Nghị quyết 21/2006/NQ-HĐND thực hiện nhiệm vụ kế hoạch Kinh tế - Xã hội, Quốc phòng - an ninh năm 2006 do Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Long khóa VII, kỳ họp thứ 6 ban hành

Số hiệu 21/2006/NQ-HĐND
Ngày ban hành 16/02/2006
Ngày có hiệu lực 26/02/2006
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Vĩnh Long
Người ký Phan Đức Hưởng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Văn hóa - Xã hội

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH LONG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 21/2006/NQ.HĐND

Vĩnh Long, ngày 16 tháng 02 năm 2006

 

NGHỊ QUYẾT

"VỀ VIỆC THỰC HIỆN NHIỆM VỤ KINH TẾ - XÃ HỘI, QUỐC PHÒNG - AN NINH NĂM 2006"

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH VĨNH LONG
KHÓA VII, KỲ HỌP THỨ 6

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003.

Sau khi xem xét báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh, các ngành bảo vệ pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ Kinh tế - Xã hội, Quốc phòng - An ninh năm 2005 và phương hướng nhiệm vụ phát triển Kinh tế - Xã hội, Quốc phòng - An ninh năm 2006, thông báo của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh tham gia xây dựng chính quyền, báo cáo thẩm tra của các Ban, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh thảo luận và thống nhất,

QUYẾT NGHỊ:

Hội đồng nhân dân tỉnh nhất trí với kết quả và đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ Kinh tế - Xã hội, Quốc phòng - an ninh năm 2005, những biện pháp chủ yếu để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ kế hoạch Kinh tế - Xã hội, Quốc phòng - an ninh năm 2006 với các chỉ tiêu và giải pháp được nêu trong báo cáo, đồng thời nhấn mạnh một số vấn đề sau:

I. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NĂM 2005:

Trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động về chính trị, tình hình trong nước nói chung cũng như của tỉnh nói riêng còn gặp nhiều khó khăn, nhưng dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự giám sát của Hội đồng Nhân dân, sự chỉ đạo điều hành của Ủy ban nhân dân tỉnh và phấn đấu của các ngành, các cấp và nhân dân trong tỉnh, kinh tế tỉnh nhà tiếp tục phát triển và đạt mức tăng trưởng khá so cùng kỳ năm trước, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2005 tăng 10,65%. Giá trị sản xuất nông, ngư nghiệp tăng 5,52%, công nghiệp - xây dựng tăng 23,10% và dịch vụ tăng 12,35%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển biến theo hướng tích cực. Khu vực nông, ngư nghiệp trong GDP chiếm 53,38%, giảm 1,42% so với năm 2004. Khu vực công nghiệp – xây dựng chiếm 15,49%, tăng 1,21% so năm 2004. Dịch vụ tăng 31,13% so cùng kỳ năm 2004 tăng 0,53%. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 160 triệu USD tăng 77,33%, Tổng thu ngân sách trên địa bàn 901,5 tỷ đồng, tổng chi ngân sách địa phương 1.025,85 tỷ đồng. Tổng vốn huy động đầu tư xã hội 2.680 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng, GDP bình quân đạt 7,6 triệu đồng (Nghị quyết là 7,2 - 7,4 triệu đồng) có 16/19 chỉ tiêu nghị quyết đề ra đạt và vượt, đời sống vật chất và tinh thần của người dân đã được nâng lên một bước, quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được giữ vững và ổn định.

Sản xuất nông nghiệp tốc độ phát triển khá do sự chuyển dịch kinh tế trong nội bộ ngành đúng hướng và có hiệu quả, nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả, giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích ngày càng tăng.

Sản xuất công nghiệp tăng khá, trong đó khu vực kinh tế dân doanh có mức độ tăng trưởng cao. Khu công nghiệp Hoà Phú đã được nhiều nhà đầu tư vào xây dựng và có một số nhà máy đã đi vào sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp Bình Minh tiếp tục triển khai xây dựng. Các ngành dịch vụ tiếp tục phát triển.

Các chính sách của Đảng, Nhà nước cũng như của tỉnh ngày càng hoàn thiện và thông thoáng tạo được sự chủ động cho địa phương và cho cơ sở.

Bên cạnh đó nền kinh tế của tỉnh cũng còn những khó khăn tồn tại như: Sản xuất nông nghiệp tuy có tốc độ tăng trưởng khá nhưng chuyển dịch cơ cấu trong nội bộ ngành còn chậm. Thị trường hàng hóa nông sản thiếu ổn định, sức cạnh tranh hạn chế. Sản xuất công nghiệp tăng trưởng nhưng chưa vững chắc, chưa phát huy hết tiềm năng hiện có. Các mặt hàng xuất khẩu chưa phát triển nhiều. Trái cây đến nay vẫn chưa có thị trường xuất khẩu. Hội nhập kinh tế quốc tế chưa được quan tâm trong cả nhận thức và chuẩn bị cụ thể. Đầu tư xây dựng cơ bản, công tác quy hoạch chậm, chưa đạt kế hoạch đề ra. Đời sống vật chất, tinh thần của một bộ phận dân cư vùng sâu, vùng xa còn khó khăn. Một số tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp, hiện tượng băng nhóm quấy rối xuất hiện ở nông thôn, mại dâm, tai nạn giao thông còn xảy ra.

II. NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, QUỐC PHÒNG - AN NINH, NĂM 2006

Năm 2006 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, Đại hội Tỉnh Đảng bộ lần VIII, có ý nghĩa rất quan trọng trong kế hoạch 5 năm 2006 - 2010. Đây là năm có vai trò đột phá trong việc thực hiện kế hoạch 5 năm 2006-2010.

Đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế toàn diện, đồng bộ và hiệu quả, sử dụng, quản lý chặt chẽ vốn đầu tư và các công trình xây dựng cơ bản. Quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Chuẩn bị các điều kiện để đáp ứng tốt các yêu cầu của hội nhập kinh tế; tạo điều kiện cần thiết để nền kinh tế phát triển ổn định, bền vững và đạt tốc độ tăng trưởng cao.

Thực hiện tốt các chương trình mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VIII đã đề ra, nhằm hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế xã hội, giải quyết nhanh những bức xúc của xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường quốc phòng, an ninh.

Một số chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội chủ yếu năm 2006:

Các chỉ tiêu kinh tế

- Tổng sản phẩm trong tỉnh (GDP)                                               11,60% trở lên

- Giá trị sản xuất nông, thủy sản tăng trên                                    6,20%.

Trong đó: Nông nghiệp tăng                                                        5,70%

- Giá trị sản xuất công nghiệp tăng                                              24,00%.

- Giá trị các ngành dịch vụ tăng                                                   13,50 %.

- Tổng kim ngạch xuất khẩu:                                                       175 triệu USD

- Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội:                                      3.650 tỷ đồng trở lên

- Thu ngân sách trên địa bàn :                                                     918,9 tỷ đồng

- Tổng chi ngân sách địa phương:                                               1.280,995 tỷ đồng

[...]