Nghị quyết số 280-CP về phát triển sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu vì sự nghiệp công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa do Hội đồng Chính phủ ban hành.

Số hiệu 280-CP
Ngày ban hành 12/10/1977
Ngày có hiệu lực 27/10/1977
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Hội đồng Chính phủ
Người ký Phạm Hùng
Lĩnh vực Xuất nhập khẩu

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 280-CP

Hà Nội, ngày 12 tháng 10 năm 1977 

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT, ĐẨY MẠNH XUẤT KHẨU VÌ SỰ NGHIỆP CÔNG NGHIỆP HÓA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA

I.

Đại hội lần thứ IV của Đảng Cộng Sản Việt Nam đã quyết định đường lối chung về cách mạng xã hội chủ nghĩa và đường lối xây dựng kinh tế trong giai đoạn mới, mà công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trung tâm trong suốt thời kỳ quá độ. Sau khi đã vạch rõ nhiệm vụ của kế hoạch 5 năm 1976-1980 là “tập trung cao độ lực lượng của cả nước, của các ngành, các cấp, tạo ra một bước phát triển vượt bậc về nông nghiệp; ra sức đẩy mạnh lâm nghiệp, ngư nghiệp, phát triển công nghiệp nhẹ và công nghiệp thực phẩm…, nghị quyết Đại hội đã đề ra nhiệm vụ phải tăng nhanh nguồn hàng xuất khẩu, trước hết là sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp nhẹ; mở rộng quan hệ kinh tế với nước ngoài”.

Hội nghị lần thứ hai của Ban chấp hành trung ương Đảng bàn về nông nghiệp cũng quy định rõ ba nhiệm vụ của nông nghiệp là:

- Bảo đảm lương thực, thực phẩm cho xã hội;

- Bảo đảm nguyên liệu nông sản cho công nghiệp;

- Tạo nguồn hàng xuất khẩu.

Những nhiệm vụ phát triển kinh tế to lớn và cấp bách nói trên đặt ra yêu cầu phân bố lại lao động trong cả nước, tổ chức lại sản xuất, xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, trang bị lại cho các ngành kinh tế nhằm phấn đấu hoàn thành về cơ bản quá trình đưa nền kinh tế nước ta từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa trong khoảng hai mươi năm. Từ đó, nhu cầu nhập khẩu thiết bị, vật tư, nhiên liệu, nguyên liệu rất lớn, ngay trong kế hoạch 5 năm 1976-1980 và còn tăng hơn nữa trong các kế hoạch sau, khi chúng ta đi vào xây dựng nền kinh tế quốc dân trên quy mô lớn. Mặc dù được sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa anh em, các nước bạn và các tổ chức quốc tế, công cuộc xây dựng lại đất nước và thực hiện công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa nước nhà chỉ có thể giải quyết bằng con đường dựa vào sức mình là chính, ra sức phát triển sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu.

Cho đến nay xuất khẩu của nước ta còn quá nhỏ. Kim ngạch xuất khẩu chỉ mới bằng 30% kim ngạch nhập khẩu. Hàng xuất khẩu rất manh mún, số lượng từng loại rất ít, phẩm chất nói chung kém, nguồn hàng không ổn định. Ngoài than đá, ta chưa tạo được mặt hàng nào có số lượng lớn và giá trị cao xứng đáng là hàng chủ lực đáp ứng yêu cầu khách hàng trên thị trường thế giới. Cơ cấu hàng xuất khẩu của ta chưa phản ánh đúng tiềm năng kinh tế của đất nước và cũng chưa phù hợp với yêu cầu và xu hướng phát triển của thị trường thế giới.

II.

Đứng trước tình hình và nhiệm vụ mới, công tác xuất khẩu của ta phải được chuyển biến nhanh chóng và rất cơ bản.

Nghị quyết Đại hội lần thứ IV của Đảng Cộng Sản Việt Nam đã vạch rõ: “Tăng nhanh xuất khẩu bằng cách phát huy khả năng lớn của nông nghiệp, lâm nghiệp nhiệt đới, tận dụng khả năng của công nghiệp nhẹ, tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp; đẩy mạnh khai thác một số hải sản và khoáng sản có trữ lượng khá, tiến tới xuất khẩu một số mặt hàng công nghiệp nặng”.

Cả nước phải phấn đấu tăng nhanh tốc độ xuất khẩu hàng năm nhằm đáp ứng với mức ngày càng cao yêu cầu của nhập khẩu, nhanh chóng giảm nhập siêu để sau một thời gian không dài có thể thăng bằng xuất nhập. Trước hết phấn đấu tích cực để đến năm 1985 tổng trị giá xuất khẩu bảo đảm nhập khẩu máy lẻ, phụ tùng, nguyên liệu, nhiên liệu và những hàng tiêu dùng thiết yếu.

Để đạt được mục tiêu chung đó, phải rấp rút quy hoạch và có kế hoạch phát triển sản xuất tập trung, có khối lượng lớn, tạo nguồn hàng xuất khẩu phù hợp với xu hướng phát triển của thị trường thế giới. Trong điều kiện hiện nay phải ra sức phát huy khả năng sẵn có của mọi ngành kinh tế đã và đang tham gia xuất khẩu, mở rộng và cải tiến sản xuất, tăng mạnh thêm số lượng, nâng cao chất lượng hàng hóa xuất khẩu; đồng thời phải tích cực đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất mới theo quy mô lớn và kỹ thuật hiện đại tạo nên những mặt hàng xuất khẩu chủ lực có giá trị cao, có vị trí xứng đáng trên thị trường quốc tế; chú trọng đẩy mạnh các loại hàng xuất khẩu quan trọng sau đây:

1. Về nông sản:

Với 50 vạn hécta đã được trung ương Đảng quyết định dành cho xuất khẩu trong kế hoạch này, Bộ Nông nghiệp và các Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố phải nhanh chóng quy vùng sản xuất, kết hợp việc đẩy mạnh sản xuất các loại nông sản ngắn ngày với việc gấp rút bố trí kế hoạch sản xuất các nông sản dài ngày, tạo nên những vùng chuyên canh sản xuất lớn về nhiều loại sản phẩm, mỗi loại có hàng vạn đến hàng chục vạn tấn với phẩm chất đồng đều, đạt tiêu chuẩn của thị trường thế giới. Trước hết đi đôi với việc bảo đảm lương thực cho nhu cầu xã hội, phải ra sức phát triển: lạc, vừng, đậu tương và các loại đậu khác, dứa, chuối, đay, cói, tơ tằm, thầu dầu, thuốc lá, các cây tinh dầu là những loại cây khắp nơi nhân dân đã quen trồng. Đồng thời dựa trên những nông trường sẵn có của trung ương và địa phương cũng như nông trường của quân đội, những vùng đất đỏ đã được điều tra và quy hoạch, những vùng kinh tế mới… xúc tiến ngay việc mở rộng và phát triển các diện tích trồng các cây cam, bưởi, chanh, chè, cà-phê, ca-cao, hồ tiêu, cao-su, trẩu, sở, lai, cọ dầu…Cần có kế hoạch mở rộng diện tích gieo trồng vụ đông xuân và xem xét những vùng có đất đai thích hợp để trồng các loại rau xuất khẩu, tập trung vào mấy loại như cải bắp hoa, cà chua, dưa chuột, hành tây, tỏi; chú ý phát triển các loại nấm và mộc nhĩ là những mặt hàng dễ sản xuất và có giá trị cao. Cần khoanh vùng phát triển gia súc xuất khẩu (lợn, bò và gia cầm), tích cực cải tạo giống, giải quyết vấn đề chuồng trại, thức ăn và biện pháp miễn dịch.

Ngành nông nghiệp cần chủ động chuẩn bị để trên cơ sở những kết quả đã đạt được trong kế hoạch 5 năm 1976-1980 này, phải cố gắng trong một thời gian ngắn tiếp theo, đưa diện tích các loại cây trồng để xuất khẩu lên 1 triệu hécta; trong bước thứ hai này chú ý nhiều vào cây dài ngày và những cây có giá trị kinh tế cao.

Phấn đấu theo phương hướng trên, toàn bộ nông sản xuất khẩu đến năm 1980-1981 phải bảo đảm được yêu cầu nhập phân bón, xăng dầu, thuốc trừ sâu và phụ tùng cho các máy nông nghiệp và đến năm 1985 phải bảo đảm cân đối được nhu cầu nhập khẩu cho toàn bộ nông nghiệp.

2. Về lâm sản.

Đi đôi với việc bảo đảm nhu cầu trong nước, phải tổ chức khai thác và chế biến tốt các loại lâm sản có khối lượng xuất khẩu lớn, mặt khác dựa trên phân vùng nông nghiệp và lâm nghiệp, phải bảo vệ rừng và xúc tiến trồng các loại cây có hiệu quả kinh tế cao như cây làm giấy và bột sợi… Phải sớm có kế hoạch khai thác hợp lý những dải rừng có nhiều gỗ quý ở miền Nam như lát hoa, thông trắng, gỗ dầu, gỗ có màu sắc đặc biệt, những lâm sản nhiệt đới như quế, hồi, sa nhân, thảo quả, ba kích, cánh kiến trắng và đỏ; phải phát triển trồng và khai thác các cây dược liệu phong phú của ta, tạo ra một nguồn hàng xuất khẩu có giá trị lớn. Phải xây dựng công nghiệp chế biến gỗ, gỗ xẻ, gỗ dán, gỗ lạng, gỗ ép, ván sàn thành phẩm, đồ gỗ gia dụng để tăng giá trị xuất khẩu của gỗ; phải phát triển công nghiệp chưng cất các loại tinh dầu, dầu thông, dầu tùng tiêu, chất chát thuộc da; tận dụng khả năng mây, tre, trúc, nứa, lá cọ, lá buông rất lớn của ta để làm hàng xuất khẩu. Phải tích cực phấn đấu để toàn bộ lâm sản xuất khẩu đến cuối kế hoạch này (1976-1980) đầu kế hoạch sau chẳng những bảo đảm được toàn bộ yêu cầu nhập khẩu của ngành lâm nghiệp mà còn có thêm nguồn tích lũy ngoại tệ để góp phần trang bị cho các ngành kinh tế khác.

3. Về hải sản

Cùng với việc phát triển nhanh các cơ sở đánh bắt, bảo quản và chế biến hải sản, cần phải tổ chức nuôi trên quy mô lớn và theo phương pháp tiên tiến các loại tôm, cá nước lợ, ngọc trai, đồi mồi… Với hơn 3000 cây số bờ biển và với những điều kiện thiên nhiên vô cùng thuận lợi, ngành hải sản phải sớm trở thành một ngành sản xuất những loại hàng xuất khẩu chủ lực, chẳng những bảo đảm nhập khẩu đủ các phương tiện đánh bắt, bảo quản, chế biến và nghiên cứu khoa học để hiện đại hóa ngành mình, mà còn phải tăng tích lũy ngoại tệ của Nhà nước để phát triển nền kinh tế quốc dân.

4. Về sản phẩm công nghiệp nhẹ và công nghiệp thực phẩm.

Cần tận dụng và nâng cao năng lực sản xuất của các cơ sở sẵn có để đẩy mạnh việc gia công xuất khẩu, đồng thời gấp rút xây dựng thêm một số cơ sở mới, hiện đại, có khả năng sản xuất những mặt hàng phẩm chất tốt, đạt tiêu chuẩn kỹ thuật cao, giá thành hạ, có sức cạnh tranh để giữ vững thị trường; chú trọng ngành may mặc; giày dép, cao su, đồ dùng thể dục thể thao, lắp ráp dụng cụ và thiết bị điện tử.

Về công nghiệp thực phẩm cần phát triển rau quả đông lạnh, công nghiệp nước quả, đồ hộp xuất khẩu (dứa, cam, bưởi, đu đủ, cà chua, dưa chuột, nấm, thịt gà, thỏ…).

Tích cực phấn đấu để hàng công nghiệp nhẹ và công nghiệp thực phẩm xuất khẩu đến năm 1980-1981 đủ bảo đảm nhập nguyên liệu và phụ tùng cho ngành mình, và đến năm 1985 tích lũy ngoại tệ có vốn dùng để từng bước đổi mới trang bị.

5. Về sản phẩm tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp.

[...]