NGHỊ QUYẾT
ĐIỀU CHỈNH
QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NGÀNH CÔNG NGHIỆP TỈNH TIỀN GIANG ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG
ĐẾN NĂM 2030
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH TIỀN GIANG
KHÓA IX - KỲ HỌP THỨ 5
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6
năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9
năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển
kinh tế - xã hội;
Căn cứ Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01
năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày
07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát
triển kinh tế - xã hội;
Căn cứ Quyết định số 880/QĐ-TTg ngày 09 tháng 6
năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành
công nghiệp Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
Căn cứ Thông tư số 05/2013/TT-BKHĐT ngày 31 tháng
10 năm 2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt,
điều chỉnh và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch
ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu;
Căn cứ Thông tư số 50/2015/TT-BCT ngày 28 tháng 12
năm 2015 của Bộ Công Thương quy định nội dung, trình tự, thủ tục lập, thẩm định,
phê duyệt, công bố, quản lý quy hoạch phát triển ngành công nghiệp và thương mại;
Xét Tờ trình số 309/TTr-UBND ngày 10 tháng 11 năm
2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết
thông qua điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp tỉnh Tiền Giang đến
năm 2020, định hướng đến năm 2030; Báo cáo thẩm tra số 99/BC-HĐND ngày 29 tháng
11 năm 2017 của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận
của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Điều
chỉnh Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp tỉnh Tiền Giang đến năm 2020, định
hướng đến năm 2030, với những nội dung chủ yếu sau:
1. Quan điểm, mục tiêu phát triển
a) Quan điểm phát triển
Phát triển công nghiệp tỉnh phù hợp với Quy hoạch
phát triển kinh tế - xã hội và quy
hoạch phát triển các ngành kinh tế của tỉnh; phù hợp phát triển công nghiệp Vùng đồng bằng sông Cửu
Long, Vùng kinh
tế trọng điểm phía Nam và cả nước, gắn với quá trình hội nhập kinh tế khu vực và thế giới. Trong đó tập trung phát triển các ngành, sản
phẩm công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, có thị trường tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ
trợ; các ngành công nghiệp công nghệ cao, các sản phẩm chế biến sâu, có giá trị
gia tăng cao. Phát triển công nghiệp phải
gắn kết hài hòa với các hoạt động dịch vụ, du lịch, nông nghiệp và môi trường
sinh thái, đảm bảo quốc phòng, an ninh và giải quyết các vấn đề xã hội.
b) Mục tiêu phát triển
- Mục tiêu tổng quát
+ Giai đoạn đến năm 2020: Tập trung đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng một số
khu công nghiệp, cụm công nghiệp, ưu tiên tạo các điều kiện cần thiết và thuận lợi để thu hút đầu tư và
phát triển các dự án công nghiệp; thu hút các doanh nghiệp có ngành nghề phù hợp
với lợi thế địa phương, đồng thời tiếp nhận các ngành công nghiệp ít gây ô nhiễm
môi trường, có hiệu quả cao, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong
và ngoài nước.
+ Giai đoạn 2021 - 2030: Tiếp tục tập trung hoàn thiện
hạ tầng các khu công nghiệp và cụm công nghiệp; ưu tiên lựa chọn dự án có hiệu
quả đầu tư cao, có hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường tiên tiến; không tiếp nhận
các ngành công nghiệp gây ô nhiễm môi trường cao; sắp xếp và tổ chức lại sản xuất
một số ngành, sản
phẩm công nghiệp
theo hướng đảm bảo phát triển ổn định, bền vững.
- Mục tiêu cụ thể
+ Giai đoạn 2016 - 2020: Giá trị gia tăng ngành công
nghiệp tăng trưởng 16,5%/năm, tỷ trọng ngành công nghiệp tăng từ 21,6% (năm
2015) lên 28,9% vào năm 2020; mức tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp
khoảng 18,2%/năm, giá trị sản xuất công nghiệp đến năm 2020 đạt 149.950 tỷ
đồng, gấp 2,3 lần so với năm 2015 (theo giá so sánh 2010).
+ Giai đoạn 2021 - 2030: Giá trị gia tăng ngành công
nghiệp tăng trưởng 14,5%/năm, tỷ trọng ngành công nghiệp tăng từ 28,9% (mức
phấn đấu năm 2020) lên 44,7% vào năm 2030; mức tăng trưởng giá trị sản xuất
công nghiệp khoảng 11%/năm, giá trị sản xuất công nghiệp đến năm 2030 đạt
425.800 tỷ đồng, gấp 2,8 lần so với mức dự báo của năm 2020 (theo giá so sánh
2010).
c) Lựa chọn các ngành, sản phẩm công nghiệp khuyến khích phát triển
- Nhóm ngành, sản phẩm công nghiệp khuyến khích ưu
tiên phát triển;
+ Chế biến thực phẩm, đồ uống (xay xát lương thực; chế
biến hoa quả; chế biến thủy sản; thức ăn chăn nuôi…).
+ Dệt may - da giày (sản phẩm dệt; quần áo các loại;
giày dép các loại; túi xách, va ly, mũ…).
+ Ngành cơ khí và sản xuất sản phẩm kim loại (sửa chữa và đóng tàu; cơ khí lắp
ráp và chế tạo máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp).
+ Điện - điện tử (thiết bị điện; lắp ráp sản phẩm điện
tử các loại…).
+ Công nghiệp hỗ trợ (sản phẩm dệt may - da giày; chế biến thức ăn chăn nuôi;
cơ khí, sản xuất kim loại; điện tử, thiết bị điện)…
- Nhóm ngành, sản phẩm công nghiệp duy trì phát triển
và mở rộng hợp lý
+ Sản xuất vật liệu xây dựng (gạch xây dựng các loại, vật liệu xây dựng không nung...).
+ Chế biến gỗ, giấy (đồ gỗ dân dụng; sản phẩm gỗ, giấy
các loại).
+ Công nghiệp hóa chất.
+ Công nghiệp khai thác khoáng sản.
+ Công nghiệp sản xuất và phân phối điện, nước.
- Nhóm ngành, sản phẩm công nghiệp phục vụ phát triển
nông nghiệp
+ Sản xuất phân bón các loại, thuốc thú y, thuốc bảo
vệ thực vật.
+ Cơ khí gia công, sửa chữa phục vụ sản xuất nông
nghiệp, nông thôn.
+ Các ngành tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề truyền
thống (chế biến, sơ chế thủy hải sản;
sản phẩm dệt, đan lát, mây tre đan; cơ khí nhỏ; chạm khắc; bánh, bún…).
2. Nội dung quy hoạch
a) Quy hoạch phát triển một số ngành
công nghiệp chủ yếu
- Công nghiệp chế biến thực phẩm, đồ
uống
Tốc
độ tăng trưởng của ngành chế biến thực phẩm, đồ uống giai đoạn 2016 -2020 đạt khoảng 14,9%/năm và giai
đoạn 2021 - 2030 đạt 10,8%/năm. Đóng góp giá trị sản xuất công nghiệp của ngành
chiếm khoảng 56,2% vào năm 2020 và trong giai đoạn 2021 - 2030 sẽ chiếm khoảng 55,1%.
- Công nghiệp dệt may - da giày
Tốc độ tăng trưởng ngành dệt may - da giày đạt khoảng 25,0%/năm trong giai đoạn 2016 - 2020 và đạt khoảng 8,5%/năm trong
giai đoạn 10 năm 2021 - 2030. Tỷ trọng của ngành trong giai đoạn 2016 - 2020, đạt 21,5% và khoảng 17,0% trong giai đoạn 2026 - 2030.
- Cơ khí, sản xuất sản phẩm kim loại
và điện tử
Giai
đoạn 2016 - 2020 tốc độ tăng trưởng đạt 23,0%/năm và khoảng 14,3%/năm trong
giai đoạn 2021 - 2030. Tỷ trọng của ngành chiếm khoảng 14,8% trong giai đoạn
2016 - 2020 và trong giai đoạn đến năm 2030 sẽ đóng góp khoảng 19 - 20% trong
tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh.
- Công nghiệp hóa chất
Tốc độ tăng trưởng của ngành đạt khoảng 25%/năm trong giai đoạn 2016 - 2020 và đạt khoảng
12,5% giai đoạn 2021 - 2030. Đóng góp của ngành trong giá trị sản xuất công
nghiệp của tỉnh đến năm 2020 chiếm khoảng 5,4% và đến năm 2030 sẽ chiếm khoảng
6,2%.
- Công nghiệp sản xuất vật liệu xây
dựng
Tốc
độ tăng trưởng về giá trị công nghiệp bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt
khoảng 9,5%/năm và đạt 8,0%/năm trong giai đoạn 2021 - 2030.
- Công nghiệp chế biến gỗ, giấy
Tốc độ tăng trưởng bình quân
giai đoạn 2016 - 2020 tăng khoảng 10,0%/năm và khoảng
9,0%/năm trong giai đoạn 2021 - 2030.
- Công nghiệp sản xuất và phân phối
điện, nước
+ Công nghiệp sản xuất và phân phối
điện
Nhu cầu
điện thương phẩm cho phát triển công nghiệp và xây dựng của tỉnh sẽ tăng trưởng
19,9%/năm trong giai đoạn 2016 - 2020 và đạt khoảng 2,0%/năm trong giai đoạn
2021 - 2030.
+ Công nghiệp sản xuất và phân phối
nước
Nhu cầu dùng nước của tỉnh đến năm 2020 khoảng
502.500 m3/ngày đêm. Trong đó, nước dùng cho sản xuất (phục vụ cho
khu công nghiệp và cụm công nghiệp) cần khoảng 331.500 m3/ngày đêm.
Giai đoạn đến năm 2030, dự kiến nhu cầu công suất sử
dụng nước toàn tỉnh đạt khoảng 743.200 m3/ngày đêm, trong đó nước phục
vụ cho hoạt động của khu công nghiệp và cụm công nghiệp cần khoảng 441.500 m3/ngày
đêm.
- Công nghiệp khai thác khoáng sản
Nhu cầu cát san lấp của tỉnh đến năm 2020 cần khoảng 4,7 triệu m3; tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất
công nghiệp của ngành khai thác khoáng sản trong giai đoạn 2016 - 2020 sẽ tăng khoảng 5,0%/năm và dự kiến nhu cầu tăng khoảng 30,0%/năm trong giai
đoạn 2021 - 2030.
b) Quy hoạch phát triển khu, cụm
công nghiệp
- Quy hoạch phát triển khu công nghiệp
+ Giai đoạn đến năm 2020:
Hoạt động ổn định Khu công nghiệp Mỹ Tho (thành phố
Mỹ Tho) và Khu công nghiệp Tân Hương (huyện Châu Thành).
Tiếp tục hoàn thiện hạ tầng KCN Long Giang (huyện Tân
Phước), phấn đấu lấp đầy 100% diện
tích đất công nghiệp.
Nghiên cứu, thực hiện các thủ tục kêu gọi và thu hút doanh nghiệp đầu
tư hạ tầng Khu công nghiệp Tân Phước I, Tân Phước II (huyện Tân Phước) phù hợp.
Kêu gọi và thu hút doanh nghiệp đầu tư hạ tầng Khu
công nghiệp Bình Đông (thị xã Gò Công); hoàn thành cơ bản hạ tầng (đường giao thông, hệ thống điện,
hệ thống cấp, thoát nước và xử lý nước thải...) phấn đấu thu hút đầu tư các dự án
công nghiệp và lấp đầy khoảng 40% diện tích đất công nghiệp.
Hoàn thành việc tiếp nhận Khu công nghiệp Dịch vụ Dầu khí Soài Rạp (huyện Gò
Công Đông); tổ chức mời gọi đầu tư để sớm triển khai đầu tư hạ tầng và thu hút
doanh nghiệp thứ cấp đầu tư phát triển khu công nghiệp.
+ Giai đoạn 2021 - 2030: Tiếp tục triển khai hoàn thiện
cơ sở hạ tầng và thu hút lấp đầy diện tích các khu công nghiệp đang hoạt động
hoặc đã triển khai xây dựng hạ tầng ở giai đoạn trước và đầu tư mở rộng diện
tích khi có nhu cầu. Chú trọng công tác xử lý môi trường theo đúng các tiêu
chuẩn hiện hành của Nhà nước trong quá trình hoạt động và sản xuất của khu công
nghiệp; khuyến khích các cơ sở công
nghiệp đổi mới công nghệ sản xuất. Thu hút đầu tư các ngành nghề tạo ra các sản
phẩm công nghiệp theo hướng công nghệ cao và có giá trị gia tăng lớn.
- Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp
Trong giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm
2030, phát triển 27 cụm công
nghiệp với tổng diện tích 1.007 ha (bao gồm cả 04 cụm công nghiệp đang hoạt
động với tổng diện tích 109 ha).
+ Giai đoạn đến năm 2020: Tổng diện tích đất sẽ quy hoạch cho các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh
phát triển trong giai đoạn 2016 - 2020 là 545 ha và sẽ được
thu hút đầu tư theo giai đoạn. Ổn định hoạt động và thu hút doanh nghiệp đầu tư
lấp đầy diện tích đất công nghiệp của 04 cụm công nghiệp đang hoạt động với
tổng diện tích quy hoạch 109 ha. Xem xét, thành lập mới và thu hút đầu tư phát triển theo giai đoạn 11
cụm công nghiệp với tổng diện tích quy hoạch là 436 ha phù hợp.
+ Giai đoạn 2021 - 2030: Tiếp tục đầu tư phát triển hạ
tầng và thu hút các doanh nghiệp sản xuất vào cụm công nghiệp chưa được lấp đầy
diện tích đất công nghiệp. Tùy theo nhu cầu phát triển công nghiệp, từng bước
đưa các cụm công nghiệp vào xây dựng hạ tầng và thu hút đầu tư đáp ứng nhu cầu
của doanh nghiệp trên địa bàn các địa phương (gồm 12 cụm công nghiệp còn lại với tổng diện tích 462,3 ha).
c) Quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ
trợ
Định
hướng phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh gồm: Công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may da giày; công nghiệp hỗ trợ
nguyên liệu phục vụ sản phẩm thức ăn chăn nuôi; công nghiệp hỗ trợ phục vụ công
nghiệp cơ khí và sản xuất sản phẩm kim loại; công nghiệp hỗ trợ phục vụ công
nghiệp điện tử, thiết bị điện.
d) Dự báo nhu cầu vốn đầu tư
Nhu cầu vốn đầu tư cho ngành công nghiệp trong giai
đoạn phát triển 2016 - 2020 là 50.000 - 55.000 tỷ đồng và
giai đoạn 2021 - 2030 là 250.000 - 270.000 tỷ đồng, chủ yếu là vốn thu hút đầu tư.
3. Các giải pháp chủ yếu
a) Giải pháp quản lý nhà nước
Đổi
mới công tác quản lý nhà nước về công nghiệp. Xây dựng cơ chế, chính sách ưu
đãi, hỗ trợ, khuyến khích đầu tư phù hợp, nhất là đầu tư theo hướng xã hội hóa,
đầu tư tại các khu vực có điều kiện khó khăn;
Đẩy
mạnh cải cách hành chính, thực hiện cải cách đồng bộ trong lĩnh vực đầu tư,
đăng ký kinh doanh, đất đai… đúng pháp luật và theo hướng tạo thuận lợi nhất
cho người dân và doanh nghiệp;
Đào
tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, thái độ phục vụ… của cán bộ, công
chức, nhất là khi làm việc với nhà đầu tư, doanh nghiệp. Kiện toàn tổ chức (bộ
máy, nhân sự) đáp ứng nhu cầu quản lý nhà nước về công nghiệp (tỉnh, huyện,
thị, thành phố); tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và xác định rõ chức
năng, nhiệm vụ của các cơ quan Nhà nước trong công tác phục vụ người dân và
doanh nghiệp, lấy kết quả phục vụ người dân, doanh nghiệp là tiêu chí đánh giá.
b) Giải pháp thu hút đầu tư
Đổi
mới công tác xúc tiến đầu tư, tập trung xúc tiến trực tiếp với các tập đoàn,
tổng công ty lớn; sẵn sàng hạ tầng cả trong và ngoài hàng rào khu, cụm công
nghiệp để mời gọi đầu tư, giải quyết nhanh, kịp thời các vướng mắc trong giải
phóng mặt bằng thực hiện dự án. Vận dụng phù hợp các cơ chế chính sách của
Trung ương ban hành, kết hợp với cơ chế, chính sách của tỉnh để có sức hấp dẫn
các nhà đầu tư. Mở
rộng quan hệ hợp tác đầu tư, thương mại với các tỉnh trong Vùng kinh tế, đặc
biệt là với Thành phố Hồ Chí Minh và Thành phố Cần Thơ; hình thành thị trường
vốn, liên kết, liên danh phát triển các ngành có lợi thế của tỉnh.
c) Đào tạo và phát triển nguồn nhân
lực
Mở
rộng mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và thay đổi cơ cấu đào tạo nghề
theo nhu cầu của thị trường lao động để đảm bảo việc làm và thu nhập cho sinh
viên, học viên ra trường. Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề theo hướng xã hội hóa,
đa dạng hóa hình thức đào tạo, linh hoạt và thiết thực. Tăng cường việc liên kết
đào tạo nghề với các cơ sở đào tạo có uy tín, chất lượng của Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương có thế
mạnh. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp liên kết đào tạo
nghề với các cơ sở đào tạo của tỉnh và ngoài tỉnh. Mở rộng và nâng cao chất
lượng hoạt động xúc tiến việc làm.
d)
Phát triển cơ sở hạ tầng và khu, cụm công nghiệp
Xây dựng kế hoạch sử dụng đất với định hướng dài hạn;
áp dụng linh hoạt, phù hợp các hình thức cho thuê đất, giao đất và chuyển
nhượng quyền sử dụng đất để đáp ứng yêu cầu về mặt bằng cho sản xuất công
nghiệp. Định kỳ rà soát và đánh giá lại nhu cầu và sử dụng mặt bằng sản xuất
của các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất để thực hiện điều chỉnh, điều chuyển, bổ
sung đất cho phù hợp với tình hình thực tế. Đầu tư kết cấu hạ tầng phát triển
công nghiệp, huy động nguồn lực đầu tư đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Cần ưu tiên bố
trí nguồn vốn ngân sách hàng năm để phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật ngoài
hàng rào, đồng thời tập trung đầu tư hạ tầng xã hội, ưu tiên trước cho khu vực
có khu công nghiệp, cụm công nghiệp sử dụng
nhiều lao động, đã có doanh nghiệp hoạt động hoặc nhiều doanh nghiệp đăng ký.
e) Giải pháp về khoa học và công nghệ
Đẩy
mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ phục vụ
sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần tăng năng suất, chất lượng,
hiệu quả và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp và tiểu thủ công
nghiệp. Xã hội hóa các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học, khuyến khích
các thành phần kinh tế tham gia các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ
sinh học, công nghệ vật liệu mới và công nghệ thông tin trong sản xuất các sản
phẩm có chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài
nước.
g) Giải pháp về môi trường
Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các thành
phần kinh tế tham gia các dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn
(bao gồm chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn sản xuất). Tăng cường công
tác thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất về lĩnh vực môi
trường; khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng công nghệ thân thiện môi trường,
tiêu tốn ít năng lượng, giảm phát thải hiệu ứng nhà kính…
Điều 2. Tổ chức thực
hiện
Giao
Ủy ban nhân dân tỉnh hoàn chỉnh, phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch và tổ chức thực
hiện Nghị quyết.
Giao
Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh và đại
biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân
dân tỉnh Tiền Giang Khóa IX, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 08 tháng 12 năm 2017
và có hiệu lực từ ngày thông qua./.