Quyết định 2907/QĐ-UBND năm 2011 phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Bình Phước giai đoạn 2011-2020

Số hiệu 2907/QĐ-UBND
Ngày ban hành 29/12/2011
Ngày có hiệu lực 29/12/2011
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Phước
Người ký Nguyễn Huy Phong
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Giáo dục,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH PHƯỚC
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2907/QĐ-UBND

Bình Phước, ngày 29 tháng 12 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NHÂN LỰC TỈNH BÌNH PHƯỚC GIAI ĐOẠN 2011 - 2020

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN NHÂN TỈNH BÌNH PHƯỚC

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Thông tư số 01/2007/TT-BKH ngày 07/02/2007 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Thông tư số 03/2008/TT-BKH ngày 01/7/2008 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 04/2008/NĐ-CP và Nghị định số 92/2006/NĐ-CP;

Căn cứ Quyết định số 281/2007/QĐ-BKH ngày 26/3/2007 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc ban hành định mức chi phí cho lập, thẩm định quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành và quy hoạch các sản phẩm chủ yếu;

Căn cứ Quyết định số 194/2006/QĐ-TTg ngày 24/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Phước thời kỳ 2006-2020;

Căn cứ Quyết định số 579/QĐ-TTg ngày 19/4/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011-2020;

Căn cứ Quyết định số 1216/QĐ-TTg ngày 22/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 1279TTr-SKHĐT ngày 15/12/2011,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Bình Phước giai đoạn 2011 - 2020 với những nội dung sau:

I. Quan điểm và mục tiêu phát triển:

1. Quan điểm phát triển:

Phát triển nhân lực tỉnh Bình Phước phải phù hợp với Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam và Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020; gắn chặt với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội từ nay đến 2020. Trên cơ sở đó, phát triển nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành, địa phương trong tỉnh. Theo đó, phát triển lực lượng lao động qua đào tạo và bồi dưỡng chuyên môn giỏi là quan điểm xuyên suốt trong công tác quy hoạch phát nhân lực. Thay đổi cơ bản chất lượng lao động, nhất là lao động khu vực nông thôn, lao động là người dân tộc thiểu số; tăng năng suất lao động xã hội trong các ngành kinh tế chủ lực như nông nghiệp và sản phẩm công nghiệp chế biến từ nông, lâm nghiệp.

Thúc đẩy nhanh quá trình xã hội hóa dạy nghề, nâng cao chất lượng đào tạo nghề, tạo nhân lực có đủ khả năng tiếp nhận công nghệ tiên tiến trong nông nghiệp và sản phẩm mũi nhọn, công nghệ cao. Kết hợp giữa phát triển nhân lực tại chỗ và thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao từ các tỉnh khác (đặc biệt là từ Thành phố Hố Chí Minh) đến làm việc lâu dài tại tỉnh Bình Phước. Ưu tiên phát triển nhân lực trong các ngành, lĩnh vực nông nghiệp -lâm nghiệp; chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng nhân lực cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Phát triển nhân lực toàn diện cả về trí lực, thể lực, tâm lực phù hợp với trình độ phát triển của Bình Phước, thực hiện các mục tiêu quan trọng trong Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Phước đến năm 2020; Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ IX, nhiệm kỳ 2010-2015.

2. Mục tiêu phát triển:

a) Mục tiêu tổng quát:

Phát triển nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế. Thúc đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu lao động từ nhóm ngành có giá trị gia tăng thấp sang nhóm ngành có giá trị gia tăng cao, nâng cao năng suất lao động, nâng cao thu nhập của người lao động, cán bộ công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu phát triển xã hội, trong quản lý kinh tế, quản lý xã hội và quản lý môi trường phát triển bền vững.

b) Mục tiêu cụ thể:

* Đến năm 2015:

Chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực, phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Cụ thể: tỷ trọng lao động làm việc trong các ngành nông, lâm, thủy sản là 62%, các ngành công nghiệp, xây dựng là 15% và các ngành dịch vụ là 23%. Năng suất lao động tăng nhanh từ 34,4 triệu đồng/lao động năm 2010 lên 63,3 triệu đồng/lao động năm 2015.

Phấn đấu đạt tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt tỷ lệ 40% và đào tạo nghề đạt tỷ lệ 32%.

Cơ cấu đào tạo nghề theo các cấp trình độ: sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng là 80%; trình độ trung cấp nghề là 13%; cao đẳng nghề là 7%.

* Đến năm 2020:

Tiếp tục chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động theo hướng tích cực. Tỷ trọng lao động làm việc trong các ngành nông, lâm, thủy sản là 45%, các ngành công nghiệp, xây dựng là 28% và các ngành dịch vụ là 27%. Năng suất lao động tăng từ 63,3 triệu đồng/lao động năm 2015 lên 133 triệu đồng/lao động năm 2020.

[...]