Chỉ thị 08/CT-UBND năm 2024 xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 do tỉnh Thanh Hóa ban hành

Số hiệu 08/CT-UBND
Ngày ban hành 18/06/2024
Ngày có hiệu lực 18/06/2024
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Thanh Hóa
Người ký Đỗ Minh Tuấn
Lĩnh vực Thương mại,Tài chính nhà nước,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 08/CT-UBND

Thanh Hóa, ngày 18 tháng 6 năm 2024

 

CHỈ THỊ

VỀ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2025

Năm 2024, tình hình thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, rủi ro. Tình trạng bất ổn an ninh, chính trị tiếp tục leo thang tại một số quốc gia, khu vực, nhất là tại Nga - Ucraina, dải Gaza, Biển Đỏ...; lạm phát vẫn duy trì ở mức cao, chính sách tiền tệ tại nhiều nền kinh tế lớn tiếp tục được điều hành thận trọng theo hướng thắt chặt; kinh tế thế giới phục hồi không đồng đều. Ở trong nước, tình hình kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, tăng trưởng kinh tế, sản xuất kinh doanh tiếp tục phục hồi.

Năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, đồng thời là năm tổ chức Đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2025 - 2030; kinh tế trong nước, trong tỉnh bên cạnh những thuận lợi là cơ bản, dự báo còn tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức lớn hơn, phức tạp hơn. Để tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị số 17/CT- TTg ngày 22/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025, đòi hỏi các cấp, các ngành phải kế thừa, phát huy thành quả đã đạt được, tận dụng tối đa tiềm năng, thế mạnh để tiếp tục tập trung khắc phục những hạn chế, yếu kém, vượt qua các khó khăn, thách thức, tạo tiền đề thuận lợi cho kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn tới; trên cơ sở đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, Trưởng các ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, khẩn trương xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 với các yêu cầu, nhiệm vụ chủ yếu như sau:

I. NHIỆM VỤ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2025

1. Yêu cầu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025

1.1. Đối với đánh giá kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2024

a) Bám sát các mục tiêu, chỉ tiêu, định hướng phát triển đề ra tại Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và theo các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị; các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ; quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; các nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ và HĐND các cấp về phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

b) Đánh giá đúng thực chất, bảo đảm tính khách quan, trung thực, sát thực tiễn về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, so sánh với năm 2023 và các năm 2021 - 2023, bao gồm: các mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và ước thực hiện cả năm 2024; phân tích, đánh giá những kết quả đạt được trong xây dựng thể chế, phát triển kinh tế, xã hội, kết cấu hạ tầng, môi trường, cải cách hành chính, chuyển đổi số, quốc phòng, an ninh...; các tồn tại, hạn chế, trong đó phân tích kỹ các nguyên nhân chủ quan và khách quan; xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong những tháng cuối năm để kịp thời khắc phục, hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, cải thiện đời sống Nhân dân trong những tháng cuối năm.

1.2. Đối với xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025

a) Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 phải được xây dựng trên cơ sở đánh giá đầy đủ, chính xác, khách quan tình hình, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội các năm 2021 - 2023, ước thực hiện năm 2024; đánh giá, phân tích, dự báo khả năng hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu đề ra tại kế hoạch 5 năm 2021 - 2025; tập trung theo dõi, dự báo kịp thời những diễn biến của tình hình thế giới, trong nước và trong tỉnh để chuẩn bị, sẵn sàng các kịch bản, giải pháp, đối sách phù hợp, hạn chế tối đa những ảnh hưởng tiêu cực có thể xảy ra đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025. Trên cơ sở đó, xác định các mục tiêu, nhiệm vụ và chỉ tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, đảm bảo bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Nghị quyết của Hội đồng nhân dân các cấp về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.

b) Năm 2025 là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, nên các mục tiêu, định hướng đề ra phải có tính phấn đấu cao, các giải pháp phải mang tính đột phá, mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả hơn, đảm bảo tính khả thi, phù hợp với khả năng thực hiện của các cấp, các ngành, gắn với khả năng cân đối, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực ; đồng thời, phải cụ thể về nội dung, thời gian, tiến độ thực hiện, hoàn thành; cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp; tạo ra chuyển biến mạnh mẽ, thực chất trong phát triển kinh tế - xã hội, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2021 - 2025.

c) Kế hoạch của các ngành, địa phương, đơn vị phải phù hợp với Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hoá đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, phấn đấu đạt mục tiêu đề ra tại Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; phù hợp với đặc điểm, trình độ phát triển của từng ngành, từng địa phương; bám sát dự báo, đánh giá tình hình, bối cảnh quốc tế, trong nước và trong tỉnh trong thời gian tới; đồng thời, đảm bảo kế thừa, phát huy những thành quả đã đạt được, có đổi mới và tiếp thu, tiếp cận xu hướng phát triển chung của khu vực và thế giới, cũng như khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

d) Việc đề xuất các chỉ tiêu theo ngành, lĩnh vực phải: (i) Thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia; trường hợp chỉ tiêu đề xuất không thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia phải có định nghĩa, khái niệm, phương pháp tính rõ ràng, phù hợp với quy định, bảo đảm tính chính xác, đồng bộ, thống nhất về thông tin, số liệu thống kê trên phạm vi cả nước, phục vụ tốt công tác theo dõi, đánh giá và xây dựng kế hoạch; bảo đảm nguồn lực thực hiện trên nguyên tắc tiết kiệm và hiệu quả; (ii) bảo đảm khả năng thu thập thông tin, theo dõi liên tục, đánh giá định kỳ; không đề xuất các chỉ tiêu chuyên ngành phức tạp, chủ yếu phục vụ mục đích nghiên cứu; (iii) bảo đảm tính khả thi, dễ hiểu, có khả năng so sánh với dữ liệu quá khứ; (iv) bảo đảm tính gắn kết chặt chẽ và phản ánh trực tiếp tình hình thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu; (v) phù hợp với thông lệ quốc tế.

2. Nội dung chủ yếu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025

Các ngành, địa phương, đơn vị căn cứ yêu cầu tại khoản 1 mục I, xây dựng báo cáo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với các nội dung chủ yếu sau:

2.1. Đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024

Trên cơ sở tình hình, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2024, các ngành, địa phương, đơn vị tổ chức đánh giá và ước thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 trên tất cả các ngành, lĩnh vực được phân công theo dõi, quản lý. Nội dung đánh giá phải đầy đủ, thực chất, chính xác các kết quả đạt được (đặc biệt cần nêu rõ thành tựu nổi bật, thành tự mới; khác biệt so với giai đoạn 2021 - 2023 của năm 2024, so sánh với kết quả thực hiện năm 2023 và thời điểm trước dịch Covid-19); những khó khăn, hạn chế và nguyên nhân cụ thể để có biện pháp khắc phục; trong đó tập trung đánh giá tác động của xung đột quân sự Nga - Ucraina, dải Gaza, Biển Đỏ, tình hình lạm phát, tỷ giá, lãi suất, biến động giá cả hàng hóa thế giới (xăng dầu, vàng...), các vấn đề an ninh truyền thống, an ninh phi truyền thống, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, an ninh mạng...; từ đó rút ra bài học kinh nghiệm trong thực hiện kế hoạch năm 2024; cụ thể:

a) Các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, đánh giá đầy đủ các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ tại Nghị quyết số 450/NQ-HĐND ngày 14/12/2023 của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Quyết định số 5050/QĐ-UBND ngày 28/12/2023 của UBND tỉnh về việc ban hành kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh năm 2024, Quyết định số 01/QĐ-UBND ngày 30/12/2023 của UBND tỉnh về việc ban hành Chương trình công tác năm 2024 của UBND tỉnh Thanh Hóa; báo cáo đầy đủ việc thực hiện các chỉ tiêu được giao theo mẫu tại Phụ lục kèm theo; trong đó, tập trung đánh giá một số vấn đề trọng tâm sau:

- Kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 37/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Tình hình triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040; kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa; kết quả rà soát, điều chỉnh, bổ sung và xây dựng mới các quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch, các quy hoạch phân khu chức năng, quy hoạch chi tiết xây dựng; kế hoạch sử dụng đất năm 2024 cấp huyện; kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2025...

- Các giải pháp, nhiệm vụ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh phát triển; thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; kết quả phát triển các ngành kinh tế trọng yếu thuộc khu vực: nông, lâm nghiệp và thủy sản, công nghiệp - xây dựng, dịch vụ thương mại và xuất nhập khẩu; kết quả thực hiện các biện pháp quản lý thu, chống thất thu, giảm nợ đọng thuế; quản lý chặt chẽ việc sử dụng chi ngân sách nhà nước.

- Công tác cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; kết quả thu hút đầu tư; công tác quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại; kết quả phát triển doanh nghiệp và các giải pháp phát triển doanh nghiệp.

- Tăng cường đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học và công nghệ; đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số; phát triển đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế; nâng cao chất lượng hệ thống chính sách xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và sức khỏe của Nhân dân; tình hình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; công tác phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hội nhập quốc tế.

- Tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; thực hiện đồng bộ, hiệu quả các cơ chế, chính sách, giải pháp chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai; đảm bảo an ninh nguồn nước.

- Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy; tinh giản biên chế, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, giải quyết khiếu nại tố cáo, phòng chống tham nhũng. Công tác hoàn thiện hệ thống thể chế, pháp luật; rà soát, tháo gỡ các điểm nghẽn về cơ chế, chính sách. Tình hình triển khai Đề án 06.

- Tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và thuận lợi cho kinh tế - xã hội phát triển.

b) Các huyện, thị xã, thành phố đánh giá các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ và Nghị quyết của HĐND các huyện, thị xã, thành phố về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

2.2. Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025

[...]