Thứ 3, Ngày 29/10/2024

Kế hoạch 121/KH-UBND phát triển nhân lực tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2011-2020 và năm 2013

Số hiệu 121/KH-UBND
Ngày ban hành 01/07/2013
Ngày có hiệu lực 01/07/2013
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hà Giang
Người ký Sèn Chỉn Ly
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 121/KH-UBND

Hà Giang, ngày 01 tháng 07 năm 2013

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC TỈNH HÀ GIANG GIAI ĐOẠN 2013-2015 VÀ NĂM 2013

Căn cứ Quyết định số 2022/QĐ-UBND ngày 22/9/2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang về phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2011-2020;

Căn cứ thực trạng nguồn nhân lực và nhu cầu đào tạo nhân lực của các ngành và địa phương trong tỉnh, giai đoạn 2013-2015, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang xây dựng Kế hoạch phát triển nhân lực tỉnh Hà Giang giai đoạn 2013-2015 và năm 2013, như sau:

I. TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN NHÂN LỰC NĂM 2011 VÀ NĂM 2012

1. Thực trạng nhân lực của tỉnh

Tính đến hết năm 2012, toàn tỉnh có 375.530 người đang làm việc trong các ngành kinh tế, tỷ lệ lao động qua đào tạo chiếm 36,3%, tương đương với 136.139 người, trong đó: nhóm ngành nông-lâm-thủy sản có 69.586 người chiếm 25,7% tổng số lao động của ngành nông-lâm-nghiệp; nhóm ngành công nghiệp - xây dựng có 20.589 người, chiếm 47,7% tổng số lao động ngành công nghiệp - xây dựng; nhóm ngành dịch vụ có 46.144 người, chiếm 75,5% tổng số lao động ngành dịch vụ.

2. Thực trạng công tác đào tạo nhân lực của tỉnh

Trong năm 2011 và năm 2012, trung bình mỗi năm đào tạo khoảng 16.500 lao động; Trong quá trình đào tạo, tỉnh đã xác định ưu tiên phát triển mạnh một số ngành, lĩnh vực cụ thể được coi là thành phần kinh tế chủ đạo có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển chung của toàn tỉnh như: Lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp; công nghiệp khai thác mỏ; sản xuất và phân phối điện; xây dựng; bán buôn sửa chữa và bán lẻ, sửa chữa xe có động cơ; dịch vụ ăn uống và lưu trú; các hoạt động quản lý nhà nước, giáo dục, y tế và hoạt động cứu trợ xã hội.

Về hệ thống đào tạo nhân lực: nhìn chung các cơ sở đào tạo của tỉnh và các, thành phố như Trường Cao đẳng Sư phạm, Trung cấp Y tế, Trung cấp Kinh tế - kỹ thuật, Cao đẳng nghề Hà Giang và các Trung tâm dạy nghề của tỉnh đã được quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc đào tạo nghề của tỉnh. Tuy vậy, qui mô của các trường, các cơ sở đào tạo như xưởng thực hành, chỗ ở cho học viên, … vẫn còn thiếu, thiết bị giảng dạy chưa hiện đại và đồng bộ; bên cạnh đó đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên được tuyển dụng còn thiếu về số lượng, kinh nghiệm giảng dạy thực tế và khả năng hướng dẫn thực hành nghề còn hạn chế, do đó đã ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh nói chung.

Về tổ chức đào tạo nhân lực: Chủ yếu là đào tạo trình độ sơ cấp nghề, trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp (trung cấp y, trung cấp kinh tế kỹ thuật), đào tạo ở trình độ cao như trên đại học chủ yếu liên kết đào tạo với các trường đại học như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Thái Nguyên, các trường Đại học, Cao đẳng …v.v.

Các nhóm ngành nghề chính đào tạo như:

- Nhóm ngành nghề công nhân kỹ thuật: Trồng trọt, chăn nuôi, lâm sinh; quản lý tưới tiêu, cấp thoát nước và vệ sinh môi trường nông thôn; quản lý trang trại, hợp tác xã; dịch vụ nông nghiệp; sản xuất và chế biến; y tế; dịch vụ xã hội; nhà hàng khách sạn, du lịch và dịch vụ cá nhân; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và các lĩnh vực khác, …;

- Nhóm ngành nghề chuyên môn nghiệp vụ; Nữ hộ sinh, y sỹ, điều dưỡng, kế toán, địa chính, giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học, giáo viên trung học cơ sở, giáo viên trung học phổ thông…;

3. Đánh giá tổng quát

Trong năm 2011 và năm 2012 việc đào tạo nhân lực của tỉnh đã được đặc biệt quan tâm và phát triển theo chiều hướng tích cực, ưu tiên tăng nhanh tỷ lệ lao động của nhóm dịch vụ, nông lâm nghiệp và công nghiệp xây dựng.

Nguồn nhân lực tăng nhanh từng năm về số lượng (tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 31,9% năm 2010 lên 36,3% năm 2012), song chất lượng lao động vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi của thực tế phát triển sản xuất, dịch vụ; khả năng tiếp nhận lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng không đáng kể, trong khi quy mô nguồn nhân lực tăng nhanh tạo nên áp lực lớn về giải quyết việc làm cho người lao động.

Hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển tích cực, số lao động tham gia hoạt động trong nền kinh tế và số lao động được giải quyết việc làm mới hàng năm đều tăng; tỷ lệ sử dụng thời gian lao động nông thôn đến năm 2012 đạt 86,3% (năm 2010 là 85,03%); chất lượng lao động từng bước được nâng lên, việc làm và thu nhập của người lao động được cải thiện và nâng lên đáng kể, góp phần tích cực vào giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, hạn chế các tiêu cực của xã hội, tạo tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Giang trong giai đoạn tiếp theo.

a) Ưu điểm: Nguồn nhân lực của tỉnh dồi dào, lực lượng lao động ở khu vực thành thị ngày càng tăng; trình độ học vấn, chuyên môn kỹ thuật của lực lượng lao động tiếp tục được nâng cao; tỷ lệ lao động sau đào tạo có việc làm phù hợp ngày càng tăng; nhu cầu việc làm tăng, do đó tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị giảm; cơ cấu lao động theo ngành tiếp tục chuyển dịch nhanh theo hướng công nghiệp và dịch vụ; thu nhập của đại đa số lao động được cải thiện đáng kể, đặc biệt là lao động làm công ăn lương. Nhìn chung, năm 2011, năm 2012, nguồn nhân lực của tỉnh duy trì được tốc độ phát triển hợp lý về số lượng, chất lượng và tình trạng việc làm được cải thiện tương đối rõ ràng, tạo điều kiện thuận lợi cho các bước phát triển trong những năm tới.

b) Nhược điểm: Lực lượng lao động tập trung chủ yếu ở khu vực nông thôn, trình độ học vấn, chuyên môn kỹ thuật hạn chế, sản xuất nông nghiệp còn chiếm ưu thế; cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất, lưu thông hàng hóa chưa đảm bảo, năng suất lao động chưa cao, đời sống vẫn còn thấp so với các tỉnh trong khu vực.

Thiếu nguồn nhân lực trẻ có trình độ cao, tình trạng này cũng có xu hướng gia tăng đối với số học sinh, sinh viên là người địa phương đã tốt nghiệp tại các trường đại học và một số lao động nhỏ có trình độ chuyên môn cao xin chuyển công tác đi nơi khác.

Công tác quản lý nhà nước về lao động việc làm và dạy nghề còn nhiều bất cập, các doanh nghiệp và người lao động chưa thực hiện nghiêm túc pháp luật lao động; sự phối hợp giữa các ngành, đoàn thể trong công tác giải quyết việc làm và dạy nghề chưa được phát huy.

Thị trường mất cân đối về cơ cấu lao động, thiếu lao động có chuyên môn kỹ thuật trình độ cao, thừa nhiều lao động trình độ thấp và lao động chưa qua đào tạo.

c) Nguyên nhân hạn chế

- Nhận thức của các cấp ủy Đảng, Chính quyền, Đoàn thể và bản thân người lao động về phát triển nguồn nhân lực chưa được chú trọng.

- Chưa xã hội hóa được vấn đề đào tạo nhân lực chung cho toàn tỉnh, các doanh nghiệp chưa vào cuộc mạnh mẽ để đào tạo và sử dụng nhân lực.

- Đầu tư cho giáo dục đào tạo chưa đồng bộ, còn thiếu các phương tiện, thiết bị thí nghiệm, thực hành cho hệ thống các trường phổ thông, các trường, trung tâm đào tạo, chất lượng đào tạo cho người lao động chưa đáp ứng được với yêu cầu của xã hội.

II. KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN NHÂN LỰC GIAI ĐOẠN 2013-2015 VÀ NĂM 2013

[...]