Nghị quyết 168/NQ-HĐND về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2024 do tỉnh Vĩnh Long ban hành

Số hiệu 168/NQ-HĐND
Ngày ban hành 10/07/2024
Ngày có hiệu lực 10/07/2024
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Vĩnh Long
Người ký Bùi Văn Nghiêm
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH LONG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 168/NQ-HĐND

Vĩnh Long, ngày 10 tháng 7 năm 2024

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 6 THÁNG CUỐI NĂM 2024

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH VĨNH LONG
KHÓA X, KỲ HỌP THỨ 8

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Nghị quyết số 103/2023/QH15 ngày 09/11/2023 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024;

Căn cứ Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024;

Căn cứ Nghị quyết số 138/NQ-HĐND ngày 12/12/2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024;

Xét Báo cáo số 262/BC-UBND ngày 18/6/2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu 6 tháng cuối năm 2024; Tờ trình số 102/TTr-UBND ngày 18/6/2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2024; Báo cáo của các ngành bảo vệ pháp luật; Thông báo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Vĩnh Long tham gia xây dựng chính quyền năm 2024; Báo cáo thẩm tra của các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thống nhất đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu 6 tháng cuối năm 2024 nêu trong Báo cáo số 262/BC-UBND ngày 18/6/2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh, đồng thời nhấn mạnh một số nội dung sau:

Tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm đạt được kết quả tích cực. Các cân đối lớn kinh tế được đảm bảo; kinh tế đạt mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ và tăng đều cả 3 khu vực nông nghiệp, công nghiệp và thương mại dịch vụ; sản xuất công nghiệp có sự phục hồi nhanh, cung cầu hàng hóa và giá cả hàng hóa trên thị trường ổn định; thu ngân sách vượt tiến độ và tăng khá so với cùng kỳ; các hoạt động an sinh xã hội, giải quyết việc làm, các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, chăm sóc sức khỏe Nhân dân, phòng chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường được chú trọng; các chính sách về dân tộc, tôn giáo được quan tâm thực hiện kịp thời, hiệu quả; công tác cải cách hành chính, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí được chú trọng góp phần tạo sự đồng thuận, thống nhất cao và củng cố niềm tin trong Nhân dân; công tác quân sự quốc phòng được tăng cường, an ninh chính trị được giữ vững, trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo.

Tuy nhiên, các hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh vẫn còn những hạn chế và khó khăn, thách thức: tác động của tình hình thế giới, khu vực ... tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, khó lường; lạm phát có xu hướng tăng cao; các cân đối lớn của nền kinh tế tiềm ẩn nhiều rủi ro; một số ngành, lĩnh vực sản xuất phục hồi chậm, nhu cầu và khả năng hấp thụ vốn cho đầu tư sản xuất kinh doanh, nhà ở xã hội hạn chế; chưa khai thác được thị trường xuất khẩu mới, sản xuất nông nghiệp còn chịu nhiều áp lực trước chi phí giống, vật tư nông nghiệp tăng cao; triển khai kế hoạch vốn đầu tư công chậm, giải ngân đạt thấp; nguồn cung cấp cát san lấp thiếu hụt nghiêm trọng, tình hình tội phạm vi phạm pháp luật còn phức tạp, tai nạn giao thông tăng cả 03 tiêu chí,....

Điều 2. Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2024

1. Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; triển khai nghiêm các chính sách, nhiệm vụ, giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô của Trung ương

Tiếp tục đẩy mạnh các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) và khuyến khích, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới trên nền tảng ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh,... Tiếp tục thực hiện chính sách về thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, tín dụng,... để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh.

Triển khai thực hiện nhanh, hiệu quả Quy hoạch tỉnh Vĩnh Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; rà soát điều chỉnh các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành theo định hướng quy hoạch tỉnh, đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành quy hoạch vùng huyện đến năm 2030, làm cơ sở cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực; đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, thúc đẩy các hoạt động kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững.

Theo dõi chặt chẽ tiến độ thu - chi ngân sách nhà nước năm 2024. Đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong thu, chi ngân sách. Thực hiện nghiêm quy định về thu thuế, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, mở rộng cơ sở thu và chống thất thu thuế, nhất là đối với các dịch vụ kinh doanh ăn uống, nhà hàng, thương mại điện tử, tăng cường công tác thu nợ thuế. Triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, các nhiệm vụ chi không thực sự cấp bách để ưu tiên cho tăng chi đầu tư phát triển. Thực hiện kịp thời, hiệu quả Đề án sắp xếp nhà, đất được phê duyệt, thường xuyên rà soát, tránh lãng phí, thất thoát tài sản công.

Thực hiện hiệu quả công tác quản lý giá góp phần ổn định chỉ số giá tiêu dùng, nhất là đối với các hàng hóa thiết yếu. Kịp thời triển khai các phương án giá, lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng theo thị trường có sự điều tiết của Trung ương. Tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho người dân, doanh nghiệp theo hướng an toàn, hiệu quả; hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, tiêu thụ nông sản, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; kiểm soát tỷ lệ nợ xấu trong giới hạn an toàn.

Thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 với phương châm "càng sớm, càng hiệu quả", lấy đầu tư công dẫn dắt và thu hút nguồn lực đầu tư xã hội khác. Quyết liệt hơn nữa trong công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục đầu tư, tiến độ thi công các dự án, công trình; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về cung ứng vật liệu thi công, san lấp.... nhất là đối với công trình, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi kinh tế xã hội.

2. Thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực kinh tế; tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh

a) Về nông nghiệp - nông thôn

Chủ động xây dựng kịch bản, kế hoạch sản xuất, thời vụ phù hợp tình hình của địa phương, nhất là trong điều kiện mưa bão, xâm nhập mặn, có giải pháp định hướng sản xuất, hỗ trợ xây dựng các nhãn hiệu, thương hiệu nông, thủy sản và truy xuất nguồn gốc, xây dựng mã số vùng trồng, mã số vùng nuôi, mã số đóng gói; hướng dẫn áp dụng khoa học công nghệ, các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; thúc đẩy phát triển các vùng nguyên liệu, sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn (lúa, rau màu, cây ăn trái) theo các tiêu chuẩn và yêu cầu của thị trường; mở rộng các kênh phân phối, hỗ trợ mở rộng các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ, nhất là những sản phẩm chủ lực. Quản lý kiểm soát tốt chất lượng vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi, giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản.

Triển khai thực hiện Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long. Thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2021-2025. Tiếp tục duy trì, nâng chất các tiêu chí huyện, xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, ấp nông thôn mới kiểu mẫu năm 2024.

Theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, chuẩn bị các phương án đề phòng giông lốc, di dời dân trong vùng sạt lở, nguy cơ sạt lở vào mùa mưa; hạn chế ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân.

b) Về công nghiệp

Triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại ngành công thương; các chính sách, giải pháp hỗ trợ phục hồi, phát triển các ngành công nghiệp, nhất là những ngành, sản phẩm phục hồi chậm, đạt mức tăng trưởng thấp. Thường xuyên nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp, kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, nhất là nguồn vốn, thị trường; hỗ trợ đăng ký quảng bá thương hiệu sản phẩm, ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất. Tập trung thu hút đầu tư các lĩnh vực mới, dự án quy mô lớn, công nghệ cao.

Hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện nhanh thủ tục và triển khai đầu tư, hoàn thiện hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã được chấp thuận đầu tư như: khu công nghiệp Đông Bình và Gilimex Bình Tân, cụm công nghiệp Thuận An và Tân Bình.

[...]