Nghị quyết 29/2012/NQ-HĐND thông qua Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2011 - 2020

Số hiệu 29/2012/NQ-HĐND
Ngày ban hành 09/12/2012
Ngày có hiệu lực 19/12/2012
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Bạc Liêu
Người ký Võ Văn Dũng
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH BẠC LIÊU
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 29/2012/NQ-HĐND

Bạc Liêu, ngày 09 tháng 12 năm 2012

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC THÔNG QUA QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NHÂN LỰC TỈNH BẠC LIÊU GIAI ĐOẠN 2011 - 2020

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BẠC LIÊU
KHÓA VIII, KỲ HỌP THỨ 6

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 1216/QĐ-TTg ngày 22 tháng 7 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020;

Căn cứ Quyết định số 221/QĐ-TTg ngày 22 tháng 02 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bạc Liêu đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Xét Tờ trình số 221/TTr-UBND ngày 30 tháng 11 năm 2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thông qua Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2011 - 2020; Báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa - Xã hội của Hội đồng nhân dân và ý kiến Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thống nhất thông qua Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2011 - 2020 như sau:

I. QUAN ĐIỂM VÀ MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

1. Quan điểm

Phát triển nhân lực Bạc Liêu là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để phát triển nhân lực một cách toàn diện, từ nâng cao chất lượng dân số đến bảo đảm sức khỏe, giáo dục, đào tạo nghề, đến tạo việc làm, nhằm thực hiện thành công mục tiêu của Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bạc Liêu đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; có bước đi thích hợp theo yêu cầu phát triển kinh tế cho từng giai đoạn; phù hợp với cơ cấu và nhu cầu nhân lực theo từng ngành, từng lĩnh vực.

2. Mục tiêu cụ thể

Đến năm 2015, phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 50% (trong đó, 9,1% lao động có trình độ đại học, 0,31% lao động có trình độ từ thạc sỹ trở lên).

 Đến năm 2020, bảo đảm đào tạo đủ nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trong đó, có 65% lao động được đào tạo, 9,17% có trình độ cao đẳng và đại học, 0,3% có trình độ từ thạc sỹ trở lên. Hầu hết, các ngành có từ 02 - 03 chuyên gia có trình độ cao. Đội ngũ giáo viên của các trường cao đẳng và đại học phải đạt 80% là thạc sỹ trở lên, các ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ phải có 93% lao động qua đào tạo.

II. PHƯƠNG HƯỚNG PHÁT TRIỂN

1. Theo bậc đào tạo

Tăng nhanh tỷ lệ lao động qua đào tạo với cơ cấu hợp lý, dự kiến tổng số lao động qua đào tạo như sau:

Năm 2015, có khoảng 241.619 người qua đào tạo, chiếm 50% so tổng số lao động đang làm việc, trong đó, sơ cấp nghề trở xuống chiếm 63,3%, trung cấp trở lên chiếm 36,70%.

Năm 2020, có khoảng 327.665 người qua đào tạo, chiếm 65% so tổng số lao động đang làm việc, trong đó, sơ cấp nghề trở xuống chiếm 59,65%, trung cấp trở lên chiếm 40,35%.

2. Theo lĩnh vực

a) Khu vực công nghiệp và xây dựng:

Hướng tới đào tạo đội ngũ lao động trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng, phấn đấu:

Đến năm 2015, tiến sỹ và thạc sỹ chiếm 0,05%, cao đẳng và đại học chiếm 8,11%, trung học chiếm 35,9%, sơ cấp và công nhân kỹ thuật chiếm 55,94% lao động được đào tạo trong khu vực.

Đến năm 2020, tiến sỹ và thạc sỹ chiếm khoảng 0,06%, đại học và cao đẳng chiếm 8,25%, trung cấp chiếm 37,58% và sơ cấp và công nhân kỹ thuật chiếm 54,11% lao động được đào tạo trong khu vực.

b) Khu vực dịch vụ:

Đến năm 2015, lao động có trình độ trên đại học chiếm 0,86% so tổng số lao động được đào tạo trong khu vực, cao đẳng và đại học chiếm 23,19%, trung học chuyên nghiệp chiếm 32,05%, sơ cấp và công nhân kỹ thuật chiếm 43,90% lao động được đào tạo trong khu vực.

Đến năm 2020, tiến sỹ và thạc sỹ chiếm 0,92% so tổng số lao động được đào tạo trong khu vực, cao đẳng và đại học chiếm 23,05% và trung cấp chiếm 34,58%, sơ cấp và công nhân kỹ thuật chiếm 41,43 lao động được đào tạo trong khu vực.

[...]