Nghị quyết 17/2009/NQ-HĐND về Tổ chức mạng lưới Thú y cơ sở; Phát triển một số giống cây trồng, vật nuôi và giống thủy sản chủ lực giai đoạn 2010- 2015 và phát triển chăn nuôi tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2010- 2015, định hướng đến năm 2020

Số hiệu 17/2009/NQ-HĐND
Ngày ban hành 30/07/2009
Ngày có hiệu lực 09/08/2009
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Trị
Người ký Lê Hữu Phúc
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG TRỊ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 17/2009/NQ-HĐND

Đông Hà, ngày 30 tháng 7 năm 2009

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ TỔ CHỨC MẠNG LƯỚI THÚ Y CƠ SỞ; PHÁT TRIỂN MỘT SỐ GIỐNG CÂY TRỒNG, VẬT NUÔI VÀ GIỐNG THỦY SẢN CHỦ LỰC GIAI ĐOẠN 2010- 2015 VÀ PHÁT TRIỂN CHĂN NUÔI TỈNH QUẢNG TRỊ GIAI ĐOẠN 2010- 2015, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG TRỊ KHÓA V, KỲ HỌP THỨ 18

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Nghị quyết số 26-NQ/TW của Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 7 (Khóa X) về Nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Pháp lệnh Giống cây trồng năm 2004, Pháp lệnh Giống vật nuôi năm 2004, Pháp lệnh Thú y năm 2004 và Nghị định số 33/2005/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Thú y; Quyết định số 10/2008/QĐ-TTg ngày 16/01/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020;

Xét Tờ trình số 1862/TTr-UBND ngày 10/7/2009 của UBND tỉnh về Đề nghị thông qua 3 đề án Tổ chức mạng lưới thú y cơ sở; Phát triển một số giống cây trồng, vật nuôi và giống thủy sản chủ lực giai đoạn 2010- 2015 có tính đến năm 2020 và Đề án Phát triển chăn nuôi tỉnh Quảng Trị đến năm 2015 có tính đến năm 2020; Tờ trình số 2021/TTr-UBND ngày 22/7/2009 của UBND tỉnh; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế- Ngân sách HĐND tỉnh và ý kiến của các đại biểu HĐND tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Đề án về "Tổ chức mạng lưới Thú y cơ sở; Phát triển một số giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản chủ lực và Phát triển chăn nuôi tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2010- 2015 có tính đến năm 2020" với các nội dung chủ yếu sau:

1. Mục tiêu tổng quát

Góp phần phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao; bảo đảm vững chắc an ninh lương thực; duy trì nhịp độ tăng giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân đạt 4- 4,5%/năm; Phát triển chăn nuôi tập trung theo hướng quy mô trang trại, gia trại, công nghiệp, bán công nghiệp và đảm bảo an toàn dịch bệnh. Phấn đấu tỷ trọng chăn nuôi trong giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 35% vào năm 2015 và khoảng 40% vào năm 2020.

2. Mục tiêu cụ thể

Về mạng lưới Thú y cơ sở: Phấn đấu đến năm 2010 đảm bảo tất cả các xã, phường, thị trấn và huyện đảo Cồn Cỏ có Trưởng Thú y; đến năm 2012 các thôn, bản, khu phố có nhân viên Thú y.

Về giống cây trồng: Bảo đảm diện tích lúa nước được gieo trồng bằng giống xác nhận vào năm 2011 đạt 50% năm 2015 đạt 80% và năm 2020 đạt 100%; cơ cấu diện tích lúa nước sử dụng giống chất lượng cao năm 2015 đạt 15.000 ha và năm 2020 đạt 18.000- 20.000 ha. Đến năm 2015 diện tích sử dụng giống ngô mới đạt 70% và năm 2020 đạt 90%. Đến năm 2015 diện tích gieo trồng lạc sử dụng giống bảo đảm chất lượng đạt 80% và năm 2020 đạt 100%.

Về giống con nuôi: Đến 2010 đưa đàn bò lai được cải tiến giống đạt 28- 30% đến 2015 đạt 35- 38% và tỷ lệ đàn bò được cải tiến đạt 40- 45% vào năm 2020. Phấn đấu đưa đàn lợn thịt có tỷ lệ nhẹ vào năm 2010 đạt 35% tổng đàn, năm 2015 đạt 60%, năm 2020 đạt 80% và đảm bảo giống bố, mẹ đủ cung cấp cho các cơ sở sản xuất vào năm 2015;

Đến năm 2015 đáp ứng 100% nhu cầu giống cá truyền thống; 50- 60% các loại giống đặc sản có giá trị kinh tế. Đến năm 2015 đáp ứng 70- 80% nhu cầu giống tôm sú, giống cua biển và 40- 50% giống tôm thẻ chân trắng sản xuất tại chỗ, qua kiểm dịch đạt chất lượng theo tiêu chuẩn kỹ thuật.

Về chăn nuôi: Đến năm 2010 đàn bò đạt 80.000- 82.000 con, năm 2020 ổn định đàn bò khoảng 120.000 con và tỷ lệ đàn bò được cải tiến đạt 40- 45%;

Đàn lợn đạt 250.000 con vào năm 2010, 300.000 con vào năm 2015 và 350.000- 400.000 con vào năm 2020;

Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 25.000 tấn vào năm 2010; 30.000 tấn vào năm 2015 và 35.000- 40.000 tấn năm 2020; đạt tiêu chuẩn chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Xây dựng được hệ thống xử lý chất thải trong chăn nuôi; nâng cao tỷ lệ cơ sở chăn nuôi sử dụng năng lượng.tái tạo (Năng lượng khí sinh học từ chất thải chăn nuôi), đến năm 2010 tỷ lệ chuồng trại hợp vệ sinh đạt trên 50% và đạt 60% vào năm 2015, đạt 70- 75% vào năm 2020.

3. Một số chính sách tổ chức mạng lưới Thú y cơ sở; hỗ trợ, khuyến khích sản xuất một số giống cây trồng, vật nuôi và giống thủy sản chủ lực và phát triển chăn nuôi:

a) Tổ chức mạng lưới Thú y cơ sở:

- Về số lượng Thú y cơ sở:

Mỗi xã, phường, thị trấn đều có mạng lưới Thú y cơ sở bao gồm Trưởng Thú y (Sau đây gọi là Trưởng Thú y xã) và các nhân viên Thú y cho mỗi thôn, bản, khu phố (Sau đây gọi là Thú y viên).

Trưởng Thú y xã, các Thú y viên do UBND xã, phường, thị trấn phối hợp với Trạm Thú y huyện, thị xã lựa chọn trên cơ sở điều kiện, tiêu chuẩn quy định, nằm trong hệ thống chuyên ngành Thú y của tỉnh, chịu sự quản lý trực tiếp của UBND xã, phường, thị trấn và chịu sự giám sát, chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Trạm Thú y huyện, thị xã.

- Chế độ phụ cấp:

+ Đối với Trưởng Thú y xã:

Được hưởng mức phụ cấp hàng tháng bằng hệ số 1 so với mức lương tối thiểu theo quy định của Chính phủ từng thời kỳ và kinh phí đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (BHXH, BHYT) thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành. Thời gian thực hiện từ năm 2010.

[...]