợ, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp; phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

(6) Phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển; lấy giá trị văn hóa, con người Bắc Giang là yếu tố, sức mạnh nội sinh quan trọng đảm bảo cho sự phát triển bền vững. Xây dựng chính sách khuyến khích, phát huy tinh thần cống hiến, hướng vào nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Lấy đầu tư, phát triển Giáo dục và đào tạo là nền tảng cho phát triển bền vững, lâu dài; tạo sự chuyển biến trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để nâng cao năng suất lao động, chuyển dịch mô hình tăng trưởng theo chiều sâu.

[...]