Nghị quyết 18/2006/NQ-HĐND về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2007 do tỉnh Bình Dương ban hành

Số hiệu 18/2006/NQ-HĐND
Ngày ban hành 18/12/2006
Ngày có hiệu lực 19/12/2006
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Dương
Người ký Vũ Minh Sang
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 18/2006/NQ-HĐND

Thủ Dầu Một, ngày 18 tháng 12 năm 2006

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2007

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BÌNH DƯƠNG
KHÓA VII - KỲ HỌP THỨ 7

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Sau khi xem xét Báo cáo số 105/BC-UBND ngày 05 tháng 12 năm 2006 của Uỷ ban nhân dân tỉnh; báo cáo của các cơ quan hữu quan; báo cáo của các Ban của Hội đồng nhân dân và ý kiến của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh cơ bản tán thành nội dung báo cáo tình hình kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2006; mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp thực hiện Kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2007 được nêu trong báo cáo của Uỷ ban nhân dân tỉnh, báo cáo của các cơ quan hữu quan và báo cáo của các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh.

Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh nhấn mạnh một số vấn đề chủ yếu như sau:

1. Đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2006:

Năm 2006, mặc dù gặp khó khăn do thời tiết ở một số vùng không thuận lợi; ảnh hưởng đến việc điều chỉnh giá xăng dầu, giá nguyên vật liệu phục vụ sản xuất và nhiều loại hàng hóa, dịch vụ tăng cao, dịch bệnh xảy ra trong sản xuất nông nghiệp; sự cạnh tranh cả trong và ngoài nước về thu hút vốn đầu tư và thị trường thương mại ngày càng gay gắt,...đã tác động bất lợi đến nhiều mặt của hoạt động kinh tế - xã hội. Nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết tâm của các cấp uỷ Đảng và chính quyền các cấp, sự quan tâm hỗ trợ của Chính phủ và các Bộ ngành Trung ương, sự nỗ lực phấn đấu của các ngành, nhân dân và doanh nghiệp, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục phát triển; phần lớn các chỉ tiêu chủ yếu đều thực hiện đạt kế hoạch và tăng khá so với năm trước như: Tổng sản phẩm trong tỉnh (GDP) tăng 15%, dịch vụ tăng 23,9%, thu hút đầu tư nước ngoài đạt gấp hơn 2 lần kế hoạch đề ra,...; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỉ trọng công nghiệp, dịch vụ và giảm nông nghiệp với tỉ lệ tương ứng: 64,1% - 28,9% - 7%. Một số chỉ tiêu như: giá trị sản xuất công nghiệp (tăng 25,2%), kim ngạch xuất khẩu (tăng 29%), thu mới ngân sách (tăng 8%); tuy không thực hiện đạt kế hoạch đề ra nhưng giá trị thực hiện ở các ngành này đạt khá cao đã góp phần ổn định tốc độ tăng trưởng kinh tế chung của địa phương. Kinh tế của tỉnh tiếp tục phát triển đã tạo điều kiện tốt hơn cho việc thực hiện sự tiến bộ và công bằng xã hội, cơ sở hạ tầng kỹ thuật tiếp tục được nâng cấp và đầu tư mới, thu nhập bình quân đầu người đạt 17,5 triệu đồng, giải quyết việc làm cho gần 49.000 lao động, tỉ lệ lao động có việc làm ở nông thôn là 95%, tỉ lệ lao động thất nghiệp khu vực thành thị giảm còn 2,54%, số hộ nghèo giảm còn 5,52% (theo tiêu chí mới của tỉnh), số hộ dân sử dụng điện đạt 98% và hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch đạt 87,7%.

Đạt được thành quả này là do ý chí đoàn kết, năng động, sáng tạo của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân tỉnh nhà trong việc đẩy mạnh thực hiện công cuộc đổi mới, từng bước giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với thực hiện sự tiến bộ và công bằng xã hội; đồng thời qua đó cũng đã thể hiện rõ hơn những tiềm năng to lớn của việc phát huy nội lực và những lợi thế so sánh để đưa Bình Dương tiếp tục vượt qua khó khăn và phát triển bền vững.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2006 còn một số hạn chế, tồn tại như:

- Tốc độ phát triển kinh tế tiếp tục tăng trưởng là một cố gắng rất lớn, nhưng do xuất phát điểm của nền kinh tế thấp, năng suất lao động xã hội và tính cạnh tranh chưa cao, chi phí trung gian lớn, giá trị tăng thêm tạo ra chưa nhiều và chưa bền vững. Vốn huy động toàn xã hội cho đầu tư phát triển tiếp tục có chuyển biến tích cực và còn rất nhiều tiềm năng, nhưng nhìn chung hiệu quả đầu tư chưa cao.

- Chuyển dịch cơ cấu trong nội bộ ngành công nghiệp theo hướng tăng tỉ trọng các ngành công nghiệp kỹ thuật cao, giá trị gia tăng lớn,... còn diễn ra khá chậm. Ngành dịch vụ, văn hoá - xã hội chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn của tỉnh.

- Chất lượng, số lượng các quy hoạch còn nhiều hạn chế, chưa kịp thời đáp ứng nhu cầu phát triển; tổ chức thực hiện theo quy hoạch chưa đồng bộ và còn nhiều bất cập. Những hạn chế, yếu kém về công tác chuẩn bị đầu tư, công tác giải ngân, giải tỏa đền bù, công tác phối hợp trong quản lý đầu tư và xây dựng,... chậm được khắc phục.

- Chi phát sinh ngoài kế hoạch ngân sách còn nhiều. Chủ trương xã hội hóa trên một số lĩnh vực chưa được quan tâm đúng mức.

- Công tác quản lý sản xuất với môi trường, đô thị, nhà ở công nhân còn nhiều bất cập, chưa được giải quyết cơ bản, ô nhiễm môi trường có xu hướng gia tăng. Công tác phòng chống các loại tệ nạn xã hội, an toàn giao thông - trật tự đô thị,... chưa có chuyển biến rõ nét.

- Công tác đào tạo nguồn nhân lực; cải cách hành chính chưa kịp thời đáp ứng nhu cầu thực tiễn của địa phương. Một số ngành, địa phương chưa phát huy được tính chủ động, sáng tạo, thiếu sự phối hợp chặt chẽ.

2. Mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện Kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2007:

a) Mục tiêu tổng quát:

Tích cực đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế để phát triển nhanh và bền vững, tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, chăm sóc sức khỏe nhân dân; giải quyết kịp thời các vấn đề xã hội bức xúc; giảm thiểu ô nhiễm, cải thiện môi trường. Chủ động kết hợp chặt chẽ tốt hơn nữa với vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong quá trình phát triển. Kiện toàn tổ chức và hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của bộ máy Nhà nước các cấp để nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động, đáp ứng nhiều hơn các mục tiêu cải cách hành chính, phát triển đô thị và chủ động hội nhập quốc tế, phấn đấu thực hiện một số các chỉ tiêu chủ yếu cao hơn so với mức bình quân của kế hoạch 5 năm.

b) Chỉ tiêu chủ yếu:

Về kinh tế:

- Tổng sản phẩm trong tỉnh (GDP) tăng 15% so với năm 2006.

- Cơ cấu kinh tế của tỉnh trong GDP: Công nghiệp chiếm 64,5%; dịch vụ chiếm 29,5 % và nông nghiệp chiếm 6%.

- Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 29 - 30% so với năm 2006.

- Giá trị sản xuất nông lâm nghiệp tăng 5,5 - 6 % so với năm 2006.

[...]