Chỉ thị 62-CT năm 1985 thực hiện nhiệm vụ phát triển nguồn hàng xuất và đẩy mạnh xuất khẩu trong thời kỳ 1986-1990 do Hội đồng bộ trưởng ban hành
Số hiệu | 62-CT |
Ngày ban hành | 12/02/1985 |
Ngày có hiệu lực | 27/02/1985 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng |
Người ký | Tố Hữu |
Lĩnh vực | Thương mại,Xuất nhập khẩu |
CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 62-CT |
Hà Nội, ngày 12 tháng 2 năm 1985 |
CHỈ THỊ
VỀ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN NGUỒN HÀNG XUẤT KHẨU VÀ ĐẨY MẠNH XUẤT KHẨU TRONG THỜI KỲ 1986 - 1990.
Thi hành Nghị quyết Đại hội lần thứ 5 và các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, thực hiện các quyết định của Hội đồng Bộ trưởng về chính sách và biện pháp phát triển sản xuất hàng xuất khẩu và tăng cường công tác quản lý xuất nhập khẩu; trong những năm 1981-1984 công tác xuất khẩu bước đầu có chuyển biến; kim ngạch xuất khẩu năm 1984 tăng 80% so với năm 1980; tốc độ tăng xuất khẩu đã vượt hơn nhiều tốc độ tăng tổng sản phẩm xã hội và thu nhập quốc dân, nhưng so với yêu cầu nhập khẩu còn thấp xa. Năm 1980, xuất khẩu mới đáp ứng được 30% nhập khẩu và năm 1983 đáp ứng được 50% nhập khẩu với mức rất hạn chế.
Do kim ngạch xuất khẩu còn nhỏ bé, không đáp ứng được yêu cầu nhập khẩu, nhất là nhập khẩu từ thị trường tư bản chủ nghĩa; chúng ta buộc phải giảm nhập khẩu tới mức quá thấp, dẫn đến sản xuất của một số ngành giảm sút do thiếu nguyên liệu, vật tư, nguyên liệu, xăng dầu, phụ tùng máy móc...
Nghị quyết của Bộ Chính trị về quan hệ kinh tế giữa nước ta với nước ngoài đã chỉ rõ: "Tạo một bước chuyển biến mạnh mẽ về xuất khẩu là vấn đề quan trọng hàng đầu. Cần tăng nhanh, tăng gấp nhiều lần kim ngạch xuất khẩu để vào cuối những năm 80 gần cân bằng được kim ngạch nhập khẩu hàng lẻ và trả một phần nợ đến hạn".
Để thực hiện được một sự chuyển biến mạnh mẽ về xuất khẩu theo tinh thần của các Nghị quyết trên đây, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng chỉ thị cho Uỷ ban kế hoạch Nhà nước, Bộ Ngoại thương và các Bộ, Tổng cục quản lý sản xuất có nhiệm vụ phối hợp với Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố xây dựng nguồn hàng xuất khẩu trong thời kỳ kế hoạch 5 năm 1986-1990 theo phương hướng và mục tiêu sau:
I PHƯƠNG HƯỚNG VÀ MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN CÁC MẶT HÀNG XUẤT KHẨU
1. Phương hướng chung.
Hàng xuất khẩu của ta phần quan trọng và chủ yếu vẫn là hàng nông, lâm ,thủy sản, một phần là hàng thủ công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp dùng nguyên liệu nông, lâm, thuỷ sản và thuộc kinh tế địa phương, tập thể và gia đình. Mặt hàng công nghiệp và khoáng sản chưa nhiều, vì năng lực sản xuất còn nhỏ bé, đòi hỏi vốn đầu tư xây dựng khá lớn và phải có thời gian xây dựng.
Do đó, hướng chính để phát triển nguồn hàng xuất khẩu trong thời gian tới vẫn là các nông, lâm sản nhiệt đới và thuỷ sản (lúc đầu vừa nguyên dạng vừa qua chế biến, tiến dần lên phần lớn là qua chế biến sâu), một số khoáng sản, hàng thủ công mỹ nghệ, hàng gia công, phấn đấu tăng dần sản phẩm công nghiệp, nhất là cơ khí.
2. Phương hướng cụ thể và mục tiêu xuất khẩu.
Về nông sản:
Phải đưa diện tích cây xuất khẩu (có một phần tiêu dùng trong nước) từ 90 vạn hécta năm 1984 lên khoảng 3 triệu hécta năm 1990. Chú trọng phát triển đẩy mạnh cây ngắn ngày , có thị trường tiêu thụ, dễ trồng, chi phí ngoại tệ thấp, mau cho sản phẩm như đậu tương, lạc, đay, thuốc lá, rau quả, các cây tinh dầu... Đối với các cây dài ngày như cao su, cà phê, chè, dừa, đào lộn hột, trẩu... để tăng khối lượng sản phẩm xuất khẩu trong 5 năm này cần có biện pháp thâm canh tăng năng suất trên diện tích trồng đến năm 1984; mặt khác cần tích cực mở rộng diện tích trồng mới để có thêm nhiều sản phẩm xuất khẩu vào năm 1990 và nhất là cho 5 năm tiếp theo.
Về chỉ tiêu diện tích sản xuất và xuất khẩu một số cây con quan trọng của kế hoạch 1986-1990. Sau khi cùng các ngành xem xét kỹ các phương án, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước cùng Bộ Ngoại thương lập và trình Hội đồng Bộ trưởng các chỉ tiêu cụ thể về diện tích sản xuất và khối lượng sản phẩm xuất khẩu các cây, con quan trọng như đỗ tương, lạc, đay, thuốc lá, rau quả, các cây tinh dầu và cây có dầu, cao su, cà phê, chè, đào lộn hột, dừa, trẩu, thịt và sản phẩm thịt, v.v...
Về thuỷ, hải sản: Đi đôi việc đánh bắt, cần tích cực mở rộng việc nuôi tôm xuất khẩu và đẩy mạnh xuất khẩu thuỷ, hải sản khác để có thể đạt kim ngạch xuất khẩu 20 triệu Rúp/US vào năm 1990.
Về lâm sản: Việc xuất khẩu gỗ và các sản phẩm chế từ gỗ bị hạn chế vì ta thiếu gỗ. Vì vậy phải đẩy mạnh xuất khẩu các đặc sản như quế, trầm hương, cánh kiến, tùng hương v.v... để có thể đạt kim ngạch xuất khẩu chung của nhóm hàng này 50 triệu Rúp/US vào năm 1990; ngoài ra cần chú trọng bảo vệ và phát triển các nguyên liệu dùng cho tiểu, thủ công nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu như mây, song, tre v.v...
Về công nghiệp nhẹ và thủ công nghiệp:
Dựa vào thế mạnh về lực lượng lao động dồi dào, có nhiều ngành, nghề truyền thống để mở rộng xuất khẩu. Trước hết cần chú trọng những ngành nghề sản xuất bằng nguyên liệu trong nước như sứ, gốm, sơn mài, điêu khắc, mỹ nghệ, mây tre, các mặt hàng bằng cói, bẹ ngô, xơ dừa...; đồng thời mở rộng việc gia công bằng nguyên liệu nhập khẩu như hàng may mặc, dệt kim, thảm len, thêu ren, dụng cụ cầm tay và sản phẩm cơ khí khác, lắp ráp điện tử, v.v... để đưa tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng công nghiệp nhẹ, tiểu thủ công nghiệp trong tổng kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước từ 26 đến 27 % năm 1984 lên trên 30% năm 1990.
Về công nghiệp nặng và khoáng sản:
Trước mắt, các mặt hàng thuộc công nghiệp nặng và khoáng sản chưa tham gia vào xuất khẩu được nhiều , vì đòi hỏi vốn đầu tư xây dựng lớn phải có thời gian xây dựng. Nhưng phải chuẩn bị tích cực để đẩy mạnh xây dựng vào 5 năm tiếp theo; chuẩn bị xuất khẩu lớn vào năm 1995 trở đi. Trong 5 năm 1986-1990, dựa trên cơ sở đã có, cần dành một phần sản phẩm cho xuất khẩu như than, thiếc, apatít, cromít...
3. Để nhanh chóng phát triển nguồn hàng xuất khẩu, đáp ứng mục tiêu và phương hướng trên đây, cần vận dụng rộng rãi hình thức Trung ương và địa phương cùng làm, Nhà nước và nhân dân cùng làm; phát triển liên kết, liên doanh giữa các ngành Trung ương với địa phương và giữa các địa phương với nhau; đặc biệt cần phát huy thế mạnh về công nghiệp , về chế biến của các thành phố lớn như thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, v.v...
Trong điều kiện vốn trong nướo có hạn, cần gia sức tranh thủ sự hợp tác quốc tế trên nguyên tắc cùng có lợi để tăng nguồn đầu tư phát triển sản xuất hàng xuất khẩu dưới các hình thức vay vốn đầu tư trả bằng sản phẩm, hợp tác gia công, hợp tác sản xuất , liên doanh và các hình thức khác.
II. PHÂN CÔNG THỰC HIỆN
1. Các Bộ và Tổng cục được phân công mặt hàng dưới đây, chịu trách nhiệm nghiên cứu xây dựng đề án phát triển sản xuất và xuất khẩu đến năm 1990. Trong các đề án phải chú trọng tính toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản một cách chặt chẽ, phương thức huy động vốn (vốn vay nước ngoài, vốn của Trung ương, địa phương,v.v...), chính sách khuyến khích xuất khẩu và hiệu quả xuất khẩu.
Các Bộ, Tổng cục được phân công cũng sẽ là chủ đầu tư các công trình và có nhiệm vụ chỉ đạo thực hiện các đề án đó.
Bộ Công nghiệp thực phẩm: Rau quả, hợp tác với Liên Xô, chè, thuốc lá, rượu, dừa, mía đường.
Bộ Công nghiệp nhẹ: Hàng dệt, may, đay và sản phẩm đay.
Bộ Nông nghiệp: Cà phê, lạc, đỗ tương, tơ tằm, thịt và sản phẩm thịt.
Bộ Thuỷ sản: Tôm, mực, các thuỷ, hải sản khác.
Bộ Lâm nghiệp: Gỗ, trẩu, quế, đào lộn hột và các đặc sản rừng khác.
Bộ Cơ khí và luyện kim: Thiếc, sản phẩm cơ khí.
Tổng cục Cao su: Cao su.
Bộ Ngoại thương: Hàng thủ công mỹ nghệ, hàng mây tre, hàng kho tàng ở bến cảng.
Các đề án nói trên cần hoàn thành trong tháng 2 năm 1985 và gửi cho Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Ngoại thương và Tổ chức kinh tế đối ngoại của Hội đồng Bộ trưởng.
2. Để nghiên cứu việc phát triển nguồn hàng xuất khẩu trong thời kỳ kế hoạch 1986-1990 và chiến lược xuất khẩu của nước ta, nay thành lập Tiểu ban xuất khẩu của Hội đồng Bộ trưởng do đồng chí Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Trần Quỳnh chỉ đạo, gồm có lãnh đạo của một số Bộ, Tổng cục sau đây:
- Bộ Ngoại thương: Đồng chí Lê Khắc.
- Uỷ ban Ké hoạch Nhà nước: Đồng chí Đậu Ngọc Xuân.
- Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng: Đồng chí Nguyễn Văn Ích.
- Bộ Công nghiệp thực phẩm: Đồng chí Lưu Thị Phương Mai.
- Bộ Công nghiệp nhẹ: Đồng chí Trần Quang Sừng.
- Bộ Nông nghiệp: Đồng chí Tống Trần Đào.
- Bộ Thuỷ sản: Đồng chí Nguyễn Hồng Cẩn.
- Bộ Lâm nghiệp: Đồng chí Trần Hữu Quang.
- Bộ Cơ khí và luyện kim: Đồng chí Trần Lum.
- Tổng cục Cao su: Đồng chí Đỗ Văn Nguyện.
- Tổng cục Điện tử: Đông chí Trịnh Đông A.
- Bộ Tài Chính: Đồng chí Ngô Thiết Thạch.
- Ngân hàng Nhà nước: Đồng chí Lê Hoàng.
3. Tiểu ban xuất khẩu có trách nhiệm nghiên cứu chiến lược xuất khẩu của nước ta và xem xét, phân tích các đề án và có kiến nghị với Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng về các đề án đó trong tháng 2 năm 1985.
4. Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước dựa trên kiến nghị của Tiểu ban xuất khẩu và ý kiến của các Bộ để đưa vào kế hoạch Nhà nước hàng năm (trước mắt là kế hoạch năm 1985) và 5 năm, trình Hội đồng Bộ trưởng quyết định. Sau khi có quyết định của Hội đồng Bộ trưởng, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước giao chỉ tiêu kế hoạch cho các Bộ, Tổng cục và các ngành liên quan thực hiện. Bộ Ngoại thương nghiên cứu trình Hội đồng Bộ trưởng về bổ sung, sửa đổi chính sách khuyến khích sản xuất hàng xuất khẩu và tăng cường công tác quản lý xuất nhập khẩu, theo tinh thần và nội dung Nghị quyết lần thứ 6 của Ban chấp hành Trung ương Đảng và Nghị quyết 19 của Bộ Chính trị.
5. Bộ Ngoại thương tổ chức các buổi họp hàng tháng cùng với các Bộ, Tổng cục liên quan nói ở trên, kiểm điểm việc đã thực hiện và vạch chương trình cho thời gian tới, kịp thời kiến nghị giải quyết những vấn đề vướng mắc trong việc thực hiện.
|
Tố Hữu (Đã ký)
|