QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NHÂN LỰC TỈNH TRÀ
VINH ĐẾN NĂM 2020
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy
ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ
về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;
Căn cứ Quyết định số 1216/QĐ-TTg ngày 22/7/2011 của Thủ tướng
Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 -
2020;
Căn cứ Quyết
định số 1033/QĐ-TTg ngày 30/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển giáo dục,
đào tạo và dạy nghề vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2011 - 2015;
Căn cứ Quyết
định số 438/QĐ-TTg ngày 24/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch
tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Trà Vinh đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số
281/2007/QĐ-BKH ngày 26/3/2007 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc ban
hành định mức chi phí cho lập, thẩm định quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch tổng
thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành và quy hoạch các sản phẩm chủ
yếu;
Căn cứ Quyết định số
1662/QĐ-UBND ngày 08/9/2010 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thành lập
Ban Chỉ đạo hướng dẫn xây dựng quy hoạch phát triển lực tỉnh Trà Vinh giai đoạn
2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở
Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 965/TTr-SKHĐT ngày 23/12/2011,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Trà Vinh đến
năm 2020, với các nội dung chính như sau:
1. Mục tiêu:
1.1. Mục
tiêu tổng quát:
- Phát triển nhân lực đủ về số lượng,
bảo đảm về chất lượng trên cả 3 yếu tố sức khỏe, kỹ năng nghề nghiệp, đạo đức
và cơ cấu hợp lý theo yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Nâng cao tính khả
thi và hiệu quả của chiến lược phát triển nhân lực quốc gia, định hướng kế hoạch
phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2011 - 2020, kêu gọi thu hút đầu
tư vào Khu kinh tế Định An, Khu Công nghiệp Cầu Quan và Khu Công nghiệp Cổ
Chiên.
- Phát triển nhân lực trong mối
quan hệ mật thiết giữa công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa, tiếp tục
phân bổ lại dân cư trên địa bàn tỉnh nhằm phát triển hài hòa giữa thành thị và
nông thôn, giữa nông nghiệp và các ngành khác.
- Làm điểm tựa thúc đẩy thị trường
lao động phát triển, góp phần đáp ứng yêu cầu lao động của tỉnh và đất nước; đồng
thời, chủ động hội nhập tích cực vào thị trường lao động khu vực và thế giới bằng
cách đa dạng hóa và nâng cao chất lượng lao động xuất khẩu.
- Đáp ứng nhu
cầu đào tạo nghề từ ngắn hạn đến cao đẳng nghề tại chỗ cho 100% lao động qua
đào tạo nghề; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo đội ngũ giáo viên, giảng
viên để đáp ứng nhu cầu đào tạo bậc cao đẳng, đại học tại chỗ cho từ 70 - 80%
lao động qua đào tạo, trong đó tập trung đào tạo lại cho mọi ngành nghề, chú trọng
đào tạo và đào tạo lại cho lực lượng cán bộ, công chức ở cơ sở; từng bước liên
kết và phấn đấu tự tổ chức đào tạo trên đại học khi đủ điều kiện.
1.2. Mục tiêu cụ thể:
Từng bước nâng cao chất lượng nguồn
lao động, đến năm 2015 tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 47%. Tiếp tục chuyển dịch
cơ cấu lao động xã hội, với lao động nông lâm thủy sản 52,97%, lao động công
nghiệp - xây dựng 20,57%, lao động dịch vụ 26,46%. Đến năm 2020 tỷ lệ lao động
qua đào tạo đạt 70%; trong đó, lao động được đào tạo nghề chiếm 78,50% và lao động
được đào tạo trong hệ thống giáo dục và đào tạo chiếm 21,50% so tổng số lao động
qua đào tạo; cơ cấu lao động nông lâm thủy sản 45%, lao động công nghiệp - xây
dựng 25% và lao động dịch vụ 30%.
2.
Phương hướng phát triển nhân lực đến năm 2020:
2.1. Phát
triển nhân lực theo bậc đào tạo:
- Nâng cao số lượng nhân lực
được đào tạo theo các cấp trình độ, chú ý nguồn nhân lực chất lượng cao cung ứng
cho các ngành kinh tế chủ lực. Tăng tỷ lệ nhân lực qua đào tạo trong nền kinh tế
với cơ cấu hợp lý:
+ Số lao động
được đào tạo qua hệ thống đào tạo nghề, năm 2015 khoảng 252,98 nghìn người, chiếm
tỷ lệ 78%; năm 2020 khoảng 495,25 nghìn người, chiếm 78,5% so tổng số lao động
qua đào tạo. Số lao động được đào tạo qua hệ thống giáo dục và đào tạo, năm
2015 khoảng 71,33 nghìn người, chiếm 22%; năm 2020 khoảng 110,99 nghìn người,
chiếm 21,50% so tổng số lao động qua đào tạo.
+ Năm 2015, số nhân lực có
trình độ đào tạo ngắn hạn, sơ cấp và công nhân kỹ thuật khoảng 206,85 nghìn người,
chiếm 63,80%; trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề khoảng 60,31 nghìn người,
chiếm 18,60%; cao đẳng nghề, cao đẳng khoảng 20,74 nghìn người, chiếm 6,40%; từ
đại học trở lên khoảng 36,31 nghìn người, chiếm 11,20% so tổng lao động được
đào tạo. Năm 2020, số nhân lực có trình độ đào tạo ngắn hạn, sơ cấp và công
nhân kỹ thuật khoảng 278,25 nghìn người, chiếm 53,9%; trung cấp chuyên nghiệp,
trung cấp nghề khoảng 137,68 nghìn người, chiếm 26,7%; cao đẳng nghề, cao đẳng
khoảng 37,68 nghìn người, chiếm 7,3%; từ đại học trở lên khoảng 62,46 nghìn người,
chiếm 12,1% so tổng lao động được đào tạo.
- Cơ cấu giữa các bậc đào tạo:
Đào tạo ngắn hạn, sơ cấp và công nhân kỹ thuật - Trung cấp chuyên nghiệp và
trung cấp nghề - Cao đẳng nghề và cao đẳng - Đại học trở lên, năm 2015 đạt cơ cấu
giữa các bậc đào tạo: 5,7 - 1,66 - 0,57 - 1, năm 2020 đạt cơ cấu giữa các bậc
đào tạo: 4,45 - 2,21 - 0,60 - 1.
2.2. Xây
dựng mối quan hệ, gắn kết giữa các cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp nhằm nâng
cao hiệu quả công tác đào tạo nghề; đồng thời, phát triển nguồn nhân lực có tay
nghề cao và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực đã được đào tạo.
2.3. Thúc
đẩy xây dựng mối quan hệ giữa người lao động, người sử dụng lao động qua thị
trường lao động thông qua việc nâng cao chất lượng lao động của sàn giao dịch
việc làm và hoạt động của trung tâm giới thiệu việc làm trong tỉnh.
3.
Những giải pháp:
3.1. Công
tác thông tin, tuyên truyền:
Đẩy mạnh công
tác thông tin, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước nhằm
nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về phát triển nhân lực;
mục đích, ý nghĩa của công tác giáo dục và đào tạo, dạy nghề; thực hiện tốt
công tác hướng nghiệp cho học sinh phổ thông. Từng cấp, từng ngành có kế hoạch,
chương trình, giải pháp cụ thể trong phát triển nhân lực.
3.2. Đổi mới
quản lý nhà nước về phát triển nhân lực:
Hình thành bộ
máy trong quản lý phát triển nhân lực để thực hiện đầu mối trong thực hiện quy
hoạch phát triển nhân lực; đổi mới phương pháp quản lý, nâng cao năng lực, hiệu
lực và hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý; cải tiến và tăng cường sự phối hợp
giữa các cấp, các ngành về phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh.
3.3. Đào tạo
và bồi dưỡng nhân lực:
Nâng cao thể lực, tầm vóc của
nhân lực; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong hệ thống trường phổ
thông; tổ chức đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng lao động.
Tiếp tục duy trì và phát triển các đề án đào tạo nhân lực chất lượng cao của tỉnh;
đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng kế hoạch đào tạo phù hợp với nhu cầu sử dụng
và quy hoạch cán bộ. Tiếp tục triển khai đề án thu hút nguồn nhân lực trình độ
cao cho khu vực công.
3.4. Xây dựng,
hoàn thiện các chính sách, công cụ khuyến khích và thúc đẩy phát triển nhân lực:
Chính sách đầu
tư và chính sách chuyển dịch cơ cấu kinh tế; chính sách tài chính và sử dụng ngân
sách cho phát triển nguồn nhân lực, huy động các nguồn lực trong xã hội phát
triển nguồn nhân lực; chính sách phát triển thị trường lao động và hệ thống
công cụ, thông tin thị trường lao động; chính sách việc làm, bảo hiểm, bảo trợ
xã hội, đãi ngộ và thu hút nhân tài.
3.5. Mở rộng,
tăng cường sự phối hợp và hợp tác để phát triển nhân lực:
Tiếp tục thực
hiện chương trình hợp tác giữa Trường Đại học Trà Vinh với Hiệp hội các trường
cao đẳng cộng đồng Canada. Qua đó, thu hút các chuyên gia người nước ngoài, Việt
kiều về giảng dạy tại các trường trên địa bàn tỉnh. Thực hiện hợp tác sâu rộng
trong phối hợp đào tạo nhân lực giữa Trường Đại học Trà Vinh và các trường đại
học, cao đẳng trong toàn quốc, khu vực, nhất là thực hiện hợp tác với các trường
đại học, viện nghiên cứu trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Cần Thơ
để thu hút lực lượng chuyên gia, giáo sư, tiến sĩ tham gia đào tạo nhân lực tại
chỗ.
Nghiên cứu thực hiện cơ chế
thuê, hợp tác, tư vấn đối với chuyên gia đầu ngành (trong và ngoài nước) đối với
các lĩnh vực công nghệ cao phục vụ cho việc xây dựng và phát triển khu kinh tế,
khu công nghiệp của tỉnh.
3.6. Đảm bảo
nguồn vốn phát triển nhân lực:
- Nhu cầu vốn sự nghiệp: Chi
đào tạo nhân lực dự kiến 6.446 tỷ đồng, bao gồm: Giai đoạn 2011 - 2015: 2.338 tỷ
đồng, trong đó, năm 2011: 368 tỷ đồng, năm 2012: 294 tỷ đồng, năm 2013: 504 tỷ
đồng, năm 2014: 560 tỷ đồng và năm 2015: 610 tỷ đồng; giai đoạn 2016 - 2020:
4.109 tỷ đồng, bình quân hàng năm 822 tỷ đồng.
- Nhu cầu vốn đầu tư phát triển: Giai đoạn 2011
- 2015: 1.572 tỷ đồng, trong đó, năm 2011: 137 tỷ đồng, năm 2012: 279 tỷ đồng,
năm 2013: 390 tỷ đồng, năm 2014: 380 tỷ đồng và năm 2015: 385 tỷ đồng; giai đoạn
2016 - 2020: 1.389 tỷ đồng.
- Huy động các nguồn lực đáp ứng nhu cầu đào tạo;
kiến nghị Trung ương tăng định mức chi từ ngân sách Trung ương cho ngành giáo dục
và đào tạo, khoa học - công nghệ và công tác phát triển nhân lực của tỉnh.
- Khai thác, quản lý, sử dụng
có hiệu quả các nguồn vốn; thu hút đầu tư nước ngoài, khuyến khích xã hội hóa
trong công tác phát triển nhân lực trên địa bàn tỉnh; khuyến khích các cơ sở
đào tạo đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất - kỹ thuật, đổi mới nội dung, chương
trình, phương pháp giảng dạy, nâng cao trình độ đội ngũ giảng viên, giáo viên
nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.
3.7. Các
chương trình dự án ưu tiên:
- Xây dựng các công trình, dự án trọng điểm của
ngành giáo dục và đào tạo: Thư viện điện tử Trường Đại học Trà Vinh, nhà ở sinh
viên con em đồng bào Khmer; Khoa Ngôn ngữ,
Văn hóa Nghệ thuật Khmer Nam bộ, Đề án kiên cố trường, lớp học...
- Ưu tiên phát triển, kêu gọi
thu hút doanh nghiệp làm đòn bẩy phát triển nhân lực. Việc xác định danh
mục ưu tiên đầu tư trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 - 2020 là nhu cầu tất yếu,
vừa thỏa mãn nhu cầu tăng trường kinh tế vừa định hướng nhu cầu đào tạo nhân lực.
Trên cơ sở đó, các Sở, ngành tỉnh, các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch đào tạo
nhân lực phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của ngành và địa phương.
3.8. Xây dựng
cơ chế, chính sách khuyến khích đào tạo nhân lực:
- Có cơ chế phù hợp trong bố
trí, sử dụng nguồn nhân lực trẻ được đào tạo cơ bản; tạo điều kiện để công chức,
viên chức trẻ thăng tiến, đề bạt, bổ nhiệm vào các chức vụ lãnh đạo, quản lý.
- Nghiên cứu chính sách phụ
cấp, đãi ngộ đặc biệt (nhà ở, đào tạo,..) cho nhân lực có trình độ cao, tạo điều
kiện để các tài năng nâng cao thu nhập bằng trí tuệ và năng lực của mình.
- Có chính sách thu hút các
cán bộ khoa học - công nghệ trong nước, các chuyên gia là Việt kiều và người nước
ngoài trong các ngành mũi nhọn, lĩnh vực quan trọng.
3.9. Giải pháp về đất đai để
phát triển giáo dục và đào tạo:
Triển khai việc lập quy hoạch sử
dụng đất cho xây dựng và mở rộng quy mô các trường đại học, cao đẳng, trung cấp,
trường phổ thông các cấp bao gồm cả công lập, ngoài công lập, theo từng loại
hình, cấp đào tạo và quy mô đào tạo, trong đó, ưu tiên kêu gọi xã hội hóa trong
đào tạo nhân lực; các Sở chuyên ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
có nhiệm vụ lập quy hoạch, kế hoạch bố trí sử dụng đất cho xây dựng trường đào
tạo các cấp theo tiến trình quy hoạch nhân lực đến 2020, cụ thể trong thực hiện
kế hoạch 5 năm và hàng năm.
3.10. Chính sách đầu tư
và chính sách chuyển dịch cơ cấu kinh tế:
Thu hút đầu tư trong nước và
đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, đặc biệt là giáo dục và
đào tạo chất lượng cao, nghiên cứu vận dụng các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ
trợ về đất đai, thủ tục hành chính, thông tin thị trường cho nhà đầu tư. Quan
tâm, hỗ trợ cho tất cả các trường (không phân biệt loại hình đào tạo) đào tạo
những ngành nghề mà xã hội đang có nhu cầu cao, kinh phí đầu tư lớn nhưng lợi
nhuận thấp; đồng thời, tăng cường quản lý trong các hoạt động đầu tư kinh doanh
dịch vụ trong giáo dục và đào tạo.
Ðiều 2. Tổ chức thực hiện.
1. Sở Kế hoạch
và Đầu tư:
- Xây dựng kế hoạch 5 năm và
hàng năm về phát triển nhân lực, bảo đảm phù hợp với điều kiện phát triển kinh
tế - xã hội của tỉnh.
- Làm đầu mối tổ chức thực hiện
Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Trà Vinh đến năm 2020; hướng dẫn, phối xây dựng
đề án/kế hoạch phát triển nhân lực của các Sở, ngành, địa phương trên cơ sở
phát huy lợi thế tiềm năng của ngành, địa phương.
- Hàng năm phối hợp với Sở Tài
chính đề xuất cân đối ngân sách của địa phương, ngân sách Trung ương hỗ trợ có
mục tiêu và các dự án thuộc chương trình mục tiêu được cấp có thẩm quyền phê
duyệt, tạo điều kiện thuận lợi để các Sở, ngành, huyện, thành phố tổ chức triển
khai dự án đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất cho hệ thống giáo dục và đào tạo
trong tỉnh nhằm đáp ứng mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực.
- Tổng hợp báo cáo kết quả thực
hiện Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Trà Vinh đến năm 2020 theo định kỳ.
2. Sở Lao động
- Thương binh và Xã hội:
- Đẩy mạnh thực hiện đề án quy hoạch mạng lưới đào
tạo nghề. Tiếp tục thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn; xã hội
hóa công tác dạy nghề; xây dựng đề án giải quyết việc làm cho lao động ở các
khu vực phải thu hồi đất do xây dựng các Khu kinh tế Định An, các khu - cụm
công nghiệp và đô thị hóa.
- Tiếp tục thực hiện đề án xuất khẩu lao động; rà
soát bổ sung nhiệm vụ đào tạo nghề đến năm 2020 vào quy hoạch ngành lao
động - thương binh và xã hội phù hợp với thực tế và định hướng mục tiêu quy hoạch
phát triển nhân lực của tỉnh đến năm 2020.
3. Sở Giáo dục
và Đào tạo:
Xây dựng kế hoạch phát triển
giáo dục theo từng thời kỳ cụ thể, thực hiện các chương trình, dự án, đề án nhằm
nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Quan tâm đầu tư trung tâm kỹ thuật tổng
hợp - hướng nghiệp, đáp ứng yêu cầu phát triển chung của tỉnh.
4. Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Gắn quy hoạch phát triển nguồn
nhân lực với xây dựng và thực hiện các đề án phát triển nông nghiệp: Phát triển
chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản giai đoạn 2011 - 2020; chuyển dịch cơ cấu kinh
tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa; chuyển dịch cơ cấu kinh
tế sang nuôi trồng thủy sản; chăn nuôi gia súc gia cầm tập trung; chuyển dịch
cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng công nghệ cao.
- Phối hợp với Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội thực hiện đề án dạy nghề cho lao động nông thôn ngay từ
khâu định hướng quy hoạch, lập kế hoạch triển khai gắn với tiến trình công nghiệp
hóa nông nghiệp, nông thôn.
5. Sở Công
thương:
- Xây dựng quy hoạch, kế hoạch
phát triển nhân lực gắn với khuyến khích hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư chiều
sâu, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh trên thị
trường. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt quy hoạch phát triển thương mại, nhất
là phát triển thương mại nông thôn.
- Xây dựng và phát triển hệ thống
trung tâm thương mại và siêu thị kinh doanh bán lẻ, các ngành hàng hoặc chuyên
doanh. Khuyến khích phát triển hợp tác xã thương mại - dịch vụ ở các huyện để
cung cấp dịch vụ, giống cây trồng, vật nuôi, vật tư kỹ thuật, hàng công nghiệp,
tiêu dùng và tiêu thụ nông sản.
6. Sở Tài
chính:
Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch
và Đầu tư và các cơ quan có liên quan đề xuất, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt
dự toán ngân sách hàng năm, đảm bảo đủ kinh phí thực hiện quy hoạch, kế hoạch;
căn cứ dự toán ngân sách hàng năm, bảo đảm cấp
đủ kinh phí cho chương trình, dự án có liên quan đến giáo dục và đào tạo, dạy
nghề; kiểm tra, giám sát việc sử dụng kinh phí, đảm bảo sử dụng đúng mục đích,
hiệu quả.
7. Sở Y tế:
Đầu tư xây dựng,
nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, đào tạo đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ, nhất
là tuyến y tế cơ sở. Tăng cường công tác nghiên cứu ứng dụng tiến bộ kỹ thuật,
công nghệ tiên tiến trong y học, làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng,
từng bước nâng cao thể lực cho người lao động, thực hiện tốt công tác dân số,
nhất là dân số vùng biển, ven biển, nâng cao thể lực, dân trí và mô hình gia
đình ít con.
8. Các Sở, Ban, ngành tỉnh có liên quan và Ủy ban
nhân dân các huyện, thành phố:
- Trên cơ sở Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh
Trà Vinh đến năm 2020, các định hướng quy hoạch phát triển nhân lực
chuyên ngành của các Bộ, ngành Trung ương, các
Sở, Ban, ngành tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tiến hành
xây dựng, tổ chức triển khai thực hiện các đề án, kế hoạch phát triển nhân lực
của ngành và địa phương mình.
- Ủy ban nhân
dân các huyện, thành phố rà soát, bổ sung và điều chỉnh quy hoạch tổng
thể kinh tế - xã hội của địa phương phù hợp với tình hình thực tế; lồng ghép
các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của quy hoạch phát triển nhân lực với quy hoạch
phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
- Định kỳ hàng
năm các Sở, Ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức đánh giá,
sơ kết, tổng kết theo quy định, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh (thông
qua Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp).
9. Đề nghị Ủy
ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức thành viên, trong phạm vi chức
năng, nhiệm vụ của mình, tham gia triển khai thực hiện Quy hoạch này; đẩy mạnh
công tác thông tin, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước
nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về phát triển
nhân lực.
Điều 3. Quyết định này có hiệu
lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Thủ trưởng các Sở,
Ban, ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chịu trách nhiệm
thi hành Quyết định này./.